Nội san

CÁC KỸ THUẬT LUYỆN NGÓN PIANO THƯỜNG SỬ DỤNG CHO HỌC SINH 9 – 11 TUỔI TẠI TRUNG TÂM DREM MUSIC

23 Tháng Mười Một 2023

Đoàn Thị Ngọc Anh

Học viên K16 – LL&PPDH Âm nhạc

Trung tâm nghệ thuật Dream Music là nơi đào tạo và phát triển nghệ thuật tại Hà Nội. Piano là bộ môn được ưa chuộng nhất tại trung tâm và thu hút nhiều HS, đặc biệt với lứa tuổi 9 – 11. Độ tuổi này là giai đoạn phát triển phù hợp để các em học hỏi những kĩ năng và năng lực âm nhạc cần thiết để học piano. Một trong những kỹ năng quan trọng đó là luyện ngón. Trong dạy học Piano cho HS từ 9 - 11 tuổi tại Trung tâm Dream Music việc thực hành các kỹ thuật piano có một tầm quan trọng đặc biệt. Việc luyện tập các bài tập luyện ngón tạo sự linh hoạt mềm dẻo cho ngón tay, cổ tay hay cánh tay. HS cần luyện ngón thường xuyên trước khi luyện tập một tác phẩm. Bài viết sẽ đưa ra một số dạng bài tập kỹ thuật cụ thể thường sử dụng để bổ trợ cho HS lứa tuổi 9 - 11 tại Trung tâm Dream Music.

1.  Luyện Gamme

a, Gamme liền bậc

Luyện Gamme liền bậc là một phần quan trọng trong việc rèn luyện kỹ thuật ngón cho HS khi chơi piano, đặc biệt khi thực hiện các dãy nốt chạy dài liên tiếp. Bắt đầu luyện Gamme liền bậc cần tập từ các gamme đơn giản như C dur, a moll theo tốc độ chậm đến nhanh và chính xác từng nốt đến khi thành thạo có thể tập các gamme phức tạp hơn như Fis dur, b moll. Ta có thể luyện tập bằng nhiều cách liền bậc đi lên hoặc đi xuống, áp dụng theo các tiết tấu khác nhau. Cần chú ý đến sắp xếp ngón tay và đàn nhịp nhàng, không ngắt quãng. HS cần thực hiện kỹ thuật luồn các ngón 1-3; 1-4 của tay phải cũng như ngón 3-1; 4-1 của tay trái, điều quan trọng là ngón cái cần được luồn vào trong lòng bàn tay đúng kỹ thuật.

Ví dụ 1. Gamme C-dur

b, Gamme Arpeggio - Hợp âm

Luyện gamme Arpeggio giúp HS mở rộng khoảng cách giữa các quãng ngón tay khi chơi piano. Đối với Gamme Arpeggio dài, cần chú ý cách mở rộng bàn tay khi chuyển ngón 3-1 lúc chạy lên và 1-3 khi chạy xuống, không nên xoay cả bàn tay hay nhấc cả tay lên khi thực hiện chuyển ngón. Đối với Gamme Arpeggio ngắn thì cần chú ý các bước chuyển ngón 1-2-3-5 và 1-2-4-5 ở tay phải và chuyển ngón 5-4-2-1- và 5-3-2-1 ở tay trái vì rất dễ nhầm lẫn khi chuyển ngón.

Ví dụ 2. Gamme Arpeggio dài trên C-dur                  

Ví dụ 3. Gamme Arpeggio ngắn trên C dur

2. Luyện Hanon

            Hanon gồm 60 bài tập luyện ngón được thiết kế để cải thiện kỹ thuật chơi piano, giúp cho HS đạt được sự linh hoạt trong ngón đàn, phát triển kỹ thuật ngón tay, giúp rèn luyện sự nhanh nhẹn của ngón tay, phát triển khả năng chơi hợp âm

 a, Luyện các ngón 4,5 trong quãng 5

Khi HS mới bắt đầu việc làm quen với piano thì bài học trước tiên là học đàn các nốt nhạc cơ bản, ta nhận thấy các HS đàn ngón 4, 5 của cả 2 tay còn yếu. Vậy nên những bài tập tăng cường sức mạnh cho ngón 4 và 5 là rất quan trọng. Nó góp phần tạo âm thanh đều và đẹp cho cả 5 ngón tay khi chơi đàn. Với Bài tập số 1 của C.L.Hanon ta thấy các quãng giãn rộng ngón 5 và 4 của tay trái đi lên và ngón 4, 5 tay phải đi xuống. Ngón 4 và 5 thường yếu hơn những ngón khác nên những bài tập Hanon này giúp cho các ngón tay linh hoạt hơn, di chuyển nhanh hơn, giúp HS thực hiện giãn ngón chính xác những nốt nhạc ở quãng gần nhưng cách nhau ở quãng 2, 3.

Ví dụ 4. Bài tập số 1 của C.L.Hanon

b, Kỹ thuật luồn ngón cái

Để di chuyển các ngón tay trên các nốt nhạc được linh hoạt và nhanh nhẹn hơn. HScần nắm được kỹ thuật luồn ngón (khi giai điệu đi lên) hay vắt ngón (khi giai điệu đi xuống) khi lướt trên các âm giai. Có rất nhiều dạng luồn ngón cái.

Ví dụ 5. Trích đoạn bài tập số 32 của C.L.Hanon

Ví dụ 6. Trích đoạn bài tập số 33 của C.L.Hanon

Ví dụ 7. Trích đoạn bài tập số 34 của C.L.Hanon

Ví dụ 8. Trích đoạn bài tập số 35 của C.L.Hanon

Ở 4 ví dụ trên là kỹ thuật luồn ngón cái dưới các ngón 2, 3, 4 và 5. Thường thì HS dễ mắc lỗi kỹ thuật như nâng cổ tay quá cao, đẩy ngón tay lên quá cao đến mức không giữ được độ cong tự nhiên của ngón tay. HS cần đặt đúng tư thế cổ tay, bàn tay và ngón tay, cách luồn ngón cái vào phía trong lòng bàn tay, cổ tay, bàn tay, các ngón tay cần thả lỏng.

c, Luyện kỹ thuật tremolo hay điệp nốt

            Kỹ thuật tremolo là các ngón tay chơi trên các nốt nhạc có cùng cao độ, nó có thể sử dụng luyện tập cho 2, 3, 4 hoặc 5 ngón tay.Khi chơi lặp lại nhiều lần đòi hỏi âm thanh của các nốt vang lên đồng đều, các ngón tay không bị “ríu” âm thanh. Kỹ thuật này tạo nên sự phong phú cho tiết tấu, giúp giai điệu nổi bật và dễ chịu hơn khi đến tai người nghe nên bạn sẽ sử dụng nó để làm cho âm thanh của giai điệu trở nên hấp dẫn, thêm sức sống và hứng khởi hơn.

Ví dụ 9. Trích đoạn bài tập số 44 của C.L.Hanon

3. Luyện các dạng Etude khác nhau

Mỗi dạng bài Etude tập trung vào việc phát triển các kỹ thuật chơi đàn cụ thể. Việc luyện tập Etude giúp cho HS có kỹ thuật ngón bấm và biểu diễn tác phẩm âm nhạc tốt hơn. Cần chọn bài tập phù hợp trình độ và tương ứng với tác phẩm biểu diễn.

a, Etude luyện kỹ thuật chạy ngón liền bậc

            Etude luyện kỹ thuật chạy ngón liền bậc nhằm phát triển kỹ thuật lướt và luồn ngón nhanh cho tay phải trên phím đàn, đồng thời rèn kỹ thuật tạo âm thanh đều và đánh liền tiếng (Legato).

Ví dụ 10. Trích đoạn Etude số 5, op.740, tác giả Czerny

Ví dụ trên bài tập kỹ thuật cả hai tay cùng chạy liền bậc và có luồn, vắt ngón, nhằm phát triển kỹ thuật chạy ngón liền bậc tốc độ nhanh cho cả hai tay. Lúc tập kỹ thuật này cần tránh đứt đoạn khi luồn ngón.

b, Etude luyện quãng

Etude luyện kỹ thuật chơi quãng có nhiều dạng khác nhau, như kỹ thuật chập và rải quãng 3, 4, 5, 6, 7, 8… giúp HS phát triển giãn ngón và sải rộng ngón bấm một cách linh hoạt, phân biệt các quãng khác nhau. Dạng kỹ thuật này đòi hỏi người chơi phải tập trung cao độ.

Ví dụ 11. Trích đoạn Etude số 60, op.599, tác giả Czerny

Ở ví dụ này, 2 tay rải các hợp âm F-dur, C7; tay phải luyện các quãng 6, 3, 7, 5, 4, tay trái luyện các quãng 5, 3, 6, 7 liên tục với tốc độ nhanh Allegro. HS có thể sử dụng ngón bấm của các hợp âm rải của gamme trưởng và bảy át để xếp ngón, HS có thể nghiêng bàn tay cho các ngón 4, 5. Đây là dạng bài có mục tiêu nhằm phát triển khả năng chạy ngón với tốc độ nhanh trên cả hai tay, rèn luyện kỹ năng tay trái cũng như tay phải khi chạy những quãng xa, đòi hỏi sự nhanh nhạy và quen thuộc khi giãn ngón cho HS lứa tuổi 9-11 tại Trung tâm Dream Music.

Ví dụ 12. Trích đoạn Etude số 13, op.299, tác giả Czerny

Đây là dạng bài tập rải quãng 8 legato ở tay phải, tạo độ giãn ngón 1- 5 (ở các phím trắng), 1-4 (khi bấm các phím đen) với tốc độ nhanh Presto. Tay trái chơi chập quãng 8 và các nốt móc kép Staccato, Marcato. Đối với HS lứa tuổi 9-11 tại Trung tâm Dream Music thì những dạng chạy quãng 8 như trên là khó vì khi giãn ngón HS hay gặp vấn đề giãn ngón quá rộng hoặc quá hẹp. Do vậy, việc bổ sung kỹ thuật rải và chập quãng 8 giúp HS khắc phục được lỗi khi chơi quãng 8 trên những tác phẩm âm nhạc.

c, Etude hợp âm

Etude hợp âm có dạng cơ bản là hợp âm 3 nốt, 4 nốt, 5 nốt. Tập trung vào việc phát triển khả năng chơi các hợp âm, củng cố cho HS về vòng hòa âm và hiểu các thể đảo của hợp âm

Ví dụ 13. Trích đoạn Etude số 1, op.740, tác giả Czerny

Chúng ta thấy, ở ví dụ trên kỹ thuật chơi hợp âm 3 nốt được kết hợp với 4 nốt (Hợp âm C-dur, Gdur, G7, D7… với các thể đảo) trên cả tay phải và tay trái kết hợp với kỹ thuật chạy ngón liền bậc tốc độ rất nhanh (Molto Allegro). Các hợp âm được tạo âm thanh với dấu nhấn (Marcato), các ngón tay cần xuống đều. HS cần chú ý đến kỹ thuật chơi hợp âm 3, hợp âm 7 và các thể đảo để chủ động hơn trong việc thể hiện màu sắc hòa thanh khi biểu diễn các tác phẩm âm nhạc hay đệm hát.

d, Etude de concerto -Etude giai điệu

Các bài tập Etude giai điệu thường có kỹ thuật khó, có giai điệu hay có thể dùng để biểu diễn như một tác phẩm độc lập giúp cho HS phát triển kỹ thuật một cách toàn diện. Ví dụ như các Etude của F. Chopin, F. Liszt, Etude Jazz của M.Schmitz. Vì vậy, ngoài các Etude mang tính luyện ngón bấm thông thường, GV có thể lựa chọn thêm cho các HS các Etude vừa luyện ngón vừa có giai điệu hay để hấp dẫn HS khi tập luyện vừa rèn luyện ngón bấm legato và khả năng thể hiện.

Ví dụ 14. Trích đoạn Etude số 3, op.10 in E Major, tác giả Chopin

Luyện ngón là một phần quan trọng trong quá trình học nhạc của học sinh ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là học sinh 9-11 tuổi. Ở lứa tuổi này, các học sinh đang trong giai đoạn phát triển thể chất và trí tuệ, việc luyện ngón giúp các em phát triển các kỹ thuật cơ bản và nền tảng cho việc học piano sau này. Thông qua các bài tập luyện ngón trên đây HS có thể nắm chắc vị trí các nốt trên phím đàn, phát triển độ linh hoạt và chính xác của từng ngón đàn, tăng cường sức mạnh và sự bền bỉ của ngón tay, củng cố và phát triển các kỹ thuật chơi đàn piano. Để nâng cao chất lượng dạy học và sự thu hút của HS đối với việc luyện ngón, ta có thể áp dụng đa dạng các dạng bài tập luyện ngón khác nhau với các tiết tấu legato, staccato, marcato. Với việc luyện tập bài tập luyện ngón thường xuyên và kiên trì, người học sẽ sớm đạt được những tiến bộ rõ rệt trong kỹ thuật chơi nhạc của mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lương Diệu Ánh (2006), Tìm hiểu phương pháp luyện ngón, luyện kỹ thuật trong giảng dạy organ năm thứ nhất - hệ cao đẳng trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Nghiên cứu khoa học, ĐHSP Nghệ thuật TW.

2. Nguyễn Thanh Quỳnh (2016), Phương pháp luyện ngón trên đàn piano cho học sinh Trung học cơ sở tại Cung thiếu nhi Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành LL & PPDH Âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

3. Hà Mai Hương (2010), Về việc giảng dạy môn Piano phổ thông trong các tưởng âm nhạc chuyên nghiệp, Luận văn thạc sĩ nghệ thuật học, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.  

4. Phạm Tú Hương (2003), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb Đại học Sư phạm. 

5. Phan Trọng Ngọ (2005), Bài tập và nghiên cứu để dạy học đàn Piano, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.