Nội san

HÁT ĐÚM PHẢ LỄ, THUỶ NGUYÊN, HẢI PHÒNG

23 Tháng Sáu 2009

TSKH. Phạm Lê Hòa

TS. Đỗ Lan Phương
 
LỜI NÓI ĐẦU
 
Để góp phần vào việc sưu tầm, khôi phục, bảo tồn và phát huy vốn văn hoá truyền thống của người Việt (Kinh) ở miền bắc Việt Nam, cụ thể là ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, cũng như góp phần vào việc khôi phục, lưu giữ những nét văn hoá truyền thống của xứ Đông (nhìn từ kinh thành Thăng Long), trong hàng loạt các sinh họat văn hoá dân gian ở đây như ca trù, hát đúm, hội chọi trâu..., chúng tôi đã chọn hình thức sinh hoạt ca hát dân gian hát đúm của xã Phả Lễ (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) làm đối tượng sưu tầm nghiên cứu.
Hải Phòng có ba nơi có hát đúm là An Hải- Cát Hải, Kiến Thụy- Đồ Sơn và Thuỷ Nguyên. Đã có những công trình nghiên cứu về hát đúm ở cả ba nơi này, tiêu biểu là cuốn Hát Đúm Hải Phòng của TS. Đinh Tiếp. Nếu xét theo văn bản học (phần lời ca) và văn học sử (bối cảnh lịch sử, quá trình hình thành và phát triển), công trình của ông được hoàn thiện khá công phu. Nhưng ở góc độ sưu tầm văn hoá dân gian, Hát Đúm Hải Phòng chưa đi vào tìm hiểu các yếu tố văn hoá dân gian khác vốn liên quan tới hình thức diễn xướng này. Để hiểu rõ một sinh hoạt văn hoá dân gian trong hàng chuỗi các sinh hoạt văn hoá vốn có liên quan và tác dộng tới nhau, chúng tôi đã sưu tầm nghiên cứu toàn bộ môi trường sinh thái- nhân văn của xã Phả Lễ, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng.
 
 
KHÔNG GIAN VĂN HOÁ
 
1. Điều kiện tự nhiên- kinh tế- xã hội của xã Phả Lễ (Thuỷ Nguyên- Hải Phòng).
1.1.Sơ lược sự hình thành vùng đất Thuỷ Nguyên và Phả Lễ:
Thuỷ Nguyên là một huyện ngoại thành của thành phố Hải Phòng (qua sông Cấm), phía bắc giáp tỉnh Quảng Ninh (qua sông Đá Bạc và sông Bạch Đằng), phía tây giáp tỉnh Hải Dương và phía đông giáp huyện An Hải (cũng qua sông Cấm). Trước năm 1938, Thuỷ Nguyên thuộc tỉnh Kiến An, sau nhập về Hải Phòng và thành huyện ngoại thành với 34 xã và thị trấn (1). Thuỷ Nguyên được xem là vùng đất giáp biển. Trong quá trình lịch sử của Việt Nam, Thuỷ Nguyên chứa đựng trong nó nhiều dấu tích văn hoá nguyên thuỷ như di chỉ đồ gốm Tràng Kênh (thuộc văn hoá Phùng Nguyên, khoảng 2000 năm TCN), di chỉ đồ đồng Việt Khê (thuộc văn hoá Đông Sơn, khoảng 1000 năm TCN)..., nhưng mãi cho tới thế kỷ XV, tên gọi Thuỷ Nguyên vẫn chưa xuất hiện trong các sách địa chí của nhà nước thời đó. Ví dụ như trong cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi, huyện Thuỷ Nguyên chưa được nhắc tới... Điều đó cũng dễ hiểu bởi sự định hình theo địa vực hành chính của huyện Thuỷ Nguyên phải sau thế kỷ XV mới có, mặc dù ở đó đã tồn tại các nhóm cư dân bản địa. Để có được nhận định này chúng tôi đã tham khảo các nguồn sử liệu: bắt đầu từ thế kỷ XV, với chính sách mở rộng đất về phía đông, nhà Trần đã tiến hành các cuộc di dân Việt từ vùng trung châu thổ sông Hồng đến vùng biển đông bắc Việt Nam, một loạt các vùng ven biển thuộc Hải Phòng, Quảng Ninh (ngày nay) được khai phá. Thuỷ Nguyên cũng nằm trong quá trình hình thành này. Thêm vào đó là tài liệu, có liên quan tới Thuỷ Nguyên và Phả Lễ, nói về sự hình thành vùng Hà Nam thuộc huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh (2)và sự giống nhau trong tín ngưỡng giữa hai huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), huyện Hà Nam (Quảng Ninh) giúp chúng tôi tìm hiểu quá trình hình thành vùng đất Thuỷ Nguyên, trong đó có Phả Lễ.
Phả Lễ (trước đây là làng Phả Lễ thuộc tổng Phục Lễ)là xã nằm ở phía đông bắc của huyện Thuỷ Nguyên, phía bắc giáp Phục Lễ, phía nam giáp Lập Lễ, phía tây giáp Ngũ Lão, phía đông tiếp giáp với sông Bạch Đằng mà dân địa phương thường hay gọi là sông Vân Cừ (bên kia sông là xã Hà Nam, Yên Hưng, Quảng Ninh). Tại đây, dân địa phương có miếu thờ Thập bát tiên công - mười tám vị thần khai khẩn vùng đất. Việc thờ cúng này cũng giống như bên huyện Hà Nam có miếu thờ Thập thất tiên công (sau là Thập cửu tiên công) đã cho chúng tôi tư liệu về thời điểm hình thành vùng đất Hà Nam (Quảng Ninh) và Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) như đã trình bày ở trên.
Bên cạnh đó, với nguồn tư liệu về tộc phả của dòng họ Đinh là tộc họ đến đây đầu tiên và là tộc họ lớn nhất ở Phả Lễ, đã cho chúng tôi rõ: những người thuộc họ Đinh là những cư dân đâu tiên đến Phả Lễ để khai phá vùng đất, ông tổ của những cư dân họ Đinh ngày nay chính là cụ Đinh Huyền Thông- người được ghi trong gia phả là có mộ táng ở đây vào năm 1461. Cho đến trước 1945, Phả Lễ là một trong sáu làng của tổng Phục Lễ (mà dân thường gọi tắt là Lục Lễ) là: Du Lễ, Nghi Lễ, Đoan Lễ, Phục Lễ, Phả Lễ và Lập Lễ.
1.2. Điều kiện kinh tế- xã hội của Phả Lễ
Diện tích đất đai tự nhiên của Phả Lễ là 416 ha, trong đó đất thổ canh chỉ có 113 ha, đất thổ cư chiếm 38 ha, còn lại là đầm và ao hồ (trong đó có diện tích của khúc sông Bạch Đằng trong địa giới huyện Thuỷ Nguyên). Như vậy, diện tích đất để người dân Phả Lễ canh tác nông nghiệp không nhiều và điều đó cũng tác động đến cơ cấu kinh tế của xã, đưa tới hình thức kinh tế kết hợp giữa nông nghiệp với ngư nghiệp, nghề thủ công (làm mộc) và buôn bán (đường thuỷ).
Phả Lễ gồm bảy thôn được bố trí cư trú theo kiểu men theo bờ sông. Hiện nay bố cục thôn xóm không còn được rõ bởi sự thay đổi của dòng sông Bạch Đằng: sự lở, bồi làm cho chúng ta khó hình dung được hướng nhà của dân địa phương nhưng nói chung các ngôi nhà thường quay hướng đông theo hướng miếu (đình) của làng (xã). Ranh giới giữa Phả Lễ và Phục Lễ, Lập Lễ được phân định bởi miếu Thành hoàng nằm ở đầu làng và chùa Phả Lễ nằm ở cuối làng.
Phả Lễ có số nhân khẩu là 6670 người với 1500 hộ gia đình, thu nhập bình quân đầu người là 240.000đ/tháng (ở đây có cả sự hỗ trợ của Việt kiều), có thể nói đây là một thu nhập khá cao so với các vùng khác của thôn quê Việt Nam (4). Người dân Phả Lễ đã khai thác đất theo hình thức canh tác luân canh, xen canh trong trồng màu; biết kết hợp giữa nông nghiệp, ngư nghiệp và thủ công nghiệp để khai thác hết nguồn lực lao động cũng như các thế mạnh của tài nguyên và môi trường. Phả Lễ có một hợp tác xã đánh cá 200 người, sản phẩm thuỷ- hải sản của họ chủ yếu là để xuất khẩu. Lực lượng ngư dân chỉ chiếm 30% nhân công thanh niên của xã nhưng kinh tế ngư nghiệp này đã vực kinh tế của toàn xã lên nhiều. Mặt khác, sự màu mỡ của đất ven sông đã giúp người Phả Lễ những mùa hoa màu có thu hoạch cao. Khi nông nhàn hay vào mùa bão, phụ nữ Phả Lễ làm thương nghiệp nhỏ (buôn bán cá, tôm khô...), đàn ông thì làm mộc: thường là đồ dùng gia đình như bàn ghế, tủ, giường... Một nghề kinh tế phụ gia đình khác của Phả Lễ phải kể đến là chăn nuôi gia cầm, gia súc. Với nguồn thức ăn phong phú từ sông biển, từ nghề thuỷ hải sản đã giúp cho kinh tế chăn nuôi ở đây phát triển thuận lợi, thêm vào đó nghề chăn nuôi cũng giúp cho người dân Phả Lễ tăng thu nhập và nâng cao đời sống gia đình. Như vậy, Phả Lễ là xã có đời sống kinh tế tương đối cao và đang là một trong những xã khá giả của huyện Thuỷ Nguyên.
Thành phần cư dân của Phả Lễ chủ yếu vẫn là nông dân, số ngư dân chỉ chiếm 30% lực lượng thanh niên (nhưng hầu hết số thanh niên này lại thuộc họ Đinh- họ lớn nhất trong 5 họ ở đây). Phả Lễ là nơi hội cư của 5 dòng họ: Đinh, Lê, Vũ, Trần, Nguyễn, trong đó họ Đinh chiếm 60% dân số và có nhiều chi như: Đinh Khắc, Đinh Hữu, Đinh Văn, Đinh Quang và Đinh Chính. Các họ Lê, Vũ, Trần, Nguyễn được xem là những họ đến sau.
2. Đời sống văn hoá của Phả Lễ
Với những đòi hỏi của nghề nghiệp như nghề chài lưới trên sông, biển đã làm hạn chế việc nâng cao trình độ dân trí của người dân Phả Lễ. Hầu hết các nam thanh niên tham gia vào nghề đánh bắt thuỷ hải sản đều phải bỏ học giữa chừng, phần đông họ chỉ học hết phổ thông tiểu học là cao nhất. Trong lứa tuổi đi học ở Phả Lễ chỉ có 75% số cháu theo học phổ thông tiểu học và chỉ có 15% số cháu theo họ phổ thông trung học. Đảng uỷ và lãnh đạo chính quyền xã đã đặt vấn đề nâng cao đời sống dân trí cho người dân của mình lên nhiệm vụ hàng đầu trong các hoạt động văn hoá- giáo dục của địa phương, như thưởng tiền cho học sinh thi đỗ vào đại học, tặng sách giáo khoa và tiền hỗ trợ ban đầu khi thi đỗ vào học phổ thông trung học...
Người dân Phả Lễ cũng rất chú ý đến đời sống văn hoá tinh thần của chính cộng đồng mình bằng việc khôi phục, tu sửa lại các địa điểm sinh hoạt văn hoá truyền thống như trùng tu các miếu, nghè của làng. Việc làm đó còn thể hiện sự nhớ ơn tổ tiên trong công cuộc khai khẩn vùng đất.
2.1. Di tích và các hình thức sinh hoạt văn hoá- tín ngưỡng
2.1.1. Miếu thờ Thập bát tiên công: được xây dựng lại từ ngôi miếu cổ mà người dân Phả Lễ không còn nhớ đã có từ bao giờ, miếu nằm ở giữa cánh đồng nhưng gần đường đi của 3 xã (đường liên xã) Phả Lễ, Phục Lễ và Lập Lễ. Tương truyền, Thập bát tiên công là 18 gia đình đầu tiên đến đây lập ấp khai phá đầm lầy, tạo dựng lên các xóm ngày nay. Thập bát tiên công đã được dựng tượng để thờ và được tế tự vào tháng Chạp (1.12 âm lịch) cùng với việc tế các thành hoàng của làng.
Miếu Thập bát tiên công còn được gọi là Miếu Ba Xã, có nghĩa: đây là miếu thờ các vị tiền hiền khai khẩn của cả vùng tổng Phục trước đây với 3 làng Phục Lễ, Phả Lễ và Lập Lễ. Sau khi tách thành 3 xã (do phát triển dân số), miếu Thập bát tiên công lại nằm ở trên địa phận xã Phả lễ, hai xã kia đã lập bát nhang và bài vị đưa về phối tự tại đình làng (xã) mình. Miếu Thập bát tiên công dường như trở thành nơi thờ các vị thần khai khẩn của riêng Phả Lễ. Vào dịp lễ hàng năm, dân làng (xã) dâng cúng các vị tiên công này các lễ vật như mâm xôi trắng bên trên bày thủ lợn luộc, oản, quả...
2.1.2. Miếu Tam thánh: nằm ở đầu làng (xã), là nơi thờ 3 vị thành hoàng của Phả Lễ: Quý Minh thượng đẳng thần và hai vị hạ đẳng thần là Phổ Hộ- Hịch phù tôn thần, Phổ Độ- Đoan phú tôn thần. Theo lịch sử của Phả Lễ 3, miếu này được tu sửa lớn cách đây 160 năm (trước đây miếu được lợp mái gianh, hiện nay mái được lợp ngói). Phả Lễ còn lưu giữ được các sắc phong ở miếu của các đời Tự Đức thứ 6 (1853) và Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Thành Thái thứ nhất (1889), Duy Tân thứ 3 (1909), Khải Định thứ 9 (1924). Ba vị thần này cũng được thờ làm thành hoàng ở các làng bên Phục Lễ và Lập Lễ.
Thần tích và thần phả ở Phả Lễ đều đã bị thất lạc, các truyền thuyết mà chúng tôi sưu tầm lại được đều qua các câu chuyện truyền ngôn và theo sự tra cứu danh tích của các vị thần đó khi các ngài cũng được thờ ở các địa phương khác.
Như chúng ta đã biết, thần Quý Minh vốn là một nhiên thần được thờ như một sơn thần ở nhiều nơi thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là những nơi đồng trũng. Theo truyền thuyết, Quý Minh là một trong 50 người con của Lạc Long Quân theo mẹ lên núi xây dựng cơ nghiệp... Ngài đã giúp Sơn Tinh đánh dẹp Thuỷ Tinh. Thần Qúy Minh được coi như một biểu tượng của sự chiến thắng giặc nước của dân vùng trũng, vùng đầm lầy ven sông, ven biển. Đến Phả lễ, thần Quý Minh có thêm công trạng mới là phò giúp Trần Hưng Đạo đánh giặc Nguyên trên sông Bạch Đằng (phía đông bắc Phả Lễ) vào thế kỷ XIII, đến thế kỷ XVIII ngài được sắc phong là thượng đẳng thần.
Bên cạnh thần Quý Minh, Phổ Hộ và Phổ Độ là hai thần bản thổ, huyền tích về các ngài mang đậm dấu ấn của tín ngưỡng thờ thuỷ thần vùng sông nước. Truyền thuyết địa phương kể rằng: thuở xưa khi vùng đất này (tổng Phục) còn là đầm lầy và rừng rậm cùng những bãi sú vẹt ven sông, dân sống rất thưa thớt, có một cặp vợ chồng nhà nghèo, lấy nhau đã lâu mà chưa có con, họ sống bằng nghề câu tôm trong bãi sú hoặc khi đi lưới trên sông. Những lúc câu tôm, hai vợ chồng phải thay nhau ra lều ngoài bái sú để trông tôm. Đến lượt người vợ ra lều vào một buổi trưa nọ, ngồi mãi không câu được tôm, bà buồn ngủ thiếp đi và mơ thấy một con rắn trắng quấn quanh người, tỉnh dậy thì không thấy rắn nữa. Về nhà, bà kể lại chuyện cho chồng nghe, ông bảo bà hãy để ý để bắt rắn về làm thịt. Nghe lời chồng, bà rình mãi, cứ chợp mắt thiếp đi thì lại thấy hiện tượng hôm trước nhưng khi tỉnh dậy rắn đã biến mất... Sau đó bà bỗng thấy mình có thai, qua 12 tháng, bà sinh hạ hai cậu bé trắng trẻo xinh trai nhưng trên người có vẩy như vẩy rắn. Lớn lên hai chàng trai trở thành hai người đánh cá rất giỏi, bơi lội trên sông trên lạch cũng rất tài. Họ thường cứu giúp các thuyền gặp nạn nên dân trong vùng mới đặt tên là Phổ Hộ, Phổ Độ với ý nghĩa là phù giúp, cứu độ. Khi Trần Hưng Đạo mở trận thuỷ chiến ở cửa sông Bạch Đằng, hai chàng đã đầu quân làm lính của Hưng Đạo Đại Vương, chuyên nhận đóng cọc trên sông và lặn dưới nước dò la thuyền giặc. Trong một trận chiến lớn, các chàng đã bỏ mình, dân làng tìm mãi không thấy xác họ đâu. Thương xót, dân các làng ven sông lập miếu thờ họ làm thần hộ mệnh cho làng xóm của mình. Cũng từ đó họ lại có thêm tên mới là Trần Hộ, Trần Độ có nghĩa là người phù trợ cho nhà Trần... Cuối đời Lê Trung Hưng (thế kỷXVIII) họ được phong tặng là hạ đẳng thần với danh hiệu Hịch phù tôn thần và Đoan phú tôn thần.
2.1.3. Chùa Phả Lễ: nằm ở cuối làng, đây là chùa xây lại mới trên nền đất của ngôi chùa cũ đã bị hỏng do ngập lụt hàng năm (đất bãi ven sông). Chùa Phả Lễ có một nét đặc biệt là chùa được chú tâm tới xây dựng cung tứ phủ công đồng (thờ Mẫu), cung này lớn hơn cung thờ Phật cả về diện tích và số lượng các tượng.
2.1.4. Hệ thống các nhà thờ họ: như đã nói ở phần đầu mục 2, Phả Lễ có 5 dòng họ nhưng họ Đinh là lớn nhất (60% dân số) gồm 5 chi: Đinh Khắc, Đinh Văn, Đinh Hữu, Đinh Quang và Đinh Chính, gia phả của họ Đinh được lưu giữ tại nhà chi trưởng: dòng Đinh Khắc. Theo gia phả, họ Đinh đến đây muộn nhất cũng từ thế kỷ XV (mộ táng của cụ tổ Đinh Huyền Thông có ghi niên đại vào 1461), như vậy họ đã sinh sống ở đây gần 500 năm, tương đương khoảng 20- 22 thế hệ (theo cách tính ngày nay là khoảng 25 năm một thế hệ). Năm chi của họ Đinh đều có nhà thờ họ nhưng các chi phải có một nghi thức về lễ ở nhà thờ họ của chi trưởng (Đinh Khắc). Các họ Lê, Vũ, Trần, Nguyễn cũng có nhà thờ họ. Tất các họ trong làng (xã) đều lấy ngày mồng 6 tháng Giêng (âm lịch) làm ngày tế tổ của họ mình, nhưng việc thờ tổ của họ Đinh được dân trong vùng chú ý hơn. Họ Đinh có gia phả trong khi các họ kia không có và họ Đinh có những quy định rõ ràng trong các sinh hoạt họ tộc như ma chay, cưới xin, góp giỗ, học hành... Rất tiếc, những quy ước họ tộc này được lưu giữ qua hình thức truyền ngôn.
2.2. Các sinh hoạt văn hoá cộng đồng
2.2.1. Tế miếu: được thực hiện vào những ngày đầu tháng Chạp (âm lịch) từ ngày mồng 1 đến mồng 6. Ngày đầu tiên là ngày lễ bánh dầy, sau khi làm các nghi lễ tế văn. Ngày thứ tư (4.12 âm lịch), làng thực hiện nghi lễ mộc dục (tắm ngai), ngày thứ sáu làng làm lễ cúng bánh Lòng.
Bánh Lòng là một lễ vật do làng phân cho các gia đình khá giả trong các họ tộc làm. Những khuôn bánh Lòng lớn, dài khoảng 30- 35 cm, dầy 10-15 cm được dâng cúng Thánh chỉ có đàn ông mới được phép làm. Bánh Lòng được chế biến công phu, người ta đem rang thóc nếp thành bỏng rồi bỏ trấu, lấy phần “hoa gạo” ấy đem giã thành bột, sàng lấy phần bột mị đem trộn với ruột gấc (bỏ hạt), sau đó ép dưới lá chuối để cán mỏng lấy độ dầy khoảng 0,5 cm. Những tấm bột ép đó được đem phơi gió cho ráo, người ta mới đem vào rán trong mỡ cho giòn, vớt ra để róc hết mỡ lại đem giã nhuyễn rồi luyện đều với mật mía, mật ong. Hỗn hợp bột dẻo này được đưa vào khuôn tạo hình bánh dài 30- 35 cm và dầy 10- 15 cm. Khi đem tế, bánh được gói trong giấy điều đặt lên mâm do 4 người đàn ông khiêng ra đình, ở đình có một ban nhạc lễ đón ở cổng rước cỗ bánh vào... Khi thụ lộc, bánh được cắt thành những lát mỏng hình thoi 10-15 cm, bánh phải bảo đảm có màu đỏ sậm nhưng không thâm, có mùi thơm của mật ong và vị ngọt của mật mía...
2.2.2. Tế tổ. Các họ tộc ở Phả Lễ chọn ngày mồng 6 tết để tế tổ, đây là một hình thức sinh hoạt gia đình (lớn) đầu năm để khai xuân cho cả họ, con cháu họp mặt đông đủ (các cháu đích tôn, con trai trưởng, con dâu trưởng, trưởng chi...) và đưa về dâng cúng gia tổ những thành quả lao động trong năm như xôi, thịt, hoa quả... Sau các nghi lễ tế tổ là buổi họp mặt các gia đình trong họ để nhắc nhở nhau cách làm ăn trong năm mới, họp bàn về sự trợ giúp trong sản xuất giữa các gia đình, nuôi dạy con cái, thống nhất về việc ghi vào “sổ vàng” của gia tộc những gương tốt từ các gia đình trong nội tộc.
2.2.3. Tế xuân (khai xuân hàng năm). Xưa kia, lễ khai xuân kéo dài từ mồng 4 tết đến hết mồng 10 tết. Mở đầu lễ khai xuân là ngày tế trâu, từ năm trước làng đã cử ra một gia đình (thường là trong họ Đinh- họ chính và lớn nhất làng) nuôi trâu cho làng. Con trâu - vật tế không được cho đi cày và chỉ do người đàn ông, ông chủ gia đình chăm sóc.
Đến lễ tế xuân, người ta đưa trâu ra miếu (đình), sau khi tế văn và dâng rượu lên thánh, người ta cho trâu uống rượu say rồi mới chọc tiết, xả thịt thành những miếng lớn đem nướng (thui) để bày cúng thánh. Tất cả những công việc trên đều do những người đàn ông (được làng phân công) thực hiện. Họ còn phải thực hiện nghi thức kiêng giới: không ở bên vợ trước ngày làm lễ một tháng.
Sau ngày lễ long trọng này, làng mới vào hội vui xuân như đấu vật, đánh đu, đấu cờ gậy (các con cờ được cắm trên đầu gậy cắm xuống đất- bàn cờ), chọi gà, tổ tôm điếm và đặc biệt là hát đúm. Hát đúm được bắt đầu vào ngày mồng 6 tết sau khi các gia đình đã xong nghi lễ tế tổ.
 
 
Hát đúm là hình thức hát giao duyên để cầu mùa, cầu ấm no hạnh phúc cho cả cộng đồng trước thềm năm mới. Hát đúm còn như một biểu tượng của “vật kỵ” tà khí để cho phụ nữ Phả Lễ có thể bỏ khăn che mặt những ngày đầu xuân này.
Hiện nay Phả Lễ chỉ tổ chức hội khai xuân có 3 ngày (mồng 4 đến mồng 6 tết) và đã bỏ tục tế trâu...
2.3. Tín ngưỡng dân gian- tục che mặt
Cho đến những năm 50- 60 của thế kỷ này (XX), dân Hải Phòng và dân quanh vùng vẫn có thể phân biệt được đâu là những cô gái Phả Lễ, bởi nếu thấy ngoài đường có phụ nữ nào che mặt, bất kể trời mưa hay nắng, ban ngày hay đêm tối, người ta đều nhận ra đấy là phụ nữ Phả Lễ (cả Phục Lễ, Lập Lễ). Những chiếc khăn che chỉ được bỏ ra trong những ngày hội hát đúm.
Tục che mặt không biết có từ bao giờ, người dân Phả Lễ nói rằng có từ thời “xa xưa”. Khi tìm hiểu sâu hơn về phong tục tập quán, chúng tôi được biết một truyền thuyết (truyền miệng) ở địa phương liên quan tới tục này. Truyền thuyết kể rằng: khi xưa giặc Nguyên bị đánh bại trên bờ sông Bạch Đằng của vùng đất này, xác giặc chết trôi đầy dòng sông trông thật thê thảm... Sau chiến thắng, với lòng khoan dung nhân hậu, dân trong vùng đã nhờ pháp sư lập đàn bên sông cúng cho các vong hồn lưu lạc đó. Khi “tiếp giao” với các vong hồn, thầy pháp sư có hỏi “thế các vong hồn có cần gì không?”, các vong hồn lính bại trận mãi không trả lời được, cuối cùng chỉ xin “gì cũng được”, một cụ già trong làng tức mà nói rằng: “thế thì cho chúng mày ăn máu... (của đàn bà)!”. Lời nói lỡ đó đã trở thành như một lời nguyền mà từ đó, sợ các vong hồn giặc hút máu, những phụ nữ Phả Lễ và phụ nữ cả vùng sông này rất sợ ra khỏi nhà, đặc biệt là những phụ nữ mới sinh nở... Tất cả đàn bà, con gái mỗi khi đi đâu, vào bất cứ lúc nào, ban ngày hay ban tối đều che mặt, chỉ còn để hở đôi mắt. Cũng từ đó, gia đình nào có sản phụ cũng đều phải làm phép là hoà một chậu nước màu đỏ đem ra sông đổ...
 
 
Đối diện bên kia sông có xã Hà Nam (Yên Hưng, Quảng Ninh), trước đây, cũng có những kiêng kị như vậy nhưng điều đó được thể hiện qua tục vá đũng quần dù quần mới may xong. Tục này được phản ánh qua câu tục ngữ:
Phục- Phả bịt má, Hà Nam vá trôn
(Phục Lễ, Phả Lễ bịt khăn che kín mặt, Hà Nam vá đũng quần)
Dù đến nay tục này đã mất ở Phả Lễ, các bà các cô chỉ còn sử dụng chiếc khăn như một vật bảo hộ lao động để chống nắng, gió làm hỏng da mặt mỗi khi đi làm ruộng nhưng dân làng vẫn còn nhắc “quấn khăn che mặt chỉ có ở quê chúng tôi thôi!...”
3. Hát Đúm Phả Lễ (cả Phục Lễ và Lập Lễ) hay Hội mở mặt:
3.1. Trong Từ điển văn hoá cổ truyền Việt Nam, hát đúm được giải thích là “lối hát dân gian, có nhiều người tham gia” (3), chúng tôi muốn nói thêm rằng: đó còn là hình thức hát giao duyên và có sử dụng lối hát ví bằng thơ song thất lục bát hay lục bát để biểu cảm.
3.2. Như chúng tôi đã trình bày trong mục 1.1, Phả Lễ (hay cả vùng Thuỷ Nguyên) chính thức được hình thành từ thế kỷ XV, nên hình thức ca hát cộng đồng này không thể có ở đây trước thời điểm đó (lúc này ở đây còn hoang sơ, là đầm lầy, từng nhóm nhỏ cư dân sống rất thưa thớt). Vậy thì, Hát đúm Phả Lễ (Thuỷ Nguyên) được hình thành như thế nào? chúng tôi tạm đưa ra các giả thiết:
Thứ nhất, xin hãy trở về nguồn gốc của cư dân ở đây (chúng tôi muốn nói tới họ Đinh), họ là hậu duệ của dân di cư từ vùng trung tâm châu thổ sông Hồng tới, họ vốn là dân nông nghiệp có thêm nghề đánh cá ở đầm, hồ. Khi tới vùng đất mới, vì phải thích nghi với môi trường tự nhiên là đầm lầy ven sông- biển, trong quá trình quai đê lấn biển, mở rộng đất làm nông nghiệp, họ đã phải lấy ngư nghiệp làm nghề sinh tồn chính ( hiện nay Phả Lễ vẫn có ngư dân nhưng không sống theo lối thuỷ cơ). Các cư dân đến đây đã mang theo hành trang của mình một hình thức ca hát của cộng đồng ở quê hương đến vùng đất mới..., nó không chỉ đáp ứng nhu cầu “thư giãn” sau những mùa lao động vất vả mà còn để cầu ước một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Cũng xuất phát từ điều kiện tự nhiên và nghề nghiệp trên quê hương mới mà người dân Phả Lễ nói rằng hát đúm là của ngư dân. Hát đúm - hát giao duyên, là một trong những biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực: cầu mùa, luôn là ước nguyện không chỉ của cư dân nông nghiệp mà còn của các cư dân ngư nghiệp. Theo giả thuyết này, hát đúm Phả Lễ có nguồn gốc từ hát đúm vùng trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Thứ hai, trong quá trình sưu tầm, nghe hát nhiều đêm, chúng tôi phát hiện thấy cách đọc từ và đọc dấu giọng với phát âm của miền trung Việt Nam, ví dụ từ “S” hay dấu hỏi (?), ngã (~). Bên cạnh đó, chúng tôi còn thấy dường như cấu trúc âm điệu của hát đúm ở đây gần giống với hát ví dặm Nghệ Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh). Đây là một vấn đề gợi mở cho chúng tôi tìm về với thuỷ tổ của cư dân ở nơi đây, qua hai lần di cư: từ miền trung ra vùng trung tâm châu thổ sông Hồng (Thăng Long) rồi đi tiếp tới vùng biển đông bắc. Trên đường di cư, họ đã mang điệu hát quê mình theo hành trang về đất mới; hoặc cũng có thể, qua hát đúm Phả Lễ (Thuỷ Nguyên) đã cho chúng ta một minh chứng về sự ảnh hưởng của giao lưu văn hoá qua giao thương giữa miền biển và nội địa phía bắc Việt Nam nhiều thế kỷ trước, mà vốn từ thế kỷ XV đến XVII, cảng biển, cảng sông phía bắc Việt Nam hoạt động rất mạnh, thương nghiệp phát triển. Với hướng này chúng tôi nghĩ: phải chăng những dân chài miền biển trung bộ đã đưa giai điệu hát quê mình ra vùng biển đông bắc trên đường đi buôn bán, sau đó “ví” Nghệ Tĩnh đã được địa phương hoá ở Phả Lễ và trở thành Hát đúm sau đó?
3.3. Sinh hoạt hát đúm- Hội mở mặt
Hát đúm được tổ chức vào dịp lễ khai xuân, trong những ngày đầu tết Nguyên Đán, sau tế khai xuân và tế tổ (mồng 4 - mồng 6 tết). Hát đúm là một hình thức diễn xướng dân gian của cộng đồng được diễn ra ở ngoài trời, trên đường làng, khi ra đình chùa chơi hội xuân. Trong ngày hội xuân, những người đi hội, đi hát đều mặc trang phục ngày lễ, nam mặc quần trắng áo lương (the đen), đầu đội khăn xếp, tay cầm ô, chân đi guốc; nữ thì mặc quần lĩnh đen, áo tứ thân đổi vạt (màu) buộc thắt kèm theo chiếc thắt lưng bao tượng bằng nhiễu (lụa) màu hoa lý hay màu hồng, chân đi guốc...
Thể lệ hát được quy định khá chặt chẽ, tốp hát cùng giới (nam hoặc nữ) thường là những người cùng lứa tuổi, không hát với người trong gia đình, họ tộc (anh em ruột, chồng, anh em chồng, chị dâu, em dâu...). Mọi người cho rằng thú vị nhất là hát với người làng bên (hát đúm là của cả tổng Phục). Đã ra đến hội và đi hát, tất cả các ông chồng hay bà vợ không được ghen khi thấy vợ (hay chồng) mình cầm tay người khác để hát (vì có tục khi hát thường nắm cổ tay nhau).
Khi hát, bạn hát (đặc biệt là nam) không được chọn các từ nghĩa khó hiểu cho bạn hát của mình. Khi ứng đối không được, bạn hát có thể nhờ bạn hát trong tốp hát của mình ứng đối hộ, sau đó họ lại có thể tiếp tục cuộc hát, người hát không được dừng hát giữa bài (khổ thơ đối) bởi như vậy sẽ bị phạt: phải mời những người đi hát uống rượu, ăn quà.... Cuộc hát được tuân thủ theo các bước (hát) sau:
- Hát chào mừng (lời chào và làm quen).
- Hát thăm hỏi - mời (hỏi gia cảnh, tình ý cha mẹ và mời đến chơi nhà).
- Hát đố - giảng (thường đố với các hiện tượng thiên nhiên cảnh vật, nghề nghiệp.. ).
- Hát hoạ (ví - lấy môi trường thiên nhiên, tích truyện để ứng ví với tình cảm).
- Hát huê tình (lời hát bày tỏ tình cảm kết nghĩa bạn bè hoặc kết tình chồng vợ, cuối còn có hát thách cưới).
- Hát ra về (hát chia tay).
Khi làm quen để hát mời thì nam phải hát trước nhưng khi ra điều kiện hát thì bên nữ được quyền. Như trình bày ở phần trước, trong những ngày đi hát, phụ nữ được bỏ khăn che mặt, chính vì vậy Hát đúm còn được gọi là Hội mở mặt. Nhưng cũng có những cô gái “kỹ tính” bịt mặt ra hội hát để “nghe ngóng” một lúc mới dự cuộc nên thường nảy sinh những cách làm quen bạn hát thú vị. Người bạn trai đoán nhận dường như người con gái đó rất tài trong ứng đối nên họ vẫn tới làm quen, những chàng trai này cũng rất giỏi khi phải nghĩ ra một khổ thơ hát “xin” người con gái đó bỏ khăn che mặt cùng mình tham gia cuộc hát. Việc làm quen đó còn dùng dằng mãi nhưng nó làm cho cuộc hát thêm vui và hấp dẫn.
 
 
Thường thì cả tốp nam, nữ cùng chứng kiến các “đại diện” của “bên mình” hát đối với người “bên kia”. Khi vào cuộc hát, bao giờ câu hát (khổ thơ) chào mừng cũng là lời hát khởi đầu. Lần lượt từng người trong hai nhóm nam nữ có thể hát những câu chào mừng để làm quen, nhưng người hát sau không được hát trùng với lời ca của người hát trước. Bài bản lời ca dường như có sẵn, thể thơ được dùng để sáng tạo vào lời hát là thể song thất lục bát (hai câu 7, một câu 6-8) hoặc thể lục bát (6-8), có một số bạn hát giỏi ứng đối có thể “sáng tác” thêm, cứ như thế một số bài bản được bổ sung thêm lời thơ (hát) theo thời gian. Hoặc, qua những cuộc hát hàng năm giữa các làng với nhau, các cá nhân tự làm phong phú thêm lời ca của mình và truyền dạy cho các bạn cùng nhóm. Lời hát (khổ thơ) không quy định ngắn dài, miễn là ứng đối đúng ý chính của bạn hát, các cụ nghệ nhân nói vậy, nhưng ít nhất cũng phải đủ một khổ thơ (4 dòng). Tuy nhiên, qua thực tế điền dã, chúng tôi chưa thấy ai hát mà chỉ dùng một khổ thơ.
Hệ thống bài bản của hát đúm rất phong phú, có đến hàng mấy chục bài hát cho một “bước” hát (loại hát). Ví dụ, có hàng chục kiểu hát chào-mừng, hàng chục bài hát đố-giảng hay hát hoạ, hát huê tình... Khi “say hát”, hai bên hát ý hợp tâm đầu trong các lời đối đáp, họ thường mượn hình tượng từ cái ô, chiếc khăn xếp, cái nón, cái thắt lưng.. của nhau để hát hỏi xin vật làm tin mà trao đổi tình cảm với nhau. Những lúc hát đối đáp như thế làm cho cuộc hát thêm sinh động.
3.4. Phương thức truyền dạy hát đúm
Hát đúm là một sinh hoạt văn nghệ không thể thiếu của người dân mỗi dịp xuân về và đó cũng là thời điểm tác động mạnh đến tâm tưởng con người, các cuộc hát trong hội- một sinh hoạt văn nghệ cộng đồng- là một môi trường truyền dạy, gìn giữ tốt nhất, khi đó người đã thuộc và biết hát thì hát hay hơn bởi có sự chứng kiến và khuyến khích của bạn bè, những khuyến khích đó cũng là yếu tố tốt tác động vào sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Cũng trong hội hát, lời hát được truyền dạy một cách gián tiếp khi trẻ em theo cha mẹ, anh chị ra chơi hát cũng học tập theo rồi đến tuổi 15- 18 có thể tham dự hát đúm cùng thế hệ cha anh mình. Bên cạnh đó là phương thức truyền dạy trực tiếp, giới trẻ học hát từ cha mẹ, anh chị mình ở tại nhà những dịp nông nhàn như lúc đan lát các vật dụng gia đình (rổ, rá, sàng..) hoặc khi nghe mẹ ru em. Đôi khi vào những dịp cấy lúa, trồng màu hay làm cỏ trên đồng ruộng, chị em cũng thường hát mỗi lúc nghỉ ngơi... Các bà các chị còn nói ngay cả lúc cấy lúa họ cũng có thể dừng lại hát với nhau vài câu cho vui... Đây cũng là một cách truyền dạy. Như vậy, phương thức truyền dạy hát đúm chủ yếu là qua hình thức truyền ngôn, nên những bài hát cổ của hát đúm cũng vì vậy mà “tam sao thất bản”, mất mát nhiều. Chúng tôi chưa tìm thấy văn bản những lời ca của hát đúm. Về địa phương lần này, chúng tôi sưu tầm thêm được hơn năm chục bài hát, khác các bài hát mà ông Đinh Tiếp đã đưa vào sưu tập của mình.
3.5. Giá trị nghệ thuật của Hát đúm.
Trong kho tàng thuật ngữ văn hóa học Việt Nam, thuật ngữ “hát đúm” thường được gắn với địa danh Thuỷ Nguyên (Hải Phòng). Trong rất nhiều tài liệu, sách, báo và cả các chương trình truyền thông đại chúng cũng thường xuất hiện thuật ngữ này. Song, một khái niệm cụ thể về Hát đúm Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) lại là điều mà không phải nhiều người đã có một sự hiểu biết thấu đáo. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân riêng của nó. Mà một trong những nguyên nhân đó là cách nhìn nhận hiện tượng văn hóa dân gian này qua những thời điểm, qua những lăng kính ở từng cấp độ khác nhau của những người làm công tác văn hóa (kể cả những người làm công tác quản lý văn hóa). Đã có một thời, hát đúm (mà chúng tôi thống nhất ý kiến với TS. Đinh Tiếp), “đúm” ở đây có nghĩa là “đàn đúm”, là tập hợp của một nhóm người cùng tham gia hát giao duyên. Trong các cuộc khảo sát điền dã, chúng tôi có tìm hiểu ở nhiều nghệ nhân cao niên cũng được các cụ nhất trí như vậy. Theo các cụ, “đúm” ở Thuỷ Nguyên không phải là “một miếng vải nhỏ có gói một vật bên trong để hai bên hát trao cho nhau trong khi hát” như một số người quan niệm.
 
 
Trong sự so sánh với các loại hình dân ca khác trong vùng, nghệ thuật hát đúm Thuỷ Nguyên vẫn mang trong nó những nét độc đáo riêng. Nét độc đáo này không đơn thuần ở hình thức diễn xướng với những nghi thức riêng, mà còn thể hiện rất rõ ngay trong bản thân đường nét giai điệu đặc trưng của nghệ thuật hát đúm. Và chính đường nét giai điệu đặc trưng dựa trên những âm trục vốn không phải là đặc trưng của dân ca đồng bằng Bắc Bộ này lại là những gợi ý cho công tác nghiên cứu của các chuyên gia văn hóa dân gian thuộc các lĩnh vực khác.
Như chúng ta đã biết, thang âm cơ bản của các hình thức dân ca khu vực châu thổ Bắc bộ ở cấp độ như hát đúm (thí dụ như: hát ví, hát trống quân .v.v...) thường là 3 âm. Nhưng phần quan trọng của các làn điệu dân ca nhiều khi lại nằm ở phong cách diễn xướng, là sự thêm vào giai điệu những âm phụ/những âm tô điểm (mà thật ra, theo chúng tôi, không hề là phụ) mang đậm dấu ấn của một phong cách dân gian. Cũng ở cấp độ này, phần lời ca giữ vai trò đặc bịêt quan trọng và trong nhiều trường hợp quyết định đường nét của tiến hành giai điệu.
Ở hát đúm Phả Lễ (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng), thang âm cơ bản ở đây cũng là 3 âm, nhưng trật tự quãng cách cao độ tính từ âm thấp nhất lên là: quãng khoảng 4 đúng - quãng khoảng 2 trưởng (chúng tôi tạm dùng thêm phụ ngữ “khoảng”để phân biệt với các khái niệm quãng 4 đúngquãng hai trưởng theo hệ bình quân luật trong âm nhạc cổ điển châu Âu bởi trong thực tế ngoài các “âm luyến láy” vốn là một trong những vấn đề thuộc bản chất của âm điệu dân gian Việt Nam, quãng cách giữa các âm trục cũng không chính xác như cách chia của hệ bình quân luật). Điều đó cũng có nghĩa là âm vực chính của hát đúm chỉ nằm trong khoảng 1 quãng năm đúng.
Như trên chúng tôi đã nói, hát đúm còn được người dân Tổng Phục gọi là “hát ví”. Điều đó cũng phần nào nói lên cấp độ của hát đúm trong sự sắp xếp các cấp độ của các hình thức dân ca: hát đúm cùng cấp độ với hát ví, tức là ở cấp độ đầu - cấp độ mà giai điệu còn ở mức độ đơn giản, gần gũi với hình thức hát thơ, âm điệu trong nhiều trường hợp chỉ là sự chuyển tải nội dung của lời thơ.
 
KẾT LUẬN
1. Suy nghĩ về hiện trạng hát đúm Phả Lễ (Thuỷ Nguyên- Hải Phòng)
Hiện nay, Phả Lễ vẫn lưu hành hình thức hát đúm mỗi dịp xuân về nhưng thay các lời hát cổ bằng những lời hát mới. Người dân giải thích rằng: thanh niên ngày nay không hiểu những lời hát xưa, nếu muốn duy trì hát đúm phải dùng những lời hát mới. Những bài hát cổ mà chúng tôi sưu tầm được chỉ những người lớn tuổi còn nhớ và một số rất ít những trung niên với niềm say mê nghệ thuật truyền thống đã theo học từ các nghệ nhân để hát với nhau, đây cũng là một hiện trạng mà chúng ta cần phải suy nghĩ trong công tác lưu giữ, phát huy vốn văn hoá truyền thống nói chung và hát đúm nói riêng.
2. Thế hệ trẻ và hát đúm của Phả Lễ
Thanh niên rất tự hào về truyền thống hát đúm của quê mình, nhưng để hát theo thì ngượng, lúng túng, họ cho rằng lời ca cổ lạc hậu, khó hiểu. Với nhận thức như vậy, thanh niên rất khó thuộc những lời ca cổ đó. Rõ ràng, hình thức sinh hoạt nghệ thuật truyền thống thường gắn với môi trường xã hội và môi trường tự nhiên tương xứng, nay mối quan hệ giữa môi trường tự nhiên, môi trường xã hội đã thay đổi... ví dụ thanh niên rất khó thuộc những bài ca hát ví về những loài cá, chim nếu như họ không làm nghề chài lưới, hoặc họ cũng không hiểu ý nghĩa của những lời ca ví từ các tích cổ.
Hiện nay Phả Lễ rất khuyến khích việc phục hưng hát đúm bằng việc thành lập Câu lạc bộ hát đúm. Hàng năm huyện Thuỷ Nguyên vẫn đầu tư một số kinh phí cho duy trì hội hát đúm đầu xuân như đề ra hình thức giải thưởng để động viên thế hệ trẻ tham gia. Hình thức thưởng trong hội hát đúm trước đây cũng có, hàng năm tổng Phục Lễ vẫn tổ chức thi hát giữa các làng trong tổng.
3. Kiến nghị:
3.1. Phả Lễ chỉ là một trong 3 địa danh có hát đúm của Hải Phòng, chúng ta cần có sự khảo sát, sưu tầm hát đúm ở hai địa danh kia: An Hải - Cát Hải, Kiến Thuỵ - Đồ Sơn mà chúng tôi được biết là hát đúm rất phổ biến trong các nhóm ngư dân. Từ các khảo sát sưu tầm nghiên cứu rộng và sâu sẽ cho chúng ta những tư liệu về hát đúm một cách có hệ thống hơn ở khu vực này. Và, cũng từ những tư liệu đó, chúng ta có thể so sánh hát đúm giữa các vùng của đồng bằng châu thổ sông Hồng, giữa các nhóm cư dân Việt ở đồng bằng bắc bộ.
Chúng tôi cũng được biết hiện nay chỉ còn Thuỷ Nguyên là còn tổ chức các cuộc hát đúm và số lượng tham gia tương đối đông, trong khi đó ở hai vùng khác của Hải Phòng (An Hải- Cát Hải, Kiến Thụy- Đồ Sơn) hát đúm ít được mọi người biết đến. Do vậy việc khảo sát và sưu tầm hát đúm ở hai địa danh ngoài Thuỷ Nguyên là yêu cầu cấp thiết, phục vụ cho công tác nghiên cứu hoàn chỉnh một hình thức văn nghệ dân gian của một vùng địa lý với những sắc thái văn hoá riêng của nó.
3.2. Qua sưu tầm hát đúm Phả Lễ, chúng tôi thấy cần có những biện pháp sau:
- Sở Văn hoá Thông tin Hải Phòng cùng Phòng Văn hoá-thông tin-thể thao huyện Thuỷ Nguyên cần khuyến khích hơn nữa hoạt động của Câu lạc bộ hát đúm Phả Lễ qua hình thức hỗ trợ kinh phí, duy trì chế độ bồi dưỡng nghệ nhân.
- Các cơ quan trên cũng cần tổ chức việc sưu tập thành văn bản các bài hát cổ mà chúng tôi cho rằng chúng tôi chưa sưu tập hết; khuyến khích các buổi sinh hoạt hát đúm với các lời hát cổ còn phù hợp với hiện tại, đó đích thực là những giá trị trường tồn của văn hoá truyền thống.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hội đồng lịch sử Hải Phòng. Địa chí Hải Phòng- (Tập 1). Xuất bản 1990. 258 trang.
2. Đặng Thu (chủ biên). Di dân của người Việt từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX. Phụ san Nghiên cứu Lịch sử. Hà Nội 1990. 177 trang.
3. Hữu Ngọc (chủ biên). Từ điển văn hoá cổ truyền Việt Nam. Nhà xuất bản Thế giới. Hà Nội 1995. 827 trang.
4. Đinh Tiếp. Hát đúm Hải Phòng. NXB Hải Phòng - 1987. 203 trang.
5. Phạm Lê Hòa, Đỗ Lan Phương. Các ghi chép điền dã tại Phả Lễ, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng. 1998 – 1999. Tư liệu cá nhân.
 
PHỤ LỤC
TRÍCH LỜI CA MỘT SỐ BÀI HÁT ĐÚM
1.      Hát Chào mừng
Nam:            Rằng người thương ơi                  
Kể từ lập địa khai thiên
Khai thiên mở hội chơi riêng hội này
Mỗi năm thường lệ vui thay
Nức nô cảnh vật vui vầy hội xuân
Hội này là hội thi văn
Mong cho đến hội mà tranh thi tài
Dập dìu ong bướm xôn xao
Cũng như cung bái bước vào tần cung
Tiếng đàn tiếng hát giao tâm
Vui này nào kể mấy đông nào tày
Nhất vui hội trần vui thay
Vui sao bằng đám hội này chơi xuân
Kìa tài tử nọ giai nhân
Dập dìu ong bướm hồng quần xôn xao
Gái thời trang điểm má đào
Trai thời phong nhã lược thao gồm tài
Mong cho đến hội thái lai
Trước thăm cảnh Phật sau thời chơi xuân
Hội này là hội thi văn
Kẻ hòng cướp giải kẻ tranh giật lèo
Rằng duyên kết bạn người thương ơi!
 
Nữ:                  Duyên kim cải là ngãi loan vàng
                        Hôm nay em mới gặp chàng thì sao
Gặp chàng phải hỏi phải chào
Ở đây em biết người nào là quen
Thôi chào ông chánh ngồi trên
Chào ông lý trưởng đương quyền trong dân
Lại chào cả ông trương tuần
Ông tổng, ông lý việc dân việc làng
Lại chào khắp cả hội làng
Hôm nay em được gặp chàng ở đây
Gặp chàng má đỏ hây hây
Răng đen nhưng nhức tóc mây rườm rà
Lẽ thì em cũng ở nhà
Nhưng ruột em nóng vậy là chàng mong
Hôm qua đốt ngọn đèn chong    
Bắt một quẻ độn chàng mong tức thì
Vậy nên em phải ra đi
Nhà em công việc có khi nào rời
Duyên kết bạn tình ơi!
 
2. Hát mời trầu
Nữ:                       Miếng trầu em têm tối hôm qua
                     Miếng cau bổ vội mang ra mời chàng
Trầu này thật nớ trong hàng
Không bùa, không thuốc, sao chàng không ăn
Chàng ơi nghĩ thế sao đành
Mời chàng hãy cố cầm ăn miếng trầu
Cơ hàn mới nhớ được lâu
Không ăn nói trước quên sau ra gì
Ăn vào nó nặng như chì
Nó nhẹ như bấc lấy gì trả ơn
Lấy gì công báo nghĩa đền
Cho vui lòng đấy kẻo phiền lòng đây
Trầu thậm cay mời chàng cầm lấy
Khẩu trầu này biết mấy nhiêu cau
Duyên kết bạn tình ơi!
 
3. Hát Đố
Nữ:                   Cái gì năm múi, năm khe
Quả gì dẹp dẹp như đe thợ rèn
Quả gì kẻ ước người ao
Cái gì sáng tỏ như sao trên trời
Cái gì ăn đủ năm mùi
Cái gì bé nhỏ có người ngồi trong
Cái gì trạm bốn chữ rồng
Cái gì cùi trắng nước trong hỡi chàng
Cái gì xanh đỏ tím vàng
Cái gì ăn phải dạ càng ngẩn ngơ
Duyên kết bạn tình ơi!
 
Nam:               Rằng người thương ơi!
                       Quả khế năm múi năm khe
Bằng bằng hẹp mép như đe thợ rèn
Quả mận kẻ ước người ao
Ngọn đèn sáng tỏ như sao trên trời
Quả lê ăn đủ mọi mùi
Gừng tàu bé nhỏ có người ngồi trong
Quả chuông tạc bốn chữ đồng
Quả dừa cùi trắng nước trong hỡi nàng
Hòn đá lăn lóc giữa đường cái đi
Quả mít thì nó xù xì
Quả mơ tháng bảy ta thì ăn chơi
Dù già sít đến rụng rời
Còn các thức quả ăn chơi trong nhà
Quả chuối thờ mẹ kính cha
Quả cau nàng bổ cho ta ăn cùng
Chỉ ngũ sắc xanh đỏ tím vàng
Bùa yêu ăn phải dạ càng ngẩn ngơ
Duyên kết bạn người thương ơi!
 
4. Hát Họa
 Nữ:                Cá khôn nó ở bể sâu
 Chim vàng cá vạn đỡ đầu lạch chương
 Cá mòi nó ở sông trường
 Cá rô, cá gáy ở miền đầm ta
Cá trê, cá gáy mại cờ
Ởđầm nước ngọt lượn ra lượn vào
Chàng hỏi em nói thấp cao
Em xin hoạ hết thứ cá ở đà cửa sông
Cá mòi, cá đé, cá ong
Cá thiều, cá vống chàng trông cho rành
Kia như con cá lành canh
Con tôm rảo quẩn ở đầm chẳng sai
Kìa như con bơn, con trai
Con thu, con nụ ai ai cũng bì
Cá lợn có chân biết đi
Cá gầu, cá dớn vì thì cũng hay
Cá bống nó ở bãi lầy
Cá bớp ngày dầy nó ở rừng đông
Cá lóc thì nó to răng
Cá nhạch trong lỗ biết chăng hở chàng
Chàng nói thì em xin thưa
Em xin kết nghĩa cương thường vãng lai
Cá thì em đã hoạ rồi
Chim đâu chàng họa một bài mà nghe
Duyên kết bạn tình ơi!
 
 Nam:                Cá thì em đã họa rồi
                    Chim đây anh họa một bài cho nghe
Đại bàng chim tán ghê thay
Phượng hoàng chim yểng đậu cây ngô đồng
Chèo bẻo ít thịt nhiều lông
Diệc ma cao cẳng nàng trông cho tường
Chim đỏ với lại chim xanh
Diều hâu cắt cắt là phường bất nhân
Tháng ngày lượn khắp xa gần
Thấy gà nó đớp kiếm ăn chăng là
Diều hâu lỉnh kỉnh trả hoa
Trả hồng trả sắt cũng là trả tranh                                 
Chim Quí linh ra điều ăn sáng
Thứ chim luôn chẳng đáng mấy đồng
Còn như chim phượng, chim công
Còn thứ chim cú ai dùng làm chi
Chim Bồ Các với chim Trả Qui
Sáng ăn vườn mận tối đi vườn đào
Chim Bồ Các với chim Chào Mào
Sáng ăn vườn mận tối vào vườn mơ
Giống cò đen ngẩn ngơ ghềnh núi
Đứng một mình chẳng nói ai hay
Cò trắng Cò bợ ngày dày
Còn thứ Cò Lửa cùng dày cò thơ
Đi ăn đêm mới là giống Vạc
Bởi vì chúng đánh bạc thua cò
Cho nên Vạc phải đi mò thâu đêm
Suốt năm canh Vạc kêu khắc khoải
Đến mùa hè Quốc lại cầm canh
Bồ Cu, Cút Cút, Rành Rành
Chim Yểng đỏ cẳng Vàng Anh, Vịt Giời
Cu Dang, Cu Kếu bay khắp mọi nơi
Còn thứ chim giời anh họa phải ra
Sáo Đen, Sáo Sậu, Sáo Bà
Còn thứ Sáo Đá cũng là chim Ri
Chúng nó bé bỏng biết gì
Ở nhà xay thóc giã gạo vậy thì giỏi giang
Chim Yểng biết nói rõ ràng
Còn thứ chim Nhạn bay ngang giữa giời
Chim thì anh đã họa rồi
Gì hay nàng hát mấy bài mà nghe
Duyên kết bạn tình ơi!
 
 
5. Hát cưới:
Nữ:                  Em là con gái nhà nghèo,
                       Thầy mẹ thách cưới những heo mấy gà.
Bực mình em phải nói ra,
Chẳng heo chẳng lợn chẳng gà làm chi.
Heo, lợn cũng chẳng làm gì
Chàng mà xin cưới thiếp thì làm cao.
Xin chàng chín tấm lụa đào,
Chín mươi hòn ngọc, chín mươi ông sao trên trời.
Xin chàng chín nén vàng mười,
Xìn chàng chín chục con dơi hoá chồng.
Được thế mới thỏa tấm lòng,
Liệu chàng có cưới được không hở chàng.
Duyên kết bạn tình ơi!
 
Nam:               Thấy nàng thách cưới một lời
                        Đêm nằm nghĩ ngợi bồi hồi lo thay
Cưới em chín thúng bạc đầy
Gạo nếp chín thúng rượu tăm mười vò
Nàng thách thì anh phải lo
Cưới em mười lợn ba bò chín trâu
Cưới em mười chín cái cành hoa đào
Chờ cho tiên xuống lọt vào chơi hoa
Của anh vô số để ra
Anh xin kết nghĩa giao hoà hôm nay
Mượn người đi bắt dơi này
Bắt được chín vạn dơi nay hoá chồng
Anh nay thực đã có công
Thách nhiều cưới ít mặc lòng mẹ cha
Dơi này anh bắt hôm qua
Bắt trên mái nhà đức Thánh Tản Viên
Trai anh hùng gặp khách thuyền quyên
Thấy nàng thách cưới anh lên mấy lời
Bắc thang trèo ngược lên trời
Vuốt râu Đại Thánh, áp má mẹ Thiên Lôi cưới nàng
Mỡ ruồi tính được ba ang
Đem về anh chỉ cưới nàng hôm nay
Duyên kết bạn mình ơi!
___________________________________
 
(1) Hội đồng lịch sử Hải Phòng- Địa chí Hải Phòng- (Tập 1)- Xuất bản 1990- Tr. 225.
(2) Đặng Thu (chủ biên)- Di dân của người Việt từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX. Phụ san Nghiên cứu Lịch sử- Hà Nội 1990- Tr. 62.
(3) Hữu Ngọc (chủ biên)- Từ điển văn hoá cổ truyền Việt Nam- Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội 1995- Tr. 282.Hữu Ngọc (chủ biên)- Từ điển văn hoá cổ truyền Việt Nam- Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội 1995- Tr. 282.4
(4) Theo số liệu của UBND xã Phả Lễ, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng năm 1999.