Nội san

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc hiếu, hỉ và lễ hội tại Phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình

06 Tháng Bảy 2018

                                 Nguyễn Thị Hằng [*]

                                                                                                                                                                                  Với quyết tâm xây dựng đời sống văn hoá mới trong cộng đồng dân cư, thời gian qua, việc triển khai thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh trong việc hiếu, hỉ và lễ hội luôn được các cấp ủy, chính quyền tỉnh Ninh Bình quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Phường Ninh Khánh – Thành phố Ninh Bình là một trong những đơn vị điển hình thực hiện có hiệu quả công tác này.

Thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh và của UBND thành phố Ninh Bình, Đảng ủy phường đã ban hành Nghị quyết, UBND phường ban hành Kế hoạch triển khai tới cơ sở nhằm tăng cường công tác quản lý thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; thành lập ban chỉ đạo, phân công cụ thể cho các thành viên phụ trách địa bàn cơ sở, yêu cầu thường xuyên kiểm tra, giám sát đôn đốc việc thực hiện tại khu dân cư. Tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Các tổ dân phố đã đưa các quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vào quy ước hoạt động của tổ dân phố tạo nên sự chuyển biến sâu sắc, mạnh mẽ trong nhận thức của mọi tầng lớp cán bộ, nhân dân. Nêu gương, nhân rộng những mô hình hay, những việc làm thiết thực của cán bộ, đảng viên và hội viên, đã kịp thời phê phán những biểu hiện tiêu cực, hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” thành phố Ninh Bình, về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, phường Ninh Khánh đã thực hiện khá hiệu quả công tác này. Đảng ủy – UBND phường đã chỉ đạo, triển khai tuyên truyền dưới nhiều hình thức phong phú tới nhân dân thực hiện việc cưới theo đúng Luật hôn nhân và gia đình. Các đám cưới đều thực hiện tốt việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật, được UBND phường làm các thủ tục trao giấy kết hôn tại trụ sở phường. Hầu hết, các đám cưới đều diễn ra trong một ngày, không tổ chức ăn uống linh đình nhiều ngày như trước kia, các gia đình không tổ chức mời khách ăn cỗ tràn lan mà chủ yếu mời anh em đại diện gia đình, dòng họ, bạn bè thân thích. Một số đám cưới tổ chức theo nếp sống mới, không làm cỗ mời khách chỉ mời anh em bạn bè đến dự tiệc trà. Không còn các hủ tục lạc hậu xảy ra, không còn các hiện tượng tảo hôn, ép hôn, thách hỏi, thách cưới; các thủ tục ăn hỏi, dạm ngõ đã được đơn giản, gọn nhẹ đi rất nhiều. Trước kia tổ chức cưới có Lễ coi mặt (dạm ngõ); Lễ sơ vấn (đám hỏi); Lễ nạp sinh (nạp tài); Lễ cưới; Lễ phản bái (lại mặt). Tuy nhiên, khoảng gần chục năm trở lại đây, cưới hỏi chỉ còn ba lễ chính: Lễ dạm ngõ, Lễ hỏi và Lễ cưới. Tình trạng tổ chức các đám cưới để phô trương, hình thức đã giảm, nghi lễ tổ chức trang trọng, gọn nhẹ, không sử dụng loa đài to, đảm bảo thời gian quy định không trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ đêm, không có hiện tượng lợi dụng tổ chức đám cưới thương mại hóa kinh doanh. Các gia đình đã nghiêm chỉnh chấp hành quy định về việc làm rạp cưới đúng quy định, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Với những kết quả đó, cán bộ nhân dân trong phường nhận thức rõ ý nghĩa sâu sắc của việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới đem lại lợi ích về kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần và môi trường văn hóa lành mạnh mọi người cần hướng tới và tự giác thực hiện.

Qua khảo sát một số đám cưới trên địa bàn phường được tổ chức cuối năm 2017 và đầu năm 2018, 100%  số đôi đăng ký kết hôn theo đúng nguyên tắc, đúng thủ tục hành chính, không có hiện tượng tảo hôn, có tới 90% đám cưới được tổ chức làm rạp mời cỗ tại nhà, có một đám tổ chức theo đời sống mới chỉ ăn bánh kẹo, tiệc trà, chỉ có 10%  đám tổ chức và mời khách tại nhà hàng. Các đám đều được làm rạp với diện tích vừa phải, không lấn chiếm lòng đường, trang trí nhẹ nhàng không phô trương hình thức. Hầu hết các đám cưới đều tổ chức mời khách ăn uống trong một buổi, số lượng khách vừa phải, không mời đông. Số lượng cỗ chuẩn bị cho đám cưới được dự kiến chuẩn với số khách được mời, không lãng phí; các món ăn trong các đám cưới đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cô dâu ăn mặc giản dị, có một số đám tổ chức cưới theo đời sống mới cô dâu và chú rể đều mặc trang phục truyền thống nhìn trang trọng và lịch sự. Không có hiện tượng khách mời dùng giờ hành chính để đi ăn cưới vì gia đình có tổ chức cưới mời ăn ngoài giờ hành chính; đồng thời, không có hiện tượng dùng xe công đi dự đám cưới.

Đối với việc tang, chính quyền phường luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nếp sống văn minh thông qua hệ thống loa truyền thanh, trong các hội nghị, các tổ chức hội, đoàn thể và xuống tới từng phố. Đồng thời nêu cao vai trò cán bộ, đảng viên trong việc đi đầu gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang lễ, tạo sức lan tỏa, được nhiều người học tập, làm theo. Chính vì vậy, đến thời điểm hiện tại, 100% các tổ dân phố trong toàn phường đã kiện toàn Ban lễ tang gồm thành phần đại diện cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh, mọi người đều có tinh thần, trách nhiệm, nhiệt tình với công  việc được giao, tạo mối liên hệ gắn kết giữa cấp ủy, chính quyền đoàn thể tại tổ dân phố với nhân dân, trực tiếp giúp đỡ, kết hợp cùng gia đình tang chủ tổ chức làm tang lễ cho người qua đời chu đáo, tăng cường mối quan hệ tình cảm phố, xóm, qua đó vận động được các gia đình nhà hiếu bỏ dần các hủ tục trong việc tang, tổ chức việc tang đảm bảo theo đúng quy định. Các đám tang thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc tang, tổ chức lễ tang theo quy định, không để người chết trong nhà quá giờ quy định, không sử dụng nhạc hiếu sau 22 giờ và trước 5 giờ sáng, không mời thuốc lá trong đám tang, an táng người chết đúng nơi quy định trong nghĩa trang được quy hoạch của thành phố, của phường; không còn hiện tượng mê tín dị đoan và các hủ tục như đầu đội mũ rơm, con trưởng phải chống gậy đi lùi, khóc thuê, khóc mướn; giảm tình trạng rắc quá nhiều vàng mã dọc đường đưa tang, hạn chế vòng hoa và trướng đắt tiền khi đến viếng; không làm cỗ mời khách khi cúng 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày mà chỉ mời anh em trong gia đình.  Có thể nói, trong những năm qua, việc tang được tiến hành ngày càng văn minh, hạn chế được các tiêu cực, hủ tục lạc hậu, qua đó đã tạo được dư luận tốt trong xã hội, trong nhân dân.

Đối với việc thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội, hiện nay, trên địa bàn phường có 2 lễ hội truyền thống là lễ hội đình làng đình Cam Giá được duy trì tổ chức hàng năm vào ngày 12/10 âm lịch và lễ hội Kỳ Phúc đền Bình Yên tổ chức ngày 15/10 âm lịch, Ban quản lý đình Cam Giá và đền Bình Yên đã thực hiện tổ chức lễ hội đúng quy định của pháp luật, đúng nghi lễ, trang trọng, tạo không khí vui tươi, khơi dậy và phát huy được nhiều nột dung sinh hoạt văn hoá dân gian truyền thống của địa phương. Hoạt động lễ hội gắn với phát triển trùng tu, tôn tạo di tích - lịch sử văn hóa mang lại nhiều kết quả kích lệ, đã khôi phục được các trò chơi dân gian đặc sắc và thực hiện tốt các quy chế về lễ hội. Đảng ủy, chính quyền và nhân dân phường Ninh Khánh luôn thực hiện nghiêm chỉnh và ngăn chặn kịp thời không để xảy ra hiện tượng tổ chức lễ hội linh đình, hoành tráng, phô trương hình thức, khuếch đại âm thanh gây tốn kém tiền của, mất trật tự công cộng, gây ách tắc giao thông, cơ bản đã ngăn chặn được hiện tượng tiêu cực như xóc thẻ, rút thẻ, bói toán, cờ bạc trá hình, đốt vàng mã, đặt quá nhiều hòm công đức, đặt lễ, tiền giọt dầu tùy tiện, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, điều đó được đông đảo nhân dân tham gia đồng tình hưởng ứng tạo không khí phấn khởi, vui tươi cho cán bộ, nhân dân địa phương. Để làm được việc trên, ngay từ đầu tháng Chạp, phường đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức lễ hội do đồng chí Phó Chủ tịch UBND phường làm Trưởng ban; đồng thời, tổ chức nhiều buổi họp khu dân cư để tuyên truyền, vận động nhân dân làng các phố nơi tổ chức lễ hội ký cam kết về thực hiện nếp sống văn minh khi đi lễ hội, trong đó, quy định cụ thể từ trang phục, cách ăn nói, ứng xử trong việc thực hiện các nghi lễ.

Có thể nói, những kết quả trong việc thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn phường Ninh Khánh thời gian qua rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong tuyên truyền, vận động thực hiện, thì tại địa bàn phường vẫn còn tồn tại một số hạn chế chưa được khắc phục như: công tác vận động chưa được đầu tư thỏa đáng, phương pháp vận động chưa mang lại hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện và chấn chỉnh uốn nắn những sai sót trong việc cưới, việc tang và lễ hội chưa kịp thời. Việc tổ chức những đám cưới lớn, linh đình có chiều hướng gia tăng, chủ yếu ở một số gia đình kinh doanh giầu có và một số cán bộ có điều kiện kinh tế đã ảnh hưởng đến việc thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn phường. Cá thể có những hộ gia đình, việc chấp hành Luật hôn nhân và gia đình chưa nghiêm túc, vẫn còn tình trạng tảo hôn, không đăng ký kết hôn. Còn có một số trường hợp tại nơi tổ chức lễ hội, khi lượng khách trẩy hội quá đông dẫn tới nhiều lúc để xảy ra tình trạng tiêu cực, vi phạm các quy định, tạo ra những hình ảnh không đẹp, không văn minh.

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn phường Ninh Khánh đã đi sâu vào cuộc sống, góp phần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng văn hóa cơ sở; gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Để công tác này ngày càng lan tỏa, trong thời gian tới phường Ninh Khánh cần phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy đảng trong việc triển khai thực hiện và kiểm tra xử lý, dần tiến đến xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Bên cạnh đó cần đề cao tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên đối với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.  Tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, vận động nhân dân loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; phát hiện, giới thiệu, biểu dương, áp dụng những mô hình hay, gương người tốt việc tốt trong các phong trào, phát triển số lượng và nâng cao chất lượng các đơn vị văn hóa, khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; qua đó kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những lệch lạc, phê phán những biểu hiện tiêu cực trong việc cưới, việc tang và lễ hội của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, nhằm xây dựng một xã hội văn minh, lịch sự và tiến bộ.

                       

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2008), Văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác Văn hóa- Thông tin về nếp sống văn hóa, Nxb Hà Nội.

2. Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

3. Cục Văn hóa cơ sở (2008), Văn bản của Đảng và Nhà nước về nếp sống văn hóa, Hà Nội.

4. Trần Độ (2012), Về vấn đề xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, in trong cuốn Trần Độ tác phẩm, Nxb. Hội Nhà Văn, Hà nội.

5. Nguyễn Văn Hy (1995), Mấy vấn đề xây dựng đời sống văn hóa cơ sở hiện nay, Nxb Văn hóa Hà Nội.

6. Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh, Báo cáo về các hoạt động văn hóa của tỉnh trên địa bàn thành phố Ninh Bình  từ 2010-2015.

               ------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa