Nội san

Tam giáo đồng nguyên - sức mạnh thời Lý (24/10/2010)

28 Tháng Tám 2011
   
 
 
 
 
 
Thích Ca Mâu Ni.
 
Có thể nói, giới đại trí thức Phật giáo có ý thức xây dựng một nước Đại Việt độc lập tự chủ với một nền Việt Phật đã manh nha từ thời Đinh, Lê. Vai trò tham dự triều chính trong cương vị quốc sư hoặc cố vấn cho nhà vua như Đỗ Pháp Thuận, Ngô Chấn Lưu, Định Hương, Vạn Hạnh v.v… đã hướng cho các vị hoàng đế đi vào con đường tâm linh Phật. Khi nhà Lê tụt giốc suy thoái tới cùng cực, với Ngọa triều Lê Long Đĩnh là hiện thân cho cái ác ra đi, triều thần tôn phò Lý Công Uẩn là bề tôi của Long Đĩnh lên ngôi nước.Vậy là nhà Lý lấy ngôi nước bằng con đường nhân ái chứ không phải bằng bạo lực.
 
Lý Công Uẩn được nuôi dưỡng nơi cửa Phật từ ba tuổi. Khi sáu tuổi về ở với thiền sư Vạn Hạnh. Ai cũng biết Vạn Hạnh là bậc thiền sư lỗi lạc, ngoài hiểu thông tam giáo, sư còn quán thông các khoa lý số, ngài là bậc tiên tri đại giác, không việc gì ở đời sư không biết trước. Lý Công Uẩn được một bậc thầy siêu việt dạy dỗ và dẫn dắt vào đời. Thông thường các bậc đại sư nuôi đệ tử là để kế tổ truyền đăng. Nhưng Vạn Hạnh sau khi truyền dạy cho Lý Công Uẩn đủ sức giúp đời, thì ông tiến cử người học trò của mình vào giữ một chức quan võ trong triều đình nhà Lê. Vì sao Vạn Hạnh lại đào tạo Lý Công Uẩn trở thành một chính khách, chứ không khiến ông trở thành một thiền giả. Ấy là bởi lần đầu tiên nhác thấy Lý Công Uẩn ở chùa Kiến Sơ với sư Khánh Văn, thiền sư Vạn Hạnh đã thốt lên: “Đứa bé này không phải là người thường, sau này lớn lên tất có thể giải quyết được mọi việc khó khăn, làm vua giỏi trong thiên hạ”. (ĐVSKTT Bản kỷ, quyển II).
 
Lão Tử.
 
 
Vậy là từ lâu, các bậc đại trí thức trong giới Phật giáo đã có hoài bão phù giúp một bậc vua anh minh, đủ tài đức xây dựng nước Nam trở thành một nước cường thịnh cùng với một nền Phật giáo đậm sắc thái văn hóa Việt. Vạn Hạnh đã chẳng mách cho hoàng đế Lê Hoàn xuất quân phá Tống, bình Chiêm vào thời điểm nào thì toàn thắng đó ư. Khuông Việt đã chẳng lên núi Vệ Linh lập đàn cầu thần trợ lực cho quân dân Đại Việt phá Tống đấy ư. Khuông Việt cũng từng giúp Đinh Tiên Hoàng việc nội trị và ngoại giao được nhà vua phong giữ chức tăng thống, tựa như một bậc quốc sư. Lê Hoàn khi được ngôi nước thường băn khoăn không biết vận số vắn dài ra sao, liền đem ý đó hỏi thiền sư Đỗ Pháp Thuận. Đỗ Pháp Thuận khuyến cáo nhà vua bằng bài kệ:
 
Quốc tộ như đằng lạc,
Nam thiên lý thái bình.
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh.

Nghĩa là ngôi nước phải chắc vững như một bụi mây với những sợi mây quấn quýt vào với nhau, ý nói phải đoàn kết muôn dân mới trở thành sức mạnh của cả dân tộc. Và nơi điện các, tức bộ máy triều đình phải vô vi thanh tịnh, đây ám chỉ sự trong sạch, tận tâm vì dân vì nước. Và như vậy thì ngàn dặm trời Nam đã yên hưởng thái bình, nhà vua còn phải lo gì đến việc binh đao nữa.
Thiền sư Pháp Thuận giúp Lê Hoàn hoạch định chính sách buổi sơ triều rất đắc dụng. Khi đất nước đã yên trị, Lê Hoàn phong chức tước gì sư cũng từ khước cả. Rõ ràng là các bậc thiền sư đã tận tâm phù giúp các bậc quốc vương, nhưng chưa vị nào đáp ứng được sự đòi hỏi của lịch sử. Nay ngôi nước đã vào tay Lý Công Uẩn, một người xuất thân từ cửa Phật, được đào tạo hết sức bài bản và xuất hiện đúng lúc mà lịch sử cần.
 
Vậy là vương triều Lý nảy sinh từ khát vọng lâu đời của giới trí thức Phật giáo, và người đạo diễn thiên tài lại chính là thiền sư Vạn Hạnh. Trong hoàn cảnh lịch sử nước nhà vào giai đoạn ấy, ngoài giới trí thức Phật giáo ra, chưa xuất lộ một tầng lớp nào đủ tư cách và trí tuệ dẫn dắt dân tộc ta đi vào con đường tự cường.
 
Chính thể Thuận Thiên của  Lý Công Uẩn tuyên cáo một đường lối chính trị hết sức công khai và minh bạch. Đó là: Tam giáo đồng nguyên. Bởi trong xã hội đương thời đang tồn tại ba tôn giáo. Ấy là Nho - Phật - Đạo. Thực ra mỗi tông giáo này đều có một vị giáo chủ:

- Phật do đức Thích Ca Mâu Ni sáng lập.
- Nho, do đức Khổng Tử hoàn thiện học thuyết.
- Đạo, do Lão Tử chủ trương.
 
Khổng Tử.
 
Sở dĩ nói “đồng nguyên” là bởi mục tiêu tối thượng của cả ba tôn giáo này đều hướng tới tính thiện, tính nhân văn. Và nhà Lý chiết xuất ra ở mỗi dòng đạo những điều ưu việt nhất làm định hướng căn bản cho việc xây dựng xã hội. Đó là: Xã hội Nho - tâm linh Phật - Thiên nhiên Đạo.
 
 Vì rằng muốn tổ chức một xã hội có kỷ cương trật tự, có lề luật chặt chẽ thì không thể không dựa vào sự ràng buộc của tam cương, ngũ thường  của Nho giáo. Nhưng điểm yếu nhất của Nho giáo là vị kỷ, là phân chia đẳng cấp, là trọng giầu khinh nghèo, trọng nam khinh nữ… sẽ tạo ra nhiều nhân tố bất ổn cho xã hội. Vậy muốn điều chỉnh nó thì con người phải biết tôn trọng lẫn nhau, sống trong hiếu hòa, hiếu thiện và từ bỏ lòng tham lam ích kỷ, sân hận cố chấp, để tiến tới giác ngộ mà giải thoát ra khỏi cám  dỗ vật chất của đời thường, và để đạt tới sự tiến hóa ấy thời phải lấy tâm linh Phật làm cứu cánh. Lại nữa con người cùng với muôn loài được sinh ra dưới ánh mặt trời kể cả các loài thấp sinh, noãn sinh và thảo mộc đều bình đẳng. Vì vậy Lão Tử chủ trương muôn loài phải nương tựa vào nhau, cùng tồn tại chứ không loài nào được chèn ép loài nào. Con người cũng như các loài khác phải tôn trọng thiên nhiên, như Thượng đế đã an bài. Do đó, cái thiên nhiên sinh tồn phải là thiên nhiên Đạo.
 
Tam giáo đồng nguyên là như vậy, và nó chính là triết lý nhân sinh cũng đồng thời là định hướng chính trị cho xã hội thời đại nhà Lý.
 
Nhân sinh quan đó bắt nguồn từ truyền thống văn hóa Việt tộc, và nó được thăng hoa khi gặp tính minh triết nguyên thủy của giáo lý Phật, tự khắc có một sự dung hợp kỳ lạ, như là một sự trợ duyên để dân tộc ta đến với Phật giáo. Cũng từ đó Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Nhà lý tôn đạo Phật làm quốc đạo. Song không vì thế mà ức chế các dòng đạo khác. Ví dụ việc tổ chức bộ máy cai trị, vị trí của Nho giáo đã biến thành các định chế pháp luật. Còn để quản trị các tôn giáo khác, nhà nước bổ nhiệm một vị Tăng quan gọi là Hữu nhai tăng thống, một vị Đạo quan gọi là Tả nhai đạo lục.
 
Khi xây dựng kinh thành, ngoài các cung điện là nơi coi chầu và nơi làm việc thì biểu tượng cho tôn giáo cũng được xây cất một cách tương ứng. Ví như bên hữu là chùa Vạn Tuế, bên tả là quán Thái Thanh, ở giữa là lầu Ngũ Phượng Tinh. Sự cất nhắc quan lại là ở nơi tài đức, chứ không có sự phân biệt nguồn gốc tôn giáo. Tuy nhiên đã là quan lại của triều đình thì phải hiểu thông tam giáo (Phật - Nho - Lão). Việc đó về sau trở thành định chế quốc gia. Nghĩa là khi các thí sinh đã đỗ Minh kinh bác sĩ (Tiến sĩ), còn phải thi qua tam giáo. Nếu trúng tuyển mới được bổ nhiệm. Nên nhớ cùng đồng đại với ta thời đó thì Châu Âu sa đà vào chiến tranh tôn giáo triền miên, kéo cả Châu Âu ngập chìm trong đêm trường trung cổ.
 
Việc tổ chức bộ máy nhà nước thời Lý thể hiện tính dân chủ, bình đẳng và chân thực của giáo lý Phật. Còn như tính bác ái, nhân văn lại được thể hiện trong chính sách cai trị của nhà Lý. 

Theo daidoanket.vn