Nội san

Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ

08 Tháng Mười 2017

                                                                     

 Nguyễn Anh Hùng [*]

                                                          

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa tại Hội nghị BCHTW 5 (khóa VIII) Đảng ta đã khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế xã hội”. Thành tựu đạt được của chặng đường 30 năm đổi mới toàn diện đất nước càng khẳng định, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phải trở thành mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ quan trọng và là điều kiện cơ bản đảm bảo cho sự thành công của công cuộc đổi mới, đảm bảo sự phát triển tiến bộ, bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc.

Xây dựng đời sống văn hóa là tổng hợp những hoạt động của các cơ quan làm công tác văn hóa và sự phối hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể, quần chúng nhằm tuyên truyền, giáo dục, xây dựng đạo đức, tinh thần, lối sống chuẩn mực cho con người, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, xây dựng nếp sống lành mạnh, tiến bộ trên từng địa bàn dân cư; tạo điều kiện cho mọi người dân được tham gia hưởng thụ và sáng tạo văn hóa ngày càng tốt hơn. Chính vì vậy, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở hiện nay đã và đang đặt ra những vấn đề trong thực tiễn cần xem xét trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

            Đoan Hùng là huyện trung du, miền núi phía Bắc của tỉnh Phú Thọ. Huyện có 27 xã và 01 thị trấn, dân số trên 11 vạn người gồm 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm 97% dân số, các dân tộc khác chiếm 3%. Trên địa bàn huyện có 11 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 02 di tích cấp Quốc gia (Tượng đài chiến thắng sông Lô và Đài chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản). Nhân dân các dân tộc Đoan Hùng có truyền thống đoàn kết, cần cù trong lao động sản xuất, có ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc và quê hương.

Trong những năm qua, việc triển khai công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội trên địa bàn huyện đã đạt được kết quả nhất định, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân địa phương. Điển hình như các phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa… Thông qua các phong trào thi đua đến nay cơ sở hạ tầng, diện mạo nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở các khu dân cư được nâng lên rõ rệt. Năm 2015, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt trên 60%, 100% khu dân cư có điện lưới quốc gia, trên 90% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh. Đến nay, trên địa bàn huyện không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhiều so với năm 2000, số hộ giầu, hộ có kinh tế khá giả ngày càng tăng.

Các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người dân được tăng cường, 276/276 khu dân cư có nhà văn hóa kiêm hội trường thôn, trên 90% khu dân cư có loa truyền thanh. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở các khu dân cư trên địa bàn huyện phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. 100% các khu dân cư đã xây dựng và triển khai thực hiện tốt quy ước, hương ước, tạo chuyển biến tích cực trong nhân dân về thực hiện nếp sống văn minh. Nhiều xã có phong trào văn hóa văn nghệ phát triển rộng khắp ở các khu dân cư, như: Tây Cốc, Ngọc Quan, Chí Đám, thị trấn Đoan Hùng, Hữu Đô, Minh Tiến, Chân Mộng,…

Công tác quản lý đối với việc tổ chức lễ hội được đảm bảo chặt chẽ, các lễ hội truyền thống, như Lễ hội Đình làng Ngọc Tân xã Ngọc Quan, Đình Cả xã Chí Đám, đình Đại Hội xã Đại Nghĩa được duy trì tổ chức hàng năm. Các nét văn hóa bản sắc của đồng bào dân tộc Cao Lan như hát Sình Ca, hát Vèo ca, múa Chim gâu, múa Xúc tép, đi Cà kheo, bắn nỏ được tổ chức đúng quy định góp phần bảo tồn phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Việc truyền dạy hát Xoan được đẩy mạnh, đến nay có 7 Câu lạc bộ hát Xoan duy trì hoạt động thường xuyên, thu hút ngày càng đông hội viên luyện tập. Những hoạt động thiết thực đó không chỉ làm phong phú thêm đời sống văn hóa ở các khu dân cư mà còn góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Kết thúc năm 2015, toàn huyện có 225/276 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa đạt tỷ lệ 81,5% , tăng 34,5% so với năm 2001. Trong đó, nhiều khu dân cư 15 năm liên tục được công nhận khu dân cư văn hóa, tiêu biểu như: Khu Đoàn Kết  thị trấn Đoan Hùng, thôn 2 xã Chí Đám, Thôn 3 xã Vân Du, thôn 7 xã Nghinh Xuyên, thôn 2 xã Đông Khê...

Có thể nói, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn huyện Đoan Hùng gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Sự phối hợp, tích cực triển khai của MTTQ, các ban ngành, đoàn thể, sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực về đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần làm cho diện mạo các khu dân cư, các cơ quan đơn vị có nhiều đổi mới.

Thông qua việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu công tác hàng năm đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi địa phương trong việc bảo vệ giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, phát huy những giá trị văn hóa mới, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, các hủ tục lạc hậu, góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tạo động lực cho nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng tại địa phương.

Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm đã đạt được vẫn còn bộc lộ những tồn tại hạn chế như: Việc tuyên truyền về nội dung, mục đích, ý nghĩa công tác xây dựng đời sống văn hóa và thực hiện nếp sống văn minh có lúc, có nơi chưa thực sự sâu rộng, chưa được tiến hành thường xuyên;

  Hoạt động của ban chỉ đạo các cấp còn chưa thường xuyên, chưa hiệu quả và còn mang tính hình thức. Việc đăng ký, theo dõi đánh giá, bình xét xếp loại gia đình văn hóa, thôn, bản, khu phố văn hóa có nơi chất lượng chưa cao;

  Phong trào phát triển chưa đồng đều giữa các địa phương, có nơi phong trào chưa có chiều sâu, chưa thực sự phát huy tác dụng đối việc thực hiện một số nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương;

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng các thiết chế văn hóa ở một số xã và khu dân cư chưa đáp ứng yêu cầu;

Cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu hoạt động văn hóa của nhân dân còn thiếu thốn. Nhiều nhà văn hóa kiêm hội trường thôn khu dân cư đã bị xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu hoạt động;

Nguyên nhân của những tồn tại đó là: Một số thành viên Ban chỉ đạo các cấp do kiêm nhiệm nhiều việc nên có lúc, có nơi chưa bám sát cơ sở, thiếu kiểm tra, theo dõi, đôn đốc nên hiệu quả chỉ đạo còn hạn chế. Năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ văn hoá cơ sở còn nhiều hạn chế.

             Nội dung công tác xây dựng đời sống văn hóa bao trùm nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, thuộc trách nhiệm của nhiều cấp nhiều ngành, cần có sự tham gia vào cuộc của cả cộng đồng xã hội, điều đó tạo ra không ít khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện và ảnh hưởng đến kết quả công tác;

Kinh phí đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa của huyện và các địa phương còn khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu. Thu nhập, đời sống một bộ phận nhân dân còn thấp, trình độ, ý thức trách nhiệm tham gia phong trào của không ít người dân còn hạn chế, một bộ phận nhân dân chưa tích cực tham gia phong trào.

 Để tiếp tục phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được đồng thời khắc phục những tồn tại hạn chế trong thời gian tới công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn huyện Đoan Hùng cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:

1. Các cấp ủy Đảng tiếp tục ban hành các văn bản như Nghị quyết, Thông tri, Chỉ thị, Kế hoạch, Hướng dẫn để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện xây dựng đời sống văn hóa và thực hiện nếp sống văn minh ở các địa phương, cơ quan, đơn vị. Đưa việc thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hoá vào nghị quyết của cấp uỷ, HĐND, kế hoạch của các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể để chỉ đạo thực hiện và coi đây là một trong các tiêu chuẩn để bình xét các danh hiệu thi đua của các cá nhân và tập thể cơ quan, đơn vị, Đảng uỷ, chính quyền cơ sở hàng năm.

2. Đẩy mạnh công tác công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, trách nhiệm của mọi người dân, mọi gia đình đối với việc tổ chức thực hiện, tham gia hưởng ứng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội. Các ngành, các cấp, các địa phương cần quán triệt phát triển kinh tế phải đi cùng với phát triển văn hóa, để từ đó có kế hoạch chỉ đạo và đầu tư cho văn hóa. Mỗi người dân phải thấy giá trị văn hóa trong cuộc sống của chính mình và gia đình mình, coi “Văn hoá là sự nghiệp của toàn dân”.

 3. Tiếp tục kiện toàn về tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp theo hướng thiết thực, hiệu quả, sâu sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm; kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo các cấp, nhằm bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Ban chỉ đạo, gắn với việc phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các cơ quan, tổ chức thành viên Ban chỉ đạo các cấp.

4. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao. Huy động các nguồn lực từ ngân sách, từ sự đóng góp của nhân dân để đẩy mạnh việc đầu tư nâng cấp hệ thống các thiết chế văn hóa theo chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tiến hành rà soát, có kế hoạch nâng cấp nhà văn hóa kiêm hội trường thôn ở các khu dân cư đáp ứng tiêu chí nông thôn mới.

5. Quan tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và kỹ năng tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở cho Ban Chỉ đạo phong trào từ huyện đến các xã, thị trấn. Nâng cao trình độ, chất lượng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa của đội ngũ cán bộ văn hóa trên địa bàn huyện.

6. Tiếp tục gắn kết chặt việc tổ chức triển khai thực hiện công tác xây dựng đời sống văn hóa với việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các chương trình phát triển kinh tế xã hội trọng tâm đang được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện.

7. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa và các dịch vụ văn hóa, đảm bảo giữ vững môi trường văn hóa lành mạnh. Chú trọng đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. Quan tâm tạo điều kiện duy trì, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số.

8. Phát huy vai trò nòng cốt của Ban công tác mặt trận, các tổ chức đoàn thể ở khu dân cư trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan đơn vị văn hóa. Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt việc đánh giá, xếp loại danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư, cơ quan đơn vị văn hóa.

9. Tiếp tục chỉ đạo, rà soát hướng dẫn đảm bảo 100% khu dân cư xây dựng quy ước, hương ước và thường xuyên bổ sung nội dung quy ước, hương ước cho phù hợp để tuyên truyền vận động nhân dân tích cực thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Đề cao tinh thần tiền phong của cán bộ, đảng viên trong việc gương mẫu thực hiện quy ước, hương ước để nhân dân noi theo.

10. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện phong trào ở các địa phương, cơ quan đơn vị. Kịp thời phát hiện, biểu dương, tuyên truyền các gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, những tập thể cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và thực hiện nếp sống văn minh, đưa phong trào ngày càng phát triển sâu rộng.

Cùng với cả nước, Đoan Hùng hôm nay đang đứng trước những cơ hội đổi thay trong giai đoạn lịch sử mới. Vì vậy để công tác xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện đạt được các mục tiêu đề ra cần tiếp tục phát huy hiệu quả đã đạt được đồng thời khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế bằng các giải pháp đồng bộ, toàn diện. Với mục tiêu xây dựng đời sống văn hoá ở huyện Đoan Hùng sẽ là động lực quan trọng để ổn định chính trị - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế và xây dựng con người văn hóa, cảnh quan văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị đạo đức, truyền thống bản sắc văn hoá địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đoan Hùng lần thứ XXII đã đề ra, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

                                              

Tài liệu tham khảo

1.    Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Phú Thọ (2015), Báo cáo kết quả 15 năm thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Phú Thọ.

2.  Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện Đoan Hùng (2015), Bảo cáo kết quả 15 năm thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Đoan Hùng.

3.  Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đoan Hùng (2000), Lịch sử Đảng bộ huyện Đoan Hùng 1930 – 2000.

4.  Ban Tuyên giáo Trung ương (2008), Những giải pháp thúc đẩy phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đưa kết luận Hội nghị trung ương 10 khóa IX  về văn hóa đi nhanh vào trong cuộc sống.

5.   Báo cáo xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

6.  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Văn hóa thông tin cơ sở (2008), Tạp chí xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, Nxb VHTT, Hà Nội.

7.  Đảng Cộng Sản Việt Nam (1998), Văn kiện hội nghị lần thứ 5 ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

8.     Ủy ban nhân dân huyện Đoan Hùng (2015), Báo cáo tình hình kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng giai đoạn 2010 - 2015.

________________________

[*] Lớp Cao học k3 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa