Nội san

Tìm hiểu về hệ thống làn điệu Hò sông Mã

13 Tháng Năm 2016

Phạm Quỳnh Trang [*]

 

Xứ Thanh, dấu gạch nối chuyển tiếp vùng châu thổ Bắc Bộ với Trung Bộ là nơi lưu giữ nền văn hóa người Việt có nguồn cội sâu xa trên bốn nghìn năm qua các khu di chỉ thời đồ đá mới, đá cũ. Đến nay, trong di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ xứ Thanh, có tới hàng trăm làn điệu dân ca cùng hệ thống các trò diễn như: hát Cửa đình, hát Trống quân, Chèo Chải (Thiệu Hóa), Chèo Chải (Hoằng Hóa), hát Ru Tĩnh Gia… nhưng nổi bật và đặc sắc nhất là hệ thống làn điệu Hò sông Mã với lối sinh hoạt âm nhạc đò giang sông nước hết sức độc đáo.

   Hò sông Mã xứ Thanh là điệu hò in đậm dấu ấn chèo, chống, vác và nó đã tiếp nhận nhiều làn điệu biến đổi dưới dạng tổ khúc hò. Hò sông Mã có hàng ngàn lời ca được lấy từ kho tàng dân gian truyền miệng nhằm phản ánh đời sống vật chất và đời sống tinh thần của người dân xứ Thanh bên dòng sông Mã. Lao động sông nước và đời sống sinh hoạt trên con đò đã sinh ra những câu hát điệu hò thích ứng với công việc và tâm trạng của người diễn xướng, hình thành một nghệ thuật âm nhạc dân gian mang đậm bản sắc địa phương đó là Hò sông Mã.

               Hò sông Mã là những làn điệu được sắp xếp theo một trình tự nhất định, sắc thái trong âm nhạc được thay đổi liên tục trong mỗi làn điệu, phù hợp với từng hoạt động cụ thể. Việc hình thành hệ thống làn điệu từ rời bến tới cập bến chính là tính nguyên hợp không phân tách trong nghệ thuật diễn xướng Hò sông Mã. Tiếng hò của những trai đò lúc nào cũng sảng khoái, tự tin trong sự hòa chung của một tập thể đồng lòng, chung sức vượt qua những biến cố bất ngờ trên dòng sông. Lối hò như một cung đàn bất tận, xuyên qua thời gian, không gian tới những miền xa hai bờ sông, tạo nên niềm cảm khoái và hứng khởi. Chính Hò sông Mã đã dẫn dắt, lôi kéo khách đò cảm nhận những cung bậc giàu sắc thái biểu cảm của con người.

Hò sông Mã có thứ tự và chia ra làm 5 chặng rõ rệt: Hò rời bến, Hò đò ngược, Hò mắc cạn, Hò đò xuôi Hò cập bến. Mỗi một chặng hò có một phương thức lao động khác nhau. Dưới đây là phần trình bày cụ thể hệ thống làn điệu theo 5 chặng của Hò sông Mã:

 Hò rời bến - chặng thứ nhất

 Hò rời bến hay còn gọi là Hò mời khách  được coi như thủ tục chào hỏi, với âm điệu mở đầy vui tươi, đon đả, giới thiệu để làm quen với nhau như muốn nhắn nhủ dặn dò:   

Thuyền tôi ván táu sạp lim

Đôi mạn săng lẻ lại có con chim phượng hoàng

Tiện đây mời cả bạn hàng

Rửa chân cho sạch vào khoang tôi ngồi

(Hò rời bến)

Sau khi khách lên đông đủ, con đò rời bến với điệu hò mang âm hưởng chắc khỏe, gọn gàng, xướng hô to, đáp lại. Bên cạnh đó những câu hò tình tứ được trai đò cất lên dành cho những cô gái trong Hò xuôi nhịp đôi hai như: 

Hỡi cô yếm thắm răng đen

Muốn lên mạn ngược ngồi thuyền cùng anh

(Hò xuôi nhịp đôi hai)

2. Hò đò ngược - chặng thứ 2

Điệu hò này có rất nhiều tên gọi như: sắng đò ngược hay còn gọi là Hò chống sào. Giọng Hò đò ngược nghe chậm chạp và có phần nặng nề. Chắc hẳn rằng trong cuộc hành trình đây là chặng cực nhọc nhất. Con thuyền phải bơi ngược dòng nước, trời trở gió lúc này trai đò vừa chống sào vừa hò làn điệu nhưng vẫn đượm màu sắc trữ tình và đầy vẻ dí dỏm và lạc quan:

Thương ai đứng bụi nấp bờ

Sáng trông đò dọc tối chờ đò xuôi

Thuyền ngược anh bỏ sào xuôi

Khúc sông bỏ vắng để người sầu riêng

(Hò đò ngược)

 Hò đò ngược gồm hai loại: sắng nước nhỏ sắng nước lớn. Sắng nước nhỏ là lúc nước chảy êm, trai đò dùng loại sào song (hóp) đẩy thuyền ngược dòng sông. Sắng nước lớn khi gió thổi ngược hướng thuyền, sóng to đẩy mạn thuyền vào bờ, lúc này trai đò chia đều phía mũi và mạn thuyền thay nhau chống đò. Tiếng hò đò ngược cùng nhau cất lên mạnh mẽ, nhưng vẫn nhịp nhàng theo hiệu lệnh của người bắt cái để đò tiếp tục hành trình:

Thuyền buồn gió đánh tả tơi

Một con chèo quế xa chơi sông hồ

Ế ế ế.........dô ố ố.......

Trông lên hòn đá lô xô

Mặt sông lai láng, bể hồ trong xanh

Ế ế .......... thêm vào

Ế ế...............có đây

(Hò đò ngược)

 

Điệu hò sông Mã hào sảng hòa trên nền âm hưởng giục giã của trống đồng Đông Sơn (Nguồn: st)

 

3. Hò mắc cạn - chặng thứ 3

            Điệu hò ở chặng này đòi hỏi trai đò phải căng sức lao động, kết hợp nhiều động tác chèo, chống, vác. Đây là chặng đò khó khăn vất vả nhất. Những trai đò trẻ tuổi khỏe mạnh phải nhảy xuống nước, ngâm mình nhiều giờ trong dòng nước lạnh để vác, đẩy đò thoát khỏi bãi đá ngầm, vực xoáy trên sông, đưa đẩy thuyền nhích từng chút một ra khỏi khu vực mắc cạn. Lời ca trong Hò mắc cạn là lời động viên tinh thần rất lớn, tiếp thêm sức lực, niềm tin vào sự thành công khi con đò gặp nguy hiểm.

         Hò mắc cạn có hai làn điệu Hò kéoHò vác. Hò kéo được cất lên khi đò chẳng may sa vào bãi cát ngầm, hoặc nước sông dâng cao, phải dùng dây kéo thuyền nhích dần ra. Công việc tuy vất vả và nặng nề nhưng trai đò vẫn cất lên những câu hò khớp theo nhịp người bắt cái. Lời ca ví von mang tính kể, đối đáp, giao duyên:

Thuyền anh đà cạn lên đây

Mượt đôi dải yếm làm dây kéo thuyền

Ơ hò dô ta, nín lặng mà nghe, mà nghe câu hò

(Hò mắc cạn)

Hoặc là:

Dốc này là dốc của ta

Anh em cố gắng vượt qua dốc này

Ơ hò, ơ hò dô ta, lắng lặng mà nghe

(Hò đẩy thuyền)

Hò vác là hò khi đò gặp thác ghềnh, đá ngầm các trai đò cùng nhau vác đò ra khỏi vùng nguy hiểm. Hò vác do người “bắt cái” hò trọn vẹn các câu thơ lục bát ở phần xướng, còn các trai đò đồng thanh hát phần một tiếng “vác” ở cuối câu. Bài hò cứ thế được hát đi hát lại cho đến khi con thuyền ra khỏi chỗ nước cạn.  

 

Anh em sắp lại cho đều

Ai mà lỗi nhịp thì hèo vào song (trong)

(Hò mắc cạn)

            Nhìn chung  trong Hò mắc cạn, nội dung đã mô tả và làm nổi bật chặng đò khó khăn, gian khổ nhất của nghề đò dọc trên sông Mã. Với tinh thần quả quyết, tiếng hò vẫn toát lên niềm lạc quan yêu đời của những con người lao động nơi đây. Hò mắc cạn là lời động viên cùng nhau vượt qua gian nan vất vả của những trai đò trong chuyến hành trình đầy thử thách.

4. Hò đò xuôi - chặng thứ  4

      Hò đò xuôi làn điệu phong phú nhất trong hệ thống làn điệu Hò sông Mã. Trong tổng số hơn 14 điệu hò chính (kể cả Hò đò đưa) của Hò sông Mã, Hò đò xuôi vượt trội với 7 làn điệu gồm: Hò xuôi nhịp đôi một, Hò xuôi nhịp đôi hai, Hò làn ai, Hò niệm Phật, Hò làn văn, Hò đò đưa, Hò ru ngủ. Sự phong phú trong lối Hò đò xuôi cùng hàng ngàn lời ca đã được GS.Vũ Ngọc Khánh (chủ biên) ghi lại trong cuốn Dân ca Thanh Hóa: “Hò sông Mã có thủ tục hẳn hoi, khi con đò bắt đầu rời bến ra đi, Hò sông Mã cũng bắt đầu và giữ một thể thức tuần tự theo năm giai đoạn: Hò rời bến, Hò đò ngược, Hò mắc cạn, Hò đò xuôi và Hò rời bến” [11, tr.15]. Những phương thức lao động trên sông nước được lời ca hò lưu giữ như kinh nghiệm quý báu của nghề chèo thuyền. Sự phát triển của Hò đò xuôi với cách mở rộng nội dung đã được trai đò vận dụng các truyện nôm dài như Phạm Tải - Ngọc Hoa, Nhị Độ Mai, Chiêu Quân Cống Hồ làm lời ca. Hò đò xuôi trở thành nghệ thuật diễn xướng đa dạng với nhiều sắc màu cuộc sống. Ngoài ra khi đò xuôi dòng, trước cảnh non sông hữu tình trai đò và khách đi đò mượn ý thay tình cảm đôi lứa cùng nhau hò hát, xướng họa với các làn điệu khác như hát ghẹo, hát ví:

Đôi ta như đũa tre non

Khen ai khéo vuốt đũa tròn nên đôi

Đôi ta như đũa tre già

Khen ai khéo tiện đũa đà bằng đôi

(Hò đò xuôi)

1.2.2.5. Hò cập bến - chặng thứ 5

Đây là chặng cuối cùng, sau nhiều ngày lênh đênh trên sông nước trải qua mắc cạn, vượt gió, vượt thác..., tất cả các trai đò và khách đi đò đều mong nhanh được về bến. Vì vậy, khi trai đò bắt đầu quay mũi thuyền vào bờ thì cũng là lúc khách đi đò sửa soạn hành lý chuẩn bị lên bờ, kết thúc một chuyến đi bình an. Mỗi lần đến bến, trai đò thường hò mấy câu báo hiệu đánh thức khách rằng con thuyền đã cập bến:

Thuyền dọc anh trải chiếu ngang

Anh thời nằm giữa hai nàng hai bên

(Hò cập bến)

 Làn điệu Hò cập bến có nội dung nói về kết thúc một chuyến đi, chuyến hành trình lao động vất vả của khách đò và trai đò trên dòng sông Mã. Tiếng hò lúc này hối hả đưa đò vào bến với lời ca dẫn dắt mọi người tạm biệt con đò thân thương và hẹn gặp lại chuyến sau.

Hò sông Mã là loại hình nghệ thuật có tính tập thể cao, có âm điệu khỏe khoắn và nhịp nhàng. Biểu hiện rõ nét tính chất lao động bằng âm nhạc trên sông nước. Những điệu hò thay đổi tùy theo mức độ lao động khẩn trương, căng thẳng hay lúc thoát mái chèo nhẹ nhàng ở từng chặng. Hò sông Mã là một minh chứng cho ký ức sinh hoạt lao động một thời của người dân nơi đây với những con đò ngược xuôi.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc, Hò sông Mã sẽ mãi mãi trường tồn cùng thời gian và khẳng định sức sống lâu bền với những giá trị nhân văn sâu sắc. Với sức sống lan cùng sự lan tỏa mãnh liệt ấy cũng như lộ trình bảo tồn cụ thể. Chúng tôi tin rằng Hò sông Mã không chỉ ngân lên trong niềm tự hào của người dân xứ Thanh mà sẽ mãi trường tồn trong kho tàng dân ca và diễn xướng dân gian truyền thống của dân tộc.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.    Dự án (1999), Khôi phục, bảo tồn và phát triển văn hóa nghệ thuật truyền thống tiểu vùng sông Mã, Viện Âm nhạc, Hà Nội.

2.       Vũ Ngọc Khánh (1965), Dân ca Thanh Hóa, Nxb Văn học, Hà Nội.

3.         Vũ Ngọc Khánh (1978), Từ một danh mục các trò diễn dân gian dân tộc Kinh ở Thanh Hóa, kỷ yếu Hội nghị chuyên  đề Viện nghệ thuật, Hà Nội.

4.         Nguyễn Xuân Kính, Lê Ngọc Canh, Ngô Đức Thịnh (1989), Văn hóa dân gian những lĩnh vực nghiên cứu, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

5.           Bùi Trọng Hiền, Tản mạn về hò - một thể loại dân ca độc đáo, tại website: www.spnttw.edu.vn.

6.         Mai Thị Hồng Hải (1999), “Đặc điểm của dân ca Thanh Hóa”, tạp chí Văn nghệ hóa Nghệ thuật (số 4).

7.      Trần Hoàng Tiến (2001), Những đặc trưng hò sông Mã, Luận văn Thạc sĩ, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Hà Nội.

 

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc