Tin tức – Sự kiện

Trách nhiệm giải trình: Hạn chế đổ lỗi, đá trách nhiệm

10 Tháng Giêng 2020

GD&TĐ - Trong hàng chục các điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, việc mở rộng và trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH gắn với trách nhiệm giải trình được nhiều cán bộ quản lý đánh giá sẽ là cơ sở thúc đẩy hệ thống phát triển. Báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng về vấn đề này.

 
Chất lượng đào tạo và minh bạch thông tin là yếu tố sống còn trong xây dựng thương hiệu nhà trường. Ảnh: Quý Trung  Chất lượng đào tạo và minh bạch thông tin là yếu tố sống còn trong xây dựng thương hiệu nhà trường. Ảnh: Quý Trung

Thế “chân kiềng” trong tự chủ đại học

- Ông đánh giá thế nào về các điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH? Những thay đổi nào khiến ông tâm đắc nhất?

- Cá nhân tôi thấy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH toàn diện, bao quát được đầy đủ mọi khía cạnh trong việc quản lý, thúc đẩy hệ thống GDĐH phát triển và hội nhập. Trong những thay đổi cơ bản của Luật, cũng như Nghị định 99, tôi thấy tâm đắc nhất là việc gắn trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học với cơ chế tự chủ thông thoáng mà họ được trao.

Trách nhiệm giải trình chính là thế “chân kiềng” trong tự chủ đại học, giúp cơ sở GDĐH thực hiện các cam kết về chất lượng đào tạo với người học, xã hội khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH có hiệu lực. Nó cũng cho phép các trường một cơ chế tự chủ thoáng, chủ động hơn trong các hoạt động rất nhiều những vẫn có mục tiêu cụ thể để hướng đến.

Thực tế, hệ thống GDĐH của chúng ta thời gian qua đổi mới mạnh mẽ theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Để triển khai thành công nhiệm vụ quan trọng này, cần phải có một hành lang pháp lý đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng và mở lối cho giáo dục phát triển. Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH chính là cơ sở để các trường bám vào đó mà thực hiện.

- Nghị định 99 chính là cơ sở, nền tảng pháp lý để các trường thực hiện. Ông có thể cho biết mối quan hệ giữa tự chủ và trách nhiệm giải trình?

- Nghị định 99 đã chỉ rõ nội hàm khái niệm trách nhiệm giải trình trong hoạt động giáo dục của các cơ sở GDĐH. Do đó, tạo sự thống nhất trong thực hiện các quyền và trách nhiệm trong quản trị đại học. Tự chủ đại học được coi là khâu trọng yếu nhất trong cải cách quản trị đại học ở tầm hệ thống. Trong vấn đề này, câu hỏi lớn nhất đối với Chính phủ là làm thế nào cân bằng giữa quyền tự chủ mà các trường cần có và đòi hỏi tất yếu của Nhà nước về trách nhiệm giải trình của các trường.

Nghị định 99 với những quy định và hướng dẫn cụ thể, rõ ràng đã giúp các cơ sở GDĐH có cái nhìn cụ thể, thống nhất trong cách hiểu; từ đó có cách làm đúng, đủ và minh bạch. Nó cũng tạo sự công bằng cho các cơ sở GDĐH nói chung.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH đã được thực hiện nhiều năm qua, đặc biệt là các cơ sở GDĐH ngoài công lập. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng việc thực hiện trách nhiệm giải trình trước đây của các cơ sở GDĐH chủ yếu là giải trình trước cơ quản quản lý Nhà nước, trong khi đó, kênh giải trình trước xã hội chưa được chú trọng, dữ liệu 3 công khai chưa được chính xác.

Ảnh minh họa/ INT 

Gắn liền với minh bạch thông tin

- Theo ông, khi các trường được tự chủ gần như tuyệt đối, trách nhiệm giải trình của các trường với xã hội, người học cần có những điều gì?

- Giải trình trước xã hội là rất cần thiết, vì vậy, việc thực hiện trách nhiệm giải trình phải được gắn liền với tính công khai, minh bạch thông tin để ai cũng có thể tiếp cận được các thông tin và thẩm định thông tin đó.

Việc giải trình về các hoạt động giáo dục, đặc biệt là chất lượng sản phẩm giáo dục không chỉ là việc của cơ sở GDĐH mà còn là việc của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục có liên quan. Điều này, nhằm tránh việc đổ lỗi cho nhau khi quy kết trách nhiệm.

Trong trường hợp giải trình không trung thực, quá trình tự chủ không mang lại lợi ích cho người học và xã hội thì Nhà nước cần có các biện pháp xử lý nghiêm khắc, thậm chí buộc cơ sở GDĐH đó dừng tuyển sinh và các bên có trách nhiệm (đặc biệt là cơ sở GDĐH) phải chịu trách nhiệm toàn bộ các thiệt hại đối với xã hội.

- Vậy làm thế nào để công tác giải trình của các trường được thực chất và trở thành văn hóa của các cơ sở GDĐH?

- Nhà nước cần phải xây dựng một cơ sở dữ liệu công khai, minh bạch về giáo dục ĐH, cho phép các bên liên quan (cơ quan quản lý Nhà nước về GD, người học, phụ huynh, doanh nghiệp và xã hội...) có thể tiếp cận và đánh giá.

Cốt lõi của giải trình hiệu quả là tính trung thực và sự minh bạch về thông tin để các bên liên quan có thể đánh giá. Khi đã có những kênh đánh giá của các bên thì tính toàn diện, khách quan sẽ cao hơn. Trong đó, tôi cho rằng, đánh giá từ người học và doanh nghiệp cần phải được chú trọng và chiếm trọng số lớn trong thang điểm đánh giá.

- Xin cảm ơn ông!

Anh Tú (Thực hiện)