Nghiên cứu lý luận

Rèn luyện kĩ năng trình diễn ca khúc nhạc nhẹ cho sinh viên Thanh nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

26 Tháng Tư 2024

Trần Thị Hiền

Sinh viên lớp Thanh nhạc K8

Ngành đại học Thanh nhạc của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW là nơi đã đào tạo được rất nhiều sinh viên trở thành các ca sĩ chuyên nghiệp, có kĩ thuật hát tốt và phong cách trình diễn chinh phục được trái tim của khán giả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế tồn tại, đó chính là vấn đề thể hiện các tác phẩm trên sân khấu, nhất là đối với các sinh viên hát dòng nhạc nhẹ. Hầu hết phong cách trình diễn đều theo bản năng, tự phát và chưa có bài bản. Nhiều lối diễn mang tính chất tự tham khảo, chưa lột tả được tính chất của tác phẩm cũng như không đáp ứng được yêu cầu về nghệ thuật trình diễn. Bài viết này sẽ đề cập tới tầm quan trọng của việc Rèn luyện kĩ năng trình diễn ca khúc nhạc nhẹ cho sinh viên Thanh nhạc nhằm vận dụng kiến thức thanh nhạc và rèn luyện kĩ năng trình diễn các ca khúc nhạc nhẹ cho sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

Nghệ thuật trình diễn nhạc nhẹ được thể hiện thông qua sự thăng hoa và sáng tạo của người ca sĩ, từ đó tạo nên phong cách riêng, thông qua giọng hát và hành động sâu khấu của mình, người hát sẽ thể hiện được những nội dung tư tưởng cao đẹp, vẻ đẹp nội tâm hay những vấn đề thời sự diễn ra trong đời sống. Với sự kết hợp hài hòa giữa tài năng của bản thân và kỹ năng trình diễn được rèn luyện trong quá trình phát triển sự nghiệp, người ca sĩ có thể làm nên những tác phẩm trở thành bất hủ và gắn liền với tên tuổi của mình.

Để trở thành một ca sĩ hát nhạc nhẹ chuyên nghiệp, người hát cần phải được đào tạo bài bản, nắm vững các kỹ thuật thanh nhạc, cùng với sự hiểu biết về tâm lý sân khấu và có kỹ năng trình diễn của nhạc nhẹ, đó chính là cơ sở để người nghệ sĩ toả sáng, thăng hoa, mang đến cho khán giả những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao sáng tạo của riêng mình

       Thực trạng về kỹ năng trình diễn phong cách nhạc nhẹ của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội thì dòng nhạc nhẹ "nhạc giải trí", đang tồn tại cùng với nhạc dân gian dân tộc truyền thống, nhạc chuyên nghiệp bác học, thành ba trào lưu âm nhạc được công nhận trong nền âm nhạc Việt Nam. Để trở thành ca sĩ biểu diễn nhạc nhẹ chuyên nghiệp, ngoài yếu tố cần là giọng hát, thì yếu tố quan trọng chính là phải biết vận dụng các kỹ thuật thanh nhạc, các kỹ năng biểu diễn, giải phóng hình thể, vũ đạo, nhảy múa… một cách nhuần nhuyễn, phù hợp trong từng tác phẩm. 

Nhìn chung, hầu hết các sinh viên có tinh thần tự giác cao trong học tập và rèn luyện. Đa phần học viên chăm chỉ học, say mê với nghề, cả khi trên giảng đường cũng như trong thực tế đi biểu diễn. Nhiều sinh viên được tuyển vào dòng hát nhạc nhẹ có năng khiếu bẩm sinh như: giọng hát có tố chất nhạc nhẹ, có năng khiếu trình diễn, hầu như các sinh viên đều rất nhiệt huyết, trăn trở trong học tập, sáng tạo, luôn tìm ra các cách hát cũng như các ý tưởng trình diễn mới để trao đổi với giáo viên. Tính sáng tạo là một yếu tố quan trọng trong học trình diễn nhạc nhẹ. Bên cạnh những ưu điểm, sinh viên còn bộc lộ một số nhược điểm chưa chăm chỉ, giọng hát không phát triển, năng lực biểu diễn kém chắc chắn sẽ bị đào thải, nói cách khác là mờ nhạt, khó có thể trụ được trên sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, trong quá trình học tập, sinh viên vẫn còn nhiều thiếu sót và chưa phát huy được tối đa khả năng bản thân cũng như áp dụng kiến thực đã được học vào thực tế. Vì vậy, ngoài việc học tập, sinh sinh cần được tạo điều kiện trải nghiệm thực tế nhiều hơn để nâng cao khả năng trình diễn cũng như cá tính của bản thân.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả của việc rèn luyện kỹ năng trình diễn ca khúc nhạc nhẹ cho sinh viên Thanh nhạc

Thứ nhất là về hình thể

Để diễn tả được trọn vẹn cảm xúc của ca khúc, người ca sĩ cần sử dụng thêm các động tác ngoại hình và có thể linh hoạt biểu hiện cảm xúc để thể hiện tình cảm vui vẻ hay đau buồn mà bản thân cảm nhận được qua bài hát trong quá trình trình diễn. Song song với đó, vấn đề vũ đạo cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong biểu diễn ca khúc nhạc nhẹ hiện nay. Động tác vũ đạo hiện nay rất đa dạng, phong phú.. Tuy nhiên, khi sử dụng các động tác nhảy múa, trong biểu diễn thanh nhạc, phải lấy giọng hát làm phương tiện chủ yếu để diễn đạt tình cảm, còn vũ đạo là phương tiện hỗ trợ. Vì vậy, không nên lạm dụng động tác nhảy múa và vũ đạo để tránh bị biến thành tiết mục múa – hát.

Rèn luyện kỹ năng biểu diễn hình thể và khả năng diễn xuất thành thạo sẽ giúp sinh viên thoát ly được bản thân, giải phóng cơ thể để diễn xuất tốt hơn. Mỗi sinh viên đều phải trải qua quá trình rèn luyện cách biểu diễn duyên dáng, ánh mắt biểu cảm, cùng với đó là động tác vũ đạo phù hợp với tính chất của từng ca khúc với có thể đạt được những yêu cầu trong hát nhạc nhẹ. Một trong những yếu tố kích thích vào thị giác người xem chính là động tác hình thể. Vì vậy, biểu diễn là một kỹ năng quan trọng không thể thiếu trong quá trình rèn luyện của mỗi sinh viên, giúp cho giúp cơ thể có được trạng thái thoải mái và có những thói quen tốt về tư thế, tác phong khi trình diễn ca khúc nhạc nhẹ.

Thứ hai là động tác biểu diễn

Ngoài cách biểu đạt cảm xúc qua giọng hát, người ca sĩ có thể giúp các thính giả của mình cảm nhận được thái tình cảm chứa đựng trong bài thông qua các động tác ngoại hình như đôi bàn tay, đặc biệt là ánh mắt biểu hiện các tình cảm khi vui sướng, khi đau buồn, khi tức giận, lúc căm hờn…trong khi trình diễn. Đó là cách truyền tải cảm xúc của mình đến bài hát và giao lưu với khán giả một cách hiệu quả.

Bên cạnh ánh mắt truyền cảm, khuôn mặt cũng cần phải có cảm xúc khi hát. Sinh viên cần phải học tập và rèn luyện thường xuyên sao cho khi hát, nét mặt, ánh mắt, nụ cười, cử chỉ, tư thế sao cho tạo ra được sự phối hợp hài hòa. Biểu cảm trên khuôn mặt luôn là công cụ truyền đạt cảm xúc, qua đó giúp người hát tạo được sự thân thiện và gần gũi với khán giả.

Thứ ba là vấn đề sáng tạo

Trong biểu diễn nhạc nhẹ, để tạo nên sự ấn tượng, mới lạ, sự hấp dẫn thì không thể không kể đến vai trò của sự sáng tạo. Sáng tạo trình diễn sẽ giúp sinh viên  khám phá khả năng của bản thân, đồng thời tạo nên phong cách mới cho ca khúc. Đây cũng là cách giúp các sinh viên phát huy tốt sở trường để tạo nên những phong cách theo cách riêng của mỗi cá nhân. Ngoài ra, trong vấn đề sáng tạo, có thể kết hợp ứng dụng công nghệ mới mang tính thời đại. Với cách sáng tạo này, sinh viên cần kết hợp với band nhạc, cùng hướng tới mục đích thể hiện được những ca khúc nhạc nhẹ với âm thanh và hình ảnh sống động. Rèn luyện kỹ năng trình diễn có sự phối hợp nhiều người với mục đích ứng dụng công nghệ không chỉ nhằm mục đích nâng cao trình độ chuyên môn, mà còn hướng tới cho các em rèn luyện kỹ năng biểu diễn theo phong cách mới, tạo nên một sân chơi hiệu quả và bổ ích, giúp cho sinh viên có thể ứng dụng hát ca khúc nhạc nhẹ cập nhật với thời đại.

Thứ tư kỹ năng trang điểm và trang phục biểu diễn

Đối với phong cách trình diễn nhạc nhẹ, trang điểm và mang mặc trang phục biểu diễn là hoạt động luôn được các ca sĩ chú trọng. Những thao tác này thường không có ý nghĩa cụ thể, nhưng chức năng thì lại rất quan trọng, bởi vì nó thể hiện vẻ đẹp trên gương mặt của ca sĩ và tạo sự lôi cuốn cho khán giả khi thưởng thức tiết mục mà ca sĩ trình diễn. Cách trang điểm biểu diễn không chỉ nhằm che đi những khuyết điểm mà cần phải tạo sự nổi bật, thu hút, thậm chí có thể biến những nét không đẹp trở thành dấu ấn riêng. Tất nhiên, tùy vào phong cách biểu diễn và tính chất âm nhạc của ca khúc, người ca sĩ phải biết lựa chọn cách trang điểm sao cho phù hợp

Thứ năm kỹ năng xử lý micro

Ngoài các kỹ năng trình diễn đã nếu, người ca sĩ cần biết thêm kỹ năng xử lý micro khi trình diễn trên sân khấu, điều đó giúp họ tạo được sự lôi cuốn đối với khán giả vào lối trình diễn của mình. Thực tế cho thấy, một số ca sĩ đã khiến cho bị bị điểm trừ trong mắt khán giả khi dùng Micro còn lúng túng, để quá gần hay quá xa và không kết hợp được kỹ năng xử lý Micro với kỹ năng hành động sân khấu, do đó mà không tạo được sự lôi cuốn trong lối trình diễn, cũng như sự da diết, mạnh mẽ, đau khổ hay cao trào của bài hát.

Áp dụng kĩ năng trình diễn ca khúc nhạc nhẹ vào quá trình tự học cho sinh viên thanh nhạc.

Kĩ năng giải phóng hình thể

 Giải phóng hình thể là rất cần thiết trong quá trình học tập đối với sinh viên thanh nhạc. Giải phóng hình thể không chỉ là nhảy múa tự do theo điệu nhạc, mà cần phải học các động tác cơ bản, cảm nhận cơ thể, cảm nhận giai điệu âm nhạc, thực hành với các điệu nhảy quốc tế: swing, mambo, rumba, bolero, pasodoble, be-bop, hip-hop, chachacha, samba, disco, salsa, sexy dance, tango,… qua đó, giúp các bạn sinh viên nắm được phong cách, đặc điểm luật động của các bộ phận trên cơ thể như đầu, cổ, vai, ngực, bụng, eo, mông, tay, chân, … nhằm tăng sức biểu hiện, tính thẩm mỹ, sự cảm thụ nhạy bén với các loại tiết tấu, đồng thời nắm vững kỹ năng khi thực hiện các động tác vũ đạo, nhảy múa kết hợp trong thể hiện tác phẩm.

Kĩ năng làm chủ sân khấu

 Khi bước ra sân khấu biểu diễn lần đầu, đối với sinh viên, các nghệ sĩ không chuyên, sẽ không tránh khỏi sự lo lắng, hồi hộp và thiếu tự tin, bởi một không gian biểu diễn mới lạ, choáng ngợp ánh đèn sân khấu, số lượng khán giả đông, sẽ khiến tim đập nhanh hơn, nhịp thở cũng trở nên nhanh và nông hơn. Ngoài ra, khi quá hồi hộp sẽ dễ bị run, cơ bụng, cơ hầu, họng thường co cứng làm ảnh hưởng đến chất giọng và khả năng biểu diễn. Chính vì vậy, sinh viên cần phải được rèn luyện được bản lĩnh tự tin, làm chủ bản thân, làm chủ sân khấu. Đề hạn chế điều đó, sinh viên cần phải thường xuyên luyện tập để khắc phục tối đa những nguyên nhân nêu trên. Ngoài ra cũng cần trải nghiệm nhiều hơn dể làm quen và tăng sự tự tin khi đứng trước đám đông.

Kĩ năng sáng tạo và làm việc nhóm

 Xác định cho bản thân hướng đi riêng theo một phong cách, một thể loại nhất định phù hợp với khả năng, bản lĩnh của mình sẽ giúp sinh viên có một phong cách biểu diễn riêng biệt, hấp dẫn, thuyết phục người nghe.

Ngoài ra, trong âm nhạc, nếu không có kỹ năng làm việc nhóm thì tác phẩm sẽ khó có thể đem ra biểu diễn phục vụ công chúng. Một tác phẩm nhạc nhẹ khi đem ra biểu diễn, có sự tham gia của nhạc sĩ sáng tác, hòa âm, phối khí, ca sĩ, ban nhạc, nhóm nhảy, biên đạo… tất cả các thành phần trên là những nhóm nhỏ kết hợp với nhau thành một nhóm lớn. Tùy theo nhu cầu, mục đích được đề ra cho nhóm và số lượng cũng như năng lực của các thành viên trong nhóm, các nhóm được hình thành và phát triển theo nhiều hình thức và thời gian hoạt động khác nhau.Chính vì  vậy, sinh viên cần được trang bị thật tốt kỹ năng làm việc nhóm, thường xuyên tổ chức tập luyện theo nhóm để phục vụ trong quá trình học tập, làm việc cũng như trong biểu diễn.

Kết luận

Nâng cao kỹ năng trình diễn trong đào tạo theo phong cách nhạc nhẹ sẽ giúp cho sinh viên có được tính tự giác, tích cực, chủ động trong quá trình học tập. Bên cạnh đó, sinh viên cũng biết cách chủ động tìm kiếm và khai thác các tài liệu học tập và có kế hoạch cho bản thân nhằm đạt hiệu quả cao nhất... những kỹ năng trình diễn cũng giúp người học tăng thêm khả năng, năng lực tổ chức tốt quá trình tự học, tự ôn luyện kiến thức, tiến đến thực hiện những kiến thức đó một cách sáng tạo.

Từ thực trạng nêu trên, bài viết đã đưa ra một số nguyên tắc và đề xuất các biện pháp nhằm năng cao hiệu quả của việc rèn luyện kỹ năng trình diễn các ca khúc nhạc nhẹ cho sinh viên thanh nhạc Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.