Nội san

Kỹ thuật xử lý một số tác phẩm Piano sử dụng chất liệu dân ca Việt Nam

28 Tháng Chín 2017

                                                                Vũ Thị Minh Trang [*]

 

Được xem như là vua của các loại nhạc cụ, đàn Piano với âm vực rộng, khi thì thánh thót, lúc lại trầm hùng, kiều diễm. Từ khi xuất hiện, đàn Piano đã mang đến một sự thay đổi lớn cho dòng khí nhạc trên thế giới với khả năng biểu hiện phong phú, có thể biểu diễn độc lập, không cần bất cứ một nhạc cụ khác nào hỗ trợ mà vẫn đạt được hiệu quả cao về nghệ thuật .Đối với nền âm nhạc mới của đất nước ta, đàn Piano tạo được sự mến mộ của công chúng nghe nhạc nhờ vào sự thể hiện điêu luyện của các nghệ sĩ biểu diễn, mà tên tuổi của họ tạo nên niềm tự hào cho dân tộc Việt như Đặng Thái Sơn, Tôn Nữ Nguyệt Minh…  Tuy nhiên, sự đóng góp của các nhạc sĩ Việt Nam với những tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc viết cho đàn Piano cũng là một lý do không kém phần quan trọng.

Âm nhạc dân gian trong sáng tác Piano của các nhạc sĩ Việt Nam là một trong những nguyên tắc thẩm mỹ quan trọng của sự nghiệp sáng tác hiện đại. Tác phẩm Piano Việt Nam sử dụng chất liệu dân ca của vùng miền nào đó được coi là tác phẩm mang âm hưởng dân ca. Việc sử dụng chất liệu dân ca đươc chia thành nhiều dạng khác nhau như: phát triển từ một làn điệu, có màu sắc, chất liệu của làn điệu, sử dụng thang âm điệu thức đặc trưng của một thể loại dân ca hay chuyển soạn nguyên dạng bài dân ca đó,…

Từ thời đầu của nền tân nhạc Việt Nam đã có những nhạc sĩ tập trung khai thác và phát triển kho tàng âm nhạc cổ truyền, trong đó có dân ca. Việc sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian không chỉ xuất hiện trong tác phẩm Việt Nam đương đại mà điều này vốn là một dòng chảy tự nhiên trong nền âm nhạc của mọi quốc gia thuộc mọi thời đại. Một số nhạc sĩ đã có ý thức và tâm huyết với xu hướng này như Nguyễn Hữu Tuấn, Thái Thị Liên, Nguyễn Văn Thương,…

Trong sáng tác tác phẩm Piano, các nhạc sĩ Việt Nam đã ý thức lấy chất liệu từ âm nhạc dân tộc, có thể là âm điệu, thang âm, điệu thức để đưa vào tác phẩm Piano. Có thể nói, thang âm điệu thức chính là ngôn ngữ âm nhạc của mỗi dân tộc, thể hiện lối sáng tạo trong tư duy, là bản sắc nghệ thuật của dân tộc đó.

Trong tác phẩm Múa quạt của nhạc sĩ Thái Thị Liên chuyển soạn đã sử dụng giai điệu của bài Xòe hoa (dân ca Tây Bắc),sử dụng thang 5 âm: G - A - H - D – E (tương ứng với điệu Cung).

Tác phẩm Cò lả của nhạc sĩ Thái Thị Liên chuyển soạn mang âm hưởng điệu hát ru của đồng bằng Bắc Bộ và sử dụng điệu thức 5 âm: F - G - A - C – D (tương ứng với điệu Cung).

Tác phẩm Inh lả ơi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương chuyển soạn đã sử dụng thang 4 âm: C - D - G – A.Đây có thể coi là thang 5 âm C – D – E – G – A (tương ứng với điệu Cung) nhưng thiếu âm E.

Tác phẩm Ru con của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương chuyển soạn đã sử dụng chất liệu dân ca Ja-Rai và sử dụng điệu thức 5 âm: D - Fis - G - A – Cis. Đây là âm điệu phổ biến ở Tây Nguyên với sự liên kết 2 nhóm quãng 4 có kết hợp âm dẫn nửa cung đi lên: D (F#) G và A (C#) D.

            Bên cạnh đó, tác phẩm có thể không mang âm hưởng của một bài cụ thể nào nhưng người nghe vẫn có thể nhận ra thể loại âm nhạc mà nhạc sĩ đã dùng chất liệu để sáng tác. Đó có thể là một nét của làn điệu dân ca, cũng có thể chỉ là những đảo phách của Chèo, những quãng đặc trưng của dân ca Tây nguyên, những luyến láy đặc biệt của Ca trù.

Chạy gam và cách để ngón tay

Điều quan trọng nhất khi học đàn Piano là cần phải trang bị những kiến thức thật vững chắc về các bài tập rèn luyện kỹ thuật ngón tay nhất là trong các tác phẩm Piano sử dụng chất liệu dân ca. Bởi hầu hết các nét chạy gam, rải, quãng và các hợp âm của các tác phẩm trên đều xây dựng trên hệ thống điệu thức năm âm. Bởi vậy, tạo ra các thế tay trong các nét giai điệu và các hợp âm có sự thiếu cân xứng về để ngón tay. Kỹ thuật tốt sẽ giúp chúng ta dễ dàng đi vào từng tác phẩm cụ thể nên ngoài tập các gam 7 âm cơ bản, để diễn tấu được tốt các tác phẩm Piano sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam, học sinh nên kết hợp thêm việc tập gam ngũ cung Việt Nam. Ví dụ như các em sẽ phải luyện tập thêm gam Rê cung đối với bài Ru con, Đô cung với bài Inh lả ơi hay Sol Chủy với bài Múa quạt.

Xử lý giai điệu

            Các tác phẩm Piano nêu trên được chuyển soạn thành tác phẩm cho Piano từ nguyên dạng bài dân ca, dân vũ nên hầu hết phần giai điệu đều đề cao tính ca xướng, do đó cần xử lý giai điệu mềm mại, legato. Kỹ thuật legato là liền tiếng, nghĩa là phải đàn 2 nốt liên tiếp sao cho giữa 2 âm không bị ngắt. Kỹ thuật này được ký hiệu bằng đường vòng cung nối các nốt nhạc khác cao độ, cho phép người chơi thể hiện câu nhạc một cách hoàn chỉnh và giàu cảm xúc, nó là kỹ thuật cơ bản để người học thể hiện trình độ cũng như cảm xúc của mình

Chẳng hạn tác phẩm Ru con có tính chất chậm - bình tĩnh hay tác phẩm Múa quạtInh lả ơi với tính chất nhẹ nhàng, duyên dáng; mặc dù không có ký hiệu legato rõ ràng nhưng để gần với tính ca xướng, giáo viên vẫn nên hướng học viên đến việc đánh liền tiếng. Khi thực hiện kỹ thuật legato, cần thả lỏng cổ tay, lòng bàn tay khum tròn, các khớp ngón tay hoạt động linh hoạt, mềm dẻo mới khiến cho tiếng đàn được liền tiếng và đều.

Kỹ thuật Non legato là kỹ thuật đánh không liền tiếng. Kỹ thuật này giúp thả lỏng cơ bắp để có thể luyện tập cách dùng lực khi chơi đàn mà còn tạo tiền đề cho cách đặt tay chính xác, phù hợp, giúp người học phát triển các kỹ thuật cần thiết. Vì thế, học sinhcần được hướng dẫn luyện tập kỹ thuật này một cách chính xác và bài bản.

Kỹ thuật staccato là một kỹ thuật ngược hoàn toàn so với legato.Nó là kỹ thuật đánh nảy, các âm cần đánh tách rời. Đây là một kỹ thuật khó bởi tiếng đàn phát ra phải nảy, sắc và gọn. Học sinh khi tập kỹ thuật này thường bị sai lực tác động từ ngón tay vào phím đàn dễ dẫn đến bị lẫn sang kỹ thuật khác. Vì vậy, khi đi vào tác phẩm, giáo viên cần cho học sinh những bài tập kỹ thuật ngắn đồng thời rèn luyện kỹ thuật qua việc tập gam để đạt được kết quả tốt hơn.

            Ngoài ra, còn một số dạng kỹ thuật khác như: chơi quãng 8 (octave), rải (arpeggio), chơi đúp nốt (2 nốt cùng lúc), chơi hợp âm hay chạy quãng và chơi các luyến láy, hoa mỹ,... (yêu cầu chủ yếu là sự nhanh nhạy của ngón tay). Để thể hiện chuẩn xác các kỹ thuật cụ thể này, người học phải nắm vững các kỹ thuật Legato, Non legato, Staccato vì chúng đều là những trường hợp cụ thể hoặc sự kết hợp của các dạng kỹ thuật kể trên. Vì vậy, ta nhận thấy rằng đối với những học sinh mới học đàn, cổ tay và ngón tay thường bị căng cứng, bấm phím đàn thường không có lực. Mặt khác, các phím đàn Piano rất nặng, vì vậy giáo viên cần linh hoạt trong việc hướng dẫn các học sinh rèn luyện kỹ thuật.

Xử lý phần đệm

            Trong các tác phẩm sử dụng chất liệu dân gian, hợp âm thường có các quãng 4, quãng 5, quãng 2 chồng lên nhau; với lối cấu trúc hợp âm như vậy, đòi hỏi học viên phải được tập luyện kỹ thuật riêng trước khi vào thể hiện từng tác phẩm cụ thể. Khi tập, cần tuân thủ nghiêm ngặt việc đánh đúng ngón tay để thuận tiện chuyển từ hợp âm này sang hợp âm khác.

Chồng âm dùng trong Đô cung

*Chú ý: Ở các thế đảo, một số chồng âm ở Sol trủy trùng với Đô cung.

Xử lý Pedal

            Trong quá trình diễn tấu, sự kết hợp của bè đệm và bè giai điệu luôn có sự tham gia của pedal. Có thể nói hệ thống pedal là một ưu thế lớn của đàn Piano. Pedal bên phải có tác dụng ngân dài, tạo nên sự cộng hưởng cho âm thanh; pedal bên trái sẽ làm giảm một chút về cường độ âm thanh; một số đàn Piano còn có thêm pedal giữa với tác dụng giảm âm lượng phát ra, là pedal dùng cho chức năng học tập khi mà người chơi không muốn làm phiền đến mọi người.

            Với các tác phẩm Piano nói chung và các tác phẩm Piano sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam nói riêng, xử lý pedal luôn liên quan đến hòa âm, tiết tấu và tốc độ của tác phẩm. Ở tác phẩm Inh lả ơiMúa quạt, pedal thường được sử dụng vào đầu phách mạnh để nhấn mạnh tính chất tiết tấu của tác phẩm. Còn với tác phẩm Ru con (Ja - rai), pedal nên để dài theo từng nhịp nhằm tạo sự dạt dào cho tay trái và tôn vẻ mề mại cho giai điệu.

Nhiều tác phẩm Piano sử dụng chất liệu dân ca đã được đưa vào giảng dạy tuy nhiên để có thể chơi được các tác phẩm một cách tốt nhất, bên cạnh việc luyện tập kỹ thuật thì học sinh nên tìm hiểu, phân tích kỹ tác phẩm.

Có thể nói, việc đưa một số tác phẩm Piano sử dụng chất liệu dân ca vào chương trình học giúp các em nâng cao được kỹ thuật biểu diễn, thêm hiểu và thêm yêu âm nhạc truyền thống Việt Nam.Từ đó phát hiện và bồi dưỡng, tạo nguồn tài năng biểu diễn đàn Piano cho đất nước.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Nguyễn Minh Anh (2007), Sự phát triển nghệ thuật Piano Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Nghệ thuật, Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tp Hà Nội.

2.   Trần Vân Anh (1997), Tìm hiểu cách sử dụng hoà âm trong các tác phẩm Piano độc tấu của các tác giả Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Nghệ thuật, Nhạc viện Hà Nội, tp Hà Nội.

3.         Nguyễn Thuỵ Loan (2006), Âm nhạc Cổ truyền Việt Nam, Nxb ĐHSP, Hà Nội.

4.      Thái Thị Liên (1974), Phương pháp học đàn Piano, Nxb Giáo dục, tp Hà Nội.

5.         Phạm Phúc Minh (1994), Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, tp Hà Nội.

6.      Nhiều tác giả (1993), Thang âm điệu thức trong âm nhạc truyền thống một số dân tộc miền Nam Việt Nam, Viện Văn hoá nghệ thuật, tp Hồ Chí Minh.

7.      Tô Ngọc Thanh (1996), Tìm hiểu âm nhạc dân tộc cổ truyền, Nxb Văn hóa, tp Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k5– Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp giảng dạy âm nhạc