Nghiên cứu lý luận

HÌNH TƯỢNG THỰC VẬT TRÊN PHÙ ĐIÊU TRANG TRÍ CHÙA TRĂM GIAN VÀ GIÁ TRỊ TRANG TRÍ CỦA HÌNH TƯỢNG

27 Tháng Mười Hai 2023

Trịnh Thị Hồng Thúy 

Học viên K10- LL&PPDH bộ môn Mỹ thuật

 

Từ ngàn xưa, đồng bằng Bắc Bộ là nơi khởi nguồn của tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam. Tất cả những nét văn hóa xã hội, phong tục tập quán, những yếu tố về địa lý vùng miền... đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên tư tưởng, nhận thức về cái đẹp, cách nhìn về thẩm mỹ và trở thành những quan niệm ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Những ngôi chùa làng chính là di sản văn hóa dân tộc, lưu giữ giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của người Việt.

Bộ môn nghệ thuật tạo hình điêu khắc gắn bó với các công trình kiến trúc cổ, đặc biệt là kiến trúc tín ngưỡng như đình, chùa. Trên các hệ mái, bậc tam cấp, lan can bên ngoài đến những vị trí cấu kiện kiến trúc như cột, kèo, xà bảy, đầu dư, cửa võng, …đều được trang trí bằng phù điêu. Những phù điêu trang trí được lưu giữ trong nhiều công trình kiến trúc cổ của Việt Nam, trong đó có chùa Trăm Gian thuộc địa phận thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Phù điêu trang trí tại chùa Trăm Gian vô cùng phong phú đặc sắc, đặc biệt là sự đa dạng về chủ đề trang trí: đề tài tứ linh, tứ quý, động vật, thực vật hay thiên nhiên vũ trụ. Đặc biệt, hình tượng tứ quý được tạo tác với nhiều biến thể trên các phù điêu trang trí tại chùa, giàu chất trang trí và có tạo hình đặc sắc. 

1. Hình tượng thực vật

Hoa sen

Trong dòng chảy văn hóa tâm linh của dân tộc, luôn có sự gắn bó mật thiết của hoa sen, loài hoa là biểu trưng cho sự thanh khiết. Cũng như rồng và phượng, hoa sen đại diện cho cung đình nhưng đến thời Mạc đã hòa mình cũng các yếu tố trang trí dân gian trong các công trình làng xã, khiến cho các tác phẩm gần gũi hơn với đời sống. Hình tượng quốc hoa được khắc họa phong phú với nhiều cách điệu khác nhau. Nhìn từ góc độ tạo hình ta thấy sự tưởng tượng của các nghệ nhân vô cùng sáng tạo đã tạo nên nhiều mô-tip trang trí hoa sen đơn lẻ như cánh sen, bông hoa sen, hay cả một bó hoa sen.

Hoa sen là một biểu tượng được chạm khắc trang trí phổ biến ở hầu hết các di tích cổ. Mô-típ hoa sen thể hiện đa dạng, phong phú nhất phải kể đến là ở trên bệ tượng đất nung thờ Phật chùa Trăm Gian. Đồ án về các hoa sen ở đây gồm các loại.

- Sen đơn lẻ: 4 biến thể tạo hình.

- Sen kết hợp với các hình tượng khác: Sen - ngựa, sen - phượng.

 Biến thể hoa sen đầu tiên (01): Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, hình ảnh hoa sen xuất hiện trong bố cục viên gạch hình chữ nhật, họa tiết cánh hoa được cách điệu và lặp lại giống như nguyên lý nhắc lại trong trang trí. Tạo hình cánh sen khá bầu bĩnh, mập mạp, được khắc họa bằng các nét cong mềm mại. Viên gạch gốm trang trí như đường diềm gồm 3 lá sen trên bố cục hình chữ nhật, bên trong mỗi cánh hoa sen, nghệ nhân trang trí bằng một hình ảnh một bông sen hoa đang nở xòe với nhiều lớp cánh sen. Sự lồng ghép này cho thấy góc nhìn đa chiều về hình tượng sen của các nghệ nhân xưa. Ở chính giữa mỗi lá sen có đường gờ chia cắt và cũng chia đôi bông hoa sen nhỏ.

Biến thể 02 gần giống kiểu đầu tiên, gồm các cánh sen ngắn, mập lặp lại trên viên gạch gốm. Mỗi cánh sen được khắc họa dưới hình ảnh khá bầu bĩnh được vút nhọn ở đầu cánh, viền ngoài chu vi mỗi cánh được giới hạn bởi hai đường gờ. Ở trong mỗi đầu cánh sen là hình trang trí nhỏ, tạo bởi hai cung cong, chính giữa là nửa cung tròn và những nét thẳng nhỏ. Tạo hình này cũng có dạng đường diềm trang trí với 4 cánh sen xếp cách xa nhau.

Vẫn là hình ảnh những cánh sen dẹo thời Lê, biến thể 03 kích thước nhỏ hơn, mảnh và dài hơn, không đồng đều giữa các cánh. Chu vi mỗi cánh cũng gồm hai đường viền như biến thể trước. Đây là hình ảnh sen dưới góc nhìn khác ngắn, các cánh sen khá cách xa. Các cánh sen được cách điệu mảnh mai, cầu kỳ và phức tạp hơn trong tạo dáng cùng các đường lượn.

Trên một viên gạch khác, nghệ nhân cách điệu các hình tượng sen thành khóm hoa sen. Đó là bông sen hé nở e ấp, là bông hoa với các cánh đang nở rộ với nhiều cánh xếp lớp vào nhau rồi khi đóa tàn bung tỏa hết những lớp cánh chỉ còn lưu giữ lại đài sen. Hình ảnh như khắc họa một vòng đời phát triển của loài hoa quý.  Tất cả các bông được gắn với cụm thân dài mảnh, dáng thẳng, chạy từ dưới lên tỏa đều ra hai bên. Phía dưới thân là những nét cong uốn lượn, vừa khắc họa hình ảnh như lá sen, với nét đơn là lá non nhỏ và nét kép kết hợp bởi 2 đường cong đơn đại diện lá già. Hình ảnh những nét cong ấy được sắp xếp đối xứng tạo sự liên tưởng tới hình ảnh một chiếc bình hoa. Tổng thể bố cục hài hòa, với những nét cong mềm mại, tạo hình uốn lượn một cách cân đối, cả một quá trình sinh trưởng sống động của loài hoa sen được khắc họa trọn vẹn trong khung hình chữ nhật là một viên gạch đất nung được trang trí.

Bên cạnh các hình tượng sen và cánh sen, sen trên bệ đất nung còn được ghép với các hình tượng động vật. Cụ thể là sen với phượng hay sen với ngựa.

Trên mặt gạch hình chữ nhật là nơi xuất hiện của hình hoa sen và chim phượng. Đó là những đường cong nổi, uốn lượn và lặp lại đối xứng ở 2 phía đầu của viên gạch hình chữ nhật, đóng vai trò làm nền dương tôn lên hình ảnh 2 họa tiết chính là sen và phượng được sắp xếp chạm nổi trên nền âm. Hai thành tố chính ngang bằng, tương xứng với nhau. Nằm ở vị trí bên trái là hình tượng bông sen được khắc họa theo hướng chính diện và đối xứng nhau theo trục dọc. Bông sen với một nụ hoa và sáu cánh xòe, trong đó có hai cánh kép, nở rộng ra hai phía với bố cục tuân thủ sự cân xứng trong toàn bộ đồ án trang trí. Các cánh hoa cách điệu đơn giản bằng hai cung cong khép kín, căng tròn mềm mại.

Một tạo hình khác của sen, là bố cục của sen và ngựa, sen làm nền cho chú ngựa đang phi nước kiệu. Hình ảnh sen này giống hệt như các nụ sen trong tạo hình khóm hoa. Quanh mình ngựa có ba cành hoa sen, hướng nằm ngang, mỗi bông là nụ hoa tạo bởi hai nét cong mềm, phí dưới là đà nhỏ hai bên.

Hoa cúc

Theo dân gian, bộ cây “tùng, trúc, cúc, mai” - hay còn gọi là tứ quý - là biểu tượng cho bốn mùa nói chung, và hoa cúc là đại diện  cho màu thu. “Cúc còn biểu tượng cho niềm vui, sự an lạc, viên mãn và là bạn của những người từ quan hay nghỉ ngơi sau một đời bận rộn” [4, tr.70]. Vương giả chi hoa - là cách mà dân gian gọi tên cho cúc.

Hình tượng hoa cúc, mặt trời, mây 01: Đồ án trang trí này được trang trí trên chiếc là đề hoặc lá sen, thuộc bệ tượng đất nung. Hình ảnh được khắc nổi trên nền cong của lá. Nhìn qua tổng thể đồ án chia thành 2 phần. Phần trên, là hình ảnh một nửa bông hoa với lớp cánh kép trong bố cục ½ đường tròn. Phần dưới, phía ngoài là hình ảnh cách điệu ngọn mây bằng những nét cong tạo thành lớp nang sắp đặt trong tổng thể hình tam giác. Dễ dàng nhận thấy lớp bên trong là hoa cúc, với nhụy tròn. Các cánh được tạo nên bằng các đường cong, sắp xếp liên tiếp quang nhụy thật đăng đối; trong mỗi cánh được trang trí thêm các nét thằng và cong thành các cánh kép, tuy đơn giản mà đẹp mắt. Tổng quan bông goa nhìn như mặt trời đang tỏa sáng. Lớp mây bên ngoài, như những tia nắng từ mặt trời tỏa ra.

Hình tượng hoa cúc, mặt trời, mây 02: Tổng thể bố cục trong ½ viên gạch hình chữ nhật, với khung bo viền nổi cạnh xung quanh viên gạch, phần trong âm lõm, nổi lên là hình tượng hay và mấy. Chính giữa là bông hoa, với nhụy là một chấm tròn, bốn cánh hoa cong xoay quanh nhụy. Về hai phía trái phải của bông hoa, mỗi bên có ba ngọn mây hình mũi mác tỏa ra hai phía. Các mũi mác mềm mại, gồm các nét nổi và khắc chim êm tạo độ nổi của nét, đao mác không nhọn mà bo tròn ở phía đầu. Bông hoa ở giữa có thể là hoa cúc, cũng có thể là hình tượng mặt trời.

2. Hình tượng thực vật hóa

Sự cách điệu hóa của thực vật là một màu sắc riêng trong nghệ thuật trang trí chùa Trăm Gian. Trên bức chạm cuốn thư chùa Trăm Gian, hiện hữu hình tượng trúc hóa long được chạm vô cùng tinh xảo và đẹp mắt.

Trúc hóa long

Trong hình tượng được đưa vào nghệ thuật xưa, trúc đại diện cho người chính nhân quân tử, sống khẳng khái, vươn lên, không khất phục vì danh vì lợi, hay như chính sự vươn lên kiên cường trước thời tiết khắc nghiệt cùng sức sống bền bỉ qua thời gian của loài cây này - đây cũng chính là biểu tượng của sự trường thọ.

Trong bức cuốn thư tại chùa Trăm Gian, hình ảnh trúc hóa long được chạm khắc vô cùng tinh xảo trang trí trên phía trên cùng của cuốn thư. Vẫn là tạo hình của các đoạn thân trúc, dưới con mắt quan sát tinh tế, đôi bàn tay khéo léo, tư duy tạo hình tài ba của nghệ nhân, đã biến hóa thành hình tượng rồng tinh tế. Toàn bộ cây trúc được bố cục uốn theo đường bao trên của cuốn thư (có 2 cấp khác nhau) khiến tổng hòa bức cuốn trở nên mềm mại. Đối lập với phía bên trong bức cuốn là mảng đặc hoặc những mảng chạm nông bên trong, thì các trang trí bên ngoài là trúc hóa long lại là mảng rỗng đặc xem kẽ. Kỹ thuật trạm thủng được thể hiện vô cùng tinh tế trong mảng chạm trúc long này. Gốc trúc to, thô, có các mấu lớn, được cách điệu thành đầu rồng, đang hướng chầu về phía đỉnh của bức cuốn; thân và ngọn trúc nhỏ hơn, được biến hóa thành thân rồng và các lá cây sử dụng như chân như vây của rồng. Toàn bộ hình tượng mềm mại. Những đặc điểm về từng đốt thân của trúc, hay các điểm mấu của trúc hoàn toàn được giữ và được lồng ghép với bộ phận của cơ thể rồng một cách khéo léo, đó là sự cách điệu tinh tế, tinh xảo đến từng chi tiết. Những tán lá trúc phía gần đầu là từng lá đơn, mảnh nhỏ, thư­a thon và mềm, càng xuống d­ưới thân cây và đuôi càng lớn dần, sắp xếp theo các tán lá tạo thành mảng, mau dần, chính điều này đã giúp tôn lên hình ảnh của đầu rồng một cách rõ nét hơn và sinh động hơn.

Có thể nói, những cụm đề tài được chạm khắc trên các phù điêu luôn là những chủ đề được quan tâm như tôn giáo tín ngưỡng, xã hội: tứ linh tứ quý, linh thú, hoa lá, mặt trời, mây, các chữ tượng hình, … Các hình tượng qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân dân gian đương thời đã tạo tác nên những tác phẩm tuyệt vời với lối tạo hình riêng và sự cách điệu phong phú: tinh xảo về đường nét; đa dạng về hình khối; sống động về tư thế, toát lên được cái tinh thần của mỗi hình tượng. Những hình tượng về thực vật trên các bức chạm, phù điêu tại chùa đã mang những nét đặc trưng không chỉ về mặt ý nghĩa, mà còn mang giá trị nghệ thuật độc đáo, phản ánh tâm hồn con người Việt.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trương Duy Bích, Trương Thị Minh Hằng (2013), Nghệ thuật chạm gỗ và tạc tượng đồng bằng sông Hồng, Nxb Văn hoá Thông tin.
  2. Nguyễn Du Chi (2000), Trên đường tìm về cái đẹp của cha ông, Viện Mỹ thuật, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
  3. Hoàng Đạo Cương, Nguyễn Hồng Kiên (2017), Kiến trúc chùa Việt Nam tập 1, Viện bảo tồn di tích, Nxb Văn hóa Dân tộc.
  4. Nguyễn Văn Huyên (1995), Góp phần nghiên cứu văn hoá Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  5. Ngô Thị Lan (2019), “Nghệ thuật trang trí gạch thời Mạc”, baotanglichsu.vn, 10/09/2019. (truy cập ngày 04/09/2022)

 

 

HÌNH ẢNH MINH HỌA

Bệ tượng đất nung chùa Trăm Gian

(Nguồn: https://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/di-tm-nen-van-ha-thoi-mac/)

Cuốn thư chùa Trăm Gian - (Nguồn: Tác giả - 2022)

 

Biến thể hoa sen 01 trên bệ tượng đất nung  (Nguồn Tác giả - 2022)

 

Biến thể hoa sen 02 trên bệ tượng đất nung (Nguồn Tác giả - 2022)

 

Biến thể hoa sen 03 trên bệ tượng đất nung ( Nguồn Tác giả - 2022)

Biến thể hoa sen 04 trên bệ tượng đất nung (Nguồn Tác giả - 2022)

 

Bản rập hình tượng hoa sen và phượng (Nguồn Tác giả - 2022)

 

 

 

Hình tượng hoa sen và ngựa (Nguồn Tác giả - 2022)

  

Hình tượng hoa cúc (mặt trời) và mây (Nguồn Tác giả - 2022)

 

Trúc hóa long trên cuốn thư chùa Trăm Gian - (Nguồn: Tác giả - 2022)