Nội san

Giải pháp nâng cao công tác quản lý di tích đình - đền Phú Nhi, thị xã Sơn Tây

15 Tháng Sáu 2016

 Khuất Thị Thảo [*]

 

 

Nằm bên hữu ngạn sông Hồng, từ xưa, xứ Đoài đã là vùng đất linh thiêng trong tâm thức của người Việt. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư", kỷ "Hồng Bành Thị" có đoạn chép: "Núi Tản Viên là núi cao nhất của nước Việt ta, sự linh thiêng rất là ứng nghiệm". Vùng đất vốn là nơi địa linh này tất sinh ra nhiều nhân kiệt. Những giá trị tinh thần trường tồn ấy được hun đúc thành hình ảnh của những di tích đình, đền, miếu. Dân gian có câu: "Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài". Xứ Đoài có những ngôi đình nổi tiếng như: Mông Phụ, Tây Đằng, Chu Quyết, Đình – Đền Phú Nhi...

  Đình – đền Phú Nhi- phường Phú Thịnh – Thị xã Sơn Tây thờ vọng Đức Thánh Tản và thờ Mẫu Liễu Hạnh - hai vị trong Tứ Đức Thánh bất tử của dân tộc ta. Trải qua nhiều biến động khắc nghiệt của lịch sử, đình vẫn giữ được nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cấp ủy và chính quyền các cấp cùng với sự đồng thuận nỗ lực của nhân dân gia tâm công đức, năm 1993 đình Phú Nhi được sửa chữa uy nghi và khang trang, là địa chỉ tâm linh của nhân dân địa phương.

Tuy nhiên, công tác quản lý di tích ở đình – đền Phú Nhi trước bối cảnh tác động của nhiều yếu tố khác nhau có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến di tích như thời gian, không gian và đặc biệt trước sự tác động nền kinh tế thị trường đã ít nhiều là nguyên nhân tác động đến hiệu quả công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa Đình – Đền Phú Nhi.

Hiện nay, trong phạm vi di tích nhiều các hạng mục kiến trúc đang bị xuống cấp, do trình độ năng lực quản lý của người trông coi Di tích chưa được đề cao nên việc quản lý di tích vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều lần Đình – Đền Phú Nhi được sửa chữa theo ý của các cụ cao niên trong làng và người trông coi Di tích nên việc trùng tu chưa đảm bảo giữ nguyên giá trị của Di tích vốn có của nó.  Tình trạng người dân kinh doanh dịch vụ thương mại cùng nguồn rác thải ngày một gia tăng trong mùa lễ hội vẫn chưa có biện pháp khắc phục tích cực. Trong quá trình nghiên cứu thực địa nhiều lần tại di tích, bên cạnh những mặt thành tựu đạt được của ban quản lý đối với hoạt động bảo tồn và phát huy di tích vẫn còn tồn tại khá nhiều mặt hạn chế xuất phát từ nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác quản lý tại Đình – Đền Phú Nhi.

Một số hạn chế trong công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa Đình – Đền Phú Nhi

Bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, công tác quản lý khu di tích và lễ hội Đình – Đền Phú Nhi vẫn còn bộc lộ rất nhiều những hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục và giải quyết.

Trước hết, có thể nhận thấy rõ ràng một hiện thực là hệ thống di tích Đình – Đền Phú Nhi chưa được quan tâm đúng mức. Một số công trình trong quần thể Di tích được xây dựng nhưng không phù hợp với kiến trúc nguyên bản của Di tích, cũng như không đúng với giá trị văn hóa của nó. Ví dụ như : động Sơn trang được xây năm 2010, do Ban quản lý xin ý kiến của các cụ trong làng xây dựng nhưng quần thể Di tích Đình Đền Phú Nhi ngày xưa không có hạng mục này.

Thứ hai, trong quần thể Di tích Đình – Đền Phú Nhi, bên cạnh những di tích lịch sử đã được xếp hạng, còn có nhiều danh lam, thắng cảnh, đẹp có khả năng thu hút du khách. Đặc biệt, làng nghề bánh tẻ Phú Nhi rất được nhiều du khách trải nghiệm và thưởng thức sản phẩm làng nghề. Song, vấn đề trồng cây xanh, cải tạo đường vẫn chưa được Chính quyền các cấp quan tâm. Bên cạnh đó, đa số người đến với di tích và dự hội không quan tâm nhiều đến những giá trị văn hóa nghệ thuật của kiến trúc Đình – Đền Phú Nhi ngoài nghi thức Tế lễ và những trò chơi dân gian tại lễ hội.

Đội ngũ quản lý cũng như UBND phường chưa thực hiện tốt nhiệm vụ và quyền hạn của mình, còn xuất hiện sự buông lỏng trong quản lý dẫn đến nhiều sai phạm như: việc lấn chiếm đất đai của nhân dân từ ngày xưa trước năm 1992 khi phục hồi xây dựng lại di tích; năm 2010 Ban quản lý Di tích tự ý xây dựng Sơn Trang Động...Thực hiện chưa tốt hiệu quả việc xây dựng, thiếu sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng. Nhiều hoạt động tu bổ, tôn tạo còn nặng về số lượng, chưa chú trọng về tính lịch sử của khu di tích.

Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật nhất là Luật Di sản, Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo của chính quyền phường Phú Thịnh chưa được quan tâm, do vậy, nhận thức về việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích của một số cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo của UBND Thị xã Sơn Tây cũng như UBND phường Phú Thịnh về quản lý, bảo tồn Di tích tích và lễ hội Đình – Đền Phú Nhi còn thiếu tính quyết liệt, né tránh trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Ban quản lý Di tích Đình – Đền Phú Nhi không có sổ sách theo dõi tài sản trong Di tích; việc bổ sung đồ thờ tự, tượng phật không có sự kiểm soát làm cho sự sắp xếp trong Di tích không phù hợp.

Di tích Đình – Đền Phú Nhi tuy đã được xây dựng lại, tuy nhiên nguồn kinh phí chủ yếu do nhân dân tự đóng góp nên việc xây dựng lại mới chỉ mang tính chất có chỗ để thờ tự cũng như là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của dân làng, thực chất khu di tích chưa được tôn tạo, xây dựng đúng lại nguyên bản như ngày xưa vốn có.

Công tác quản lý và lưu giữ hồ sơ, xếp hạng của Di tích tại UBND phường cũng như Ban quản lý di tích còn yếu, các văn bản, hồ sơ liên quan đến công tác trùng tu, tôn tạo di tích Đình – Đền Phú Nhi đến nay không còn được lưu giữ.

Tình trạng bảo vệ cảnh quan môi trường trong và xung quanh Di tích Đình – Đền Phú Nhi chưa thực sự được quan tâm. Ngay cách khu dích khoảng 100m là khu chợ Phú Nhi, hàng quán còn bán lộn xộn tại lòng lề đường, tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn còn xảy ra làm mất cảnh quan và ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường chung.

Ý thức chấp hành pháp luật và một số quy định của Thành phố và Thị xã Sơn Tây về quản lý lễ hội của một số người dân còn chưa tốt, tiếu tự giác nên trong thời gian diễn ra Lễ hội vẫn còn tình trạng đánh bạc ăn tiền, gây ảnh hưởng tới mỹ quan của du khách khi đến với Di tích Đình – Đền Phú Nhi vào mùa lễ hội.

Nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác quản lý di tích

Nguyên nhân chủ quan

Nhận thức của Đảng bộ và chính quyền UBND phường Phú Thịnh về công tác quản lý di tích Đình – Đền Phú Nhi còn chưa đầy đủ.

Ban quản lý di tích của Đình – Đền Phú Nhi hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Chủ yếu vẫn chỉ chuẩn bị các công việc và tổ chức Lễ hội còn các hoạt động tu bổ, tôn tạo giá trị tâm linh, giá trị lịch sử của Di tích chưa được quan tâm sát xao.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành địa phương còn chưa cao và nhiều khi còn buông lỏng.

Chế độ, chính sách đãi ngộ cho cán bộ công chức  làm công tác quản lý di tích và chế độ chi trả công cho người chông coi, quản lý Di tích còn thấp, chưa đảm bảo với xu thế phát triển của đời sống xã hội.

UBND Thành phố Hà Nội và UBND Thị xã Sơn Tây chưa quan tâm nhiều đến việc đầu tư, tôn tạo các Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Mức đầu tư cho các Di tích này khi bị xuống cấp chưa được quan tâm đúng mức, trang thiết bị cơ sở vật chất cho khu di tích Đình – Đền Phú Nhi còn hạn chế, sơ sài.

Nguyên nhân dẫn đến những sai phạm trong xây dựng, vi phạm Luật Di sản, Luật xây dựng, Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo là do cấp ủy Đảng, chính quyền tại UBND phường Phú Thịnh còn thiếu tính quyết liệt, kiểm tra đôn đốc thực hiện chức năng của mình, còn né tránh đùn đẩy lên cấp trên.

Công tác tuyên truyền tới người dân, công tác phối hợp trong việc quản lý nhà nước về quản lý, phát huy các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của Di tích cũng như lễ hội Đình – Đền Phú Nhi còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ.

Nguyên nhân khách quan

            Do công tác xã hội hóa nhằm bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của Di tích Đình – Đền Phú Nhi còn diễn ra phức tạp, do vậy, công tác chỉ đạo trong quản lý tại Phường Phú Thịnh còn gặp nhiều khó khăn.

            Do sự thiếu nhận thức của con người trong việc bảo tồn thiên nhiên, ảnh hưởng đến sự biến đổi khí hậu gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến Di tích nên việc bảo vệ Di tích rất khó khăn.

Một số giải pháp nâng cao công tác quản lý di tích Đình – Đền Phú Nhi

Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến về bảo vệ di tích Đình – Đền Phú Nhi

Việc tuyên truyền công tác bảo tồn về di sản văn hoá, trong đó có di tích lịch sử  Đình – Đền Phú Nhi là giải pháp mang tính hiệu quả, và phù hợp nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà hàng loạt các yếu tố nguyên nhân đã và đang diễn ra làm ảnh hưởng đến di tích Đình – Đền Phú Nhi, như tình trạng xâm lấn về không gian cảnh quan môi trường của ngôi đền, quá trình đô thị hóa nông thôn, ý thức người dân chưa cao về bảo vệ di tích, biến di tích là nơi tập kết nguyên vật liệu xây dựng, vấn đề rác thải trong mùa lễ hội vẫn tái phát chưa có chiều hướng thuyên giảm. Vì vậy, công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu, bởi tính hiệu quả của công tác tuyên truyền sẽ tạo điều kiện nâng cao vốn hiểu biết đúng đắn cho người dân sống trên địa bàn thôn Đa Hòa nói riêng và nhân dân bên ngoài xã Bình Minh nói chung.

Giải pháp về tổ chức hoạt động nghiệp vụ

Thứ nhất, lưu trữ hồ sơ gốc của di tích Đình - Đền Phú Nhi (cần bổ sung các văn bản còn thiếu, bị thất lạc hoặc đề nghị cấp trên hỗ trợ sao văn bản gốc nhằm lưu trữ đầy đủ các thông tin về di tích), sưu tầm biên dịch các văn bản chữ Hán thuộc về di tích như: thần sắc, thần phả, văn bia, hoành phi, câu đối... Nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu, giới thiệu phục vụ tham quan du lịch.

Thứ hai, lập sổ ghi chép, cập nhật thông tin về việc bổ sung hiện vật, đồ thờ tự, tượng, hồ sơ dự toán thiết kế kỹ mỹ thuật trong quá trình đầu tư trùng tu, tu bổ, phục dựng di tích phục vụ cho công tác bảo quản, bảo vệ, trùng tu tôn tạo di tích Đình – Đền Phú Nhi sau này.

Thứ ba, xây dựng ngân hàng hồ sơ di tích cấp Thị xã cũng như tại phường một cách khoa học, phục vụ cho công tác quản lý và nghiên cứu lâu dài, tránh sự mất mát dủi do có thể xẩy ra.

Thứ tư, phối hợp với Phòng Quản lý Di sản văn hoá, Ban quản lý Di tích - Danh thắng thành phố Hà Nội, Viện nghiên cứu Di sản Hán nôm biên tập, biên dịch, biên soạn để in ấn cuốn sách về giá trị văn hóa, giá trị lịch sử của di tích Đình – Đền Phú Nhi nói riêng và các Di tích trên địa bàn Thị xã Sơn Tây nói chung.

Tăng cường công tác giáo dục truyền thống, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.

Hình thành tour du lịch tâm linh để quảng cáo trên các kênh thông tin đại chúng nhằm giới thiệu về huyện và hệ thống các di tích trong Thị xã Sơn Tây. Xây dựng nội quy, quy chế tham quan, du lịch và phục vụ nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Tổ chức hướng dẫn các hoạt động phục vụ tham quan du lịch, lễ hội truyền thống theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tăng cường đầu tư tài chính

Vấn đề đầu tư kinh phí cho các công trình di tích nhằm tu bổ sửa chữa luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.  Bên cạnh đó, cần tăng cường sự chỉ đạo kết hợp giữa các cấp, ban ngành trong vấn đề quản lý di tích Đình – Đền Phú Nhi, đẩy mạnh đầu tư về ngân sách, lập ra các dự án, kế hoạch tôn tạo di tích đền Đình – Đền Phú Nhi, phát triển các đề tài nghiên cứu khoa học để có thể tiến hành công tác bảo tồn di tích Đình – Đền Phú Nhi theo lối nguyên bản mang tính hiệu quả cao nhất.    

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra                                              

Việc kiểm tra, thanh tra di tích của cán bộ quản lý ngành Văn hóa trên địa bàn Thị xã Sơn Tây dường như có phần hạn hẹp, trách nhiệm chưa cao và không thường lệ. Qua trao đổi với những người cao tuổi và Ban quản lý Đình – Đền Phú Nhi , tác giả thấy việc cán bộ quản lý di tích ở cấp Thị xã rất ít xuống thực tế kiểm tra, thẩm định di tích, mà chỉ khi nào các hạng mục di tích bị xuống cấp hoặc hư hại mà cơ sở báo nên mới có kế hoạch xuống kiểm tra.

Tăng cường công tác tu bổ, tôn tạo di tích Đình – Đền Phú Nhi

Trước những tác động bào mòn hủy hoại của thời gian và môi trường, đặc biệt với khí hậu nóng ẩm mưa nhiều ở nước ta, là nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng đến tuổi thọ của các công trình di tích. Đình – Đền Phú Nhi là công trình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, tuy nhiên công trình có nhiều các hạng mục kiến trúc nghệ thuật khá độc đáo, các câu đối, cửa võng mang tính nghệ thuật rất cao...Vì vậy, trước sự tác động của thời tiết và những tác động khách quan do con người tạo nên thì việc tu bổ tôn tạo di tích Đình – Đền Phú Nhi hiện nay là rất cần thiết.

 

                                                  Tài liệu tham khảo

1.    Ban Chấp hành Đảng bộ Thị xã Sơn Tây (2016), Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân Thị xã Sơn Tây giai đoạn 1930 -2015, Nxb Chính trị quốc gia.

2.    Ban thường vụ Thị ủy Sơn Tây (2014), Tập san Thị xã Sơn Tây – tiềm   năng và phát triển, Hà Nội.

3.     Bộ Văn hóa - Thông tin (2006), Tìm hiểu quy định pháp luật về di sản văn hóa, Nxb Lao động , Hà Nội.

4.    Bộ Văn hóa - Thông tin (2003), Quyết định số 05/2003/QĐ-BVHTT ngày 06 tháng 02 năm 2003 ban hành “ Quy chế bảo quan, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh”

5.    Lê Ngọc Dũng (2005), Tổ chức, quản lý và khai thác các di tích và danh thắng ở Việt Nam trong cơ chế thị trường, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

6.    Địa chí Hà Tây (1999), sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây.

7.    Trịnh Minh Đức, Nguyễn Đăng Duy (1993), Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.

8.    Nguyễn Quang Ngọc (2010), Thăng Long Hà Nội - Tuyển tập công trình nghiên cứu lịch sử, Nxb Hà Nội.

9.    Hà Nguyên (2010), Di tích lịch sử văn hóa Hà Nội, Nxb Thông tin và Truyền thông.

10.   Cổng thông tin điện tử Thị xã Sơn Tây http://sontay.hanoi.gov.vn/

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa