Nội san

Phác thảo chân dung một số nhà giáo - nhạc sĩ thế hệ thứ nhất với sự nghiệp đào tạo giáo viên âm nhạc ở nước ta

25 Tháng Năm 2010

                                   Phạm Trọng Toàn

Giáo dục thẩm mỹ là bộ phận cấu thành của hệ thống giáo dục. Ngay từ thời cổ đại, con người đã có tư tưởng về giáo dục thẩm mỹ. Nhà triết học Đức Ph.Sinle đã từng thể hiện quan điểm phải vận dụng việc giáo dục thẩm mỹ để khôi phục tính cách hoàn chỉnh. Giáo dục âm nhạc là bộ phận của giáo dục thẩm mỹ. Thấy rõ vai trò, vị trí của giáo dục âm nhạc, năm 1958, Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã quyết định cho mở lớp đào tạo giáo viên âm nhạc đầu tiên. Năm 1970, Trường Sư phạm Thể dục - Nhạc - Họa Trung ương, cơ sở chuyên đào tạo giáo viên dạy năng khiếu thể dục, âm nhạc, mỹ thuật, chính thức được thành lập. Năm 1980, Bộ Giáo dục đã quyết định thành lập Trường Cao đẳng Sư phạm Thể dục - Nhạc - Họa Trung ương trên cơ sở Trường Sư phạm Thể dục - Nhạc - Họa Trung ương. Ngày 7/11/1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) tách Trường Cao đẳng Sư phạm Thể dục - Nhạc - Họa Trung ương thành 2 trường: Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc - Họa Trung ươngTrường Cao đẳng Sư phạm Thể dục Trung ương. Ngày 26/5/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (ĐHSP Nghệ thuật TW) trên cơ sở nâng cấp trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc - Hoạ Trung ương. Ngày 26 - 5 được ghi nhận là mốc quan trọng trong sự nghiệp đào tạo giáo viên nghệ thuật của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Bốn mươi năm qua, với bao thăng trầm và biến đổi, nay Trường ĐHSP Nghệ thuật TW là trường đầu ngành trong đào tạo giáo viên nghệ thuật nói chung, giáo viên âm nhạc nói riêng. Sự đóng góp của các thế hệ lãnh đạo, các nhà giáo và cán bộ, công nhân viên đã từng tham gia xây dựng nhà trường là rất lớn. Trong khuôn khổ có hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ phác thảo chân dung một số nhà giáo - nhạc sĩ thế hệ thứ nhất với sự nghiệp đào tạo giáo viên âm nhạc ở nước ta.

- Năm 1958, cố nhà giáo - nhạc sĩ Phạm Ngữ (1920 - 1986) được phân công phụ trách chuyên môn lớp đào tạo giáo viên âm nhạc đầu tiên. Ông sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng như Nhớ quê hương, Đời vui, nắng sớm... Đặc biệt, ông là tác giả đầu tiên viết sách về học guitare, đó là cuốn Tự học guitare, nhà xuất bản Văn hóa ấn hành. Nhạc sĩ - nhà giáo Phạm Ngữ đã đào tạo nhiều thế hệ giáo viên và nghệ sĩ guitare cho đất nước.

Nhạc sĩ - nhà giáo Phạm Ngữ

 

- Giáo sư - nhạc sĩ Tô Vũ (sinh ngày 9/4/1923 tại Bắc Giang) là một trong những người đầu tiên đóng góp cho nền âm nhạc mới Việt Nam. Ông là người đầu tiên xây dựng hệ thống giảng dạy các môn âm nhạc cho trường phổ thông tại trường Thể dục - Nhạc - Họa Trung ương. Giáo sư – nhạc sĩ Tô Vũ là nhà giáo, nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc, nhạc sĩ sáng tác. Trong các lĩnh vực hoạt động âm nhạc, ông đều có những đóng góp xuất sắc. Những tác phẩm tiêu biểu của ông về ca khúc là các bài Tạ từ, Cấy chiêm, Nhớ ơn Hồ Chí Minh, về khí nhạc là bản Nông thôn đổi mới (viết chung với Tạ Phước) và Hoàng hôn trên xóm nhỏ. Cuốn sách Sức sống của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam (Nxb Âm nhạc, H.1995) là tài liệu quan trọng cho việc học tập, nghiên cứu âm nhạc của các cơ sở đào tạo âm nhạc của nước ta.

 

Giáo sư – Nhạc sĩ Tô Vũ

 

- Nhà giáo - nhạc sĩ Nguyễn Minh Toàn, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cao đắng Sư phạm Nhạc - Họa Trung ương (sinh ngày 9/8/1931 tại Hải Phòng), đã tham gia hoạt động âm nhạc từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông là nhạc sĩ chỉ huy dàn nhạc trong quân đội. Trong thời gian công tác ở Bộ Giáo dục và ở Trường Cao đắng Sư phạm Nhạc - Họa Trung ương, ông vừa là người chủ trì, vừa là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học, trong đó, công trình khoa học Phương hướng triển khai giáo dục âm nhạc và mỹ thuật ở trường phổ thông có tính thực tiễn cao, góp phần không nhỏ vào việc đào tạo giáo viên âm nhạc, mỹ thuật ở nước ta.

- Nhà giáo - nhạc sĩ Đào Ngọc Dung (sinh ngày 1/10/1933 tại Hà Nam) tham gia biểu diễn âm nhạc trong quân đội từ năm 1949. Năm 1956, bài hát Tát nước đêm trăng của ông, đạt giải thưởng cuộc vận động sáng tác hưởng ứng Đại hội liên hoan Thanh niên và sinh viên thế giới Varsovie. Những tác phẩm tiêu biểu của ông là các bài Dòng Nặm Ngà, Dòng Nậm Nơn, Địu con đi nhà trẻ, về khí nhạc là các bản Nổi dậy, Xuống núi, Thuyền trên sông. Tài liệu dùng trong công tác đào tạo của ông có các giáo trình Phân tích tác phẩm âm nhạc (gồm 2 quyển, Nxb Giáo dục, H.2003), Thuật ngữ âm nhạc (Nxb Hà Nội, H.2006). Công tác tại Trường ĐHSP Nghệ thuật TW từ khi trường còn là trung cấp, nhà giáo - nhạc sĩ Đào Ngọc Dung đã có nhiều đóng góp lớn cho công tác đào tạo giáo viên âm nhạc ở nước ta.

Trong 40 năm xây dựng và phát triển Trường ĐHSP Nghệ thuật TW có nhiều nhà giáo - nhạc sĩ, không chỉ đóng góp lớn cho sự nghiệp đào tạo giáo viên âm nhạc, mà còn có những đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam:           

-                      Nhà giáo - nhạc sĩ Hồng Đăng, nguyên Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam là tác giả của nhiều bản khí nhạc, nhạc phim và các ca khúc nổi tiếng: Quà tháng 5 dâng người, Biển hát chiều nay, Hoa sữa...

-                       

Nhạc sĩ Hồng Đăng

 

- Nhà giáo - nhạc sĩ Hoàng Lân (cùng viết với Hoàng Long) có những bài hát gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ trẻ Việt Nam: Em đi thăm miền Nam, Bác hồ người cho em tất cả, Những bông hoa-những bài ca... Cuốn sách Phương pháp giảng dạy âm nhạc của ông, là tài liệu quan trọng của mỗi giáo viên giảng dạy âm nhạc.

 

Ngày 26 tháng 5 năm 2010, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW sẽ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm xây dựng và phát triển, bài viết này mong như một lời tri ân tới các thầy đã đóng góp công lớn trong sự nghiệp đào tạo những thế hệ giáo viên âm nhạc của nước ta./.