Hát ru người Việt ở Bắc Bộ

25 Tháng Bảy 2017

                                                                                                      Lương Thị Hằng My[*]

 

            Trong kho tàng dân ca của người Việt, Hát ru là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, giàu có cả về giá trị lẫn số lượng, phổ biến trong đời sống nhân dân và mang những giá trị nhân văn cao đẹp. Hát ru góp phần hình thành, nuôi dưỡng và phát huy nhân cách, năng khiếu, tâm hồn và thái độ ứng xử của con người. Qua những lời ru êm dịu, tha thiết, những ca từ gần gũi thân thương đã gieo vào tâm thức trẻ thơ những hạt giống tốt lành và đọng lại trong ký ức mỗi người hình ảnh tốt đẹp về lòng nhân ái, đạo lý làm người, tình yêu quê hương, đất nước.

1. Quan niệm về Hát ru người Việt

            Hát ru là một thể loại âm nhạc truyền thống, một lối hát có tính tập quán truyền thống, một loại hình nghệ thuật dân tộc đặc biệt trong kho tàng âm nhạc dân gian và mang giá trị nhân văn cao đẹp. Trong các thể loại dân ca, Hát ru là một trong những thể loại được sáng tạo sớm nhất, xuất hiện sớm hơn so với các thể loại hát diễn xướng khác.

            Hát ru là những bài hát êm dịu, nhẹ nhàng, đơn giản. Cách hát này có tính chất đặc biệt, gắn liền với vai trò, hình ảnh người mẹ, người bà, người chị; gắn với cuộc sống sinh hoạt đầu đời của một con người. Trong Hát ru, mỗi người đều có một cách hát riêng nhưng đều mang tính trữ tình và luôn để lại những ấn tượng sâu sắc trong suốt cuộc đời của con người.

Hát ru hát để ru em ngủ, còn gọi là Ru em (miền Bắc và miền Trung), Ầu ơ (miền Nam), Ú lục (Thái, Tày), Um con (Bana), Khổng Mí nhủa (Mông). Điệu hát đều đều, êm ái, nhẹ nhàng; nội dung lời hát đề cấp đến tình mẹ con, tình chồng vợ, nhân tình thế thái, có khi mang những tình cảm rộng lớn hơn, vượt khỏi khuôn khổ ru trẻ ngủ. [9, tr. 222]

Hát ru còn gọi là Hát ru con hoặc ru em là một lối hát theo tập quán, truyền thống và rất phổ biến ở các vùng, các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước. Tuy mỗi vùng, mỗi dân tộc đều có điệu hát ru được gọi bằng các tên gọi khác nhau và âm nhạc cũng mang màu sắc riêng, nhưng có những điểm chung như: giai điệu êm dịu, du dương, trìu mến; tiết tấu đều đặn nhịp nhàng; lời ca giàu hình tượng, dạt dào tình thương yêu tha thiết đối với em thơ, tất cả những yếu tố đó đã như đôi cánh nhẹ nhàng đưa em bé vào giấc ngủ ngon lành. [4, tr.196)

2. Hát ru của người Việt ở Bắc Bộ

2.1. Nguồn gốc hình thành Hát ru

            Hát ru của người Việt ở Bắc Bộ có nguồn gốc lịch sử lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, ăn sâu vào tâm hồn người Việt. Giữa trưa hè oi ả hay những đêm đông lạnh giá, lời ru của bà, của mẹ cất lên lúc thì như một làn gió mát, khi lại như ngọn lửa ấm nồng đưa bé chìm sâu vào giấc ngủ. Trong lời ru có cánh cò bay, có cái bống chịu thương chịu khó giúp mẹ việc nhà, có con cún hay nô đùa với bé.... tất cả cuộc sống thường nhật đều được tái hiện trong từng câu hát ru.

Môi trường của Hát ru trước hết và chủ yếu là ở gia đình, mẹ hát ru con, bà hát ru cháu, chị ru em là để dỗ dành trẻ nhỏ vào giấc ngủ. Mẹ ru con ngủ để có thời gian làm việc nhà, việc nước. Bà ru cháu ngủ để đỡ đần mẹ nó những khi bận bịu vắng nhà, chị ru em cho mẹ đi làm đồng áng... Buổi ban đầu, tiếng hát ru có tính chất phản xạ, bản năng của người mẹ dùng để ức chế giấc ngủ và thể hiện tình cảm mẹ con thiêng liêng. Nhưng về sau, tiếng hát ru hình thành và trở thành một loại dân ca trữ tình nằm trong sinh hoạt văn hóa gia đình với chức năng giáo dục và thẩm mỹ sâu sắc. Hát ru đã vượt khỏi phạm vi gia đình và trở thành một loại dân ca nằm trong hình thức thanh nhạc. Hát ru người Việt ở Bắc Bộ ra đời là kết quả của sự sáng tạo cùng với tình yêu thương vô bờ bến của những người mẹ, người bà, người chị.

2.2. Lời ca trong Hát ru của người Việt ở Bắc Bộ

            Hát ru người Việt ở Bắc Bộ có nguồn gốc xã hội gắn liền với hoạt động lao động, với đời sống sinh hoạt gia đình. Không giống các thể loại dân ca khác chỉ bó hẹp trong bối cảnh của hội hè, những bài Hát ru ở Bắc Bộ thường mang tính chất ngụ ngôn, nội dung lời ca khá phong phú, mang nhiều hình ảnh nỗi niềm khác nhau. Từ hình ảnh những con vật thân thuộc, gần với cuộc sống của người nông dân như con cò, con vạc, con tôm, con mèo, con chuột, cái bống… đến công việc làm ăn, đi chợ; từ các mối quan hệ giữa con người với con người đến lẽ sống ở đời, các hiện tượng thiên nhiên quen thuộc. Lời ca của những bài Hát ru thường thể hiện tâm lý hồn nhiên, chất phác phù hợp với tính hình ảnh, tính cụ thể trong việc lĩnh hội hình tượng nghệ thuật của trẻ thơ.

Lời ca trong Hát ru của người Việt ở Bắc Bộ thường sử dụng ca dao với những thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể, lời ca thường mang hình ảnh cụ thể, có tính văn học nhưng không phải bất kỳ một câu lục bát nào cũng có thể đưa vào Hát ru. Ca dao chính là phần lời mang đầy ý nghĩa nhân văn, khi đưa vào Hát ru, người hát và trẻ thường dễ nhớ. Lời hay, ý đẹp của thơ ca làm ta dễ hiểu, dễ đi và tâm tư, tình cảm và trái tim bao thế hệ.

            Ví dụ:

Yêu con biết lấy gì đong,

Gan bào ruột thắt ước mong trăm đường.

Con có bé nhỏ mẹ lo,

Cho ăn tắm mát thơm tho bế bồng.  

            Trong lời ca của Hát ru luôn luôn có sự liên kết giữa hai thành tố câu ru và tiếng đưa hơi. Hát ru thường được mở đầu bằng những tiếng: à ơi, ru hời… thường gọi đấy là tiếng “đưa hơi”. Bên cạnh đó trong lời ca của Hát ru thường được sử dụng những tiếng đệm lót như: í a, ư ừ, hỡi hời… để tăng thêm khả năng biểu cảm của người ru, thể hiện tình cảm âu yếm, vỗ về, nựng nịu.

            Ví dụ: 

Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

  Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

            Lời ca:

À a a a ơi, à a a a  ời. Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước i i trong nguồn chảy i i ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu i i a mới là i i i đạo con. À a a a ơi, à a a a ời.

2.3. Âm nhạc trong Hát ru của người Việt ở Bắc Bộ  

Hát ru Bắc Bộ là thể loại Hát ru mang phong cách ngâm ngợi, thường phổ nhạc dựa vào những câu thơ lục bát (6/8) hoặc lục bát biến thể. Âm nhạc trong Hát ru là phương tiện giúp người ru giao tiếp được với trẻ một cách thuận lợi cho dù trẻ đã đủ lớn để hiểu hay chưa hiểu được khả năng giao tiếp bằng ngôn từ. Giai điệu hát ru lôi cuốn trẻ vào tiếng ru và dễ dàng lĩnh hội những tín hiệu do ngôn ngữ âm nhạc Hát ru mang lại.

Âm nhạc và lời ca là hai yếu tố luôn gắn bó mật thiết với nhau, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau trong quá trình định hình và phát triển của cấu trúc. Qua việc tìm hiểu các bài Hát ru ở nông thôn Bắc Bộ ngày nay hầu hết các bài Hát ru đều thuộc loại cấu trúc ba phần riêng biệt gồm: phần mở/ thân/ đóng.

Phần mở: Là một nét đưa hơi ngắn, tính chất dịu dàng, đường nét giai điệu thoáng đạt, tự do gắn với những hư từ như à … ơi, à … ời. Tuy không bao hàm nội dung câu hát nhưng phần mở có tác dụng chuẩn bị cho sự xuất hiện của thang âm và điệu, cách ngân nga luyến láy… ở phần tiếp diễn. Đặc biệt nó còn khắc họa tính thể loại cho các làn điệu này.         Điển hình của câu ru Bắc Bộ là tiếng à ơi… với hai nét nhạc mở. Dưới đây là hai cách mở của Hát ru Bắc Bộ:

Ví dụ:

Phần thân: Là phần chính của làn điệu, bao hàm toàn bộ nội dung của bài ru. Âm nhạc trong Hát ru được thể hiện ở đây một cách đầy đủ với các yếu tố như: Thang âm, điệu thức, mối quan hệ có tính quy luật giữa thơ và nhạc… Giai điệu phần thân tương ứng với một cặp thơ lục bát hoặc nhiều hơn, do đó nét giai điệu của Hát ru sẽ được lặp lại nhưng có sự thay đổi đôi chút để phù hợp với thanh điệu của lời ca.

Ví dụ:                

Hát ru Hà Nam (Trích)

Sưu tầm: Lê Giang

              Ký âm: Lư Nhất Vũ [7]

                                                           

Phần đóng: Là một nét nhạc ngắn gắn với tiếng ru, thường tạo ra một sự ổn định cho việc kết thúc của làn điệu. Âm kết thúc của phần đóng bao giờ cùng là âm tựa chính.

                               à    .....                 ơi        à    ....                    ời

 Với cấu trúc như trên, người hát ru có thể hát hàng chục câu thơ khác nhau trên cơ sở của làn điệu hát ru không thay đổi hoặc thay đổi không đáng kể do thanh điệu lời ca tạo nên.    

Âm điệu Hát ru của người Việt nói chung luôn được mở đầu bằng một chuỗi các hư từ, gắn với các hư từ này là một chuỗi âm thanh được kết nối với nhau bằng dấu luyến tạo nên một âm điệu êm ả, thích hợp với một không gian yên tĩnh và một tính cảm trìu mến, yêu thương mà người ru muốn dành cho trẻ để đưa trẻ vào giấc ngủ ngon lành.  

Hát ru Bắc Bộ luôn được hát với tốc độ chậm, nhịp điệu tự do phóng khoáng, khoan thai phù hợp với tính chất ngân nga làm nên một cảm giác êm ái, nhẹ nhàng. Tiết tấu trong Hát ru hầu như không có sự tương phản giữa các ca từ, mỗi ca từ được hát với một giá trị thời gian gần như nhau. Sự ngưng nghỉ, kéo dài thường chỉ diễn ra ở cuối mỗi câu thơ. Tuy nhiên trong quá trình diễn xướng, phụ thuộc vào cảm xúc như sự ngẫu hứng của người ru, sự đều đặn của mỗi ca từ có thể bị thay đổi.  

2.4. Phương thức và không gian diễn xướng của Hát ru người Việt ở Bắc Bộ

            Hát ru là một điệu dân ca do người mẹ, người bà hay người chị diễn xướng khi đưa đẩy chiếc nôi hay cánh võng để dẫn trẻ vào giấc ngủ lúc ban trưa, chiều xuống hay đêm về. Diễn xướng trong Hát ru khá đơn giản, chỉ có một người hát từ bài thơ lục bát này đến bài thơ khác theo nhịp điệu đong đưa, dìu dặt, uyển chuyển. Một người mẹ ru con, bà ru cháu hay chị ru em đều không chỉ ru bằng những câu hát đơn thuần mà họ còn làm những động tác để dỗ cho trẻ ngủ bằng cách bồng trẻ trên tay đung đưa, nựng nịu dỗ dành qua những lời nói ngọt ngào, trìu mến trước khi họ cất lên tiếng ru. Trong khi ru mà đứa bé quấy khóc thì người ru có thể không hát phần lời mà chỉ hát giai điệu cùng sự kết hợp mọt số động tác rung rung, vỗ hay đưa nôi, chao võng. Cùng với cách diễn xướng giàu tính nhịp điệu như vậy đã đem lại sự thỏa mãn cho trẻ, giúp trẻ ngủ ngon và không quấy khóc nữa.

            Trong diễn xướng của Hát ru, những đạo cụ được sử dụng rất đơn giản, chính là những đôi cánh tay hay lồng ngực ấm áp của mẹ của bà, của chị, là những chiếc quạt nan, chiếc võng, chiếc nôi có thể đung đưa nhịp nhàng, lúc nhanh, lúc chậm tùy theo tâm trạng của đứa trẻ đang khóc hay đang buồn ngủ. Để dỗ cho trẻ thơ đi vào giấc ngủ, người mẹ, người bà, người chị có thể hát ru theo kiểu nhẹ nhàng, êm dịu, tốc độ khoan thai, tình cảm. Nhịp ru và giọng hát nhè nhẹ, dịu dàng tạo nên một tiết tấu đung đưa êm nhẹ. Mặt khác, cũng có thể theo kiểu vừa ru vừa nựng nịu, người ru dùng những động tác nựng nịu, vỗ về nhẹ nhàng và có thể đưa đi đưa lại với nhịp điệu sôi nổi hơn để giúp trẻ nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Một cách khác, có thể hát ru theo kiểu vừa dỗ vừa ru ngủ, hát ru trong trường hợp này thoải mái,thỉnh thoảng lại xen vào những câu nói hỏi chuyện trẻ đến khi đứa trẻ ngủ người mẹ lại hát theo tình cảm tâm sự của mình, tiết tấu nhẹ, sâu lắng với những câu hát trữ tình hay triết lý nhân sinh.

            Hát ru nằm trong hình thức diễn xướng đơn diễn, thời gian hát ru không giới hạn, có thể vào buổi trưa, buổi chiều hay trong lúc đêm khuya. Với mục đích là ru để đỗ đứa trẻ đi vào giấc ngủ, nên hát ru có thể vang lên bất cứ lúc nào khi đứa trẻ buồn ngủ và có nhu cầu ngủ. Khi người mẹ, người bà, người chị ru ngủ, không gian diễn xướng của hát ru cũng rất rộng rãi, đa dạng và phong phú. Có thể hát ru con đung đưa trên võng trước hiên nhà, có thể vừa nựng nịu đi lững thững trong nhà, cũng có thể người mẹ vừa làm việc vừa đung đưa chiếc võng, chiếc nôi và hát ru con.

3. Kết luận

Hát ru là loại hình nghệ thuật dân gian, một thể loại dân ca cổ truyền, một hiện tượng âm nhạc dân gian đặc sắc trong văn hóa dân gian Việt Nam. Hát ru là những giá trị văn hóa tinh thần cao quý mà cha ông đã để lại trong kho tàng dân ca Việt Nam và tồn tại hàng ngàn năm theo chiều dài lịch sử. Hát ru luôn gắn bó với sự hình thành và phát triển văn hóa gia đình, làng xóm, quê hương Việt Nam. Ẩn chứa trong Hát ru những giá trị văn hóa cao quý, tạo dựng nên một không gian văn hóa, một tâm hồn nhân hậu. Cái hay, cái đẹp, sự tinh túy của Hát ru đã được chắt lọc, đúc kết qua nhiều thế hệ để nó được tồn tại và sống với tuổi thơ. Hiện nay, khi xã hội phát triển về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, cuộc sống gia đình người Việt Nam cũng bước vào thời kỳ hiện đại hóa, những câu Hát ru đang bị mai một theo năm tháng, do đó, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của Hát ru trở thành vấn đề cấp bách của xã hội, của đất nước và của ngành giáo dục.

 


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Lê Văn Chưởng (2004), Dân ca Việt Nam những thành tố của chỉnh thể nguyên hợp, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

2. Phạm Thị Thu Hiền (2011), Hát ru trong đời sống nông thôn Bắc Bộ hiện nay, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Học viện Khoa học xã hội.

3. Nguyễn Thụy Loan (2005),  Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

4. Phạm Phúc Minh (1994), Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

5. Bùi Huyền Nga (1996), Hát ru dỗ ngủ người Việt, Luận văn Thạc sĩ Âm nhạc học, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

6. Trịnh Hà Thanh (2006), Hát ru trong đời sống sinh hoạt văn hóa cư dân châu thổ sông Hồng, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội.

7. Lư Nhất Vũ và Lệ Giang (2005), Hát ru Việt Nam, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

8. Từ điển bách khoa, tập 4 (2005), Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội

____________________________

[*] Lớp Cao học k5– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc