Nội san

Thực trạng về hoạt động dạy và học đàn phím điện tử cho sinh viên chuyên ngành âm nhạc, khoa Giáo dục mầm non Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương

02 Tháng Mười Hai 2015

 Nguyễn Thị Nga

 

Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương là một ngôi trường đứng hàng đầu cả nước trong việc đào tạo giáo viên mầm non với quy mô ngày càng lớn và luôn có những đổi mới về mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, thực hành, thực tập. Do vậy, chất lượng đào tạo của Nhà trường ngày càng được nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây có nhiều sự thay đổi về chương trình đào tạo cũng như chất lượng đào tạo của cả giáo viên và sinh viên đang gặp một số vấn đề khó khăn và cần được khắc phục.

Qua tìm hiểu thực tiễn giảng dạy âm nhạc cho sinh viên chuyên ngành Âm nhạc Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương  (CĐSPTW), chúng tôi nhận thấy khả năng học âm nhạc của sinh viên như sau:

Khả năng xướng âm: xướng âm là môn học tương đối khó đối với sinh viên mầm non. Nhìn chung mặt bằng về khả năng xướng âm (đọc nhạc) trong lớp là không đồng đều, dẫn đến sự chênh  lệch về mức độ tiếp thu và hoàn thiện về kỹ năng xướng âm khi đi theo tiến độ chương trình, giáo trình, giáo án. Sinh viên chỉ dừng lại ở mức đọc các quãng gần, các quãng liền bậc với giọng đô trưởng (C -dur) và la thứ (a -moll) và các giọng hai dấu hóa, còn các giọng có từ ba dấu hóa trở lên hầu như chưa thực hiện.

Khả năng nghe nhạc: Hầu hết các em có sự tập trung và ghi nhớ những âm thanh giai điệu rất tốt khi nghe các tác phẩm âm nhạc, nhưng để kết hợp với những tri thức âm nhạc đã được học mà ghi âm lại những nét giai điệu đó trên giấy thì không phải em nào cũng làm được. Điều này một phần do các em được học với một lượng thời gian rất ngắn, nên xảy ra điều đó là tất yếu. Vì vậy muốn cải thiện được vấn đề này còn phụ thuộc vào thời gian, quá trình học tập và rèn luyện của các em.

Khả năng sử dụng nhạc cụ: Khi tuyển sinh đầu vào chỉ một số ít sinh viên biết chơi nhạc cụ như đàn phím điện tử hoặc Guitar, còn lại phần lớn các em vẫn chưa biết sử dụng bất kỳ một loại nhạc cụ nào. Do thời gian học đàn ít, nên khả năng sử dụng đàn của các em đa phần chưa được thuần thục khi đệm các bài hát trong chương trình mầm non.

Khả năng học hát: Giọng hát của sinh viên đa phần là cách hát gần với giọng nói, không cộng minh, nghe rất rõ lời nhưng phải có nhạc đệm và bộ phận phóng thanh nếu không sẽ mất tác dụng. Chất giọng của các em tương đối đồng đều ở mức trung bình và khá, khả năng biểu cảm không cao. Một số trường hợp có khả năng nghe và hát kém.

Khả năng hoạt động âm nhạc: Sinh viên CĐSPTW tham gia các hoạt động âm nhạc với tinh thần tự giác cao, các em luôn cố gắng vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã được học tập và rèn luyện vào thực tiễn. Đối với một chương trình ca nhạc của trường, các em luôn giữ vai trò nòng cốt. Tuy nhiên, trong chương trình chính khóa, sinh viên tiếp thu kiến thức còn thụ động, các hoạt động ca hát và các môn thực hành âm nhạc chưa bộc lộ một cách tự nhiên và thiếu bền vững. Hoạt động tự học phần thực hành chưa gắn kết với tư duy, phân tích và vận dụng lý thuyết.

Trên cơ sở mục tiêu về kiến thức, kĩ năng và phẩm chất năng lực cần đạt của toàn bộ học phần thông qua các giai đoạn và nhất là trong từng bài học, giảng viên đã lựa chọn và đưa ra một số yêu cầu về kĩ thuật gam, các dạng bài tập luyện kĩ thuật ngón và các bài tác phẩm phù hợp với trình độ của từng sinh viên. Do đó, quá trình giảng dạy mặc dù hình thức là học theo nhóm nhưng giảng viên phải chọn bài và hướng dẫn theo khả năng của từng cá nhân. Chính vì thế, trong cùng một lớp học, khả năng và mức độ  tiếp thu, độ nhạy cảm và sự tiến bộ của mỗi sinh viên sẽ có sự khác nhau. Ngay sau một thời gian của học phần, trình độ của sinh viên đã có sự phân hóa khá rõ ràng, mức độ tiến bộ của các em cũng khác nhau khá rõ nét. Thực tế, với các sinh viên khả năng còn hạn chế, khi giảng viên áp dụng phương pháp dạy học chung cho cả nhóm, nhất là khi giảng viên đưa ra nội dung kiến thức ở mức độ và yêu cầu mặt bằng chung các em cũng gặp những khó khăn trong khi học tập điều này cũng dẫn tới tình trạng sinh viên không tự tin, chán nản và không thực sự tập trung vào môn học, hệ quả là khả năng chơi đàn của các em còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo. Qua tìm hiểu và quan sát kĩ năng chơi đàn của sinh viên cho thấy, ở mỗi lớp chuyên ngành có khoảng từ 15 - 20 % sinh viên kĩ năng chơi đàn chưa tốt, đối với những sinh viên này thì rất cần sự chăm chỉ cần cù cùng với việc tập luyện đúng phương pháp, có sự điều chỉnh, giám sát của giảng viên bộ môn. Tuy nhiên bên cạnh đó, hầu hết các sinh viên đều thực hành khá tốt, kết quả ở phần thi kết thức học phần cũng vẫn có chút ít sự chênh lệch.

 Phương pháp dạy học của giáo viên

Tổ chức dạy học trên lớp là khâu vô cùng quan trọng quyết định đến chất lượng dạy và học, nó thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo đồng thời là nghệ thuật trên bục giảng của người giảng viên thể hiện những kiến thức, cách ứng sử khéo léo, hài hòa của người thầy giúp sinh tiếp thu một cách chủ động và đầy đủ.

Khảo sát thực tế giảng dạy bộ môn Đàn phím điện tử ở Trường CĐSPTW những năm gần đây cho thấy, hầu hết các sinh viên trong thời gian đầu chưa có kiến thức về âm nhạc chính vì vậy trong quá trình học tập các em gặp không ít những vấn đề khó khăn. Việc học tập bộ môn đàn phím điện tử đối với các em là hoàn toàn mới mẻ. Hơn nữa trong quá trình học tập còn bị hạn chế về thời gian ở trên lớp và không chủ động trong việc luyện tập bởi nhiều yếu tố khách quan.

Giảng viên chưa đưa ra được những phương pháp mang tính mở để gây được hứng thú học tập cho sinh viên. Hầu hết vẫn là phương pháp giao bài, hướng dẫn và sửa sai. Chưa mở rộng cho các em, hướng dẫn các em tìm hiểu các thông tin trên internet, xem các video, clip của các nghệ sỹ biểu diễn, hướng dẫn các em cách cảm thụ, cách nghe nhạc không lời….

Đa phần các giảng viên đều có trình độ rất vững vàng về kiến thức và kỹ năng… tuy nhiên về mặt phương pháp của mỗi người lại khác nhau. Những giảng viên chuyên về đệm đàn thì phong cách giảng dạy sẽ mềm mại hơn những giảng viên chuyên về cổ điển.

Một số phương pháp đang được áp dụng trong Trường CĐSPTW đó là:

Phương pháp thuyết trình

Đây là một phương pháp được sử dụng khá phổ biến trong các giờ học,  vì người giảng viên chủ yếu dùng lời nói để giảng giải, đưa ra thông tin, yêu cầu cho sinh viên .

 Để hỗ trợ phương pháp này có hiệu quả tốt nhất trong các giờ học âm nhạc, các giảng viên đã phải khai thác thêm các đồ dùng trực quan như máy chiếu, tranh ảnh hay một số đồ dùng minh họa… để bổ trợ thêm vào trong quá trình giảng dạy. Nếu không có sự sáng tạo và linh hoạt, phương pháp thuyết trình được coi là phương pháp truyền thống cơ bản; nhưng nếu lặp lại nhiều sẽ dễ gây sự nhàm chán bởi cách giảng giải của giảng viên thường dài dòng, bắt người học phải tiếp thu các kiến thức một cách thụ động, không linh hoạt. Vì vậy, để gây được hứng thú cho sinh viên nhất là trong giờ học âm nhạc mà cụ thể là đối với môn học thực hành đàn phím điện tử, người giảng viên cần đổi mới, phải lồng ghép, đan xen, thiết kế những công cụ, những hình ảnh minh họa phù hợp với mỗi giờ học. Hiện tại, các giảng viên bộ môn đàn phím điện tử của Trường CĐSPTW đã có những sự linh hoạt trong việc khai thác và sử dụng phương pháp này. Các giảng viên đã sử dụng học sinh cách liên tưởng giữa bài học vào cuộc sống thực tiễn để các em có thể vận dụng những kiến thức đó vào bài học một cách tốt nhất. Cũng có giảng viên đã dùng những "khẩu lệnh" rất hợp lý, linh hoạt trong việc giúp các sinh viên có tai nghe chưa tốt về ngân, nghỉ đúng phách, nhịp và các trường độ khó trong câu nhạc.

Phương pháp thị phạm

Là việc giảng viên trực tiếp đánh mẫu trên đàn cho sinh viên nghe và cảm nhận giai điệu âm nhạc. Đây cũng là một phương pháp quan trọng, đặc biệt trong dạy đàn phím điện tử phương pháp này được sử dụng khá nhiều. Nhất là đối với các sinh viên có khả năng tiếp thu hạn chế. Việc nghe trực tiếp giảng viên thị phạm sẽ giúp sinh viên tri giác một cách tổng quát và hiệu quả nhất. Do vậy, để làm tốt được điều này, giảng viên phải nắm rất vững các kiến thức chuyên môn và kĩ thuật đàn phím điện tử để có thể làm chủ được các tình huống sư phạm và những lỗi mắc về kĩ thuật của sinh viên. Thực tế, các giảng viên bộ môn đàn phím điện tử của Trường CĐSPTW đã quan tâm và chú trọng sử dụng phương pháp này. Tuy nhiên, còn tùy theo sở trường và năng lực của từng giảng viên và trong các bài dạy cụ thể, họ có thể thị phạm ở mức độ ít nhiều khác nhau, chẳng hạn có giảng viên sở trường về kĩ thuật cổ điển, có giảng viên lại vững vàng trong kĩ thuật đệm. Chúng tôi cho rằng việc giảng viên tích cực thị phạm không chỉ giúp sinh viên dễ cảm nhận nhịp điệu (đối với các sinh viên hạn chế về năng lực) mà tiếng đàn và phần đệm hấp dẫn của giảng viên cũng tạo những động lực và sư say mê cho sinh viên trong quá trình học tập.

Phương pháp luyện tập thực hành

Để nắm được kĩ thuật cơ bản của đàn phím, đồng thời hình thành được thói quen kĩ năng chơi đàn, đòi hỏi người học phải luyện tập thường xuyên và đúng yêu cầu, bài bản. Đây cũng chính là nội hàm cơ bản của phương pháp luyện tập thực hành. Quá trình dạy học đàn phím điện tử của giảng viên bộ môn nhạc cụ đã quan tâm và hướng dẫn sinh viên theo đúng quy trình luyện tập, các giảng viên cũng đã căn cứ trên mức độ của từng sinh viên để sửa sai, hướng dẫn, tuy nhiên, vẫn còn tình trạng sinh viên có tai nghe không thật tốt, ngón tay cứng, không mềm dẻo linh hoạt nên mặc dù cảm nhận và đọc xướng âm đúng nhưng khi thực hành trên đàn vẫn còn khó khăn. Các giảng viên phải hỗ trợ rất nhiều trong các buổi học và hướng dẫn cách tập khi tự học ở nhà.

Quá trình thực hành luyện tập nhiều lần, sinh viên đã có được thói quen thuần thục, tự tin, đồng thời cũng biết giải phóng cơ thể thể hiện cảm xúc, bản lĩnh trước đám đông, nhiều em đã khá tự tin, năng động trong trình bày và biểu diễn.

Phương pháp kiểm tra, đánh giá

Vừa là một hình thức và đồng thời cũng là phương pháp vô cùng quan trọng trong quá trình dạy học. Hoạt động kiểm tra đánh giá chính là việc kiểm chứng kết quả của quá trình dạy và học.

Được đào tạo để trở thành những nhà giáo trong tương lai, rất nhiều em có khả năng, kiến thức âm nhạc tốt nhưng lại cảm thấy lúng túng, mất bình tĩnh trước đám đông. Qua khảo sát nhiều em khi đi thực tập sư phạm tại các trường học gặp trở ngại lớn về tâm lý khi đứng trên bục giảng, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín bản thân các em trước học sinh, cũng như làm giảm đi nhiều hiệu quả giáo dục của tiết học đó. Do vậy, việc tổ chức biểu diễn thường niên hoặc cuối mỗi kỳ sẽ gúp các em làm quen sân khấu, dần dần chủ động trước đám đông, lấy lại được tinh thần, sự tự tin trong công việc.

Tuy nhiên, theo thông lệ, việc đào tạo các môn nghệ thuật từ trước đến nay hầu hết đều tiến hành kiểm tra, đánh giá vào cuối kỳ, cuối năm theo hình thức thực hành biểu diễn. Đây là một phương pháp đánh giá được tổng thể mức độ học tập và rèn luyện của sinh viên. Tuy nhiên, đối với các cơ sở đào tạo sư phạm, đặc biệt lại là sư phạm Mầm non như Trường CĐSPTW, hoạt động này còn đang bị hạn chế.

Có thể nói rằng, đối với sinh viên chuyên hay không chuyên, việc biểu diễn những tác phẩm âm nhạc, được thể hiện khả năng của mình là điều hầu như ai cũng có nhu cầu. Tuy nhiên, do đặc thù của môi trường sư phạm sẽ ít có được những cơ hội tổ chức các hoạt động.

Phương pháp sử dụng phương tiện, thiết bị.

Việc ứng dụng một cách hiệu quả công nghệ thông tin và đặc biệt là các phần mềm âm nhạc đang được áp dụng khá phổ biến. Trong dạy học âm nhạc nhất là dạy đàn phím điện tử, ngoài những phương tiện dạy học truyền thống như sách, báo, nhạc cụ, đạo cụ…việc sử dụng phương pháp trực quan đang được áp dụng khá phổ biến, đó là sử dụng máy chiếu, bài giảng điện tử, bài giảng PowerPoint, các phầm mềm chuyên ngành âm nhạc giúp cho giờ học đạt hiệu quả cao hơn và thu hút đông đảo các bạn sinh viên hứng thú với bộ môn này. Tuy nhiên, việc khai thác và ứng dụng trong từng bài dạy phải được các giảng viên nghiên cứu thật kĩ lưỡng mới góp phần hỗ trợ và nâng cao hiệu quả của bài học. Các giảng viên của Trường CĐSPTW đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy phân môn đàn phím điện tử. Trong xu thế chung của toàn ngành giáo dục hướng tới đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy thì yêu cầu mỗi một giáo viên cần phải có một trình độ về tin học cơ bản và tin học chuyên ngành thì mới có thể đáp ứng được vấn đề, những thắc mắc của học sinh trong từng tiết học.

Quá trình dạy học đàn, các giảng viên đều kiểm tra sinh viên ở các ba nội dung, đó là: chạy gam, trình bày bài kĩ thuật luyện ngón và trình bày bài tác phẩm. Những nhận xét và đánh giá trong cả giai đoạn được giảng viên ghi chép theo dõi và kết hợp đánh giá trong quá trình sau này. Điểm kĩ năng thường xuyên sẽ là bài kiểm tra thông thường ở vào khoảng gần giữa của học phần, giảng viên sẽ kiểm tra mức độ thực hiện kĩ năng của sinh viên và đánh giá theo thang điểm quy định. Việc đánh giá của giảng viên mới chỉ tập trung vào việc sinh viên đã trình bày (đệm) theo đúng các yêu cầu của kĩ thuật và tính chất thể loại của tác phẩm (ca khúc) hoặc là phần đệm cho ca khúc.

Ngay cả việc đánh giá chấm điểm kĩ năng nâng cao cho sinh viên, về cơ bản cũng vẫn giống cách thức như trên đó là, giảng viên cũng đưa ra các yêu cầu về kĩ thuật có "độ khó" nâng cao hơn so với mức độ kiểm tra kĩ năng cơ bản qua các bài tác phẩm và yêu cầu sinh viên trình diễn, trên cơ sở mức độ trình bày của sinh viên mà đánh giá và cho điểm. Như vậy qua tìm hiểu nội dung chương trình, hình thức tổ chức và phương pháp dạy học chúng tôi thấy rằng, ngay khi xây dựng nội dung chương trình, mục tiêu của học phần đã xác định rõ các yêu cầu về kiến thức, kĩ năng và thái độ, nhà trường cần xác định rõ và đề cao việc đánh giá khả năng thực hành của sinh viên. Tuy nhiên, qua cách làm cũng cho thấy khâu này mới chỉ tập trung vào đánh giá kết quả hiểu biết về nội dung kiến thức chứ chưa thấy rõ được cách tiếp cận triển khai thực hiện theo cách tiếp cận đánh giá theo quan điểm xuất phát và căn cứ trên "mục tiêu" của học phần. Ngay trong nội dung và cách thức đánh giá cũng chưa cho thấy sự thông nhất. Chúng tôi cho rằng, nếu tiếp cận theo mục tiêu nhằm hình thành kĩ năng và năng lực giải quyết các nhiệm vụ dạy học âm nhạc thì nội dung kiểm tra trình diễn các bài kĩ thuật, tác phẩm theo cách ở trên, chưa đủ để đánh giá được kĩ năng và việc vận dụng kĩ năng vào các nhiệm vụ cụ thể, đa dạng. Đây cũng là những điểm còn hạn chế trong việc đánh giá kết quả đào tạo tay nghề cho sinh viên, cũng là vấn đề kiểm định chất lượng đào tạo gắn với yêu cầu của thực tiễn xã hội.

            Qua qua trình nghiên cứu thấy được tình hình thực trạng, những vấn đề hạn chế còn đang gặp phải của cả thầy và trò Trường CĐSPTW để đưa ra được những biện pháp khắc phục, những vấn đề còn tồn đọng cần được giải quyết nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học âm nhạc nói chung và bộ môn Đàn phím điện tử nói riêng, góp phần nâng cao chất lương giáo dục trong cả nước.

                              

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Trần Huy Du (1983), Giáo dục âm nhạc trong trường mẫu giáo. Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2.    Nguyễn Thị Hoài Dung (2007), Phương pháp giảng dạy môn đàn Organ cho giáo sinh hệ Trung học Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.

3.    Ngô Thị Nam, Trần Nguyên Hoàn, Trần Minh Trí (2014), Âm nhạc và phương pháp giáo dục âm nhạc tập 1 - 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4.    Xuân Tứ (2011), Hướng dẫn dạy và học đàn organ cho hệ Cao đẳng sư phạm Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc - Họa Trung ương tập 1- 2.

5.    Hoàng Văn Yến (2004), Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục âm nhạc mẫu giáo, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.