Nội san

Phong cảnh thiên nhiên với đời sống và học tập sáng tạo mỹ thuật

10 Tháng Mười Một 2010

Tham luận Hội thảo

Giáo dục Nghệ thuật và cuộc sống

 

                                                                             ThS. Trần Thị Cải

Khoa Mỹ thuật cơ sở

 

Ai cũng biết thiên nhiên cần thiết cho con người bởi nó duy trì sự sống. Con người sống giữa thiên nhiên bao la, ngay từ buổi bình minh đã biết rung động trước cảnh trời mây, sông nước, cùng thiên nhiên bày tỏ nỗi niềm. Con người gắn bó với thiên nhiên, cũng như thiên nhiên đã mang lại cảm hứng cho con người, làm họ thêm yêu cuộc sống. Nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng thì thiên nhiên là nguồn cảm hứng vô tận cho sự sáng tạo và hình thành tác phẩm của các họa sĩ. Rất nhiều, rất nhiều các họa sĩ đã coi thiên nhiên là người thầy vĩ đại nhất.

Lịch sử từ xưa đến nay đã chứng minh: Hội họa cổ điển châu Âu, Trung cổ khô khan, chưa đủ hấp dẫn vì thiếu hơi thở của phong cảnh thiên nhiên và sự rung động tâm hồn họa . Cũng  từ đó, những trường phái hội hoạ hiện đại đều lấy thiên nhiên làm đối tương chính hoặc làm bối cảnh cho hoạt động của con người trong tranh. Ở Việt Nam, tranh phong cảnh xuất hiện cùng với sự ra đời của trường Mỹ thuật Đông Đương. Tuy muộn nhưng tranh phong cảnh đã nhanh chóng khẳng định vị thế trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam như: Bến thuyền sông Hồng của Đỗ Đức Thuận, Thuyền trên sông Hương của Tô Ngọc Vân, Nhớ một chiều Tây Bắc của Phan Kế An, Nhà tranh gốc mít của Nguyễn Văn Tỵ, Phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái… là những bức tranh phong cảnh đáng nhớ mà các thế hệ sau chỉ còn được xem chúng như những di tích mang dấu ấn một thời chỉ còn thấy trên những bức tranh phong cảnh ấy.

Ngày nay đất nước ta đang trong thời kỳ phát triển và đổi mới. Hội họa cũng không ngừng phát triển với nhiều thể loại, phong cách mới cộng thêm sự hội nhập của nhiều của nhiều hình thức, kỹ thuật mới… thì tranh phong cảnh vẫn là một thể loại đề tài giản dị được xem như cổ điển vẫn được khích lệ và đề cao.

Vận động và thay đổi, đó là qui luật của tự nhiên.

Đối cảnh sinh tình, đó là qui luật của tình cảm.

Tình và cảnh luôn là một cặp gắn bó, với tình yêu thiên nhiên và sự hấp dẫn bởi thiên nhiên, các thế hệ họa sĩ Việt Nam sẽ tiếp tục cho ra đời những bức tranh phong cảnh đẹp, đem lại giá trị thẩm mỹ và tinh thần cho con người, với đối tượng phản ánh thì phong cảnh thiên nhiên vẫn là đề tài hấp các thế hệ hoạ sĩ. Rất nhiều hoạ sĩ nổi tiếng mà tên tuổi đã gắn với tên tranh như : Thu vàng của Lê – vi – tan , Phong cảnh biển với Ai va rốp ski , núi Phú Sĩ với Hô ku sai và thể loại Sơn thuỷ nổi tiếng thế giới. Ở Việt Nam, những tên tuổi đã gắn với tên tranh như: phố Phái, Nhớ một chiều Tây Bắc của Phan Kế An, Thuyền trên sông Hương của Tô Ngọc Vân ....Vỡ thế, mỗi hoạ sĩ đó thành danh hoặc sinh viên mỹ thuật chắc không dưới một lần lấy thiên nhiên làm bài học đầu tiên .

Nếu nghệ thuật trang trí đã lấy cỏ cây hoa lá làm hoạ tiết chủ yếu trong trang trí, thì phong cảnh thiên nhiên đã và vẫn tiêp tục trở thành bài học nghiên cứu, sáng tạo đầu tiên đối với các thế hệ sinh viên. Không chỉ có vậy, phong cảnh thiên nhiên đã thực sự trở thành đối tượng nghiên cứu, khai thác, sáng tạo và mang lại thành công cho nhiều thế hệ hoạ sĩ. Từ xưa đến nay, các chương trình đào tạo mỹ thuật đều lấy thiên nhiên làm một trong những nội dung chủ yếu của quá trình đào tạo các thế hệ sinh viên.

Con người là tác phẩm hoàn thiện nhất của thiên nhiên, mỗi người sinh ra đã gắn bó với thiên nhiên, cũng như thiên nhiên đã gắn với người. Đó không chỉ là môi trường sống mà còn là nhu cầu cần thiết của đời sống. Tình yêu quê hương, yêu cảnh đẹp nơi mình đã sinh ra là tình cảm tự nhiên của con người. Nói đến quê hương là nói đến cội nguồn, nơi mỗi người đã gửi gắm ở đó một phần cuộc sống với bao  kỷ niệm khó quên. Thông thường những kỷ niệm đẹp thường gắn với một thiên nhiên đẹp. Phải chăng vậy mà người ta có thể suốt đời sống giữa thiên nhiên bao la, hoang dã không cần giao lưu, tiếp xúc với thế giới văn minh như thổ dân da đỏ ở vùng Amazôn hay có những bản làng xa xôi hẻo lánh ở Việt Nam phải đi bộ cả 2 – 3 ngay đường mới tới bản, họ vẫn sống bình yên mà không cần biết đến bên ngoài như ra sao… nhưng chắc không ai có thể sống suốt đời sống trong thế giới văn minh với đầy đủ tiện nghi hiện đại mà không cần tiếp xúc với thiên nhiên. Đó là thực tế chắc không ai phủ nhận.

Thiên nhiên muôn màu muôn vẻ không ngừng vận động và thay đổi. Thưởng ngoạn, khám phá, cải tạo thiên nhiên vì cuộc sống đã trở thành nhu cầu của con người.  Người họa sĩ luôn tìm thấy ở thiên nhiên một người thầy mẫu mực và hoàn thiện. Nếu những bức ảnh chụp phong cảnh được ghi lại một cách trung thực mang tính thời sự về hiện thực thiên nhiên trong từng khoảnh khắc, thời điểm đã thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của bao người như: thư thái, bình tĩnh, nhẹ nhàng sau những ngày lao động căng thẳng bằng sự du ngoạn vào chiều sâu không gian vô tận của của thiên nhiên trong tranh. Bởi đó không phải là thiên nhiên nguyên vẹn của hiện thực như một bưc ảnh chụp đơn thuần mà là thiên nhiên mang dấu ấn đời sống con người với sinh khí sống động của không gian tranh, đó là nơi họa sĩ đã gửi gắm cả tấm lòng, ý tưởng, tình cảm riêng tư… có khi còn là sự giãi bày tâm trạng hay những quan niệm triết học thông qua sự thể hiện của hình tượng thiên nhiên. Đó là đời sống riêng của tranh phong cảnh mà ảnh chụp không có được “Mượn  cảnh  tả  tình” ví như như nhà thơ Nguyễn Du đã bày tỏ: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Thiên nhiên được họa sĩ tái tạo trong tranh là thiên nhiên của đời sống con người được xây dựng theo qui luật sáng tạo với nhiều mức độ của tính ước lệ, tượng trưng, khái quát của nghệ thuật. Trong sự sáng tạo ấy mỗi họa sĩ lại có những nét riêng biệt với những thăng trầm của tình cảm mà không công thức nào có thể gò ép được. Vì thế thiên nhiên trong tranh họ không giống nhau, mỗi người biểu hiện theo cách riêng: diễn tả hay biểu hiện, cụ thể hay cách điệu tượng trưng thì tranh phong cảnh vẫn lấy thiên nhiên làm đối tượng và thể hiện hiện thực ấy theo vòng quay bốn mùa của thời gian, năm tháng với đầy đủ tính đa dạng, phức tạp của thiên nhiên trong quan hệ với đời sống con người.

Thiên nhiên trong tranh phong cảnh là thiên nhiên hiện hữu của đời sống con người. Vì thế, nếu phong cảnh có người thì bao giờ cũng là sự hòa hợp, gắn bó giữa con người với cảnh trí thiên nhiên như Ngư ông trong tranh Sơn thủy Trung Hoa. Nếu không có người thì vẫn nồng ấm tình người (Thu vàng của Lê Vi Tan ). Đó còn là sự bình yên, thơ mộng bề ngoài mà thay đổi khôn lường ở bên trong như phong cảnh biển của Aivadôpski hay Bùi Xuân Phái vẽ phố cổ Hà Nội bằng tình yêu sâu lắng, và cả tính phồn thực của cuộc sống đời thường trong tranh phong cảnh nông thôn của Phạm Viết Hồng Lam. Còn tranh Sơn thủy Trung hoa lại mang đầy chất huyền bí của tư tưởng triết học cao siêu (núi tượng trưng cho cái cao cả, nước tượng trưng cho cái chuyển động). Xem tranh ta có thể cảm nhận được những trạng thái tình cảm khác nhau bởi mỗi họa sĩ có những rung động, khám phá để tìm ra cho mình vẻ đẹp tâm đắc của thiên nhiên mà người bình thường không dễ nhận thấy như Phố Phái, Tre - Trần Đình Thọ, Nhà tranh gốc mít của Nguyễn Văn Tỵ… Đó là chưa nói đến cùng một cảnh vẽ mà mỗi họa sĩ vẽ khác nhau với hiệu quả tình cảm khác nhau ở mỗi bức tranh để tạo nên nét đặc thù của thiên nhiên trong tranh họ: Hô ku sai vẽ núi Phú Sĩ theo phong cách truyền thống Nhật Bản là hình thức trang trí mà vẫn biểu hiện được sự kì vĩ của núi Phú Sĩ cũng không kém sự cầu kỳ, điêu luyện của các họa sĩ phương Tây. Tranh sơn thủy vừa mang tính kỳ bí của thiên nhiên Trung Quốc vừa mang rõ nét đặc thù của một đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời. Như vậy, dù vô tình hay cố ý thì thiên nhiên trong mỗi bức tranh phong cảnh không chỉ mang đặc trưng tình cảm, dấu ấn riêng của con người mà còn mang đậm truyền thống văn hóa của mỗi quốc gia, vùng miền… là sự gửi gắm tâm hồn họa sĩ.

Ngày nay, với tốc độ đô thị hóa nhanh, từ thành thị đến nông thôn đang đổi mới từng ngày. Những khu phố liêu xiêu chật hẹp sẽ được thay bằng nhà cao tầng, xe đạp, xích lô được thay bằng ôtô, xe máy. Đường làng ngoằn nghèo cát trắng được thay bằng đường bê tông thẳng tắp. Tre cau duyên dáng thay bằng cột ăng ten… Sự phát triển là qui luật tất yếu của xã hội. Vận động và thay đổi là qui luật của tự nhiên. Thiên nhiên ngày hôm qua sẽ vĩnh viễn không bao giờ còn tồn tại ở ngày mai và sẽ trở thành nhân chứng cho sự phát triển của ngày mai. Thiên nhiên đã gắn với kỷ niệm của con người ngày hôm qua sẽ vẫn còn  giá trị đến hôm nay.

Như vậy hợp lẽ tự nhiên, ngoài giá trị nghệ thuật tranh phong cảnh còn trở thành hiện vật sống đánh dấu từng thời kỳ phát triển của lịch sử xã hội loài người. Với chiều dày lịch sử hình thành và phát triển của nền mỹ thuật đã chứng minh: Hội hoạ thực sự hấp dẫn, đi vào lòng người từ khi xuất hiện phong cảnh thiên nhiên trong tranh. Cũng từ đó, hội hoạ ngày càng tiếp cận với thiên nhiên, lấy thiên nhiên làm đối tượng chính phản ánh, biểu hiện trong tranh mà có khi không cần đến sự xuất hiện của nhân vật. Rất nhiều, rất nhiều những tên tuổi đã đi vào lịch sử mỹ thuật bằng những bức tranh phong cảnh mà đến nay đã trở thành kiệt tác như: Phong cảnh núi Phú Sĩ, Ấn tượng mặt trời mọc, Sao đêm của Van Gogh… Ngày nay, các thế hệ hoạ sĩ Việt Nam đã và vẫn tiếp tục bị hấp dẫn bởi thiên nhiên, họ vẫn vẽ, đã vẽ và tiếp tục vẽ tranh phong cảnh. Một đề tài tuy không mới nhưng không cũ. Bởi cái đẹp thì không bao giờ cũ. Nhu cầu thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên đã và đang trở thành nhu cầu không thể thiếu của con người. Như vậy, tranh phong cảnh sẽ là một thể loại được ưa chuộng, đề cao, có điều kiên phát triển đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày càng tinh tế của con người và tiếp tục đóng góp cho nền mỹ thuật Việt Nam những bức tranh phong cảnh đẹp. Hy vọng trong đó có tên tuổi của những thế hệ sinh viên chúng ta hôm nay./.