Nội san

Một số nhận xét về ca khúc cho nhà trường phổ thông hiện nay

03 Tháng Chín 2011

Tham luận Hội thảo khoa học

"Ca khúc cho nhà trường phổ thông hiện nay - thực trạng và giải pháp"

 

 

ThS. NS. Lê Anh Tuấn

 Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

 

Nói đến ca khúc trong nhà trường phổ thông hiện nay, chúng ta cần quan tâm đến một số vấn đề như:

            - Ở nhà trường, HS được học những loại ca khúc như thế nào?

            - Số lượng ca khúc cho HS hiện đã đầy đủ chưa, thiếu hay thừa?

                - Chất lượng ca khúc trong chương trình giáo dục môn Âm nhạc hiện nay thế nào?

            - Lựa chọn ca khúc cho HS ở từng lớp đã phù hợp chưa?

            - HS gặp những thuận lợi gì, khó khăn gì khi học ca khúc?

            - HS có yêu thích các ca khúc được học hay không?

Và có thể còn có những câu hỏi khác nữa.

Trong bài viết của mình, chúng tôi xin được trao đổi về những vấn đề trên.

Lịch sử giáo dục Âm nhạc cho HS phổ thông ở Việt Nam được bắt đầu từ khoảng những năm 50, 60 của thế kỉ XX. Khi đó, lác đác một vài trường đã tổ chức dạy Âm nhạc cho HS phổ thông, giáo viên là những người được học âm nhạc trong các nhà thờ hoặc được đào tạo từ một số trường của Pháp. Nhiều năm sau, Âm nhạc vẫn được duy trì dạy học trong một số trường, nhưng chỉ được coi là một môn học tự chọn, nơi nào có GV, có điều kiện thì thực hiện, còn lại rất nhiều HS phổ thông chưa từng được học Âm nhạc. Cho đến năm 2002, Âm nhạc mới là môn học chính thức, được triển khai đại trà trên phạm vi toàn quốc, dành cho HS từ lớp 1 đến lớp 9.

 

Ảnh minh họa (st)

 

Nội dung dạy học môn Âm nhạc hiện nay gồm 4 nội dung: Học hát, Âm nhạc thường thức (ở Tiểu học gọi là Phát triển khả năng âm nhạc), Nhạc lí và Tập đọc nhạc. Tuy nhiên, Học hát vẫn được coi là nội dung đặc trưng và trọng tâm của việc giáo dục âm nhạc trong nhà trường phổ thông.

Trong phân môn Học hát, HS được học 3 dạng bài là: bài hát thiếu nhi, dân ca Việt Nam và bài hát nước ngoài. Chỉ có một bài không thuộc vào 3 dạng bài trên, đó là bài Quốc ca Việt Nam. Có tổng số 83 bài hát được dạy chính thức từ lớp 1 đến lớp 9, ngoài ra còn một số bài nhằm bổ sung, thay thế (nằm ở phần Phụ lục của SGK). Các bài hát chính thức được lựa chọn ở từng lớp như sau:

 

Lớp

Bài hát thiếu nhi

Dân ca

Việt Nam

Bài hát

nước ngoài

1

- Mời bạn vui múa ca (Phạm Tuyên)

- Tìm bạn thân (Việt Anh)

- Sắp đến Tết rồi (Hoàng Vân)

- Bầu trời xanh (Nguyễn Văn Quỳ)

- Tập tầm vông (Lê Hữu Lộc)

- Quả (Xanh Xanh)

- Hòa bình cho bé (Huy Trân)

- Đi tới trường (Đức Bằng)

- Năm ngón tay ngoan (Trần Văn Thụ)

-Quê hương tươi đẹp (Dân ca Nùng)

-Lí cây xanh (Dân ca Nam Bộ)

Đàn gà con (Nhạc: Nga)

2

- Thật là hay (Hoàng Lân)

- Múa vui (Lưu Hữu Phước)

- Cộc cách tùng cheng (Phan Trần Bảng)

- Chiến sĩ tí hon (Đinh Nhu)

- Trên con đường đến trường (Ngô Mạnh Thu)

- Hoa lá mùa xuân (Hoàng Hà)

- Chim chích bông (Văn Dung)

- Chú ếch con (Phan Nhân)

- Xòe hoa (Dân ca Thái)

- Bắc kim thang (Dân ca Nam Bộ)

- Chúc mừng sinh nhật (Nhạc: Anh)

- Chú chim nhỏ dễ thương (Nhạc: Pháp)

3

- Quốc ca Việt Nam (Văn Cao)

- Đếm sao (Văn Chung)

- Lớp chúng ta đoàn kết (Mộng Lân)

- Em yêu trường em (Hoàng Vân)

- Cùng múa hát dưới trăng (Hoàng Lân)

- Chị Ong Nâu và em bé (Tân Huyền)

- Tiếng hát bạn bè mình (Lê Hoàng Minh)

- Gà gáy (Dân ca Cống)

- Ngày mùa vui (Dân ca Thái)

Con chim non (Nhạc: Pháp)

4

- Em yêu hòa bình (Nguyễn Đức Toàn)

- Trên ngựa ta phi nhanh (Phong Nhã)

- Khăn quàng thắm mãi vai em (Ngô Ngọc Báu)

- Bàn tay mẹ (Bùi Đình Thảo)

- Chú voi con ở Bản Đôn (Phạm Tuyên)

- Thiếu nhi thế giới liên hoan (Lưu Hữu Phước)

- Bạn ơi lắng nghe (Dân ca Tây Nguyên)

- Cò lả (Dân ca Bắc Bộ)

- Chim sáo (Dân ca Khmer)

Chúc mừng (Nhạc: Nga)

5

- Reo vang bình minh (Lưu Hữu Phước)

- Hãy giữ cho em bầu trời xanh (Huy Trân)

- Con chim hay hót (Phan Huỳnh Điểu)

- Những bông hoa, những bài ca (Hoàng Long)

- Tre ngà bên Lăng Bác (Hàn Ngọc Bích)

- Em vẫn nhớ trường xưa (Thanh Sơn)

- Dàn đồng ca mùa hạ (Lê Minh Châu)

- Hát mừng (Dân ca Tây Nguyên)

- Màu xanh quê hương (Dân ca Khmer)

Ước mơ (Nhạc: Trung Quốc)

6

- Tiếng chuông và ngọn cờ (Phạm Tuyên)

- Niềm vui của em (Nguyễn Huy Hùng)

- Ngày đầu tiên đi học (Nguyễn Ngọc Thiện)

- Tia nắng, hạt mưa (Khánh Vinh)

- Vui bước trên đường xa (Dân ca Nam Bộ)

- Đi cấy (Dân ca Thanh Hóa)

- Hành khúc tới trường (Nhạc: Pháp)

- Hô-la-hê, Hô-la-hô (Nhạc: Đức)

7

- Mái trường mến yêu (Lê Quốc Thắng)

- Chúng em cần hòa bình (Hoàng Long-Hoàng Lân)

- Khúc hát chim sơn ca (Đỗ Hòa An)

- Khúc ca bốn mùa (Nguyễn Hải)

- Tiếng ve gọi hè (Trịnh Công Sơn)

- Lí cây đa (Quan họ Bắc Ninh)

- Đi cắt lúa (Dân ca Tây Nguyên)

Ca-chiu-sa (Nhạc: Nga)

8

- Mùa thu ngày khai trường (Vũ Trọng Tường)

- Tuổi hồng (Trương Quang Lục)

- Nổi trống lên các bạn ơi (Phạm Tuyên)

- Ngôi nhà của chúng ta (Hình Phước Liên)

- Tuổi đời mênh mông (Trịnh Công Sơn)

- Lí dĩa bánh bò (Dân ca Nam Bộ)

- Hò ba lí (Dân ca Quảng Nam)

Khát vọng mùa xuân (Nhạc: Áo)

9

- Bóng dáng một ngôi trường (Hoàng Lân)

- Nối vòng tay lớn (Trịnh Công Sơn)

Lí kéo chài (Dân ca Nam Bộ)

Nụ cười (Nhạc: Nga)

 

Việc lựa chọn và đưa 3 dạng là: bài hát thiếu nhi, dân ca Việt Nam và bài hát nước ngoài vào chương trình giáo dục Âm nhạc là phù hợp, trong đó tỉ lệ mỗi dạng bài ở từng lớp cũng là tương đối hợp lí. Số lượng bài hát thiếu nhi có 54 bài, chiếm tỉ lệ 65%, dân ca Việt Nam 18 bài, tỉ lệ 21,7%, bài hát nước ngoài 11 bài, tỉ lệ 13,3%.

Học sinh học hát là tiếp xúc với âm nhạc có lời. Mỗi bài hát đều có nội dung cụ thể về sự vật, hiện tượng, được diễn tả bằng âm nhạc và ngôn ngữ văn học, mỗi bài đều mang lại những cảm xúc riêng cho các em. Trong chương trình môn Âm nhạc, bài hát thường được dạy trong một tiết (Tiểu học là 35 phút, THCS là 45 phút), sau đó còn được ôn tập trong một vài tiết học tiếp theo. Tuy bài hát chỉ giống như một bức tranh nhỏ, nhưng thông qua việc dạy hát lại giúp HS đạt được các mục tiêu lớn, đó là:

Về kiến thức, dạy hát nhằm phát triển năng lực nhận thức của HS, sự phong phú về nội dung trong các bài hát giúp các em thêm hiểu biết về cuộc sống. Các hình tượng âm nhạc cũng giúp nâng cao khả năng nhận thức và hiểu biết của các em. Cạnh đó, dạy hát còn phát triển năng lực ngôn ngữ, lời ca của bài hát sẽ góp phần làm vốn ngôn ngữ của HS trở nên phong phú và sinh động hơn.

Về kĩ năng (đây là mục tiêu trọng tâm), dạy hát nhằm phát triển năng lực âm nhạc của HS, giúp các em hát đúng giai điệu và lời ca, biết cách hát tự nhiên, biết lấy hơi, hát rõ lời và thể hiện được sắc thái, tình cảm của từng bài hát. Đồng thời giúp HS biết trình bày bài hát một mình hoặc hát cùng người khác, giúp các em biết hát kết hợp các hoạt động như: vỗ tay, gõ đệm, vận động, nhảy múa, trò chơi hoặc biểu diễn, …

Về tình cảm và thái độ, dạy hát nhằm giáo dục HS có những tình cảm tốt đẹp, giúp các em thêm tự tin, thêm yêu thích âm nhạc, có khả năng tham gia ca hát ở trong và ngoài trường học.

            Về số lượng ca khúc được sử dụng trong chương trình môn Âm nhạc. Hiện nay, với 83 bài hát mà HS được học từ lớp 1 đến lớp 9, chúng ta nhận thấy về số lượng như vậy là phù hợp, cộng thêm hàng chục bài hát, bản nhạc mà HS được nghe khi được học thông qua các nội dung khác thì vốn hiểu biết về ca khúc của các em là khá lớn. Tuy nhiên, ở trường Trung học phổ thông (lớp 10, 11, 12) hiện nay không dạy Âm nhạc, nên những ca khúc dành cho lứa tuổi này hoàn toàn bị nền âm nhạc thị trường thao túng, nhà trường không kiểm soát được về số lượng và chất lượng của chúng, những hậu quả do HS THPT không được hưởng sự giáo dục Âm nhạc có thể sẽ là vấn đề cần nhiều sự trao đổi.

Về chất lượng ca khúc trong chương trình giáo dục môn Âm nhạc hiện nay. Để lựa chọn 1 bài hát đưa vào chương trình giáo dục môn Âm nhạc, những tiêu chí được quan tâm hàng đầu bao giờ cũng là: đó phải là bài hát hay, có giá trị nghệ thuật, đảm bảo tính phổ thông, sự chuẩn mực, tính phù hợp và vừa sức… Tuy nhiên, đánh giá về cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật, phần lớn chúng ta chỉ dựa vào cảm nhận của riêng mình. Khi biên soạn SGK Âm nhạc, việc lựa chọn và đề xuất bài hát đưa vào chương trình cũng dựa vào cảm nhận của từng cá nhân và cả nhóm tác giả, việc lựa chọn đó đôi khi vẫn phiến diện và có thể nói, không bao giờ làm hài lòng tất cả mọi người. Bởi vì một bài hát, một tác phẩm cho dù hay đến mấy, vẫn sẽ có những người không yêu thích và không quan tâm đến nó.

Chương trình giáo dục Âm nhạc hiện hành đã sử dụng ca khúc của những nhạc sĩ hàng đầu trong lĩnh vực sáng tác ca khúc thiếu nhi, có thể kể tên các nhạc sĩ như: Lưu Hữu Phước, Hoàng Vân, Phan Huỳnh Điểu, Phạm Tuyên, Phong Nhã, Mộng Lân, Hoàng Long, Hoàng Lân, Hàn Ngọc Bích, Trịnh Công Sơn, Bùi Đình Thảo,… Tuy nhiên, cũng vẫn còn một số ca khúc hay, mà chương trình chưa có điều kiện sử dụng.

Khi chúng tôi tiếp xúc và hỏi HS: các em đánh giá thế nào về các bài hát được học? Câu trả lời của các em hầu như giống nhau, đó là em thấy bài hát nào cũng hay. Còn theo đánh giá của GV Âm nhạc, nhìn chung, những bài hát được sử dụng trong chương trình đều là những bài hát hay và phù hợp với khả năng của HS ở từng lớp. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có một số bài hơi khó so với sự tiếp thu của các em, ví dụ như: lớp 1 có bài Quả (Xanh Xanh) và Năm ngón tay ngoan (Trần Văn Thụ) là 2 bài có nhiều lời ca, HS ở độ tuổi này rất khó học thuộc chúng, bài Bầu trời xanh (Nguyễn Văn Quỳ) cũng làm HS rất hay hát nhầm lời; lớp 4 có bài Trên ngựa ta phi nhanh (Phong Nhã), lớp 5 có bài Con chim hay hót (Phan Huỳnh Điểu), Màu xanh quê hương (Dân ca Khmer) có giai điệu hơi khó, HS dễ hát sai… Ngoài ra, chương trình môn Âm nhạc hiện có 11 bài hát nước ngoài, thì có tới 4 bài hát Nga, 3 bài hát Pháp, tức là 2 nước này chiếm tới 7/11 bài, chỉ còn 4 nước sau, mỗi nước có 1 bài là: Anh, Đức, Áo, Trung Quốc. Theo chúng tôi, việc chọn bài hát nước ngoài cần được điều chỉnh trong chương trình tới, để HS được học và biết về bài hát của nhiều nước hơn.

Về những thuận lợi và khó khăn của HS khi học ca khúc. Ngày nay, với năng lực của GV đang từng bước được nâng cao, với phương tiện dạy học ngày càng đầy đủ, trong giờ học hát, HS thường được tiếp xúc với nhiều loại phương tiện dạy học, được học bằng đa giác quan, đa dạng trạng thái và hình thức học tập nên việc học hát có nhiều thuận lợi, đối với HS, việc học hát ngày càng trở nên dễ dàng, hấp dẫn và sinh động.

 

Đây là bảng minh họa về những vấn đề mà GV phải quan tâm khi dạy hát.

 

Chuẩn bị đầy đủ về

phương tiện dạy học

(Nhạc cụ của GV và HS, tivi, máy nghe, tranh ảnh, giáo án điện tử, …)

Sử dụng đa dạng và phù hợp

các phương pháp dạy học

(Thuyết trình, giới thiệu, trực quan, phát vấn, làm mẫu, luyện tập, …)

Dạy học bằng đa giác quan

(HS được học bằng cả thị giác, thính giác, xúc giác, cảm nhận, …)

Đa dạng về

kiểm tra, đánh giá

(GV sử dụng các bài tập thực hành, vấn đáp, trắc nghiệm, bài tập sáng tạo, để HS tự đánh giá, …)

 

 

DẠY HÁT

Ở TH VÀ THCS

Đa dạng về

trạng thái học tập

(HS có thể ngồi yên, đứng tại chỗ, lên bảng, đứng quanh GV)

Đa dạng về

hoạt động kết hợp

(HS vỗ tay, gõ đệm, đánh nhịp, vận động, nhảy múa, trò chơi, biểu diễn, … khi trình bày bài hát)

Đa dạng về

kĩ thuật hát tập thể

(HS tập hát hòa giọng, hát đối đáp, hát nối tiếp, hát có lĩnh xướng, hát bè, hát đuổi, hát liền tiếng, hát ngắt tiếng, cách lấy hơi, thể hiện sắc thái, …)

Đa dạng về

hình thức học tập

(HS luyện tập và trình bày bài hát theo hình thức cá nhân, cặp đôi, nhóm nhỏ, nhóm lớn, tổ, dãy, HS nam, HS nữ, cả lớp)

 

Có thể nói rằng, Âm nhạc là một môn học yêu thích của phần lớn HS, trong đó học hát lại là nội dung mà các em yêu thích nhất. Đây là những thành công trong việc giáo dục Âm nhạc trong nhà trường phổ thông. Tuy nhiên, chúng ta vẫn mong có nhiều ca khúc hay hơn nữa cho tuổi học trò, có nhiều bài hát hay hơn nữa được đưa vào chương trình giáo dục Âm nhạc, và mong rằng những thế hệ trẻ của Việt Nam sẽ có vốn văn hóa âm nhạc phong phú hơn, góp phần làm giàu nền văn hóa của dân tộc./.