Nội san

Vận dụng phương pháp dùng lời và dạy học hợp tác nhóm đối với các bài hát thiếu nhi tiếng Anh

16 Tháng Bảy 2018

Nguyễn Thùy Linh [*]

Âm nhạc là loại hình nghệ thuật tác động trực tiếp đến thế giới cảm xúc, góp phần quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Ngày nay, cùng với những thay đổi lớn về diện mạo văn hóa nghệ thuật trên cả nước trong thời kì hội nhập, các hoạt động âm nhạc cũng phát triển mạnh mẽ. Ở các thành phố lớn trong nước, số lượng các trung tâm âm nhạc ngày càng tăng như một đáp ứng tất yếu đối với nhu cầu học tập âm nhạc của xã hội, đặc biệt ở học sinh lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở.

Không chỉ mang chức năng giải trí, nội dung giáo dục âm nhạc ở các trung tâm còn hướng đến yếu tố phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Một trong những ngôn ngữ cần thiết để đáp ứng quá trình hội nhập và phát triển ở mọi lĩnh vực là tiếng Anh, đây là một trong những phương tiện cần thiết để tiếp cận với các nền văn hóa trên thế giới cũng như mở ra những cơ hội việc làm cho giới trẻ. Đứng trước đòi hỏi đó, phương pháp dạy và học tiếng Anh cũng nhanh chóng được quan tâm với nhiều hình thức tổ chức dạy học phong phú, một trong những phương thức học tiếng Anh đang được lứa tuổi học sinh yêu thích là học thông qua các bài hát. Bằng cách này, các em không chỉ được học ngoại ngữ mà còn phát triển được các kĩ năng âm nhạc, thỏa mãn nhu cầu thưởng thức, hoạt động và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc.

Để dạy và học tốt các bài hát tiếng Anh, qua nghiên cứu thực tiễn, cúng tôi đề xuất áp dụng hai phương pháp dạy học như sau:

1. Vận dụng phương pháp dạy học hợp tác nhóm

Đây là phương pháp dạy học (PPDH) được xem là mới đối với hoạt động dạy học ở nhà trường phổ thông và các trung tâm âm nhạc. Dạy học hợp tác nhóm có một số đặc điểm cơ bản sau: Có mục đích chung là giải quyết bài hát; Các học sinh (HS) có sự tin tưởng lẫn nhau và tự nguyện hoạt động; HS có sự phụ thuộc nhau trên cơ sở trách nhiệm cá nhân; Có thể hỗ trợ cho nhau trong quá trình giải quyết bài hát.

Dạy học theo phương pháp hợp tác nhóm có những ưu điểm: Tăng cường khả năng tư duy phê phán ở các em HS; Tăng cường thái độ tích cực, tạo ra tâm lý lành mạnh; Phát triển năng lực hòa nhập, tự tin trong biểu diễn;

Điều kiện áp dụng:  PPDH hợp tác nhóm chỉ áp dụng trong tiết học thứ hai đối với một bài hát, khi mà HS đã được rèn luyện về phát âm, vỡ bài ổn định về cao độ, tiết tấu; dùng trong dạy học các bài hát có thể hát đối đáp.

Phương pháp tiến hành:

Hoạt động 1: Làm việc chung

Ở hoạt động này, giáo viên (GV) tiến hành giới thiệu bài hát, hát mẫu, đưa ra những nhiệm vụ chung và hướng dẫn cách làm việc nhóm.

Hoạt động 2: Hoạt động nhóm

Các nhóm cử nhóm trưởng điều hành hoạt động hát. Trong thời gian này, GV theo dõi, hướng dẫn các nhóm (thông thường là hai nhóm do số lượng HS/lớp chỉ từ 5 - 8 em).

Phương pháp giải quyết nhiệm vụ của các nhóm:

Đây là hoạt động quan trọng của tiết học. Nhóm trưởng là người nghe đàn, bắt nhịp, hướng dẫn ngưng nghỉ theo số nhịp, phách theo GV hướng dẫn.

Hoạt động 3: Hợp tác nhóm (hoạt động chung)

Sau hoạt động nhóm, GV tổ chức kết hợp hai nhóm, tổ chức cho các em hát theo phương thức đối đáp. Dưới đây là minh họa cho hoạt động dạy hát với bài Bingo.

Ví dụ 1: Bài hát: Bingo (Dân ca Scotland)

Nhiệm vụ nhóm 1 thực hiện theo cấu trúc 1.a

Ví dụ 1.a

Nhiệm vụ nhóm hai sẽ thực hiện đối ngược lại với nhóm 1.

Ví dụ 1.b

Khi kết hợp toàn bài hát, các nhóm cần có sự hợp tác chặt chẽ, biết lắng nghe nhau, hỗ trợ nhau để hoàn thành bài hát.

Có rất nhiều bài hát có thể tổ chức dạy học theo PPDH nhóm hợp tác như trên.

Khi tổ chức dạy học nhóm hợp tác, GV cần: quan sát nhưng chỉ hỗ trợ HS khi thật cần thiết; phân bổ thời gian cho các hoạt động nhóm là yếu tố chính để làm nên tính chặt chẽ của qui trình dạy học trong tiết học; thường xuyên theo dõi, biết phán đoán hành vi của HS để tham gia kịp thời như: giúp đỡ nhóm trưởng ổn định nhóm, sửa sai, động viên... và chủ động giải quyết bất đồng (nếu có) một cách kịp thời và tinh tế.

2. Đổi mới phương pháp dùng lời

Phương pháp dùng lời là một nhóm phương pháp dạy học, trong đó gồm nhiều phương pháp như: đàm thoại, trần thuật, diễn giảng...          

Phương pháp dùng lời trong dạy học hát tiếng Anh cần được vận dụng linh hoạt giữa tiếng Anh và tiếng Viêt.

Dạy học hát tiếng Anh là thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ: dạy phát âm (tiếng Anh) và âm nhạc (hát). Vì thế, phương pháp dùng lời không chỉ đơn giản dùng để trần thuật, giải thích mà còn cần được sử dụng như một phương tiện giúp trẻ rèn luyện kĩ năng nghe, phát âm tiếng Anh và rèn luyện tiết tấu.

Phương pháp dùng lời với mục tiêu rèn luyện kĩ năng nghe, phát âm

Trong hoạt động dạy học hát, GV chủ yếu sử dụng lời nói để diễn giảng và hướng dẫn. Có hai cách để lồng ghép tiếng Anh vào lời nói: Một là, lặp lại tiếng Anh sau mỗi câu tiếng Việt hoặc ngược lại. Hai là, dùng xen kẽ từ tiếng Anh thay thế cho từ tiếng Việt, kết hợp động tác diễn tả là rất cần thiết để HS quen dần với các từ mới, nhắc lại bằng từ tiếng Việt khi cần thiết. Phương pháp này sẽ có kéo dài hơn thời gian diễn giảng, hướng dẫn, nhưng lại rút ngắn  hơn thời gian các em học và luyện đọc từ mới rất nhiều. Khi thực hiện phương pháp này, GV không được nói câu quá dài, không sử dụng quá nhiều từ mới trong một câu đàm thoại hoặc hướng dẫn.

Ví dụ 2:

Tiếng Việt

Tiếng Anh

Hãy lắng nghe cô lần nữa nhé!

Chúng ta hãy nhắc lại từ “...”

(hát) lần hai/(lần)ba nào các con

Đây là một nốt trắng

...

Listen to me again, please!

Let’s repeat the word “...”

The second/third, please!

This’s a half (note)

...

 

Tùy vào từng bài học, GV vận dụng linh hoạt các câu tiếng Anh ngắn thay thế cho câu tiếng Việt.

Trong quá trình diễn giải, hướng dẫn cho HS, GV có thể lồng ghép các từ tiếng Anh riêng lẻ vào câu nói tiếng Việt. Chẳng hạn, trong khi hướng dẫn HS hát kết hợp vận động với bài hát Put your finger in the air, câu nói: “Hãy đặt ngón tay lên má nhé!” sẽ được thay thế bằng “Hãy đặt finger lên má nhé”. Như vậy, trẻ không chỉ ghi nhớ từ mới mà còn quen dần cách phát âm từ “finger” (ngón tay) của GV. Từ đó, khi hát từ “finger” trong bài hát, trẻ sẽ phát âm theo cách đã được nghe từ GV.

Phương pháp dùng lời kết hợp rèn luyện tiết tấu

Trong câu nói của người Anh/tiếng Anh, có hiện tượng các từ, âm tiết nhấn của câu xuất hiện gần như cách đều nhau, giữa chúng là những âm tiết, những từ được lướt qua. Sự khác nhau về độ dài ngắn, nhanh chậm giữa các từ, các âm tiết tạo nên tiết tấu của lời nói.Cũng như trong âm nhạc, tiết tấu là sự tổ chức về độ dài của âm thanh. Tùy theo số lượng nhiều hay ít của các âm tiết nằm giữa hai âm nhán mà người Anh nói nhanh hay chậm. Nói cách khác, tiết tấu trong lời nói tiếng Anh chịu sự can thiệp của số lượng các âm giữa hai điểm nhấn. Tiết tấu có vai trò quan trọng trong việc xác lập ý nghĩa của lời nói.Tính đúng, sai của tiết tấu lời nói làm cho người nghe dễ tiếp nhận hay không. Trong phạm vi đề tài, chúng tôi không đi sâu phân tích về mặt ngữ điệu, ngữ âm tiếng Anh mà chỉ đề cập đến những vấn đề liên quan đến tiết tấu và gần gũi với âm nhạc.

Ví dụ 3: Tiết tấu câu nói “How are you” (bạn khỏe chứ?) của người Anh là:

Đúng

Sai

Trong các bài hát, tiết tấu và các từ, âm tiết được qui định cụ thể. Nhưng, trong khi dùng lời nói để diễn giảng, GV cũng cần kết hợp với hoạt động vỗ tay theo phách hoặc theo tiết tấu để HS định hình dần tính tiết tấu trong nói và hát tiếng Anh. Dưới đây là minh họa với một số câu nói thông dụng.

Ví dụ 4:

            

Hay:

            

Trên cơ sở phương pháp trên, GV có thể áp dụng vào bất kì trường hợp nào khi dùng lời để diễn giảng hay hướng dẫn hát.

Trên đây là những phương pháp mà bản thân tác giả thấy rằng sẽ đóng góp vào phương pháp dạy bài hát tiếng Anh cho trẻ tại các trung tâm âm nhạc được tốt hơn, tuy nhiên để chất lượng dạy học đạt hiệu quả cao làm thay đổi được nhận thức dẫn tới hành động của trẻ là cả một quá trình, cần sự chung tay vào cuộc của cả phía gia đình và bản thân các em.

Thường xuyên tổ chức môi trường học tập, biểu diễn sẽ giúp các em trau dồi và tự tin hơn rất nhiều, những người làm công tác giáo dục, đặc biệt là các giáo viên chuyên môn sẽ phải nỗ lực cập nhật các phương pháp dạy học âm nhạc để tìm câu giải đáp: làm thế nào để giáo dục âm nhạc phát triển, làm thế nào để hướng cho trẻ có một đời sống tinh thần lành mạnh, giúp trẻ phát triển toàn diện, tạo cho các em hình thức học hát các bài hát tiếng Anh trở nên gần gũi dễ dàng tiếp nhận hơn. Nền tảng tiếng Anh từ đó mà được củng cố, bao gồm sự gắn kết hoạt động âm nhạc với các hoạt động dạy học tiếng Anh, giúp giao tiếp kết nối toàn cầu, phát triển mỗi cá nhân trong quá trình hội nhập toàn cầu hóa, giúp người Việt tự tin, nắm bắt những tiến bộ của thế giới... Tuy rằng các trung tâm âm nhạc hiện nay không nằm trong chương trình giáo dục chính thống nhưng nó là bộ phận không thể thiếu, là đòn bẩy để giúp các em học sinh phát huy được năng khiếu của mình, sẽ có những đóng góp cho âm nhạc nước nhà trong tương lai, thúc đẩy công việc dạy học chuyên nghiệp và giúp cho các nhà giáo dục tạo nên khóa đào tạo sư phạm hiệu quả hơn. Hy vọng rằng, những phương pháp trên đây trong việc dạy học bài hát tiếng Anh sẽ đóng thêm cho việc dạy, nghiên cứu và là nguồn tham chiếu cho các đồng nghiệp và người dạy bài hát tiếng Anh.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010), Dạy và học tích cực - Một số phương pháp và kĩ thuật dạy học, dự án Việt - Bỉ, Nxb ĐHSP, Hà Nội.

2. Hoàng Long, Hoàng Lân (2005), Phương pháp dạy học âm nhạc,  Nxb ĐHSP, Hà Nội.

3. Peter Roach, Đặng Lâm Hùng, Đặng Tuấn Anh dịch và chú giải (1998), English Phonetics and Phonology (Ngữ âm học và âm vị học trong tiếng Anh), Nxb Trẻ.

4. Thái Duy Tuyên (2008), Phương pháp dạy học truyền thống và đổi mới, Nxb Giáo dục.

5. Ali Ramsier (2014), Vocal Technique quyển1, Nxb WBHMusicWorks LLC.

6. Jonathan Marks (2010), English Pronunciation in use, Cambridge, United Kingdom, Nxb Văn Hóa Thông Tin.

-------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc