Nội san

Giải pháp nâng cao công tác quản lý di tích đền Đa Hòa

22 Tháng Mười Một 2015

Vũ Đức Dương

 

Nằm trong không gian văn hóa Bắc Bộ nói chung và không gian văn hóa Phố Hiến nói riêng, đền Đa Hòa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng lớn được coi là trung tâm chính thờ đức thánh Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Tuy nhiên, công tác quản lý di tích ở đền Đa Hòa trước bối cảnh tác động của nhiều yếu tố khác nhau có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến di tích như thời gian, không gian và đặc biệt trước sự tác động nền kinh tế thị trường đã ít nhiều là nguyên nhân tác động đến hiệu quả công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa đền Đa Hòa.

Hiện nay, trong phạm vi di tích nhiều các hạng mục kiến trúc đang bị xuống cấp, tình trạng lợi dụng mặt bằng phạm vi di tích làm nơi chứa nguyên vật liệu xây dựng chưa có dấu hiệu giảm, vấn nạn kinh doanh dịch vụ thương mại cùng nguồn rác thải ngày một gia tăng trong mùa lễ hội đi cùng các dịch vụ lễ thuê viết sớ, xem bói, trò chơi mang tính chất thiếu văn hóa giữa không gian tôn nghiêm vẫn chưa có biện pháp khắc phục tích cực. Trong quá trình nghiên cứu thực địa nhiều lần tại di tích, bên cạnh những mặt thành tựu đạt được của ban quản lý đối với hoạt động bảo tồn và phát huy di tích vẫn còn tồn tại khá nhiều mặt hạn chế xuất phát từ nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác quản lý tại đền Đa Hòa.

1. Một số hạn chế trong công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa đền Đa Hòa

 Đối với bộ máy quản lý di tích ở đền Đa Hòa hầu hết là các ông, bà có tuổi đã từng đi công tác nay về hưu có thời gian rảnh rỗi, lại được dân làng tín nhiệm với hình thức trông coi bảo vệ di tích tự nguyện nên không có trình độ chuyên môn về di tích, nhà nước lại chưa có chế độ đãi ngộ, chính sách khuyến khích đối với những người trực tiếp tham gia công tác quản lý di tích lâu năm.

 

                                      

Đền Đa Hòa (nguồn:st)

 

Trong quá trình tu bổ, tôn tạo di tích nhiều hạng mục trùng tu không đúng với bản kiến trúc cũ, một thực tế nữa trong công tác bảo tồn và phát huy di tích ở đền Đa Hòa là sự tiếp nhận chưa hợp lý của các thành viên trong ban quản lý khi tiếp nhận không chọn lọc các đồ cung tiến, dẫn đến cách bài trí nhiều hiện vật bị lộn xộn như đôi rùa đá mới thay thế rùa đá cũ, lư đỉnh hương đá, đài nến đá...

Vấn đề vệ sinh, sắp xếp các đồ thờ tự trong phạm vi nhà đền chưa thường xuyên khá sơ sài, nhiều đoàn khách tham quan có quan điểm góp ý rất nhiều lần với ban quản lý di tích về công tác vệ sinh phạm vi trong đền, nhiều đồ đạc sinh hoạt để tùy tiện gây lên hình ảnh phản cảm cho người đi lễ, từ những cái rất nhỏ như khăn lau, chiếu bạt để chưa ngọn ngàng, xe đạp, xe máy của các thành viên trong ban quản lý còn cho vào tận nhà đại bái làm mất đi giá trị thiêng liêng của ngôi đền, đặc biệt sự bừa bộn này phải nói đến gian hậu cung là nơi uy linh, linh thiêng nhất mà phía dưới ngầm bệ thờ hàng loạt các lọ lục bình cũ, cho đến các đế gỗ để bát hương, cốc nến đã dùng cũng được tập trung cất giữ ở đây.

Vào những ngày lễ hội trong năm, hay vào những năm tổ chức lễ hội lớn khu vực sân đền chạy dài ra đến tận nhà bia “Trấn Lâu Giang” là hệ thống hàng quán san sát hai bên đường buôn bán kinh doanh các mặt hàng, các loại hình dịch vụ phong phú và đa dạng về chủng loại, tồn tại khá nhiều các hàng quán bói toán, bói bài tây, sóc thẻ thậm chí còn có cả dịch vụ giải nghĩa thẻ, khấn thuê mời chèo khách, nhiều nam thanh nữ tú đến với lễ hội lại muốn có những dấu ấn riêng đã không ngần ngại lấy bút xóa viết tên mình và vẽ nhiều hình ảnh lên bề mặt quả chuông đồng, khánh đá. Sau lễ hội là thảm hại của sự ô nhiễm môi trường, nhiều rác thải tràn ngập hai bên lối cổng vào.

2. Nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác quản lý di tích

Một là,  sự nhận thức thiếu đầy đủ của nhân dân trong vùng chưa thực sự hiểu đúng về tầm quan trọng di tích gắn với sự phát triển du lịch, vị trí vai trò, giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của đền Đa Hòa. Thông thường người ta đến với di tích chỉ mang mục đích cúng khấn, cầu xin, ước vọng với thánh thần mà không đánh giá được đây là công trình còn nhiều giá trị chưa phát huy được hết tiềm năng.

Hai là,  tình trạng làm vệ sinh môi trường chưa thực sự tốt, không chỉ phạm vi trong đền tình trạng rác thải ô nhiễm nhiều mà dọc con đường làng từ ngoài đê vào đền cũng khá nhiều các loại rác.

Ba là, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di tích vẫn chưa tương xứng, còn thiếu về trình độ chuyên môn, chênh lệnh về tuổi tác, kinh nghiệm thực tế, nhất là cán bộ có chuyên môn về bảo tàng ở tuyến huyện, do đó việc quản lý phát huy giá trị của di tích đền Đa Hòa vẫn còn nhiều khó khăn.

Bốn là,  nguồn nhân sách nhà nước cấp cho di tích vẫn còn hạn chế, eo hẹp.  Đây là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ công tác bảo tồn, trùng tu di tích, mà thực tế hiện nay công trình lát gạch sân trước cửa cổng ngọ môn vẫn chưa hoàn thành xong. Việc thực hiện chấp hành đường lối chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đôi khi vẫn còn chưa mang tính liên tục, chưa sâu sát.

3. Một số giải pháp nâng cao công tác quản lý di tích đền Đa Hòa

Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến về bảo vệ di tích đền Đa Hòa

Việc tuyên truyền công tác bảo tồn về di sản văn hoá, trong đó có di tích lịch sử đền Đa Hòa là giải pháp mang tính hiệu quả, và phù hợp nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà hàng loạt các yếu tố nguyên nhân đã và đang diễn ra làm ảnh hưởng đến di tích đền Đa Hòa, như tình trạng xâm lấn về không gian cảnh quan môi trường của ngôi đền, quá trình đô thị hóa nông thôn, ý thức người dân chưa cao về bảo vệ di tích, biến di tích là nơi tập kết nguyên vật liệu xây dựng, vấn đề rác thải trong mùa lễ hội vẫn tái phát chưa có chiều hướng thuyên giảm. Vì vậy, công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu, bởi tính hiệu quả của công tác tuyên truyền sẽ tạo điều kiện nâng cao vốn hiểu biết đúng đắn cho người dân sống trên địa bàn thôn Đa Hòa nói riêng và nhân dân bên ngoài xã Bình Minh nói chung.

Tăng cường đầu tư tài chính

Vấn đề đầu tư kinh phí cho các công trình di tích nhằm tu bổ sửa chữa luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.  Bên cạnh đó, cần tăng cường sự chỉ đạo kết hợp giữa các cấp, ban ngành trong vấn đề quản lý di tích đền Đa Hòa, đẩy mạnh đầu tư về ngân sách, lập ra các dự án, kế hoạch tôn tạo di tích đền Đa Hòa, phát triển các đề tài nghiên cứu khoa học để có thể tiến hành công tác bảo tồn di tích Đa Hòa theo lối nguyên bản mang tính hiệu quả cao nhất.    

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra                                              

Việc kiểm tra, thanh tra di tích của cán bộ quản lý ngành Văn hóa trên địa bàn huyện Khoái Châu dường như có phần hạn hẹp, trách nhiệm chưa cao và không thường lệ. Qua trao đổi với những người cao tuổi và Ban Thủ nhang, tác giả thấy việc cán bộ quản lý di tích ở cấp huyện và cấp tỉnh rất ít xuống thực tế kiểm tra, thẩm định di tích, mà chỉ khi nào các hạng mục di tích bị xuống cấp hoặc hư hại mà cơ sở báo nên mới có kế hoạch xuống kiểm tra. Qua đó thấy rằng, sự quan tâm và trách nhiệm của người cán bộ quản lý di tích vẫn còn khá hạn chế,  thông thường vẫn theo lệ “nước đến chân mới nhảy”, đó cũng là nguyên nhân câu hỏi tại sao huyện Khoái Châu với phát triển du lịch vẫn còn khá hạn chế nói riêng và vấn đề phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên nói chung.

Tăng cường công tác tu bổ, tôn tạo di tích đền Đa Hòa

Trước những tác động bào mòn hủy hoại của thời gian và môi trường, đặc biệt với khí hậu nóng ẩm mưa nhiều ở nước ta, là nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng đến tuổi thọ của các công trình di tích. Đền Đa Hòa là công trình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, tuy nhiên công trình có nhiều các hạng mục kiến trúc nghệ thuật khá độc đáo, đặc biệt là các bức chạm khắc theo đề tài thực vật ở nhà Đại Tế, hay các mạng chạm khắc trang trí ở hương án nhà Đệ Tam, các câu đối, cửa võng, đại tự cũng mang tính nghệ thuật rất cao...Vì vậy, trước sự tác động của thời tiết và những tác động khách quan do con người tạo nên thì việc tu bổ tôn tạo di tích đền Đa Hòa hiện nay là rất cần thiết.

Quản lý di tích đền Đa Hòa gắn liền Phát triển kinh tế du lịch địa phương

Trong thời gian tới, giải pháp Ban Quản lý di tích cần kết hợp với chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác quản lý để thúc đẩy hoạt động khai thác du lịch, nhất là tuyến du lịch đường sông hay còn gọi là du lịch sông Hồng với vị trí thuận lợi tích đền Đa Hòa là địa điểm dừng chân khá hợp lý cho các du khách tham quan, khách nước ngoài, các đoàn khách ở các tỉnh đổ về đây chiêm bái, nghiên cứu tìm hiểu di tích. Ban quản lý di tích cần tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch hơn nữa, cần quan tâm và làm tốt khâu này, vì đây là vấn đề quảng bá thu hút du khách cho ngành du lịch trên địa bàn huyện Khoái Châu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đặng Văn Bài (1994), Suy nghĩ về việc bảo vệ khai thác các di tích lịch sử văn hóa ở Phố Hiến, Kỷ yếu hội thảo khoa học Phố Hiến. Sở VHTT Hải Hưng.

2. Hồ sơ di tích đền Đa Hòa (chỉnh lý bổ sung 2006), Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh Hưng Yên.

3. Lê Hồng Lý (Chủ biên) (2010), Giáo trình Quản lý di sản văn hoá với phát triển du lịch, Nxb Đại Học Quốc Gia, Hà Nội.

4. Phạm Thị Tuyết Nga (2010) Nghiên cứu các di tích lịch sử văn hoá tiêu biểu của tỉnh Hưng Yên phục vụ phát triển du lịch của tác giả, Luận văn tốt nghiệp cao học, Trường ĐHKHXH &NV.

            5. Lê Chí Quế (2010), Di tích chử Đồng Tử - Tiên Dung trong tour du lịch sông Hồng. Nxb Văn hóa – Thông tin