Nghiên cứu lý luận

Mấy suy nghĩ về nội dung và phương pháp bồi dưỡng năng lực phân tích vẻ đẹp của tự nhiên và tác phẩm nghệ thuật cho sinh viên Sư phạm mỹ thuật

16 Tháng Ba 2011

Tham luận Hội thảo Giáo dục nghệ thuật và cuộc sống

                                                                       

                                       ThS.Ngô Đăng Hiệp

         Trưởng khoa Mỹ thuật

Trường CĐSPTW Nha trang

 

Mục tiêu giáo dục mỹ thuật ở trường THCS do Bộ Giáo dục và  Đào tạo ban hành đã khẳng định: “Mỹ thuật ở trường phổ thông chủ yếu là giáo dục thẩm mỹ, tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc, làm quen và thưởng thức vẻ đẹp của tự nhiên, của các tác phẩm nghệ thuật…”. Điều đó cho thấy vấn đề tạo điều kiện để học sinh tiếp xúc và từng bước cảm nhận được cái hay, cái đẹp phong phú, đa dạng trong tự nhiên và các tác phẩm nghệ thuật, từ đó hình thành nên nhu cầu, sở thích đối với cái đẹp, thị hiếu thẩm mỹ đúng đắn và nhân cách tốt đẹp là nhiệm vụ hàng đầu của công tác giáo dục thẩm mỹ.

 Như chúng ta biết, để hình thành được năng lực thưởng thức cái đẹp, đòi hỏi học sinh phải thường xuyên được làm quen, tiếp xúc với các hiện tượng thẩm mỹ và phải được sự định hướng đúng đắn của giáo viên trong quá trình cảm nhận những giá trị thẩm mỹ. Ngoài ra, học sinh còn được trực tiếp tham gia vào các hoạt động thực hành sáng tạo để tăng thêm sự hứng thú và hiệu quả trong tiếp nhận kiến thức, kỹ năng mỹ thuật. Hai mặt của vấn đề này phải được thực hiện song hành và cân đối, nếu không hoạt động giáo dục thẩm mỹ ở trường THCS sẽ trở thành hoạt động rèn kỹ năng tạo hình đơn thuần mà bỏ qua nhiệm vụ giúp học sinh thưởng thức được vẻ đẹp trong tự nhiên và tác phẩm nghệ thuật.

Thực tế cho thấy, do những khó khăn về thời gian và một số điều kiện khác nên trong hoạt động giáo dục mỹ thuật ở trường THCS, học sinh ít khi được tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên để tìm hiểu và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó. Đôi khi giáo viên cũng cho học sinh xem một số ảnh chụp phong cảnh đẹp tiêu biểu của đất nước, những cảnh đó có thể đẹp nhưng không thể sinh động, đa dạng, tạo được sự hứng thú, gần gũi đối với trẻ bằng việc cho trẻ được trực tiếp chiêm ngưỡng, khám phá, hòa mình trong thiên nhiên của quê hương mình. Học sinh cũng sẽ cảm nhận được đầy đủ, đúng đắn hơn những nét đẹp của thiên nhiên nếu như được sự định hướng, gợi mở tìm tòi, phát hiện, phân tích, đánh giá một cách khoa học và lôi cuốn của người thầy giáo dạy mỹ thuật. Để qua đó, hình thành nơi học sinh các kiến thức, kinh nghiệm và cảm xúc phong phú đối với thiên nhiên, làm nền tảng cho việc cảm thụ và sáng tạo cái đẹp sau này.

 

Ảnh minh họa

 

Bên cạnh đó, việc tổ chức cho học sinh được thưởng thức các tác phẩm mỹ thuật ở trường THCS cũng còn những hạn chế nhất định. Phần lớn giáo viên chỉ hướng trẻ vào việc trả lời các câu hỏi đại loại như: tranh vẽ về cái gì, trong tranh có những ai, họ đang làm gì,  trong  tranh có những màu gì… Trong khi đó, việc giúp học sinh cảm nhận được vẻ đẹp của bố cục, đường nét, đậm nhạt và màu sắc của tác phẩm một cách rõ ràng và cụ thể thì chưa được chú ý đúng mức. Học sinh chỉ biết tác phẩm được giới thiệu là đẹp, cân đối hài hòa, nhưng cân đối như thế nào, hài hòa ra sao thì học sinh không thể phân tích, lý giải, xác định cụ thể trên tác phẩm. Bởi lẽ, các nội dung được giáo viên phân tích cũng chỉ qua loa, chung chung, chẳng theo một hệ thống, trật tự nào cả. Tác phẩm không được phân tích rạch ròi từng vấn đề về nội dung và hình thức nghệ thuật để học sinh dễ theo dõi, phát hiện, cảm nhận được những giá trị nghệ thuật một cách khoa học. Chính những điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành năng lực, nhu cầu thưởng thức cái đẹp nơi trẻ.

Sở dĩ có những bất cập trên là do chúng ta chưa có sự quan tâm đúng mức về nội dung và phương pháp bồi dưỡng năng lực phân tích cái đẹp của tự nhiên và tác phẩm nghệ thuật cho sinh viên trong quá trình đào tạo. Cụ thể:

* Về chương trình đào tạo:

Trong chương trình đào tạo các hệ sư phạm mỹ thuật hiện nay, mặc dù cũng đã có sự chú ý đến việc bồi dưỡng năng lực phân tích tác phẩm cho sinh viên nhưng phần Phân tích tác phẩm chưa được quan tâm thích đáng về vai trò và khối lượng nội dung kiến thức, kỹ năng để trở thành một học phần độc lập mà chỉ được lồng ghép vào trong học phần Mỹ thuật học. Vì thế, nội dung và thời lượng dành cho việc hình thành kiến thức và kỹ năng phân tích tác phẩm ở sinh viên là chưa đủ sâu và rộng để đáp ứng được mục tiêu giáo dục mỹ thuật ở trường THCS.

Trong chương trình đào tạo cũng chưa có các nội dung bồi dưỡng cho sinh viên năng lực phân tích vẻ đẹp của tự nhiên để sinh viên có được kiến thức, kỹ năng và phương pháp tổ chức cho học sinh thưởng thức các đối tượng thẩm mỹ này.

* Về giáo trình:

Trong giáo trình Phân tích tranh tuy cũng đã giới thiệu được một số nội dung mang tính định hướng cho hoạt động phân tích tác phẩm nghệ thuật nhưng chưa khai thác sâu về vai trò, đặc điểm của môn học. Chưa làm rõ đặc điểm tâm lý của học sinh THCS trong thưởng thức tác phẩm mỹ thuật nhằm định hướng việc thực hiện các hoạt động cho học sinh thưởng thức nghệ thuật.

Mặt khác, giáo trình cũng chưa có sự hướng dẫn thật đầy đủ, chi tiết, cụ thể về các phương pháp, quy trình và kỹ năng phân tích đối với tùng thể loại tác phẩm mỹ thuật, cũng như chưa nêu được các ưu, khuyết điểm của mỗi lọai phương pháp và các định hướng sử dụng các phương pháp đó trong từng lọai hình nghệ thuật khác nhau.

Ngoài ra, những bài mẫu về phân tích tác phẩm trong chương trình giáo dục mỹ thuật ở THCS được viết thật kỹ, phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh, để dùng làm tài liệu giảng dạy và học tập cho giáo viên và sinh viên thì chưa nhiều để tạo sự phong phú về nguồn tư liệu tham khảo.

* Về phía sinh viên:

 Phần lớn sinh viên sư phạm mỹ thuật thường hạn chế về khả năng phân tích tác phẩm, kể cả phân tích bằng lời nói và trong văn bản viết. Một phần do đặc điểm của nghề nghiệp, sinh viên thường sử dụng ngôn ngữ tạo hình nhiều hơn là ngôn ngữ văn học. Mặt khác, sinh viên mỹ thuật thường có xu hướng hướng nội nên kỹ năng giao tiếp, trình bày vấn đề thường hạn chế và ít có điều kiện được rèn luyện phát triển.

Từ những hạn chế về chương trình, giáo trình và bản thân sinh viên nên đã ảnh hưởng đến việc hình thành và bồi dưỡng năng lực phân tích vẻ đẹp của tự nhiên và tác phẩm nghệ thuật cho người học trong công tác đào tạo giáo viên mỹ thuật. Và như vậy sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả giáo dục thẩm mỹ trong trường phổ thông.    

 Đối với học sinh THCS, việc tự mình hình thành năng lực thưởng thức cái đẹp trong tự nhiên và tác phẩm nghệ thuật là rất khó, do vậy cần có sự định hướng, giúp đỡ từ phía người thầy có khả năng, kinh nghiệm và phương pháp phân tích thích hợp, lôi cuốn thì việc thưởng thức mới có hiệu quả. Từ đó mới có thể giúp học sinh hình thành, phát triển được năng lực và nhu cầu thưởng thức cái đẹp. Chúng ta đều biết, nếu người thầy có năng lực phân tích, phát hiện được cái hay, cái đẹp độc đáo của tự nhiên và tác phẩm nghệ thuật mà lại có thêm kỹ năng trình bày, diễn giải lôi cuốn người nghe thì sẽ tăng hiệu quả giáo dục lên gấp nhiều lần. Cụ thể:

- Học sinh sẽ có định hướng đúng đắn, lành mạnh trong cảm thụ vẻ đẹp các đối tượng thẩm mỹ.

- Cảm thụ được trọn vẹn và sâu sắc các đặc trưng của đối tượng.

- Hình thành được những kiến thức về mỹ thuật có tác dụng làm nền tảng trong quá trình cảm thụ và phân tích, đánh giá vẻ đẹp trong tự nhiên và tác phẩm nghệ thuật về sau.

- Hình thành được kỹ năng, phương pháp, quy trình phân tích, đánh giá và cảm thụ đối tượng một cách hợp lý.

- Tạo thói quen phân tích, đánh giá đối tượng có cơ sở khoa học.

- Phát triển được thị hiếu thẩm mỹ đúng đắn và tinh tế. 

Ngoài ra, điều đó còn giúp học sinh yêu thích môn học hơn, kích thích tính tích cực, chủ động tìm tòi, khám phá tri thức, hợp tác với thầy và bạn trong xây dựng nội dung bài học.

             Từ những vấn đề trên, các trường sư phạm nên xem năng lực phân tích vẻ đẹp tự nhiên và tác phẩm nghệ thuật là một trong những năng lực cần thiết của người giáo viên mỹ thuật. Để từ đó có sự cơ cấu và cân đối hợp lý giữa các nội dung và phương pháp đào tạo nhằm đáp ứng tốt hơn mục tiêu giáo dục thẩm mỹ ở trường trung học cơ sở.

Trước tiên, cần tách riêng học phần Phân tích tác phẩm thành một học phần độc lập. Về tên gọi của học phần thì cần phải bàn cho phù hợp. Còn về nội dung của học phần nên tập trung vào việc cung cấp kiến thức, kỹ năng, phương pháp phân tích vẻ đẹp trong tự nhiên và nghệ thuật với dung lượng và quỹ thời gian đào tạo hợp lý, đáp ứng được những yêu cầu và nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ trong thực tiễn.

 

Ảnh minh họa

 

Bên cạnh đó, các trường sư phạm cần có giáo trình môn học với các nội dung phục vụ trực tiếp cho việc hình thành các năng lực phân tích đối tượng thẩm mỹ như:

-          Đặc điểm và vai trò của hoạt động phân tích vẻ đẹp của tự nhiên và tác phẩm mỹ thuật trong công tác giáo dục thẩm mỹ.

-          Đặc điểm tâm lý của học sinh THCS trong hoạt động làm quen, thưởng thức vẻ đẹp của tự nhiên và tác phẩm nghệ thuật.

-          Nội dung, phương pháp phân tích vẻ đẹp của tự nhiên và tác phẩm mỹ thuật.

-          Hình thức và quy trình tổ chức cho học sinh làm quen, thưởng thức vẻ đẹp của tự nhiên và tác phẩm mỹ thuật.

-          Các bài phân tích mẫu về cái đẹp của tự nhiên và tác phẩm mỹ thuật được giới thiệu trong chương trình mỹ thuật THCS (càng nhiều càng tốt)

Đi kèm với giáo trình là các băng hình minh họa về họat động phân tích đối tượng thẩm mỹ để tiện việc tham khảo trong dạy-học. 

Trong quá trình dạy học các học phần chuyên ngành, giáo viên cần tạo điều kiện cho sinh viên tham  gia luyện tập kỹ năng, phương pháp phân tích mẫu vẽ trước khi bắt tay vào thực hiện các bài tập. Yêu cầu sinh viên tập đánh giá, phân loại các bài tập tạo hình của lớp học, tập phân tích các tác phẩm mỹ thuật. Chú ý rèn luyện cả kỹ năng phân tích trong văn bản viết và văn bản nói. Quá trình tổ chức cho sinh viên rèn luyện năng lực phân tích, giáo viên cần tổ chức để sinh viên trong lớp đựơc chia thành 2 nhóm phản biện và bảo vệ về những giá trị nghệ thuật của tác phẩm nhằm phát triển khả năng phân tích vấn đề và hùng biện trong sinh viên. Cũng cần giúp sinh viên hiểu phân tích tác phẩm không nhằm mục đích tán dương tác phẩm mà để phát hiện và  cảm thụ được chân giá trị của tác phẩm. Vì vậy, cần phân tích dựa trên cơ sở thực tế của tác phẩm và nên phân tích đầy đủ các giá trị nội dung, hình thức nghệ thuật của tác phẩm theo một quy trình nhất định, hợp lý, rõ ràng và cụ thể phù hợp với nhận thức của học sinh THCS.   

Đối với các học phần Ký họa và thực tế chuyên môn, bên cạnh việc rèn cho sinh viên kỹ năng chọn cảnh, cắt cảnh và kỹ năng ký họa, cũng cần chú ý tập cho sinh viên thói quen biết phân tích vẻ đẹp của các khung cảnh thiên nhiên và con người trong các sinh hoạt của đời sống xã hội.

Ngoài ra, nên tổ chức chuyên đề bồi dưỡng cho sinh viên năng lực diễn đạt bằng văn bản viết và các kỹ năng trình bày vấn đề trước đám đông cho có hệ thống, ngắn gọn, dễ hiểu và lôi cuốn.

Tóm lại, năng lực phân tích, đánh giá vẻ đẹp của tự nhiên và tác phẩm mỹ thuật là một năng lực thật sự cần thiết đối với người giáo viên mỹ thuật ở các trường THCS. Nó là sự tổng hòa các năng lực chuyên ngành, sư phạm, kết hợp với niềm say mê, biết rung cảm đối với cái đẹp và khả năng lôi cuốn học sinh tham gia thưởng thức cái đẹp mà người  giáo viên mỹ thuật cần có. Để làm được điều đó, nên có sự đầu tư, điều chỉnh hợp lý các nội dung chương trình, giáo trình và phương pháp tổ chức đào tạo một cách đồng bộ để nâng cao năng lực của giáo viên, đáp ứng tốt mục tiêu và nhu cầu giáo dục thẩm mỹ của xã hội./.