Cảm thụ âm nhạc cho trẻ từ 5 đến 6 tuổi tại trường mầm non song ngữ Peace School

23 Tháng Mười Hai 2016

Nguyễn Thị Huyền[*]

 

          Với trẻ Mầm non, đặc biệt là độ tuổi từ 5 đến 6, âm nhạc có vai trò vô cùng quan trọng. Âm nhạc là phương tiện giúp trẻ nhận thức thế giới xung quanh, phát triển ngôn ngữ, quan hệ giao tiếp và trao đổi tình cảm. Thế giới âm nhạc muôn màu, muôn sắc tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tình cảm, đạo đức, thẩm mĩ. Giáo dục âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật hết sức gần gũi với trẻ, là hoạt động được trẻ yêu thích, nguồn hứng thú mạnh mẽ để trẻ cảm thụ nghệ thuật và nó còn là phương tiện thiết thực cho các hoạt động giáo dục. Có thể coi âm nhạc là một bộ phận không thể tách rời với việc chăm sóc, giáo dục trẻ.

Dạy học cảm thụ âm nhạc không chỉ dạy trẻ biết ca hát, biết đến âm nhạc mà dạy cảm thụ để giáo dục cho trẻ lòng yêu âm nhạc, biết cảm thụ âm nhạc thông qua các hoạt động âm nhạc phong phú như: Ca hát, vận động, nghe hát, múa, trò chơi âm nhạc… Đặc biệt đối với trẻ 5 đến 6 tuổi, cảm thụ âm nhạc đã đem lại cho trẻ những ấn tượng, những khái niệm âm nhạc, dần hình thành trong tâm hồn trẻ, tạo điều kiện phát triển thị hiếu âm nhạc. Đây là bước khởi đầu giúp trẻ biết cách biểu diễn tác phẩm âm nhạc ở mức độ đơn giản.

Trường mầm non song ngữ Peace School thành lập 23/05/2014 có tổng diện tích hơn 4.200m2 với 3 khu nhà liền kề 3 tầng. Trường có khu hiệu bộ riêng biệt, có nhà bếp đạt tiêu chuẩn, sân chơi rộng rãi, cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp. Nhà trường còn có phòng học dành cho các trẻ đặc biệt cần sự hỗ trợ sâu hơn về trí tuệ và thể chất. Về cơ sở vật chất, nhà trường được đầu tư đảm bảo theo tiêu chí chuẩn quốc tế. Tất cả các trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, học cụ cho trẻ được nhập nguyên chiếc từ châu Âu, với tiêu chí an toàn, thân thiện, thực sự mang đến cho trẻ một không gian sống, một môi trường phát triển lành mạnh, chất lượng cao, tạo nền tảng cho một tương lai vững chắc.

            Về nội dung chương trình: trường mầm non song ngữ Peace School thực hiện chương trình giáo dục âm nhạc theo khung hướng dẫn của Vụ Giáo dục Mầm non được bố trí xuyên suốt kế hoạch năm học. Chương trình bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 năm sau và được thực hiện theo các chủ điểm, mỗi chủ điểm được thực hiện từ 2 đến 5 tuần.

            Qua tìm hiểu và nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy các hoạt động trong giáo dục âm nhạc tại trường thực hiện theo khung hướng dẫn có nội dung khá phong phú và đa dạng. Các bài hát được lựa chọn ở nhiều dạng, nhiều thể loại khác nhau như: ca khúc trữ tình, dân ca, hành khúc… và được sắp xếp theo chủ đề phù hợp. Các hoạt động âm nhạc được tổ chức thường xuyên và kết hợp nhiều hoạt động với nhau tạo nên sự phong phú đa dạng, có nội dung trọng tâm và nội dung kết hợp, ví dụ như nội dung trọng tâm là hát thì nội dung kết hợp là nghe nhạc, vận động theo nhạc, trò chơi âm nhạc… Tuy nhiên trẻ vẫn chưa thực sự được cảm thụ âm nhạc một cách sâu sắc thông qua các tiết học âm nhạc, phần lớn là các con chỉ được làm quen và học theo nội dung và chưa thực sự có hứng thú nhiều với âm nhạc.

Vậy làm thế nào để dạy học cảm thụ âm nhạc mang đến cho các con những tác động tích cực, mang lại lợi ích lâu dài và sức ảnh hưởng sâu sắc đối với trẻ? Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta phải tìm ra những giải pháp phù hợp cho việc dạy học âm nhạc của trẻ, phải dựa trên tâm sinh lý. Không nên quá chú trọng đến việc các con phải hát thuộc, hát đúng một bài hát, múa thật đẹp các động tác…mà chúng ta phải cho các con có cơ hội được trải nghiệm, thể hiện bản thân và thể hiện sự sáng tạo để giúp các con hình thành năng lực cảm thụ âm nhạc.

Trẻ em bây giờ rất thông minh, nhanh nhẹn và đặc biệt rất nhạy bén với âm nhạc. Là một giáo viên dạy âm nhạc, chúng tôi luôn mong muốn truyền đạt thật nhiều kiến thức cho trẻ, giúp trẻ phát triển hết những khả năng vốn có của mình. Giáo viên nên tìm ra những cách thức hay, những phương pháp giúp trẻ có khả năng cảm thụ âm nhạc một cách hiệu quả. Đối với trẻ ở lứa tuổi mầm non cảm thụ âm nhạc là môn học giúp trẻ phát triển toàn diện. Và thông qua các hoạt động âm nhạc trẻ sẽ linh hoạt, mạnh dạn, thông minh qua việc sáng tạo các động tác minh họa kết hợp khi hát, khi vận động theo nhạc  thúc đẩy sự vận động cơ thể, sự nhanh nhẹn khéo léo, bền bỉ và dẻo dai qua từng động tác.

 

Ảnh: Một giờ học âm nhạc của trẻ mầm non ( Nguồn: sưu tầm)

 

Âm nhạc có sức ảnh hưởng và tầm quan trọng trong đời sống tâm hồn cũng như sự phát triển của trẻ nhỏ, nhưng không phải ai cũng có phương pháp hay để trẻ cảm thụ âm nhạc đúng cách. Sau một khoảng thời gian giảng dạy bộ môn âm nhạc ở trường Mầm non song ngữ Peace School và các trung tâm âm nhạc, với kinh nghiệm của bản thân và sự học hỏi qua những đồng nghiệp,chúng tôi đưa ra những biện pháp nâng cao hiệu quả cảm thụ âm nhạc với trẻ từ 5 đến 6 tuổi tại trường Mầm non song ngữ Peace Schoolvới mong muốn tìm ra những giải pháp giúp trẻ có thể cảm thụ thật tốt bộ môn âm nhạc.

Thứ nhất, đa dạng hóa hình thức tổ chức và phương pháp dạy học

Việc xây dựng chương trình mang tính hệ thống với nhiều hình thức tổ chức hoạt động khác nhau là một công việc quan trọng và không mấy dễ dàng. Công việc này đòi hỏi giáo viên phải luôn tìm tòi, đổi mới cả về nội dung, phương pháp và áp dụng những phương tiện vào giờ dạy một cách có hiệu quả. Hoạt động đó không những mới mà còn phải phù hợp với nội dung, chủ điểm, chủ đề và đáp ứng được nhu cầu giáo dục, theo kịp sự đổi mới của giáo dục nói chung, giáo dục âm nhạc nói riêng cũng như từng bước đáp ứng được những sự đòi hỏi của xã hội ngày nay. Cần sử dụng các phương tiện dạy học, các loại nhạc cụ và đồ dùng học tập gây hứng thú cho trẻ, tạo môi trường kích thích trẻ học tập.Sáng tạo các loại nhạc cụ và đồ dùng sinh động, hấp dẫn. Tổ chức tiết học nhẹ nhàng, linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin vào tiết học, đồng thời dạy hát kết hợp với nghe nhạc.

            Thứ hai, dạy cảm thụ theo hướng tăng cường vận động theo nhạc

   Về nội dung vận động theo nhạc chúng tôi nghiên cứu và áp dụng phương pháp Orff-Schulwerk. Đây là phương pháp dạy nhạc dựa trên nền tảng khai thác và phát triển năng lực âm nhạc thông qua khả năng vui chơi tập thể, vận động và hoạt động để trẻ phản ứng với âm nhạc một cách tổng thể và tích cực. Trẻ mẫu giáo rất thích âm nhạc và đặc biệt là thích được vận động với âm nhạc. Đôi khi chỉ cần âm nhạc vang lên là trẻ có thể cảm nhận lắc lư theo nhạc hay ngẫu hứng những điệu múa có tiết tấu độc đáo của riêng mình. Những bài hát, bản nhạc tạo cho trẻ những xúc cảm mạnh mẽ, thôi thúc trẻ có những vận động phù hợp với đặc tính của âm nhạc.

Tư liệu học tập âm nhạc của trẻ được sử dụng và khai thác từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng tại trường mầm non song ngữ Peace School, chúng tôi có những ưu tiên đặc biệt đối với dân ca, đồng dao, trò chơi trẻ em gắn kết với ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ. Bởi vì trẻ được sinh ra và lớn lên trong môi trường ngôn ngữ này nên chúng dễ đọc, dễ nhớ, và dễ hiểu các giai điệu, tiết tấu, nhóm âm hình đặc trưng của  bài hát dân gian, bài đồng dao phản ảnh đời sống văn hóa của cộng đồng.

            Với phương pháp Orff-Schulwerk, âm nhạc tồn tại bằng phương thức gắn kết với động tác, vận động, vũ điệu, nói - xướng theo vần điệu. Vì vậy, trẻ em học âm nhạc không phải chỉ nghe, đọc, xướng mà phải được tham gia, trải nghiệm âm nhạc qua vận động và chơi đùa. Vận động theo nhạc gồm các vận động tại chỗ và vận động chuyển dịch. Các vận động âm nhạc được thể hiện trong không gian, thời gian, và các mức độ sử dụng năng lượng cơ thể, được thiết kế theo những mẫu hoặc cấu trúc âm nhạc đặc trưng.

Thứ ba, cảm thụ âm nhạc thông qua trò chơi và các câu chuyện âm nhạc

            “CHƠI” giúp trẻ tối ưu hóa khả năng sáng tạo nhờ việc trẻ được thỏa sức tưởng tượng, đồng thời giúp trẻ phát triển thể chất, sự khéo léo, củng cố trí thông minh nhận thức và cảm xúc của trẻ.

            Phương pháp dạy học hiệu quả là kết hợp giữa học và chơi, các hoạt động sẽ trở nên phong phú, tạo cơ hội để trẻ được trải nghiệm, thể hiện bản thân và thể hiện sự sáng tạo. Việc này nhằm mục đích cung cấp, hình thành năng lực cảm thụ âm nhạc, trẻ sẽ học tập và lĩnh hội âm nhạc một cách tốt hơn. Trò chơi âm nhạc là dạng vận động được trẻ rất yêu thích nhờ vào yếu tố “Chơi” của nó. Tạo điều kiện cho trẻ chơi chính là mở ra những con đường để trẻ có thể phát triển một cách tự nhiên. Phương châm “Học mà chơi, chơi mà học” đã được áp dụng cho nhiều môn học ở trường mầm non, trong đó có môn âm nhạc. Hoạt động âm nhạc dưới hình thức chơi không phải là điều mới mẻ với trẻ, vì chúng ta đều biết các trò chơi dân gian dựa trên những bài đồng dao đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. “Một trong những nét đặc thù của trò chơi là tính tự do, tự nguyện và tính độc lập của trẻ được thể hiện rất cao”.

Thứ tư, kết hợp âm nhạc với các môn học khác

            Việc kết hợp âm nhạc với những môn học khác là một hoạt động khá mới mẻ và rất ít trường đưa vào thực hiện.Qua thực tế nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy việc kết hợp âm nhạc với những môn học khác mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với việc học riêng rẽ và đơn điệu đối với từng môn học. Theo phương pháp dạy tích hợp các bộ môn, âm nhạc có thể lồng ghép, kết hợp với tất cả các bộ môn khác và còn giúp cho các bộ môn khác trở nên sinh động hơn.

Thứ năm, đưa bài hát tiếng Anh vào giờ dạy cảm thụ âm nhạc

            Với sự phát triển và hội nhập đối với khu vực và thế giới hiện nay, tiếng Anh đã được chú trọng đưa vào giảng dạy tại các trường mầm non. Trường mầm non song ngữ Peace School dạy trẻ học song song hai loại ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh. Việc đưa các bài hát tiếng Anh vào giờ học âm nhạc là rất cần thiết. Ở các nước phát triển thì phương pháp này đã được áp dụng từ khá sớm, điển hình là phương pháp trong giờ dạy tiếng Anh, họ đều lồng ghép với các video âm nhạc, vừa kết hợp hình ảnh, âm nhạc, ngôn ngữ và cả vận động. Mỗi một chủ đề (môi trường, gia đình, đồ dùng, giao tiếp…) đều được mô phỏng lại trực tiếp bằng một bài hát hay nhạc nền có kết hợp hình ảnh thực tế.

            Thứ sáu, cảm thụ âm nhạc thông qua hình thức sân khấu hóa

            Hoạt động biểu diễn âm nhạc đối với trẻ mầm non không còn xa lạ, nhưng các con được tham gia biểu diễn trên hình thức tiết học là chủ yếu. Trẻ được biểu diễn đơn giản cùng các bạn, tổ và nhóm. Đôi khi là hoạt động biểu diễn trên sân khấu nhân dịp lễ lớn tại trường nhưng không phải là tất cả các trẻ để được tham gia. Mặt khác sự cảm thụ tích cực của trẻ về âm nhạc không nên dừng lại ở việc cho trẻ nghe và hát lại những bài hát được người lớn truyền thụ mà tri thức và kĩ năng âm nhạc nên hình thành và tồn tại lâu bên ở trẻ. Tất cả những hình thức biểu diễn đều gây cho trẻ những hứng thú nhất định và nếu biểu diễn thành công sẽ có giá trị giáo dục sâu sắc hơn. Cảm thụ âm nhạc chỉ được coi là hoàn thiện khi một tác phẩm âm nhạc truyền thụ cho trẻ và chính bản thân trẻ tham gia tái hiện đầy đủ tác phẩm âm nhạc đó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Lê Tuấn Đức (2006),  Một số biện pháp hình thành khả năng cảm thụ âm nhạc cho trẻ 5 - 6 tuổi, Luận văn Thạc sĩ Khoa học chuyên ngành Giáo dục mầm non, trường ĐHSP Hà Nội.

2.    Ngô Thị Nam (1993), Âm nhạc và phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.

3.    Dương Mai Trang, Vũ Thị Thu Hằng (2015), Cẩm nang trò chơi sáng tạo cho trẻ, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

4.    Hoàng Văn Yến (2005), Trẻ mầm non ca hát (tuyển tập các bài hát nhà trẻ mẫu giáo). Vụ Giáo dục Mầm non, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc