Nội san

Vai trò và chức năng của phê bình âm nhạc trong đời sống văn hóa ở nước ta

15 Tháng Hai 2012

Hội thảo khoa học Lý luận phê bình âm nhạc

PGS.TS. Cù Lệ Duyên

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

           

            Trong thời gian gần đây, đời sống âm nhạc nước ta ngày càng trở nên phong phú và đa dạng. Đi đôi với dòng âm nhạc dân gian, âm nhạc bác học cổ truyền và các khuynh hướng nhạc nhẹ, chúng ta có những bước tiến triển đáng khích lệ trong sự phát triển của âm nhạc hàn lâm trên bước đường hội nhập và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Cùng với các thành tựu của các nhạc sĩ, nghệ sĩ Việt Nam, công chúng nước ta có dịp thưởng thức các chương trình hòa nhạc của nhiều nghệ sĩ, nhiều dàn nhạc và nhà hát tên tuổi trên thế giới với các danh mục tác phẩm thuộc nhiều trường phái âm nhạc khác nhau từ cổ điển cho đến hiện đại. Hơn bao giờ hết, đời sống âm nhạc của đất nước đòi hỏi cấp thiết một đội ngũ phê bình âm nhạc chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn cao, xứng đáng là những chiếc cầu nối giữa nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn với thính giả.

            Phê bình âm nhạc là một ngành khoa học nhằm đánh giá, đề cao cái đẹp đích thực và chỉ ra những bất cập trong sáng tạo âm nhạc – bao gồm tác phẩm của nhạc sĩ và sự tái tạo của nghệ sĩ biểu diễn. Bản thân phê bình âm nhạc là một nghệ thuật và nhà phê bình âm nhạc là một nghệ sĩ thực thụ. Khác với nhiều lĩnh vực nghệ thuật, âm nhạc là loại hình sáng tạo được biểu hiện theo thời gian ở cả hai khía cạnh sáng tác và biểu diễn cùng một lúc. Điều đó làm cho âm nhạc khác biệt với nghệ thuật kịch – một loại hình nghệ thuật cũng được biểu hiện theo thời gian nhưng khán giả có thể cảm nhận được nội dung của vở kịch như một tác phẩm văn học mà không qua dàn dựng. Chính ở điều này, âm nhạc và múa rất gần gũi với nhau -  những loại hình nghệ thuật mà khán giả chỉ có thể cảm nhận qua sáng tạo biểu diễn. Cần phải đi sâu vào vấn đề ở chỗ bất kỳ tác phẩm âm nhạc nào được biểu hiện dưới dạng nốt nhạc đều có thể được hình tượng hóa ở những người có trình độ âm nhạc cao và trí tưởng tượng vô cùng phong phú, nói một cách khác là âm nhạc có thể vang lên trong đầu họ nhưng không thể vang lên một cách hoàn thiện, chưa nói rằng số người đó rất ít và ngay tính chất cơ bản của âm nhạc là nghệ thuật đến với công chúng qua cảm thụ bằng âm thanh chứ không phải qua trí tưởng tượng. Tuy nhiên, so với các loại hình nghệ thuật khác, âm nhạc mang tính trừu tượng cao đòi hỏi thính giả ngoài những kiến thức hiểu biết chung về văn hóa, xã hội và trí tưởng tượng phong phú còn phải có năng khiếu cảm thụ đặc biệt mới có thể rung cảm trước “ngôn ngữ bí ẩn ” đó.

 Khác với văn học, hội họa, kiến trúc – những lĩnh vực có cấu trúc tương đối rõ ràng, âm nhạc luôn gây cho chúng ta cảm giác chuyển động vô tận. Chính tính trừu tượng và cấu trúc đặc biệt của loại hình nghệ thuật này đã làm cho thi hào Gớt phải thốt lên “Khi ngôn ngữ bất lực thì âm nhạc lên tiếng” và cũng chính từ đây, tính chủ quan của cảm thụ âm nhạc rất cao. Làm thế nào để tính chủ quan không làm át đi tính khách quan trong cảm thụ âm nhạc là điều rất khó trong công tác phê bình âm nhạc. Nhưng cũng không thể phủ nhận tầm quan trọng của tính chất chủ quan trong phê bình âm nhạc, nó làm cho nhà phê bình luôn cố gắng tìm tòi những đánh giá riêng biệt và độc đáo tuy những đánh giá đó có thể chưa thuyết phục ngay độc giả hoặc gây nên sự không đồng nhất nhưng buộc họ phải suy nghĩ nghiêm túc.

            Phê bình âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc hàn lâm khó đến với đại chúng hơn, thí dụ như so sánh với phê bình văn học, một phần bởi chính nghệ thuật âm nhạc hàn lâm còn mới mẻ đối với đại bộ phận công chúng nước ta. Khi công việc phê bình không chỉ gói gọn trong các công trình, các bài nghiên cứu sâu về chuyên môn dành cho một số ít đối tượng chuyên nghiệp mà vượt ra ngoài khuôn khổ bó hẹp đó để đến với đại chúng, nhà phê bình âm nhạc cần tìm ra ngôn ngữ vừa chính xác về chuyên môn nhưng lại phải vừa dễ hiểu đối với độc giả. Ngoài sự đa dạng và phong phú về mặt thể loại, điểm mạnh và cũng là một phần tính chất đại chúng của âm nhạc ở chỗ nó góp phần tạo nên nhiều loại hình nghệ thuật tổng hợp như tuồng, chèo, múa, điện ảnh… chính vì thế phê bình âm nhạc được phân chia thành nhiều nhánh. Có nhà phê bình chỉ chuyên sâu về nhạc múa, người khác chỉ chuyên sâu về nhạc phim hoặc giao hưởng, nhạc nhẹ… còn nếu nhà phê bình muốn hoạt động toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đòi hỏi phải nghiên cứu chuyên sâu về tất cả các lĩnh vực mà mình định viết. Thí dụ như khi định bình luận về một chương trình hòa nhạc giao hưởng, người viết phải am hiểu sâu sắc về nghệ thuật âm nhạc nói chung và nghệ thuật giao hưởng nói riêng qua các thời đại lịch sử, phải phân tích cụ thể về tác phẩm được trình diễn và nghệ thuật biểu diễn của các nghệ sĩ trong buổi hòa nhạc, có thế mới thuyết phục được độc giả bởi một khi nhà phê bình âm nhạc còn hồ nghi thì làm sao công chúng có thể cảm nhận được ý tưởng nghệ thuật. Thật đáng buồn khi hiện trạng phê bình âm nhạc nước ta hiện nay xuất hiện không ít bài viết, qua đó biểu hiện sự hời hợt, chưa nói đến trường hợp hiểu sai cả những khái niệm âm nhạc cơ bản nhất làm tổn thương đến tác phẩm, tác giả và nghệ sĩ biểu diễn. Gần đây, trên báo chí nước ta xuất hiện nhiều bài dịch về âm nhạc từ các tư liệu nước ngoài, điều đó rất đáng khích lệ nhưng các dịch giả cần phải thận trọng khi va chạm với các thuật ngữ âm nhạc. Đây là vấn đề không đơn giản đối với công tác dịch thuật khi những dịch giả không phải là những người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, đôi khi họ dịch thẳng nghĩa mà không chỉnh lý cho chuẩn xác về chuyên môn khiến cho người đọc không chỉ không hiểu mà có khi còn hiểu sai.

            Âm nhạc là nghệ thuật của cảm xúc và chỉ bằng cảm xúc mới có thể biểu hiện được chiều sâu tâm hồn con người, vậy thật vô cùng khó khăn đối với nhà phê bình âm nhạc khi phải giải thích được âm nhạc nói lên điều gì, phải qua ngôn ngữ để biểu hiện xúc cảm của dòng chảy âm nhạc. Ngay cả trong giới âm nhạc chuyên nghiệp cũng còn có những người có thái độ và quan điểm lệch lạc đối với công tác phê bình âm nhạc. Họ cho rằng âm nhạc chỉ cần thưởng thức một cách tự nhiên và miễn bình luận nhưng thử tưởng tượng xem, nếu thiếu công tác phê bình âm nhạc có thể nảy sinh ra sự cẩu thả, sự vô trách nhiệm của một số nhạc sĩ, nghệ sĩ đối với thính giả và tạo điều kiện phát triển cho những tác phẩm, những chương trình hòa nhạc kém chất lượng làm hỏng thẩm mỹ âm nhạc của công chúng. Nhân đây, xin phép nhắc đến lời một nhạc sĩ nổi tiếng “Mọi ý tưởng tuyệt diệu, thông thái về âm nhạc đáng giá hơn tác phẩm âm nhạc tầm thường”, nhưng làm sao để ý tưởng trở nên tuyệt diệu và thông thái? Để đạt được điều đó, nhà phê bình âm nhạc ngoài việc phải nắm vững nền tảng kiến thức một cách khoa học về nghệ thuật, văn hóa xã hội nói chung và có trình độ lý luận uyên bác với “kỹ thuật” biểu hiện đạt tiêu chuẩn chuyên nghiệp còn phải là người có nhạy cảm nghệ thuật cao và một nhân cách đôn hậu. Đó là người nghiêm khắc nhất nhưng cũng rộng lượng nhất, cùng một lúc phải bảo đảm các chức năng – người đánh giá, người phê phán đồng thời là người bảo vệ nhạc sĩ và nghệ sĩ, tất cả nhằm hướng tới cái cái đẹp và sự hoàn thiện.

Tựu trung, trách nhiệm lớn của nhà phê bình âm nhạc là truyền bá, giáo dục, định hướng và dẫn dắt thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng nhưng cần phải thận trọng, tránh áp đặt một cách máy móc và cứng nhắc. Một thính giả nếu được giáo dục một cách thái quá, sai lệch sẽ chỉ là một thính giả tồi hay nói một cách khác – như một cái máy nghe nhạc. Nhà phê bình âm nhạc cần kiên trì thuyết phục và chứng minh cho những điều mình viết nhưng chỉ chứng minh thôi chưa đủ, cần phải biết cách phát triển thẩm âm của thính giả sao cho họ có thể tự cảm thụ được âm nhạc. Trách nhiệm vô cùng nặng nề của phê bình âm nhạc là phải dẫn dắt, giúp cho thính giả cảm nhận, đánh giá đúng đắn và phân biệt đâu là giá trị nghệ thuật đích thực, đâu là những hiện tượng âm nhạc “rẻ tiền” chạy theo mốt, theo thời thượng chỉ phục vụ những thị hiếu tầm thường đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi kinh tế thời mở cửa cho phép tiêu thụ quá nhiều nhạc ngoại nhập không qua sàng lọc kỹ lưỡng. Phê bình âm nhạc là một ngành khoa học nghệ thuật mang ý nghĩa lớn và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đòi hỏi các nhà phê bình phải linh hoạt và luôn trau dồi kiến thức. Đó phải là những người luôn nắm bắt, cập nhật nhanh nhạy để theo kịp với đời sống âm nhạc của đất nước đang trên đà phát triển cùng tất cả tấm lòng nhiệt thành và tinh thần trách nhiệm cao. Chỉ với tình yêu âm nhạc chân chính, chúng ta mới có được những công trình phê bình âm nhạc đích thực, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của văn hóa dân tộc.