Nội san

Hoa văn trên vải của người H’Mông đen Tả Van, Sa Pa

15 Tháng Chín 2015

                                                                                              Lê Vũ Hoàng Khánh

 

Dân tộc H’Mông sinh sống ở Việt Nam với khoảng 80 vạn người. Từ xa xưa, họ luôn chọn địa hình vùng cao của miền núi để sinh sống. Bởi vậy, người H’Mông ở bất kỳ đâu cũng luôn sống với tâm thế chấp nhận khó khăn và thử thách của thiên nhiên như một định mệnh. Địa hình sinh sống phản ánh được tính cách, lối sống ứng xử đầy bản lĩnh, phóng khoáng và mạnh mẽ trước thiên nhiên của họ.

Cùng với việc sản xuất nông nghiệp, người H’Mông cũng có các nghề thủ công truyền thống đặc sắc như trạm bạc, đúc đồng, dệt lanh, thêu hoa văn thổ cẩm... Hoa văn trên vải của người H’Mông quả thực là những trang ký sử, những câu chuyện kể về thế giới quan, thiên nhiên vùng sơn cước đầy sống động. Những đồ án hoa văn của họ mang tính nghệ thuật cao, hầu hết các hoa văn trang trí đều mang tính chất độc bản. Do quá trình trao truyền nghề, quá trình sáng tạo hoa văn của mỗi người phụ nữ H’Mông mà hoa văn cứ tiếp nối như một dòng chảy xuyên suốt lịch sử tồn tại của dân tộc miền sơn cước này.

Trên con đường tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm của đồng bào H’Mông, chúng tôi đã đọc sách báo nghiên cứu về nghề, thu lượm tin tức từ hồi ức của người dân địa phương để có được cái nhìn rõ nét về các loại hoa văn và cách thức tạo hoa văn độc đáo của họ.

1. Các loại hoa văn

Chủ yếu hoa văn trang trí của ngườiH’Mông từ các hình kỷ hà, song song lấy ý tưởng từ các loại hoa lá, cây rừng xung quanh nơi ở. Hoa văn cách điệu từ các hình vuông, tròn, tam giác, đường thẳng song song, zíc zắc... tạo hình phong phú trên trang phục. Trang trí hoa văn trên vải có vị trí quan trọng trong nghệ thuật tạo hình dân gian và quyết định sự khác biệt rõ rệt nhất giữa trang phục H’Mông với các dân tộc khác. Đây cũng là một nét đặc trưng về văn hóa của dân tộc H’Mông để phân biệt các ngành H’Mông đen, H’Mông hoa,H’Mông trắng... Vải lanh khi đã dệt và nhuộm chàm được người phụ nữ khéo léo thêu các loại hoa văn lên từng mảnh riêng để làm cổ, thắt lưng, tay áo.

 

Người H’Mông thực hiện tạo hoa văn bằng sáp ong và khuôn dập hình thú

 

Người H’Mông đặc biệt rất thành thục trong việc bố cục các đồ án hoa văn hình tròn, đường cong, hình vuông, hình xoáy trôn ốc hay các biến thể của nó là hai hình xoáy trôn ốc được bố trí đối xứng qua gương tạo thành hình móc hoặc đối xứng trục quay thành hình chữ S là những loại họa tiết có đường cong đầy tính uyển chuyển, sinh động.

Người H’Mông đen chủ yếu thêu các đồ án hoa văn to bản. Hoa văn trên tay, thắt lưng và cổ áo mỗi người đều người phụ nữ H’Mông tự sáng tạo trong quá trình lao động sản xuất, mô phỏng lại hoa lá, thiên nhiên nơi cư trú.

Nhìn chung, ngườiH’Mông đen ở Tả Van gồm các nhóm hoa văn trang trí sau:

Nhóm hoa văn thứ nhất: Mô phỏng động vật xung quanh mình

Hàng ngày trên đường lên nương rẫy ngườiH’Mông bắt gặp trên núi rất nhiều ốc sên. Họ sử dụng hình ảnh của con ốc sên để làm hoa văn trang trí do yêu thích sự đôn hậu và thanh bình hiện hữu trên con vật.

Hoa văn hình móng lợn: ngườiH’Mông thêu hoa văn mô tả hình móng chân của lợn- một loài vật nuôi gần gũi, hiền lành. Họ sử dụng hoa văn này để thêu trang trí váy,thêu tặng người yêu hoặc chăn đắp cho người đã mất.

 

Mẫu chăn tổng hợp các kỹ thuật tạo hoa văn (thêu, ghép vải, vẽ sáp ong)

 

Nhóm hoa văn thứ hai: Mô phỏng các loại thực vật, hoa lá

Hoa văn hình hoa bí dùng để thêu trang trí trên váy, thắt lưng, tặng cho người yêu, tấm đắp cho người chết. Hoa bí là nguồn thức ăn chủ yếu trong mỗi bữa ăn, hoa bí và cây rau bí từ lâu đã gắn liền với cuộc sống của đồng bàoH’Mông đen. Đặc biệt đây là dạng hoa văn được ngườiH’Mông ưa chuộng, phù hợp thêu đồ án to như thắt lưng, cổ áo.

 Hoa hồi, một vị thuốc thiên nhiên chữa bệnh cho đồng bào như nhiệt ở lưỡi, đau cổ… được thấy trên hoa văn váy cưới, tấm đắp cho người chết, trên dây lưng, tấm khăn tặng cho người yêu.

Nhóm hoa văn thứ ba: Mô phỏng công cụ lao động

 Hoa văn mô phỏng guồng quay dùng để làm các sợi lanh mảnh hơn sau khi nối, một trong các giai đoạn của kỹ thuật dệt lanh. Họa tiết này thường được thêu trên váy, dây lưng và một số đồ lưu niệm như ví, khăn.

 Hoa văn mô phỏng hình khung quay sợi, dụng cụ không thể thiếu trong dệt lanh. Họa tiết thường thấy trong vẽ sáp ong lên khăn, chăn của người H’Mông đen.

Về màu sắc, trang trí hoa văn của người H’Mông ở Tả Van chủ yếu là màu lạnh, màu chủ đạo là xanh lá và tím. Khác với người Thái trước khi dệt phải lấy đủ các loại lá để nhuộm 5 màu:trắng, xanh, da cam, trắng, vàng chanh. Hòa sắc của người Thái khá vui tươi, bao gồm cả màu nóng và lạnh. Sự kết hợp màu sắc của phụ nữ các dân tộc phía Nam hoặc miền Trung tương đối nhiều màu nóng, hòa sắc nóng là chủ đạo.

Các tộc người Lô Lô, Phù Lá lại thiên về việc sử dụng gam màu trung gian cho các họa tiết trang trí. Đa phần họ dùng màu nóng, màu trung gian của màu nóng để kết hợp như: đỏ gạch non, lòng tôm nhạt, màu xanh lá nhạt... Hòa sắc của người H’Mông tương đối hài hòa bằng nhiều màu lạnh đan xen, hòa sắc lạnh mô tả màu cỏ cây, hoa lá núi rừng.

2.  Cách thức tạo hoa văn

           Vẽ hoa văn bằng sáp ong: Tạo hoa văn bằng sáp ong trực tiếp lên vải lanh. Người ta dùng  bát đựng sáp ong hòa với nến trong chậu than để sáp luôn được ở dạng lỏng. Bút để vẽ sáp ong là bút cán gỗ, đầu bút làm từ 3 miếng đồng ghép lại. Người phụ nữ dùng bút chấm sáp đã nóng chảy để vẽ trực triếp lên vải lanh. Đặc biệt, cách tạo hoa văn này đòi hỏi sự chính xác, tập trung cao độ cũng như đầu óc sáng tạo, tính thẩm mỹ của người vẽ. Khi sáp ong đã vẽ lên vải sẽ không thể thay đổi được hoa văn, chỉ khi nhuộm đi sáp mới bong ra để lộ hình hoa văn đã vẽ. Chị Giàng Thị Do - một người trẻ theo nghề dệt thổ cẩm cho hay: “...bây giờ không còn nhiều người biết vẽ sáp này, chỉ có mẹ hoặc bà thôi. Em cũng biết cách vì em theo mẹ học dệt nhưng không làm được đẹp”. Kỹ thuật tạo hoa văn thú vị này đang dần bị mai một bởi độ khó cao trong nhiều công đoạn.

Nhờ việc nhuộm chàm nhiều lần, nên hoa văn tạo bằng sáp ong cũng có thể  tạo 2 sắc độ. Loại hoa văn màu trắng là vải lanh nhuộm qua sáp ong 1,2 lần, hoa văn vẽ bằng sáp ong trực tiếp lên nền vải trắng sẽ giữ được màu trắng ngà. Loại hoa văn màu xanh nhạt là vải lanh sau khi nhuộm chàm 1 lần, người H’Mông vẽ sáp lên lớp màu chàm nhạt đó rồi đem nhuộm vải tiếp cho đến khi màu sậm như mong muốn. Hoa văn tạo thành sau khi đã gột sáp ong là hoa văn màu xanh chàm nhạt.

Thêu hoa văn bằng chỉ màu: Tạo hoa văn bằng cách thêu chỉ màu trên vải lanh được phụ nữ người H’Mông làm trong lúc nông nhàn. Sau khi vải lanh được dệt, nhuộm chàm, người phụ nữ H’Mông sẽ thêu hoa văn lên từng mảnh vải. Hoa văn thêu tay của họ chủ yếu là hình vuông, tròn, xoáy trôn ốc. Mỗi người đều tự sáng tạo ra mỗi loại hoa văn của riêng mình. Bởi vậy, hoa văn của dân tộc H’Mông phong phú về tạo hình và mang tính độc bản. Kỹ thuật thêu hoa văn của người H’Mông phần lớn thêu theo lối chéo mũi chữ “x” đan xen hoặc thêu lát các màu tạo thành đồ án hoa văn như đường diềm trang trí tay, cổ hoặc thắt lưng áo. Cách thêu này thể hiện sự chủ động, sáng tạo và khéo léo khác thường của người H’Mông. Lối thêu đó đã không giới hạn sức sáng tạo của người H’Mông trên vải cũng như giới hạn dòng chảy của hoa văn trong kho tàng hoa văn của đồng bào dân tộc này.

Tạo hoa văn ghép vải: Đặc biệt hơn, họ còn có cách tạo hoa văn bằng khâu ghép vải. Kỹ thuật này dùng các loại vải màu chắp lên nhau, tạo thành các đường viền màu làm nổi lên các hình thêu hoa văn có sẵn. Màu chủ đạo trong ghép vải phụ nữ H’Mông là màu đỏ, xanh lam, trắng, xanh lá cây. Các viền đỏ và xanh lam được khâu xen kẽ trên dưới các đồ án thêu hoa văn. Màu vải ghép hòa sắc cùng màu chỉ thêu uyển chuyển, hài hòa sống động. Đôi khi họa tiết vải ghép còn là các hình tròn, tam giác và hình vuông được khâu ở giữa, xung quanh trang trí bằng các đường nét chỉ thêu uyển chuyển. Đây là lối trang trí truyền thống đặc sắc của người H’Mông làm nổi bậtcác đồ án hoa văn.

3. Nhuộm chàm

Đây là một phần quan trọng trong các bước tạo hoa văn của người H’Mông. Vải khi đã được nhuộm xong được họ nhuộm chàm nhiều lần trước khi mang ra may quần áo. Chàm là một loại cây được trồng ở vùng cao, thường được người H’Mông sử dụng lá để nhuộm vải. Ngoài ra đây còn là một vị thuốc chữa sốt và giải độc.

Vải lanh của người H’Mông sau khi đã dệt được nhuộm chàm đều có “cái lý” của nó. Màu chàm nhuộm giúp vải lanh bền hơn, trông đẹp hơn. Lá chàm khi được ngâm, ủ sẽ tiết ra mùi khó ngửi có thể ngăn chặn côn trùng. Hơn nữa, việc nhuộm chàm còn giúp họ chống đỉa, vắt khi đi làm ruộng. Bộ quần áo chàm vừa là màu sắc thiên nhiên vừa là lớp lá chắn bảo vệ cho người H’Mông trong lao động sản xuất. Người H’Mông ngâm chàm bằng thùng gỗ lớn để ngoài sân, thùng ủ chàm có thể để trong nhà. Thùng gỗ ủ chàm thường có đường kính 1,5m cao 1,2m đến 1,5m được ghép từ các miếng gỗ hình chữ nhật. Gỗ được xẻ thành từng miếng, bào phẳng, ghép lại rồi đóng đai.

 

Họa tiết vẽ sáp ong sau khi đã nhuộm chàm

 

Cành và lá cây lanh được hái đem về ngâm với nước lã 3 ngày đến một tuần. Khi lá cây đã mục rữa sẽ cho nước chàm xanh lá cây, bã và lá chàm được lấy ra. NgườiH’Mông trộn vôi vào nước chàm đó trong hơn 1 tiếng để giữ màu, làm đậm màu nước nhuộm. Vôi chính là chất xúc tác biến nước chàm từ màu xanh lá cây thành màu lam đậm, khi nhuộm nhiều lần vải có thể thành màu đen. Nước chàm trộn vôi để lắng cặn trong 1 ngày, nước chàm bên trên được đổ ra, người H’Mông lấy bã ra phơi khô để trong bao. Bã chàm có thể để hàng năm, đến mùa sau nhuộm vải người H’Mông lấy nước tro pha với bã chàm đó mới cho ra màu đậm. Nước chàm phải nổi bọt mới dùng để nhuộm được. Khi tiến hành nhuộm, lấy nước tro bếp để vào thùng to pha cùng bã chàm cũ thành nước chàm đục. Sau 1,2 ngày cho lắng cặn người H’Mông mới thử nước và bắt đầu nhuộm. Một mảnh vải lớn để nhuộm chàm mất khoảng 2 tháng rưỡi đến 3 tháng.

Những mảnh vải phục vụ việc may áo ngoài cho người H’Mông thường được người phụ nữ nhuộm chàm thêm một công đoạn đặc biệt nữa trước khi được may thành áo. Đó là nhuộm chàm bằng sáp ong. Miếng sáp ong lớn được ngâm trong nước chàm cho đến khi biến thành màu đen mới được đem ra nhuộm. Người phụ nữ bôi lớp sáp ong đen đó lên mặt vải chàm, rồi tiếp tục lăn đá trên tấm vải như quá trình lăn sợi. Tấm vải lanh hoàn tất quy trình này sẽ đạt độ đen bóng, đẹp và cứng cáp. Cách thức nhuộm chàm khô này không chỉ nhuộm vải đen hơn mà còn khiến vải được hồ một lớp sáp vừa vặn giữ được phom áo đẹp và kéo dài tuổi thọ của vải.

Với hoa văn tạo sáp ong, người H’Mông đổ rượu lên miếng vải trước khi đem ngâm để khi nhuộm chàm thấm màu hơn. Nhuộm chàm cứ 30 phút lại lấy vải ra phơi khô rồi nhuộm tiếp. Sau khi nhuộm được màu ưng ý, người H’Mông cho nước sôi vào mảnh vải sáp ong đó cho sáp tự tan ra. Lúc đó sản phẩm là mảnh vải có hình hoa văn trắng xanh trên nền vải chàm đậm. Sản phẩm nhuộm chàm đẹp phải đậm màu, đều màu trên vải và phân tách rõ nét hình vẽ sáp ong và màu nền.

Mỗi sản phẩm trang trí hoa văn đều tạo nên vẻ đẹp và mang trong mình câu chuyện riêng. Các loại hoa văn trên vải là những đóa hoa độc đáo và bí ẩn của đồng bào H’Mông gửi gắm trong từng đường kim, đường sáp. Hoa văn trên vải của người H’Mông đen từ muôn đời nay vẫn là nét đặc sắc trong truyền thống dệt ở Tả Van nói riêng và đồng bào H’Mông nói chung. Hiểu biết về hoa văn và cách thức tạo hoa văn của đồng bào dân tộc thiểu số giúp chúng ta yêu mến thêm bức tranh văn hóa đậm đà bản sắc Việt Nam.

 

 

 

                                       

 

                                  TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Đức (2004), Hoa văn trên nền vải - Bi ký của người xưa, Tạp chí Dân tộc và thời đại (72, tr.4-9).

     2. Diệp Trung Bình (2005), Hoa văn trên vải dân tộc H’Mông, NxbVăn hóa Dân tộc, Hà Nội.

3.    Trường Giang (2005), Sắc màu tổ cẩm miền sơn cước, Tạp chí Dân tộc và thời đại (80, tr.31-32).

4.    Ma Thị Tiên, Hoàng Thị Mong (1994), Trang trí dân tộc thiểu số, Nxb Văn hóa Dân tộc,Hà Nội.