Nghiên cứu lý luận

Một số vấn đề lý luận nghiên cứu hệ giá trị văn hoá truyền thống trong đổi mới và hội nhập

29 Tháng Ba 2011

GS.TS. Ngô Đức Thịnh

(Viện Nghiên cứu Văn hoá, Hà Nội)

 

 

Báo cáo tại Hội thảo khoa học BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH ĐỔI MỚI VÀ HỘI NHẬP do Đề tài  KX. 03.14/06-10 (CHƯƠNG TRÌNH KX.03/06-10) và Khoa Văn hóa học (Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM) tổ chức ngày 17-17/9/2009 tại Biên Hòa (Đồng Nai).

 

 

1. Hệ giá trị, khái niệm và tiếp cận

 

Như mọi người đều rõ, giá trị (Value) là một khái niệm của nhiều bộ môn khoa học khác nhau, toán học, xã hội học, triết học, nghệ thuật, văn hoá học..., do vậy trong mỗi bộ môn khoa học, khái niệm này mang những hàm nghĩa khác nhau. Chúng tôi tiếp cận khái niệm “giá trị văn hoá truyền thống” từ góc độ văn hoá học, một bộ môn nghiên cứu mang tính liên ngành, do vậy giá trị được hiểu theo những ý nghĩa sau :

 

- Giá trị cũng như tập quán, chuẩn mực, tri thức... đều là sản phẩm của quá trình tư duy, sản xuất tinh thần của con người, nó là yếu tố cốt lõi nhất của văn hoá. Giá trị, giá trị văn hoá là một hình thái của đời sống tinh thần, nó phản ánh và kết tinh đời sống văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của con người. Cho nên, quan điểm cho rằng văn hoá hay giá trị văn hoá chỉ là lĩnh vực đời sống tinh thần thôi thì chưa thật thoả đáng.

 

- Giá trị, trước nhất là hệ thống những đánh giá mang tính chủ quan của con người về tự nhiên, xã hội và tư duy theo hướng những cái gì là cần, là tốt, là hay, là đẹp, nói cách khác đó chính là những cái được con người cho là chân, thiện, mỹ, giúp khẳng định và nâng cao bản chất người. Do vậy, giá trị văn hoá nói ở đây là giá trị xã hội, nó gắn bó mật thiết với hoạt động sống của con người, sự tồn tại và phát triển của mỗi xã hội.

 

- Giá trị văn hoá (Cultural Value) do con người trong mỗi xã hội sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, nhưng một khi hệ giá trị văn hoá đã hình thành thì nó lại có vai trò định hướng cho các mục tiêu, phương thức và hành động của con người trong các xã hội ấy. Nó chính là một thứ vốn xã hội (Social Capital)) [1]. Như thế, khi nói bản chất của giá trị hay nói tới vai trò định hướng, chi phối, điều tiết của hệ giá trị thì về thực chất chúng ta đang nói tới mối quan hệ đa chiều của con người. Cũng như văn hoá, giá trị được sản sinh từ các mối quan hệ con người với tự nhiên, với xã hội.

 

- Giá trị văn hoá của mỗi cộng đồng (tộc người, quốc gia...) bao giờ cũng tạo nên một hệ thống, với ý nghĩa là các giá trị ấy nảy sinh, tồn tại trong sự liên hệ, tác động hữu cơ với nhau. Chúng ta nói hệ giá trị (Value System) hay bảng giá trị văn hoá của mỗi cộng đồng thì thường hàm hai ý nghĩa : 1) Các giá trị riêng lẻ liên kết nhau tạo nên một hệ thống các giá trị, 2) Có sự sắp đặt trước sau, độ nhấn về tầm quan trọng của từng nhân tố giá trị trong một bảng giá trị. Thí dụ, với người Việt Nam thì chủ nghĩa yêu nước là nhân tố hàng đầu trong bảng (hệ) giá trị dân tộc, nhưng với người Nhật Bản hay một số dân tộc khác thì có thể chủ nghĩa yêu nước lại được xếp ở các vị trí khác...Thường thì nhiều dân tộc đều có chung những giá trị, như yêu nước, cần cù, tính cộng đồng..., tuy nhiên, trong từng hệ giá trị của mỗi dân tộc thì việc xếp đặt thứ tự ưu tiên, độ nhấn của từng yếu tố giá trị ấy trong bảng giá trị thì có thể khác nhau.

 

- Giống như văn hoá, hệ giá trị cũng mang tính tương đối. Do vậy để đánh giá tính giá trị hay phi giá trị, giá trị cao hay thấp thì phải đặt nó trong toạ độ về mặt không gian, thời gian và chủ thể của văn hoá [2]. Nếu thoát ly cái đó, chúng ta rất khó đo đếm, đánh giá được tính giá trị hay phản giá trị của văn hoá của tộc người nào đó. Bởi vì suy cho cùng, giá trị hay chân lý đều phải mang tính cụ thể. Thí dụ, “trung với vua” là một giá trị của văn hoá Việt Nam thời quân chủ phong kiến, nhưng nó không phải là giá trị trong xã hội Việt Nam hiện đại. “Nước, phân, cần, giống” là hệ giá trị của những người canh tác lúa nước ở đồng bằng Bắc Bộ, nhưng có thể không phải như vậy với người nông dân Nam Bộ. Người Việt Nam coi việc ăn thịt chó là ngon, là bổ, nhưng với nhiều dân tộc khác thì không hẳn là như vậy...

 

- Đối với mỗi dân tộc trong những hoàn cảnh lịch sử và xã hội cụ thể đều tồn tại hệ giá trị tổng quát và những hệ giá trị bộ phận. Hệ giá trị tổng quát bao gồm những giá trị chung nhất, mang tính phổ quát, có vai trò định hướng đối với tư duy và hành động của cả cộng đồng. Thí dụ, GS. Trần Văn Giầu đã nêu 7 giá trị mang tính tổng quát nhất của dân tộc Việt Nam, đó là : yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa [3]. Nghị quyết TW 5 nêu những đức tính nổi bật của bản sắc Việt Nam, cũng có thể hiểu đó là các giá trị của con người Việt Nam : “Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - tổ quốc, lòng khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, tính cần cù sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống” [4]. Những thập niên vừa qua người ta còn nêu hệ giá trị chung của Châu Á : Hiếu học, cộng đồng, cần cù, huyết thống [5]. Bên cạnh những giá trị tổng quát như vậy, trong từng lĩnh vực của đời sống, hoạt động của con người thì người ta lại đúc rút nên các giá trị, có vai trò định hướng trong từng lĩnh vực riêng lẻ ấy. Thí dụ, “Nước, phân, cần, giống” là hệ giá trị trong canh tác nông nghiệp truyền thống của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ hay hệ canh tác “Luân canh, hưu canh, xen canh, gối canh” của cư dân canh tác nương rẫy ở miền núi. “Lấy nhu thắng cương, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy chí nhân thắng cường bạo” là hệ giá trị của sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc ta...

 

- Văn hoá truyền thống hay giá trị văn hoá truyền thống được hiểu như là văn hoá và giá trị gắn với xã hội tiền công nghiệp, phân biệt với văn hoá, giá trị văn hoá thời đại công nghiệp hoá. Tất nhiên, khái niệm truyền thống (Tradition) để chỉ những cái gì đã hình thành từ lâu đời, mang tính bền vững và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thì không chỉ xã hội tiền công nghiệp mới có mà với cả xã hội công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì truyền thống vẫn hình thành và định hình. Hơn thế nữa, còn có sự kết nối giữa truyền thống tiền công nghiệp với truyền thống công nghiệp hoá thể hiện trong từng hiện tượng hay giá trị văn hoá.

 

2. Giá trị văn hoá với bản sắc, di sản, biểu tượng và chuẩn mực

Trong văn hoá học, giá trị cùng với các khái niệm bản sắc, bản lĩnh, biểu tượng, di sản, chuẩn mực...tạo nên một hệ thống các khái niệm, chúng khác nhau nhưng có mối liên hệ, giao thoa với nhau, do vậy, khi tìm hiểu giá trị văn hoá, chúng ta không thể không đề cập tới các khái niệm liên quan.

 

- Trước nhất, bản sắc văn hoá được hiểu như là một tổng thể các đặc trưng của văn hóa, được hình thành, tồn tại vá phát triển suốt quá trình lịch sử của dân tộc, các đặc trưng văn hóa ấy mang tính bền vững, trường tồn, trừu tượng và tiềm ẩn, do vậy muốn nhận biết nó phải thông qua vô vàn các sắc thái văn hóa, với tư cách là sự biểu hiện của bản sắc văn hóa ấy. Nếu bản sắc văn hóa là cái trừu tượng, tiềm ẩn, bền vững thì các sắc thái biểu hiện của nó tương đối cụ thể, bộc lộ và khả biến hơn[6].

 

Bản sắc văn hoá góp phần tạo nên bản lĩnh văn hoá, bản lĩnh dân tộc. Với ý nghĩa đó, bản lĩnh được coi là sức sống, sự từng trải, sự đáp trả một cách vững vàng trước những thách đố của xã hội và lịch sử của một cộng đồng, một nền văn hoá. Như vậy, trong bản sắc văn hoá, bản lĩnh dân tộc đều chứa đựng những giá trị.

 

Để mỗi đặc trưng văn hoá trở thành bản sắc, thì ngoài tính đặc thù của nó thì trong mỗi bản sắc như vậy nó đều chứa đựng các giá trị. Chính vì vậy mà nhiều khi bản sắc được coi là giá trị và ngược lại giá trị lại được coi là bản sắc. Thí dụ, GS. Trần Văn Giầu có đưa ra 7 giá trị phổ quát của dân tộc Việt nam [7] Còn trong nghị quyết TW. 5 của Đảng, khi bàn về bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam thì đã nêu hàng loạt những đặc trưng [8]. Như vậy ở đây, cùng một thực thể, nhưng lại được quan niệm như là giá trị hay bản sắc.

 

Có tình trạng như vậy chính là giữa bản sắc và giá trị tuy là các khái niệm riêng, nhưng chúng lại có cái chung. Hiểu là bản sắc khi chúng ta coi đó như là cái căn cước, cái đặc thù của mỗi cộng đồng, phân biệt nó với cộng cộng đồng khác; còn coi đó là giá trị khi người ta muốn nhấn mạnh đến tính ích dụng, tính đáp ứng của bản sắc văn hoá trước nhu cầu của xã hội. Như vậy, trong bản sắc văn hoá đều chứa đựng những giá trị nhất định hay nói cách khác, giá trị làm nên cái cốt lõi của bản sắc.

 

- Chúng ta cũng có thể đề cập tới giá trị trong mối quan hệ với di sản văn hoá (Cultural Heritage). Trong “Luật di sản” của nước CHXHCN Việt Nam, “di sản văn hoá là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác”, “di sản văn hoá tồn tại dưới dạng văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể” [9]. Cũng có cách quan niệm rộng hơn “Di sản văn hoá là tòan bộ sản phẩm do các thành viên trong cộng đồng dân tộc sáng tạo, thể hiện dưới dạng những đối tượng vật thể (hữu hình) và phi vật thể (vô hình) mang tính biểu tượng, được lan toả (vô thức) và trao truyền (hữu thức) từ cộng đồng này sang cộng đồng khác, từ thế hệ trước cho thế hệ sau” [10]

 

Trong “Luật di sản” của nước ta nhấn mạnh những cái được coi là di sản văn hoá phải có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học chứ không phải toàn bộ những cái được con người tạo ra. Như vậy, trong nội hàm khái niệm di sản thì giá trị giữ vai trò nòng cốt, nó phân biệt tất cả các hiện tượng văn hoá nói chung với các hiện tượng văn hoá được coi là di sản. Do vậy, nhận diện, nghiên cứu các giá trị văn hoá chúng ta không thể không đề cập tới khái niệm di sản văn hoá. Nói cách khác, thông qua di sản văn hoá chúng ta có thể nghiên cứu giá trị văn hoá.

 

- Biểu tượng vừa như là sự biểu hiện, vừa như là bộ phận cấu thành văn hoá. Theo quan niệm của UNESCO : Văn hoá là hệ thống các biểu tượng do cộng đồng sáng tạo ra trong quá trình lịch sử và đến lượt nó biểu tượng chi phối những suy nghĩ, hành vi của con người, khiến cho các biểu tượng của cộng đồng này phân biệt với cộng đồng khác. Như vậy, văn hoá không phải là toàn bộ những gì con người sáng tạo ra mà phải là những gì đã kết tinh thành các biểu tượng.

 

Cũng giống như bản sắc, di sản, mỗi biểu tượng đều chứa đựng các giá trị nhất định, nói cách khác, cái gì chứa đựng giá trị thì mới có thể trở thành một biểu tượng văn hoá. Người ta nói, biểu tượng vừa mang tính phô bày, vừa mang tính che giấu, tiềm ẩn [11], chính cái phần che dấu, tiềm ẩn ấy chứa đựng các giá trị. Thí dụ, Quốc Tổ Hùng Vương là một biểu tượng dân tộc, văn hoá dân tộc, cái phô bày ra ngoài của nó là hệ thống các huyền thoại, phong tục, di tích, nghi lễ thờ phụng Vua Hùng..., nhưng cái ẩn tàng bên trong, mà cái đó chính là giá trị, đó là tâm thức “hướng về cội nguồn”, “uống nước nhớ nguồn”, cố kết dân tộc, tạo nên sức mạnh đảm bảo sự tồn vong của cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam trước các thách đố của lịch sử.

 

Cũng như vậy, chúng ta có thể nói về biểu tượng Thánh Gióng chứa đựng giá trị tinh thần chống giặc ngoại xâm, biểu tượng Sơn Tinh chứa đựng giá trị tinh thần khắc phục những bất lợi của sức mạnh tự nhiên để bảo vệ và mở mang bờ cõi, môi trượng sống của cộng đồng.

 

- Mỗi xã hội, mỗi cộng đồng đều định hình các chuẩn mực trong việc ứng xử với môi trường, ứng xử xã hội, một nhân tố quan trọng đảm bảo tính kỷ cương, nề nếp, sự ổn định của cộng đồng ấy. Giá trị, bảng giá trị văn hoá có tính chất hướng dẫn các hành vi của con người, tuy nhiên nó chưa mang tính bắt buộc, còn chuẩn mực ứng xử thì chính là giá trị nhưng đã nâng thành quy chuẩn mang tính bắt buộc, nếu ai suy nghĩ và hành động trái hay vượt ra ngoài các chuẩn mực đó thì bị dư luận xã hội lên án. Nhưng chuẩn mực ấy nếu được ghi trong luật tục, hương ước và cao hơn trong luật pháp thì ai làm trái sẽ bị xử phạt với những mức độ khác nhau. Như vậy, trong chuẩn mực, tục lệ, luật tục, luật pháp đều chứa đựng các giá trị văn hoá nhất định.

 

- Nhân vật văn hoá, danh nhân văn hoá cũng là một đối tượng trong tiếp cận nghiên cứu giá trị. Xét về bản chất, nhân vật văn hoá, danh nhân văn hoá chính là văn hoá cá nhân, một dạng thức tồn tại của văn hoá [12]. Hơn thế nữa, theo quan niệm truyền thống Phương đông, một nền văn hoá đạt được trình độ văn hiến “Nước Đại Việt ta có nền văn hiến đã lâu” (Bình Ngô đại cáo), thì một trong những tiêu chí quan trọng là nền văn hoá đó phải có những con người văn hoá, danh nhân văn hoá, là gương mặt đại diện cho nền văn hoá của dân tộc ở một thời kỳ nhất định. Thí dụ, Trần Hưng Đạo ở thế kỷ XIII, Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV, Nguyễn Du ở thế kỷ XVIII, Hồ Chí Minh ở thế kỷ XX... Ở những con người như vậy, ngoài tầm cao trí tuệ thể hiện trong học vấn, trước tác để lại, thì đạo đức, hành vi ứng xử, hoạt động xã hội của họ mang lại những lợi ích thiết thực, là chuẩn mực làm gương cho mọi người noi theo. Đặc biệt là với xã hội Phương đông, tính gương mẫu đã trở thành chuẩn mực của danh nhân, điều này ít nhiều khác biệt với các xã hội Phương tây. Nói cách khác, những con người văn hoá, danh nhân văn hoá chính là hiện thân của một bảng giá trị văn hoá dân tộc.

 

- Như đã nói ở trên giá trị và hệ giá trị văn hoá của mỗi cộng đồng (tộc người, quốc giá...) không phải là cái gì mang tính chuyên biệt, loại trừ và tách biệt hoàn toàn với nhau, mà phần nhiều mang tính đồng nhất. Ít nhất, người ta cũng có thể nêu ra các cấp độ của giá trị : giá trị văn hoá tộc người (như tộc Việt, Thái, tày...), cấp độ giá trị văn hoá quốc gia –dân tộc (như Việt Nam, Trung Quốc...), giá trị văn hoá khu vực (như giá trị Châu Á) và giá trị văn hoá nhân loại. Các cấp độ trên có nhiều nét đồng nhất, tương đồng, nhưng cũng có những khác biệt, đặc thù, thể hiện ở các giá trị văn hoá đơn lẻ và đặc biệt là sự xếp đặt thứ tự các giá trị trong tổng thể bảng giá trị.

 

Từ đây, điều quan trọng mang tính phương pháp luận là, chúng ta nghiên cứu giá trị và hệ giá trị văn hoá của một dân tộc nào, cộng đồng nào thì luôn luôn đặt nó trong sự đối sánh với cộng đồng khác, trong sự liên hệ với các cộng đồng khu vực và rộng hơn là nhân loại. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể tìm ra, nhận diện được những nét tương đồng, đặc biệt là tính đặc thù của hệ giá trị văn hoá của cộng đồng mà chúng ta đang nghiên cứu.

 

3. Giá trị và sự chuyển đổi hệ giá trị

Để hình thành nên giá trị, bảng giá trị của một cộng đồng thì phải trải qua quá trình lịch sử lâu dài, nên giá trị thường mang tính ổn định và khá bền vững. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là giá trị là cái gì trường tồn, “nhất thành bất biến”, mà giá trị với tư cách là sự đánh giá của con người về cái hay, cái tốt, cái đẹp đối với tự nhiên, xã hội và tư duy, nó phản ánh nhu cầu của con người trong một môi trường xã hội nhất định. Do vậy, giá trị với tư cách là thước đo cũng mang tính biến động cùng với sự biến động xã hội. Nghiên cứu hệ giá trị luôn đi liền với nghiên cứu sự chuyển đổi của hệ giá trị.

 

- Chuyển đổi hệ giá trị bao giờ cũng phải đặt trong môi trường biến đổi xã hội. Biến đổi xã hội và chuyển đổi xã hội gắn với sự vận động của một xã hội, nhưng sự biến đổi xã hội thường mang tính tiến hoá, sự tích luỹ về lượng, còn chuyển đổi xã hội là muốn nhấn mạnh đến sự biến đổi đột biến, cách mạng, là sự thay đổi về chất.

 

Xã hội Việt Nam trong thế kỷ XX đã diễn ra những chuyển đổi xã hội sâu sắc. Đầu tiên, vào các thập niên đầu thế kỷ XX, khi mà chế độ phong kiến Việt Nam đi vào giai đoạn khủng khoảng, sự xuất hiện của xã hội công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong khung cảnh Việt Nam trở thành thuộc địa và chịu sự thống trị của thực dân Pháp. Giai đoạn thứ hai là thời kỳ đổi mới từ 1986 đến nay, khi mà CNXH kế hoạch hoá, quan liêu bao cấp chuyển biến thành CNXH hiện thực và nhân văn hơn.

 

Sự khủng hoảng xã hội trên mang tính toàn diện, từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc, trong đó có sự khủng hoảng về hệ giá trị và chuẩn mực, đòi hỏi phải có sự chuyển đổi từ hệ giá trị truyền thống sang các giá trị mới.

 

Như có lần chúng tôi đã đề cập, sự chuyển đổi hệ giá trị văn hoá Việt Nam từ đầu thế kỷ XX tới nay là sự chuyển đổi “kép”, đó là sự chuyển đổi những giá trị từ xã hội truyền thống nông nghiệp tiểu nông phong kiến sang xã hội công nghiệp hoá và hiện đại hoá, nhưng lại mang nặng tính thuộc địa (trước 1945); rồi lại là sự chuyển đổi từ xã hội trong tình trạng chiến tranh (9 năm chống Pháp và 30 chống Mỹ) sang xã hội hoà bình và cuối cùng là sự chuyển đổi từ xã hội XHCN quan liêu bao cấp, một xã hội toàn trị dần sang xã hội công nghiệp hoá, hiện đại hoá, từ xã hội thần dân sang xã hội công dân.

 

Như vậy là trong vòng 100 năm, xã hội Việt nay diễn ra biết bao những biến động, những cuộc khủng khoảng, biết bao những chuyển đổi giá trị chồng lấn lên nhau, cái này chưa hình thành thì cái kia đã ào tới phủ định. Thí dụ, vấn đề sở hữư ruộng đất là nền tảng xã hội cơ bản, đặc biệt là với xã hội nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Với việc lập lại hoà bình năm 1954, miền Bắc tiến hành cải cách ruộng đất, đưa ruộng đất về tay nông dân, một cuộc cách mạng vĩ đại. Nhưng ngay sau đó đầu năm 1960, với chính sách “tập thể hoá nông nghiệp” thì lập tức ruộng đất ấy lại bị “đoạt” lại đưa vào “hợp tác xã”. Rồi tới năm 1986, để thoát ra khỏi cuộc khủng khoảng, với chính sách đổi mói nông nghiệp, ruộng đất lại đưa về giao khoán cho nông dân, một thứ xác định “sở hữu nửa vời”, tuy nhiên chỉ ngần ấy thôi cũng đủ làm nên cuộc cách mạng lương thực trong nông nghiệp và hệ quả của nó còn làm hổi phục nền văn hoá truyền thống nữa. Trong xu hướng CNH, đô thị hoá đang được đẩy mạnh như hiện nay, thì nông dân đang đứng truớc nguy bị “đòi” lại đất đai và trở thành người nông dân có một ít tiền “đền bù”, nhưng không còn đất sinh nhai !

 

Cũng có thể đưa ra một thí dụ khác. Thời đầu thế kỷ XX, cùng với xu hướng tiếp xúc văn hoá Việt Nam và Pháp được đẩy mạnh, thì trong xã hội Việt Nam thuộc địa dần hình thành đội ngũ trí thức dân tộc. Cùng với sự xuất hiện tầng lớp này, thì một thứ “chủ nghĩa cá nhân văn hoá” đã phôi thai. Tuy nhiên, khoảng những năm 50 – 60 trở đi, trong khung cảnh xã hội quan liêu bao cấp, cùng với việc phê phán “chủ nghĩa cá nhân đạo đức học” thì “chủ nghĩa cá nhân văn hoá” cũng bị đả phá luôn [13].

 

Sự chuyển đổi xã hội từ năm 1986 đến nay diễn ra một cách mạnh mẽ và triệt để hơn bao giờ hết. Đó là Việt Nam từ đầu thế kỷ tới nay vẫn tiếp tục chuyển biến từ xã nông nghiệp tiểu nông sang xã hội CNH, HĐH, nhưng hiện nay quá trình CNH, HĐH diễn ra mạnh mẽ và quyết liệt để đạt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam trở thành quốc gia CNH. Hơn thế nữa, quá trình chuyển biến này lại đang diễn ra trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá mạnh mẽ. Đây là thách thức ghê gớm và cũng là cơ hội để Việt Nam chuyển mình và vươn lên trong xu hướng chung của thế giới hiện đại.

 

- Trong bối cảnh xã hội chuyển đổi nêu trên, hệ giá trị văn hoá Việt Nam tất nhiên cũng chịu tác động mạnh mẽ và đòi hỏi phải chuyển đổi. Quá trình chuyển đổi hệ giá trị văn hoá đã và đang diễn ra dưới các hình thức, sắc thái, mức độ sau :

 

+ Sự chuyển đổi từ hệ giá trị truyền thống sang hệ giá trị hiện đại thông qua nhiều hình thức và mức độ khác nhau : Như thay đổi cấu trúc, thay dổi nội dung, thay đổi hình thức. Thí dụ khái niệm “trung”, “hiếu” tuy hình thức cũ, nhưng nội dung mới, từ “trung với vua” đến “trung với nước”, từ “hiếu với cha mẹ” nay còn “hiếu với dân”... Ngay các giá trị “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” tuy hình thức cũ nhưng cũng đã mang nội dung mới.

 

+ Sự mất dần các hệ giá trị truyền thống lỗi thời và hình thành các hệ giá trị văn hoá mới. Thí dụ như chủ nghĩa tập thể trên cơ sở khẳng định cá nhân thay dần cho chủ nghĩa tập thể phi cá nhân (chủ nghĩa tập thể nguyên thuỷ), từ “lão nông tri điền” phải chăng đang chuyển thành “lão nông bất tri điền” ?

 

+ Xuật hiện các giá trị mới của thời đại, tuy nay mới chỉ manh nha, nhưng sẽ trở thành các giá trị chủ đạo, như dân chủ, nhân quyền, công dân, cá nhân, bình đẳng giới, hội nhập, khoan dung, thị trường, cạnh tranh...

4. Bảo tồn, phát huy hệ giá trị truyền thống cho phát triển

 

Như đã nêu ở trên, hệ giá trị văn hoá là sản phẩm của con người, của sự phát triển xã hội và văn hoá mỗi thời đại, tuy nhiên, khi hệ giá trị một khi đã hình thành và định hình thì nó định hướng mục tiêu, phương thức và hành động của con người, nó tham gia điều tiết sự phát triển xã hội. Do vậy, khi chúng ta bàn đến việc nhận diện hệ giá trị, sự chuyển đổi hệ giá trị hiện nay, cũng như đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy hệ giá trị trong đổi mới và hội nhập thì cũng đều nhằm đến một mục tiêu phát huy vai trò của hệ giá trị văn hoá cho sự phát triển xã hội Việt nam hiện nay. Xung quanh vấn đề này có một số khía cạnh cần phải đề cập tới :

 

- Lâu nay, trên bình diện nhận thức cũng như thực tiễn, vấn đề giữa bảo tồn và phát triển thường nảy sinh một số “xung đột”, như bảo tồn thì dẫn đến hạn chế phát triển và ngược lại, phát triển thì khó bảo tồn. Có thực về bản chất hai phạm trù này là hoàn toàn trái ngược với nhau hay không ?. Theo chúng tôi, vấn đề đặt ra chỉ là ở chỗ, chúng ta quan niệm bảo tồn như thế nào, phát triển như thế nào để hai phạm trù trên đi cùng hướng, bổ trợ cho nhau thúc đẩy sự phát triển xã hội.

 

- Chúng ta bảo tồn văn hoá truyền thống hay các giá trị văn hoá truyền thống phải trên nguyên tắc phát triển, vì mục tiêu phát triển. Nói cách khác, cái gì trong kho vốn giá trị truyền thống đóng vai trò động lực thức đẩy phát triển thì chúng ta bảo tồn, phát huy, còn cái nào cản trở, kìm hãm sự phát triển thì cần hạn chế và dần loại trừ. Do vậy, nguyên tắc phát triển phải là nguyên tắc mang ý nghĩa chỉ đạo cho việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống.

 

- Hội nhập, toàn cầu hoá đa tuyến [14], một mặt, nó sẽ “cào bằng” tính đa dạng, đặc thù văn hoá tộc người, địa phương, làm mất đi một số giá trị văn hoá truyền thống, tuy nhiên, cũng không phủ nhận được rằng, trên cái nền mới của toàn cầu hoá, quốc tế hoá, nhiều giá trị mới, tính đa dạng mới sẽ hình thành và định hình. Bởi vì, suy cho cùng, dù trong toàn cầu hoá hay quốc tế hoá mạnh mẽ tới đâu thì về phương diện văn hoá, thế giới không bao giờ chỉ là “phẳng”. Nếu như quốc tế hoá, toàn cầu hoá làm cho “thế giới phẳng” thì một xu hướng song trùng, đối trọng là “dân tộc hoá quốc tế” sẽ làm cho thế giới lúc nào cũng “gồ ghề” và đa dạng.

 

[1] Xem thêm : Ngô Đức Thịnh. Tiếp cận nghiên cứu nông thôn Việt nam từ mạng lưới xã hội và vốn xã hội- “Dân tộc học”, số 4, 2008

 

[2] Xem bài của Trần Ngọc Thêm.

 

[3] Trần Văn Giầu. Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nxb. KHXH. H., 1980

 

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành TW (Khoá VIII). Nxb. CCQG, H., 1998

 

[5] Hồ Sĩ Quý. Về giá trị và giá trị Châu Á. Nxb. CTQG, H., 2006

 

[6] Ngô Đức Thịnh. Một cách tiếp cận bản sắc văn hoá. Tạp chí Cộng sản, số ...

 

[7] Trần Văn Giầu Sdd.

 

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 ban Chấp hành trung ương (Khoá VIII). Nxb. CCQG, H., 1998.

 

[9] Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, khoá X, kỳ họp thứ 9. Luật di sản văn hoá. 2001

 

[10] Hoàng Vinh. Những vấn đề văn hoá trong đời sống xã hội Việt nam hiện nay. Nxb. Văn hoá thông tin, H., 2006

 

[11] Từ điển biểu tượng...

 

[12] Ngô Đức Thịnh. Những dạng thức của văn hoá Việt nam.. Trong “Việt Nam, đất nước và con người”, Nxb. CTQG, H., 2006

 

[13] Xem bài Hoàng Ngọc Hiến. Chủ nghĩa cá nhân “văn hoá” là một giá trị lớn của văn hoá Việt Nam. Bài tham gia hội thảo, 6/2008

 

[14] Xem thêm: Ngô Đức Thịnh. Một số vấn đề phương pháp luận nghiên cứu văn hoá cho phát triển. Trong “Văn hoá, văn hoá tộc người, văn hoá Việt nam”. Nxb. KHXH. H., 2006

 

Theo vanhoahoc.edu.vn