Nội san

THỰC TRẠNG QUẢN LÝ DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT HỒ BA BỂ, HUYỆN BA BỂ, TỈNH BẮC KẠN

30 Tháng Sáu 2021

Tăng Thị Hồng Nhung

Học viên  K10 -  Quản lý văn hóa

 

Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước với bao biến cố thăng trầm lịch sử hay còn được coi là biểu tượng trường tồn, cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai đất nước. Ngày nay, kho tàng di sản văn hóa không chỉ góp phần tạo nên một Việt Nam thống nhất trong đa dạng mà còn đem lại giá trị phát triển kinh tế, xã hội.

Hồ Ba Bể nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Ba Bể, thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Hồ Ba Bể có diện tích mặt nước khoảng 500 ha, được công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ, là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam. Hồ được hình thành từ cách đây hơn 200 triệu năm, sự kết hợp của môi trường, khí hậu, địa chất, địa mạo đã khiến Hồ Ba Bể trở thành nơi quần tụ đa dạng sinh học có giá trị toàn cầu. Với những giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học, cảnh quan, Hồ Ba Bể đã được công nhận là khu bảo tồn Ramsar vào năm 2011 và được công nhận là Vườn Di sản ASEAN vào năm 2004. Tiếp đó, vào năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định công nhận Hồ Ba Bể là Di tích quốc gia đặc biệt với tổng diện tích khu vực bảo vệ là 10.048 ha.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc quản lý, khai thác và phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể để phục vụ nhu cầu tham quan du lịch, nghiên cứu sinh thái, bảo tồn văn hóa bản địa còn nhiều hạn chế, cụ thể như: Ý thức bảo vệ môi trường cảnh quan di tích chưa cao; tình trạng xây dựng trái phép; đánh bắt cá hồ và tìm kiếm lâm thổ sản diễn ra ngày một lớn hơn làm suy giảm tài nguyên rừng, gây mất cân bằng hệ sinh thái; các hoạt động du lịch và sinh hoạt chưa được kiểm soát chặt chẽ về nguồn thải đã gây nên các điểm ô nhiễm cục bộ; tình trạng tự ý tăng giá dịch vụ tại di tích, chèo kéo du khách, cạnh tranh không lành mạnh thường xuyên xảy ra mà chưa có biện pháp tháo gỡ triệt để; công tác tuyên truyền, quảng bá giáo dục giá trị di tích chưa thực sự mang lại hiệu quả cao.

Trước những vấn đề này, bài viết nghiên cứu đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp quản lý di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể nhằm đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

1. Thực trạng quản lý di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể

1.1. Thực trạng về công tác phối hợp trong quản lý di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể

Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện. Cơ chế phối hợp của các chủ thể quản lý nhà nước và cộng đồng trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể trong những năm qua tương đối chặt chẽ, nhịp nhàng và có sự chung tay vào cuộc của cộng đồng dân cư sinh sống quanh khu vực Di tích. Người dân được chủ động tham gia góp ý, giám sát và lợi ích của cộng đồng được tôn trọng. Nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, người dân trong việc bảo vệ, gìn giữ giá trị của di tích đã có sự chuyển biến tích cực.

Nhìn chung, công tác phối hợp giữa các chủ thể quản lý di tích trong những năm qua tuy đã được thực hiện tương đối tốt, tuy nhiên việc quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng đất, quản lý trật tự xây dựng trong vùng di tích chưa được UBND xã Nam Mẫu, UBND huyện Ba Bể và Ban Quản lý Vườn Quốc gia Ba Bể phối hợp, thống nhất tốt trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm dẫn đến tình trạng chồng chéo, vướng mắc giữa các quy hoạch sử dụng đất, rừng và hoạt động xây dựng. Chính vì vậy, khi phát sinh các vấn đề vướng mắc, cụ thể là hoạt động xây dựng trái phép các nhà nghỉ của một số hộ dân quanh khu vực di tích gây quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể đã khiến chính quyền địa phương lúng túng trong công tác chỉ đạo giải quyết, vấn đề này đã được các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương phản ánh và đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo giải quyết triệt để tình trạng này nhằm bảo vệ không gian di tích.

1.2. Thực trạng về các hoạt động quản lý di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể

Các hoạt động quản lý di tích đạt được những kết quả tích cực. Các văn bản chỉ đạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền được ban hành kịp thời, tương đối đầy đủ.

Hoạt động tuyên truyền, giáo dục, quảng bá phát huy giá trị di tích cũng được các cấp chính quyền quan tâm thực hiện, các hoạt động tuyên truyền vận động người dân sinh sống khu vực xung quanh Hồ Ba Bể nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên, nguồn lợi thiên nhiên và môi trường sống của chính mình được tổ chức thường xuyên. Công tác quản lý và bảo vệ môi trường, tuyên truyền pháp luật về môi trường cho cộng đồng ở địa phương thực hiện tương đối tốt.

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Bắc Kạn nói chung và Di tích quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể nói riêng cũng từng bước được đổi mới, mở rộng phạm vi hoạt động với nhiều chương trình, sự kiện quảng bá trong và ngoài tỉnh, qua đó góp phần sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Bắc Kạn.

Hoạt động nghiên cứu, sưu tầm tại di tích quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể đã được triển khai thực hiện đạt được những kết quả tốt. Ban Quản lý Vườn Quốc gia Ba Bể đã mời và phối hợp tốt với các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, học tập.

Công tác đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác tu bổ, tôn tạo và bảo vệ di tích tuy còn khó khăn về nguồn vốn nhưng đã được quan tâm.

Hoạt động khai thác giá trị gắn với phát triển du lịch và quản lý các dịch vụ được Ban Quản lý Vườn Quốc gia Ba Bể, Ban Quản lý khu du lịch Ba Bể thực hiện khá tốt, nhất là ở khía cạnh khai thác giá trị gắn với phát triển du lịch. Công tác thanh tra, giám sát, thi đua khen thưởng được quan tâm tổ chức thường xuyên.

Mặc dù vậy nhưng công tác phối hợp trong khai thác giá trị di tích gắn với phát triển du lịch giữa các chủ thể quản lý nhà nước chưa thực sự nhịp nhàng, cụ thể là việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong quá trình điều tiết xuồng ra, vào bến đón, trả khách của các chủ xuồng tại Di tích chưa được Ban quản lý khu du lịch Ba Bể quan tâm chỉ đạo, định hướng tuyên truyền nên xuất hiện nhiều bất cập như: Tình trạng chèo kéo du khách, tự ý tăng giá dịch vụ xuồng trong các đợt cao điểm vào mùa du lịch, lễ hội và tự ý giảm giá để tranh giành khách đã gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh di tích trong lòng du khách. Bên cạnh đó, công tác quản lý các điểm bán hàng cũng như việc thu gom rác thải trong khu vực di tích chưa được chỉ đạo quyết liệt từ đó để xảy ra tình trạng nhiều hộ dân đã tự ý lấn chiếm, xây dựng lều, quán lôm côm để buôn bán các mặt hàng lưu niệm, đặc sản địa phương (cá nướng, tôm nướng, các loại bánh của đồng bào dân tộc Tày) gây mất mỹ quan khu du lịch, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ, mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường tại các điểm thăm quan trong di tích.

1.3. Thực trạng về đội ngũ trong quản lý di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể

Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý chưa đủ trình độ, chưa chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan cấp trên để tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu về ý nghĩa của việc quản lý xây dựng các công trình trong vùng lõi Vườn Quốc gia Ba Bể. Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác tuyển dụng, điều động, phân công nhiệm vụ chưa thực sự phù hợp với trình độ đào tạo, vị trí việc làm cộng với trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số cán bộ còn hạn chế nên trong quá trình tham mưu cho lãnh đạo chính quyền địa phương chỉ đạo, giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc xây dựng trái phép chỉ dựa vào các quy định hiện hành và quy hoạch đã ban hành trước đó mà chưa đề xuất các cơ chế linh hoạt giúp người dân trong vùng tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý di tích quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể, cụ thể là đội ngũ cán bộ của Ban Quản lý khu du lịch Ba Bể còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; thiếu đội ngũ cán bộ quản lý được đào tạo chính quy, bài bản; thiếu hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp tại các điểm tham quan.

1.4. Thực trạng về các nguồn lực trong quản lý di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể

Hạn chế về cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính: Cơ sở vật chất của di tích cũng như cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý di tích còn nhiều hạn chế. Hiện nay, một số điểm thăm quan nằm trong khuôn khổ di tích như Ao tiên, động Hua Mạ, đền An Mã đang đứng trước nguy cơ xuống cấp bởi tác động của biến đổi khí hậu và con người. Do điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, hạn hẹp về nguồn kinh phí nên hiện tại chính quyền địa phương vẫn chưa bố trí được nguồn lực tương xứng để tập trung đầu tư bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích có nguy cơ xuống cấp. Mặt khác, trang thiết bị phục vụ hoạt động quản lý còn thiếu và chưa đồng bộ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác quản lý còn hạn chế. Các cơ sở lưu trú du lịch (khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng phục vụ ăn uống) quanh khu vực di tích phát triển manh mún không theo quy hoạch, vi phạm về nguyên tắc xây dựng. Hệ thống giao thông, cụ thể là các tuyến đường vòng quanh Hồ Ba Bể hiện nay một số đã nằm trong tình trạng xuống cấp, nhỏ hẹp gây khó khăn trong quá trình di chuyển của du khách, một số tuyến đường thậm chí còn lắp đặt barie rào chắn để hạn chế các phương tiện di chuyển do không đảm bảo về độ an toàn.

2. Giải pháp quản lý di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể

Trên cơ sở thực trạng quản lý di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể, những vấn đề đặt ra cho công tác quản lý, bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể như sau:

Một là, cần nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt, trong đó cần thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về di sản. Hiện nay các quy hoạch liên quan đến di tích còn chồng chéo, do đó công tác phối hợp giữa các chủ thể quản lý chưa được nhịp nhàng, chưa có sự thống nhất cao dẫn đến việc người dân tự ý xâm lấn, đầu tư xây dựng trái phép để kinh doanh hoạt động du lịch mà không có cơ sở pháp lý vững chắc để xử phạt. Do vậy, trong thời gian tới cần phải có giải pháp khắc phục vấn đề này một cách triệt để để bảo tồn nguyên trạng cảnh quan di tích. Trước mắt, cần rà soát, hoàn thiện nhiệm vụ lập quy hoạch di tích để triển khai xây dựng quy hoạch theo quy định của Chính phủ để tổ chức quản lý và bảo vệ di tích có hiệu quả theo đúng quy hoạch. Yêu cầu đặt ra đối với quy hoạch di tích phải vừa bảo đảm cảnh quan di tích, bảo tồn những giá trị đặc sắc của di tích, tạo điều kiện để đầu tư các công trình dân sinh, công trình phục vụ du khách hài hòa với cảnh quan, đồng thời có điểm nhấn đặc trưng để phát huy tối đa những giá trị vốn có của di tích. Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý di tích để thực hiện có hiệu quả hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống để giảm dần tình trạng khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn di tích.

Hai là, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị di tích gắn với khai thác giá trị di tích, tập trung vào lĩnh vực du lịch sinh thái hồ Ba Bể và du lịch cộng đồng. Chủ thể sẽ không thể thực hiện có hiệu quả các giải pháp nếu không có sự vào cuộc của cộng đồng, trước hết là tuân thủ các quy định của pháp luật, nhận thức rõ về giá trị của di tích để chung tay gìn giữ và phát triển.

Ba là, tỉnh Bắc Kạn phải dành kinh phí thỏa đáng để đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích và bảo vệ di tích trước sự xâm thực của thời gian. Trước mắt cần dành kinh phí để khắc phục, sửa chữa một số hạng mục công trình đã xuống cấp; sắp xếp, quy hoạch lại khu vực bán hàng trong khu vực bến thuyền sao cho đảm bảo mỹ quan; sửa chữa và nâng cấp hệ thống công trình vệ sinh công cộng, xử lý có hiệu quả vấn đề thu gom, xử lý rác thải tại các điểm du lịch trong khu vực di tích quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể. Về lâu dài, cần thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng để đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các công trình hiện hữu trong di tích, phát triển thêm các cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống và nhu cầu dịch vụ du lịch trong tương lai.

3.. Kết luận

Di tích quốc gia là những giá trị văn hóa vô giá được tích lũy trong suốt quá trình hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, di tích giữ vai trò gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và cơ sở trong giao lưu văn hóa.

Quản lý nhà nước về di tích nhằm hướng đến mục đích chính là bảo vệ các di tích trước những tác động xấu của môi trường tự nhiên, môi trường xã hội. Nâng cao nhận thức, phát huy giá trị di tích thông qua việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Hạn chế những nguy cơ làm hư hỏng; giữ gìn, bảo tồn nguyên trạng các di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa nhằm phát huy giá trị của di tích đáp ứng nhu cầu thăm quan, nghiên cứu, học tập. Đồng thời là sự định hướng, tạo điều kiện để tổ chức điều hành hoạt động bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa phát triển theo chiều hướng tích cực.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hội đồng nhà nước (1984), Pháp lệnh số 14-LCT/HĐNN7 ngày 04/04/1984 của Hội đồng nhà nước về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh.
  2. Hội đồng bộ trưởng (1986), Quyết định số 194/CT ngày 09/8/1986 của Hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc công nhân Khu bảo tồn thiên nhiên.
  3. Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn (2015), Nghị quyết 29/2015/NQ-HĐND ngày 14/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc hỗ trợ kinh phí cho người trực tiếp trông coi di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
  4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn (2012), Lý lịch di tích Hồ Ba Bể, Tài liệu lưu hành nội bộ.
  5. Quốc hội (2009), Luật di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi bổ sung năm 2009, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  6. Nhạc Anh Hoàng Văn Trung (1921), Ba Bể du ký.