Nghiên cứu lý luận

NGHIÊN CỨU PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC ÂM NHẠC CỦA SUZUKI VẬN DỤNG VÀO DẠY HỌC GUITAR CHO HỌC SINH LỚP 10

06 Tháng Năm 2024

Nguyễn Hoàng Linh, Trần Quốc Việt

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin và đặc biệt là sự ra đời của chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn âm nhạc đang ngày càng được coi trọng. Đáng chú ý, môn học này đã được đưa vào giảng dạy ở cấp trung học phổ thông để hướng tới sự phát triển toàn diện cho học sinh phổ thông nói chung và cấp trung học phổ thông nói riêng. Hát và nhạc cụ là hai phương án lựa chọn thuộc chương trình âm nhạc cấp trung học phổ thông. Trong khi hát là nội dung quen thuộc thì nhạc cụ guitar là nội dung khó và mới đối với giáo viên và học sinh trung học phổ thông. Với học sinh, đa phần các em chưa từng tiếp xúc với đàn guitar. Song song với đó, giáo viên không những phải có trình độ chuyên môn tốt, nghiệp vụ sư phạm giỏi để truyền tải kiến thức, hình thành năng lực cho học sinh mà còn phải xây dựng được hệ thống phương pháp dạy học thích hợp nhằm đáp ứng được yêu cầu của chương trình âm nhạc cấp trung học phổ thông.

1. Phương pháp dạy học âm nhạc của Suzuki

a. Giới thiệu về Shinichi Suzuki

 

Shinichi Suzuki (1898 - 1998) là một nghệ sĩ violin, nhà triết gia, nhà giáo dục người Nhật Bản. Đồng thời ông cũng là nhà sáng lập phương pháp Suzuki dành cho giáo dục âm nhạc và triết lý giáo dục cho mọi lứa tuổi, năng lực. Ông là một nhà sư phạm lỗi lạc, đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục năng lực cho trẻ em. Theo đó, trẻ em cần có môi trường học tập phù hợp và được giáo dục tình yêu âm nhạc ngay từ nhỏ bằng những cách thức gần gũi nhất. Mục tiêu lớn nhất của phương pháp Suzuki là tính phổ cập trong giáo dục âm nhạc cho mọi lứa tuổi.

b. Quan điểm của Suzuki trong giảng dạy âm nhạc

Shinichi Suzuki đã chỉ ra rằng trẻ em học ngôn ngữ mẹ đẻ rất dễ dàng. Vì vậy, ông đã áp dụng những quy tắc trong dạy học ngôn ngữ để giáo dục âm nhạc cho trẻ. Đây là một cách tiếp cận mới có tên là Mother tongue. Ý tưởng của cách tiếp cận này có một số đặc trưng như sau:

Sự tham gia của cha mẹ: Cha mẹ cùng trẻ học nhạc và là giáo viên khi ở nhà, tạo ra môi trường học tập thú vị.

Bắt đầu sớm: Những năm đầu đời rất quan trọng đối với quá trình phát triển tinh thần và phối hợp các nhóm cơ ở trẻ. Cần cho các em nghe nhạc ngay từ khi chào đời và học nhạc vào thời điểm 3 hoặc 4 tuổi. Tuy nhiên, nếu không được học từ nhỏ, trẻ hoàn toàn có thể bắt đầu ở bất kỳ độ tuổi nào.

Lắng nghe: Với ngôn ngữ, trẻ học các từ thông qua việc nghe chúng nhiều lần. Tương tự, việc cho trẻ nghe nhạc hằng ngày là rất quan trọng. Suzuki sử dụng những tác phẩm rất gần gũi, dễ nhớ để trẻ có thể ghi nhớ chúng ngay lập tức.

Lặp đi lặp lại: Việc lặp đi lặp lại là rất quan trọng khi học chơi một nhạc cụ. Trẻ không học một từ hay một bản nhạc rồi quên đi mà chúng cần được bổ sung vào vốn từ vựng, vùng hiểu biết. Dần dần đó là cái vốn để các em sử dụng theo cách của riêng mình.

Sự khích lệ: Giống như học ngôn ngữ, những nỗ lực của trẻ cần được tán thưởng, khuyến khích. Các em phải được đánh giá đúng năng lực, để từng bước làm chủ nhạc cụ của mình. Bên cạnh đó, trẻ cần hỗ trợ, khuyến khích lẫn nhau để trở nên cởi mở và biết làm việc tập thể.

Học nhóm: Bên cạnh học cá nhân, trẻ cần thường xuyên tham gia lớp học nhóm, biểu diễn theo nhóm. Điều này giúp các em học hỏi và thúc đẩy lẫn nhau.

Tác phẩm theo xếp loại: Trẻ không chỉ luyện nói mà còn phải sử dụng ngôn ngữ cho mục đích giao tiếp và thể hiện bản thân. Vì vậy, cần có các tác phẩm được thiết kế cho phát triển kỹ thuật thay vì chỉ sử dụng những bài luyện ngón khô khan.

Tạm dừng đọc nhạc: Trẻ biết đọc sau khi đã được trang bị đầy đủ khả năng nói. Tương tự như vậy, các em cần được trang bị nền tảng kĩ thuật tốt trước khi học cách đọc được bản nhạc.

Ban đầu, Suzuki xây dựng phương pháp cho dạy học violin. Cho đến nay, phương pháp của ông đã trở thành một triết lý áp dụng cho rất nhiều nhạc cụ khác nhau, bao gồm: accordion, trumpet, trombone, tuba, cello, sáo, guitar, organ, piano, recorder, viola, violin... Với guitar, đáng chú ý là bộ giáo trình Suzuki 9 tập do Frank Longay biên soạn.

2. Vận dụng phương pháp dạy học âm nhạc của Suzuki vào dạy học guitar cho học sinh lớp 10

a. Phương pháp học tập cá nhân

Trước khi tiến hành dạy học, giáo viên cần tìm hiểu thông tin cụ thể về thể trạng, sở thích và học lực trên lớp của từng em học sinh. Đây là những vấn đề hết sức quan trọng bởi học sinh ở độ tuổi này có sự phát triển tương đối khác nhau về tâm sinh lý. Thông qua đó, giáo viên giải quyết được 02 vấn đề:

- Lựa chọn cỡ đàn phù hợp với từng học sinh.

- Đưa ra cách tiếp cận sư phạm phù hợp.

Lặp đi lặp lại: Thói quen tốt trong học tập là thực sự hữu ích để giúp các em cải thiện lối sống và lựa chọn con đường đúng đắn, phù hợp với bản thân. Việc thường xuyên tập luyện guitar giúp học sinh không chỉ nâng cao kỹ năng chơi đàn mà còn xa rời những thói quen xấu. Hơn nữa, tập luyện vốn là điều không thể thiếu với bất kì nhạc cụ nào. Dựa trên nguyên tắc này, chúng tôi đưa ra 06 giải pháp sau:

- Trò chơi đoán nhanh nốt nhạc: Học sinh chuẩn bị vở chép nhạc, viết các nốt lên khuông nhạc và ghi nhớ vị trí tương ứng của chúng trên cần đàn. Sau đó, giáo viên chỉ một nốt bất kì để học sinh trả lời rồi thực hành trên đàn.

- Luyện ngón và ngồi chơi đàn ở tư thế thả lỏng: Tư thế ngồi đúng ngay từ đầu là một trong những vấn đề cần được chú trọng. Vì vậy, song song với luyện ngón, giáo viên cần hướng dẫn học sinh ngồi chơi đàn ở tư thế thả lỏng. Ngồi đúng tư thế, học sinh sẽ tránh được các vấn đề cột sống, hạn chế mệt mỏi và căng thẳng trong quá trình luyện tập.

- Luyện tập gảy dây buông: Thông thường, học sinh được chú trọng hoàn thiện tác phẩm càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, phương pháp Suzuki lại tập trung vào xây dựng tiếng đàn đẹp ngay từ đầu cho người học. Do đó, chúng tôi đã đề xuất một số bài tập dây buông cho 2 kĩ thuật cơ bản là móc dây và ép dây để học sinh thực hiện bổ trợ song song với bài thực hành trên lớp.

- Luyện tập cách xếp ngón: Đa phần học sinh nếu không được giáo viên hướng dẫn, chỉnh sửa có xu hướng xếp ngón tự do. Với vấn đề này, chúng tôi có giải pháp như sau:

+ Xếp ngón theo số thứ tự các ngăn: học sinh cần lưu ý rằng các ngón tay trái được đánh số 1, 2, 3, 4 tương ứng với các ngăn 1, 2, 3, 4. Tránh dùng sai ngón bằng cách thực hiện xếp ngón ở một dây bất kì.

+ Nhấc, chuyển ngón đúng và đủ: học sinh cần phải bấm cho đủ trường độ rồi mới chuyển sang nốt tiếp theo khi thực hành.

- Tập kĩ thuật legato và staccato: đây là 2 kĩ thuật cơ bản của guitar. Giáo viên hướng dẫn nội dung này cho những em học sinh có năng lực tốt. Trước hết là tập 2 kĩ thuật này bằng các bài luyện ngón rồi sau đó mới thực hành tác phẩm.

- Luyện tập kĩ thuật gảy tiết điệu Waltz và Fox:  

+ Tay trái: bấm từng hợp âm cơ bản, khi chuyển hợp âm cần thực hiện chính xác hợp âm tiếp theo. Học sinh thực hiện 7-10 lần chuyển hợp âm liên tục để tạo sự linh hoạt cho ngón tay, giúp nhanh chóng định vị được nốt nhạc trên cần đàn khi bấm nhiều nốt cùng một lúc.

+ Tay phải: Gảy dây buông theo từng tiết điệu (Fox/Waltz) đến khi thực hiện thành thạo rồi sau đó mới kết hợp với tay trái.

Sau khi tập luyện và ghép nhuần nhuyễn 02 kỹ thuật trên, học sinh thực hiện đệm hát ca khúc trong sách giáo khoa hoặc do giáo viên, học sinh đề xuất.

Sự khích lệ: Độ tuổi 15 là giai đoạn dậy thì, do đó các em luôn khao khát sự ghi nhận từ người lớn. Như một lẽ tất yếu, sự động viên, ủng hộ từ giáo viên, gia đình và bạn bè là động lực trực tiếp thôi thúc các em theo đuổi đam mê âm nhạc. Chúng tôi đưa ra 02 giải pháp sau:

- Tổ chức biểu diễn tại lớp: giáo viên chọn 01 học sinh giỏi lên biểu diễn trước lớp một tác phẩm đã học. Sau đó, chỉ ra ưu điểm của học sinh đó trước lớp để cả lớp cùng phát huy.

- Xây dựng hoạt động ngoại khóa: giáo viên tổ chương trình ngoại khóa ngắn hạn, điểm đến là các buổi biểu diễn guitar, các cửa hàng nhạc cụ hoặc các phòng hòa nhạc. Sau chuyến đi, học sinh viết bài thu hoạch và nộp lại cho giáo viên.

Tạm dừng đọc nhạc: Bản chất của phương pháp này là học sinh bắt chước hoàn toàn giáo viên mà không sử dụng bản nhạc. Sau khi đã thực hành quen trên đàn, học sinh mới học cách đọc bản nhạc. Nguyên tắc này chỉ phù hợp với những em học sinh ít năng khiếu. Mục tiêu của các em chỉ dừng ở đánh đúng nốt nhạc, duy trì tình yêu với cây đàn guitar. Không nên lạm dụng phương pháp này bởi nó gây hạn chế năng lực thị tấu về sau của học sinh.

b. Phương pháp học tập theo nhóm

Học tập theo nhóm mang tới tính hiệu quả cao cả về yếu tố chuyên môn lẫn con người. Với nội dung này, học sinh được chia thành các nhóm nhỏ để tập luyện và trình bày trên lớp. Cụ thể:

- Phân loại học sinh theo 2 trình độ: giỏi, khá. Nhiệm vụ của từng nhóm dựa theo phân hóa như sau:

+ Nhóm giỏi: Bên cạnh nội dung thực hành trên lớp bao gồm tư thế chơi đàn, kĩ thuật bấm, gảy dây cơ bản, học sinh thực hành một số kỹ các nội dung nâng cao hơn như: sắp ngón, tạo tiếng đàn đẹp, thị tấu một số tác phẩm âm nhạc đơn giản.

+ Nhóm khá: luyện tập tư thế ngồi chơi đàn chuẩn, giữ đàn chắc chắn và thoải mái, nắm được các kí hiệu của tay trái, tay phải. Tiếp đến học tên 6 dây buông và các nốt trên ba phím đầu cần đàn.

- Tổ chức chương trình giao lưu giữa các em học sinh các lớp, các nhóm: Tạo sự cọ sát và môi trường thể hiện năng lực cho các em. Từ đó, các em học sinh giỏi nhận biết bản thân còn những điểm hạn chế nào để khắc phục, học sinh trung bình, khá có động lực cố gắng và học hỏi từ các bạn giỏi hơn.

- Tổ chức các ban nhạc hòa tấu theo nhóm: Hòa tấu là nội dung cuối cùng của chương trình âm nhạc lớp 10. Giáo viên tổ chức chia lớp thành 05 nhóm, mỗi nhóm đều được phân công đầy đủ nhạc cụ (guitar, kèn phím/ recorder). Sau khi được hướng dẫn theo từng bè, các nhóm có nhiệm vụ phân công vị trí cho nhau trên sân khấu lớp, lắng nghe, chỉnh sửa để hoàn thiện tác phẩm. Sau đó, từng nhóm lên báo cáo trước lớp bằng hình thức biểu diễn.

c. Làm việc với gia đình

Với học sinh ở bất kì độ tuổi nào, việc liên hệ với gia đình là cần thiết để giáo dục, định hướng tương lai cho các em. Ở đây mục tiêu chúng tôi hướng tới là giúp học sinh có môi trường lành mạnh để phát triển năng lực ngay trong gia đình. Chúng tôi đề xuất 04 biện pháp sau:

- Xây dựng nhóm học tập trên các nền tảng mạng xã hội với phụ huynh những học sinh có năng lực, định hướng nghệ thuật, đặc biệt là guitar. Trong đó, giáo viên một mặt trao đổi tình hình học tập trên lớp của học sinh với gia đình, mặt khác nắm bắt được nguyện vọng của từng em để xây dựng lộ trình phù hợp.

- Sử dụng sổ liên lạc giữa giáo viên và gia đình. Giáo viên ghi chú những ưu điểm và hạn chế của học sinh khi tham gia học tập trên lớp. Gia đình dựa vào nội dung đó tìm cách phát huy điểm mạnh và giúp đỡ để các em vượt qua khó khăn. Ngược lại, gia đình cũng trình bày nguyện vọng, sở thích của học sinh vào sổ để giáo viên có phương án dạy học phù hợp.

- Khích lệ gia đình cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa như biểu diễn văn nghệ tại nhà trường, tham gia các câu lạc bộ âm nhạc. Từ đó, năng lực chuyên môn và tình yêu âm nhạc trong các em được bồi đắp, phát triển.

- Khuyến khích cha mẹ tập đàn cùng học sinh để tối ưu tính hiệu quả, giúp học sinh giải quyết vấn đề trong một số nội dung khó như: thị tấu, hòa tấu, ứng tác.

3. Kết luận

Sau khi thực nghiệm tại trường trung học phổ thông Việt Nam - Ba Lan chúng tôi nhận thấy dạy học guitar theo phương pháp Suzuki giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên, thoải mái, phù hợp với nhận thức. Học theo phương pháp Suzuki giúp học sinh có khả năng ghi nhớ, tư duy logic, óc sáng tạo và kỹ năng giao tiếp tốt. Các em không những nắm bắt kiến thức nhanh chóng mà còn rèn luyện được thái độ học tập tích cực, biết đoàn kết làm việc nhóm, hỗ trợ lẫn nhau tạo nên môi trường học tập đầy sự hứng thú và say mê với âm nhạc.

Vận dụng phương pháp dạy học âm nhạc của Suzuki vào dạy học guitar cho học sinh lớp 10 là hoàn toàn phù hợp và đáp đủ các mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018 đề ra. Phương pháp Suzuki có thể áp dụng hiệu quả vào dạy học guitar cho học sinh lớp 10 tại các trường trung học phổ thông, giúp phổ cập âm nhạc và định hướng nghê nghiệp cho học sinh. Việc tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng phương pháp này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục âm nhạc trong nhà trường.