Nội san

Nhìn nhận lý luận và phê bình âm nhạc dưới góc độ liên ngành

22 Tháng Hai 2012

Hội thảo khoa học: Lý luận phê bình âm nhạc

 

GS.TS Phạm Minh Khang

Giám đốc Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam

 

Ngay từ thời Hy lạp cổ đại, người ta đã coi thẩm mỹ âm nhạc (L’esthétique musicale) và phê bình âm nhạc là cặp song sinh trong hệ thống các môn kiến thức khoa học về âm nhạc. Đây là hai môn khó nhất, mang tính đặc thù và tính tổng hợp liên ngành của trí tuệ âm nhạc ở trình độ cao.

Nếu nhìn từ góc độ liên ngành thì phê bình âm nhạc là sự liên kết một cách hữu cơ của các yếu tố như : âm nhạc, triết học, văn học, sử học, nhân học, mỹ học, thần học, nghệ thuật tạo hình v.v..

Ở các nước trên thế giới (đặc biệt là châu Âu) những người làm công tác phê bình âm nhạc thường được đào tạo rất cơ bản và toàn diện trong các nhạc viện, các học viện, các viện hàn lâm cũng như ở trường đại học tổng hợp. Tuy nhiên, họ không chỉ đào tạo phê bình âm nhạc chung chung mà phải có sự phân ngành mang tính chuyên sâu trong quá trình học tập. Chính vì vậy mà nhà phê bình nổi tiếng nước Nga Bielinski ( 1811-1848) đã có sự phân chia một cách khoa học của phê bình thành nhiều loại khác nhau trong mối tương quan của chúng ( trong đó có phê bình âm nhạc ).

Để trở thành một nhà phê bình âm nhạc là cả một quá trình đào tạo rèn luyện và tích luỹ rất lâu dài, đồng thời phải coi đây là một năng khiếu bẩm sinh của mỗi cá nhân qua quá trình trải nghiệm với thực tiễn nghệ thuật.

Do đó, một người được đào tạo cơ bản về chuyên ngành lý luận âm nhạc chưa hẳn đã trở thành nhà phê bình âm nhạc nếu không có sự kết hợp giữa kiến thức được đào tạo trong nhà trường với kiến thức của đời sống thực tiễn xã hội. Qua một quá trình rèn luyện, phấn đấu học hỏi và tích luỹ những kinh nghiệm từ thực tiễn cuộc sống cùng với tố chất sẵn có dần dần mới có thể bước đầu đi vào công tác phê bình âm nhạc.

Như vậy, nhà lý luận âm nhạc là người được trang bị một cách cơ bản những môn kiến thức âm nhạc và những kiến thức khác ở trình độ cao để có thể viết được những bài báo, những công trình nghiên cứu khoa học về âm nhạc ở các trình độ khác nhau.

Ngoài ra, nhà lý luận âm nhạc có thể làm công tác giảng dạy , thuyết trình , diễn giải và truyền bá âm nhạc trước công chúng.

Còn nhà phê bình âm nhạc thì ngoài việc được đào tạo chuyên ngành lý luận âm nhạc cần phải được trang bị những kiến thức liên ngành để nhận định, phát hiện, phê phán, suy xét các hiện tượng âm nhạc nhằm định hướng , giáo dục về tư tưởng, về thẩm mỹ cho công chúng.

Cũng chính vì thế nên phê bình âm nhạc được coi là nghệ thuật nhận định, suy xét, phê phán để nghiên cứu, phân tích và đánh giá những hiện tượng âm nhạc trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, nhà phê bình âm nhạc cũng có thể làm được những công việc của nhà lý luận âm nhạc.

Trong tiến trình lịch sử, ngành phê bình âm nhạc đã có một quá trình hình thành và phát triển từ những thời kỳ xa xưa.

Chỉ xin tóm lược một số giai đoạn của phê bình âm nhạc chúng ta cũng đã thấy được cái kho báu khoa học trí tuệ đó của nhân loại đồ sộ và vĩ đại biết chừng nào.

Vào thời kỳ Hy lạp cổ đại, nhà bác học lỗi lạc Aristoteles (384 – 322 trước công nguyên ) đã có những kiến giải về chức năng, đối tượng, phương pháp nhận thức về tác dụng của nghệ thuật có tính duy vật và hiện thực. Điều này đã đối lập với những quan điểm của Platon (427 – 347 trước công nguyên) gắn cái đẹp với ý niệm thần bí và trìu tượng.

Aristoteles là người đầu tiên đã phân loại cái gia tài kiến thức cổ đại đồ sộ thành từng ngành khoa học riêng( trong đó có nghệ thuật âm nhạc ).

Người thứ hai cần phải nhắc tới đó là Galilei (1520 – 1591), là nhạc sỹ, nhà lý luận âm nhạc, nhà toán học, hoá học, vật lý học người Ý, đặc biệt ông là người biểu diễn đàn Luýt rất nổi tiếng. Công trình có giá trị của Galilei để lại cho các nhà lý luận, các nhà phê bình âm nhạc của Ý sau này như :”Dialogo della musica antica et della moderna “ (1581). Trong đó ông đã đấu tranh bảo vệ phong cách âm nhạc một giọng và âm nhạc chủ điệu, đồng thời ông đánh giá rất cao về âm nhạc phức điệu thời Phục hưng.

Tiếp đến, vai trò của phê bình âm nhạc nhằm bảo vệ những giá trị thẩm mỹ đã phát triển ở Pháp và châu Âu ( trong đó có Đức và Ý ). Vấn đề phê bình âm nhạc được các nhà bác học phái bách khoa Pháp rất quan tâm và đấu tranh không mệt mỏi như : Rousseau ( 1712 – 1778), Grimm ( 1785 – 1863), Diderot ( 1713 – 1784), đặc biệt là nhà lý luận, nhà soạn nhạc, nhà biểu diễn đàn Clavexanh và nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng P.Rameau (1683 – 1764). Ông là người đã đấu tranh quyết liệt để bảo vệ cải cách nhạc kịch của Gluck và hai tập bình quân luật của Bach. Ngoài ra những học thuyết về hoà thanh của Rameau như đảo hợp âm, ý nghĩa, vai trò của hệ thống công năng và cách xây dựng chồng âm quãng ba vẫn tồn tại và phát triển cho tới ngày hôm nay.

Vào thời kỳ lãng mạn đã xuất hiện những nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng không ngừng đấu tranh với những tư tưởng bảo thủ trong nghệ thuật như : Hoffmann ( 1776 – 1822), Schumann ( 1810 – 1850), Berlioz ( 1803 – 1869), Liszt ( 1811- 1886)…

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là thời kỳ có nhiều biến động xã hội sâu sắc, do đó trong đời sống văn hoá nghệ thuật đã xuất hiện một đội ngũ những nhà phê bình âm nhạc ở một số quốc gia như : Bekker (1882 – 1937), Mersmann (1892 – 1957), Einstein ( 1879 – 1955 ) (Đức ), Graf, Stéfan (Áo), Belleg, Rostan, Roland Manuel (Pháp) và Gatti (1876 – 1948) (Ý) v.v…

Đặc biệt ở nước Nga, trong phong trào đấu tranh bảo vệ những tư tưởng tiến bộ, tư tưởng dân chủ nhằm giải phóng nông nô đã xuất hiện những nhà phê bình văn hoá nghệ thuật lỗi lạc. Họ đã có nhiều công lao rất to lớn trong sự hình thành và phát triển nền văn hoá nghệ thuật Nga từ thế kỷ XIX và đưa nền văn hoá này lên một tầng cao mới mang tính đột phá. Trong số đó phải kể đến các tên tuổi như Odoevski (1809 – 1896), Struski (1806-1856), Bielinski (1811-1848), Sérov (1820 -1871), Asafef (1784 -1949), Stasov ( 1824 – 1906), Tchaikovsky (1840 – 1893) v.v…

Từ những lý giải về lý luận và phê bình âm nhạc như đã nêu ở trên, chúng tôi nhìn nhận về thực trạng công tác lý luận phê bình âm nhạc hiện nay còn nhiều điều bất cập cần trao đổi và bàn bạc. Nếu nhìn về số lượng những nhà lý luận phê bình âm nhạc có trình độ chuyên môn thực sự của chúng ta hiện nay thì quả là còn quá ít so với sự phát triển văn hoá nghệ thuật trong tình hình hiện nay.

Nhìn chung công tác lý luận phê bình âm nhạc của chúng ta hiện này chưa được quan tâm một cách đúng mức mà đôi khi còn mang tính tự phát, đơn lẻ.

Bởi vậy cần có sự định hướng của các cấp lãnh đạo ngành văn hoá nghệ thuật, cần có chiến lược phát triển cả về số lượng và chất lượng đội ngũ những người làm công tác lý luận phê bình âm nhạc.

Từ những thập kỷ trước đây, chúng ta đã hình thành được một đội ngũ những người làm công tác lý luận phê bình âm nhạc được đào tạo cơ bản ở trong và ngoài nước. Họ thực sự là những lực lượng nòng cốt cho công tác nghiên cứu , đào tạo lý luận phê bình âm nhạc cho đất nước. Nhưng so với sự phát triển ngày càng đi lên của xã hội trong tình hình hội nhập như hiện nay thì công tác lý luận và phê bình âm nhạc cần phải đổi mới để theo kịp với thời đại. Trong số những bài viết về lý luận phê bình âm nhạc của chúng ta hiện này vẫn còn một số bài mang tính mô tả hoặc ca ngợi chung chung, hay né tránh chưa thực sự mang tính phát hiện hay phê phán.

Chính điều này đã làm giảm đi chất lượng của các bài viết , làm mất đi ý nghĩa và mục đích của phê bình âm nhạc nên thực sự chưa nâng tầm được tác giả, tác phẩm hoặc hướng cho công chúng tới những giá trị thẩm mỹ, giá trị tư tưởng được thể hiện trong tác phẩm.

Nếu trong một bài viết về lý luận phê bình âm nhạc , chúng ta biết khai thác tốt những tri thức của liên ngành để nhận định, phát hiện và phê phán thì hiệu quả đem lại sẽ rất to lớn.

Trong quá trình tham khảo một số bài viết về phê bình âm nhạc trong thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy đôi khi có những tác giả đã tự gán ghép những điều mà nhà soạn nhạc hoặc tác phẩm của nhà soạn nhạc không có. Điều này có liên quan tới nghệ thuậttrình độ phát hiện của nhà lý luận phê bình âm nhạc trong quá trình nhận định hoặc suy xét hiện tượng.

Thí dụ : Khi tham khảo về những ca khúc của thời Tân nhạc, chúng          ta có thể nhận định về tiến trình hình thành của dòng ca khúc này như sau:     lãng mạn  à  lãng mạn tiểu tư sản  à  lãng mạn cách mạng và   à  cách mạng.

Đồng thời chúng ta cũng có thể nêu ra một số tác giả, tác phẩm để  minh chứng cho nhận định trên.

Thí dụ : Khối tình Trương Chi của Phạm Duy, Bướm hoa của Nguyễn văn Thương, Con thuyền không bến - Đặng thế Phong, Em đến thăm anh một chiều mưa – Tô Vũ, Cô láng giềng – Hoàng Quý, Biệt ly – Doãn Mẫn, Lời Du tử - Nguyễn đình Phúc, Sơn nữ ca - Trần Hoàn, Dư âm - Nguyễn văn Tý, Mùa đông binh sỹ - Phan huỳnh Điểu v.v…

Trong tình hình hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, tỉ lệ dành cho diễn đàn của các nhà lý luận phê bình âm nhạc còn quá ít nên họ không có điều kiện để trao đổi với nhau về nghề nghiệp.

Nhiều chương trình giới thiệu âm nhạc trên truyền hình và đài tiếng nói Việt nam  hiện nay lại do những người làm báo hoặc biên tập không có chuyên môn về âm nhạc thực hiện. Điều này dẫn tới rất nhiều sai sót về chuyên môn đặc biệt là cách dùng từ ví von, so sánh trong quá trình giới thiệu các diễn viên. Chẳng hạn họ ví những ca sỹ ở hạng trung bình như những ngôi sao trên bầu trời âm nhạc. rồi thần tượng âm nhạc hoặc những tài năng xuất chúng v.v…

Hiện tượng này hiện nay là phổ biến , nó đi ngược lại những giá trị thẩm mỹ, giá trị của văn hoá âm nhạc, đặc biệt là các nguyên lý cơ bản của lý luận phê bình âm nhạc mà chúng ta cần phải phê phán mạnh mẽ.

Ở Việt nam, nhân dân ta thường tôn vinh Bác Hồ là cha già của dân tộc, là ngôi sao sáng dẫn đường cho cách mạng Việt nam đấu tranh giải phóng dân tộc. Đánh giá về sự nghiệp của nhà tư tưởng Nguyễn Trãi, cố thủ tướng Phạm văn Đồng đã gọi ông là ngôi “Sao Khuê” sáng ngời trên bầu trời đất nước.

Ở nước Nga, các nhà phê bình đã ví L.Tônxtôi là cây đại thụ trong nền văn học Nga, hoặc khi A.Puskin qua đời, nhân dân Nga đã ví ông như mặt trời của thi ca Nga đã tắt.

Những ví von trên không chỉ biểu hiện lòng kính trọng ngưỡng mộ tôn vinh đúng với những con người vĩ đại mà còn thể hiện trình độ hiểu biết sâu sắc về tầm kiến thức, về văn hoá trong lý luận phê bình.

Bởi vậy, ngôn từ sử dụng trong lý luận phê bình là một môn học bắt buộc đối với các nhà lý luận phê bình nói chung ( trong đó có lý luận phê bình âm nhạc nói riêng).

Phương pháp sử dụng ngôn từ và nghệ thuật nhận định, suy xét, phê phán, phát hiện để nghiên cứu, phân tích và đánh giá những hiện tượng âm nhạc trong đời sống xã hội là thước đo về trình độ, đạo đức, nhân cách và tư chất nghề nghiệp của nhà lý luận phê bình âm nhạc.

Để khắc phục những bất cập về công tác lý luận phê bình âm nhạc như hiện nay, đều cần có một giải pháp, một định hướng hữu hiệu của các nhà quản lý văn hoá nghệ thuật. Để giải quyết nhu cầu cấp bách này, trường Đại học sư phạm nghệ thuật Trung ương tổ chức một hội thảo khoa học về lý luận phê bình âm nhạc là việc làm rất có ý nghĩa.

Tuy nhiên để phát huy có hiệu quả công tác lý luận phê bình âm nhạc thì công tác đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực là một hướng đi mang tầm chiến lược bền vững và lâu dài.

Trong những năm gần đây, chương trình đào tạo chuyên ngành lý luận âm nhạc của Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt nam đã triển khai hai môn học là “Phương pháp phê bình âm nhạc” do GS.TS Phạm minh Khang giảng dạy và môn “Thuyết trình học” do PGS.TS Cù lệ Duyên đảm nhận. Qua quá trình giảng dạy hai môn này, chúng tôi đã có được những kết quả và những kinh nghiệm bước đầu.

Với chương trình đào tạo chính quy đã giúp cho sinh viên ngành lý luận âm nhạc có được sự hiểu biết nhất định về chuyên ngành phê bình âm nhạc. Sự kết hợp giữa môn “ Thuyết trình học” với phương pháp sưu tầm điền dã đã giúp cho sinh viên lý luận có được những bài viết thu hoạch về môn phương pháp lý luận phê bình âm nhạc.

Lẽ dĩ nhiên, từ kiến thức được đào tạo trong nhà trường để sau này trở thành nhà lý luận phê bình âm nhạc vẫn còn một khoảng cách rất lớn mà mỗi sinh viên ngành lý luận âm nhạc khi ra trường cần phải tiếp tục phấn đấu học hỏi nhiều hơn nữa.

Sự kết hợp chặt chẽ giữa những kiến thức trong nhà trường và kiến thức thực tiễn ngoài xã hội dần dần sẽ lấp đầy được khoảng cách này. Các sinh viên ngành lý luận âm nhạc có điều kiện tiếp tục phấn đấu , học hỏi, tu dưỡng thêm kiến thức để có thể trở thành những nhà lý luận phê bình âm nhạc trong tương lai.

Muốn đạt được mục tiêu đó thì công tác đào tạo ngành lý luận phê bình âm nhạc cần được xem là một nhu cầu cấp bách trong tình hình hiện nay và cả mai sau .

Mặt khác, các nhà lý luận phê bình âm nhạc có tên tuổi, có bề dày về những công trình khoa học sẽ là những điểm tựa để thế hệ trẻ phấn đấu học hỏi và noi theo. Nếu được như vậy thì chúng ta mới có thể phát triển ngành lý luận phê bình âm nhạc cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, phục vụ cho định hướng phát triển ngành văn hoá nghệ thuật của Đảng và Nhà nước trong xu thế hội nhập và phát triển.

Tuy nhiên, để làm tốt điều này chúng ta cần phải nắm vững được những nguyên tắc tư tưởng, mỹ học của phê bình âm nhạc, đồng thời phải coi đặc trưng của phê bình âm nhạc là một môn khoa học, một loại hình âm nhạc học (musicologic) hay dân tộc nhạc học ( Ethnomusicologic).

Thứ nhất: Vị trí của phê bình âm nhạc trong nền văn hoá âm nhạc của xã hội là vô cùng quan trọng, nó thực hiện chức năng là đánh giá thẩm định, phát hiện, phê phán những hiện tượng nghệ thuật âm nhạc.

Những vấn đề như chức năng xã hội của phê bình âm nhạc, những đòi hỏi của xã hội, nghề nghiệp đối với phê bình âm nhạc, những phương pháp khoa học chung và những phương pháp đặc thù hay tính đa chiều, đa ngành trong phê bình âm nhạc được coi là phương pháp luận (Métodologic).

Thứ hai: Những thước đo giá trị , những luận cứ để người làm công tác phê bình âm nhạc nhận định, phát hiện, bình phẩm, phê phán, suy xét tác phẩm được kết hợp chặt chẽ mang tính tương hỗ với đạo đức, nhân cách, bản lĩnh nghề nghiệp của người phê bình âm nhạc (trung thực, công bằng, khách quan) được coi là những cơ sở lý thuyết của phê bình âm nhạc (Théorie).

Thứ ba : Những vấn đề thể loại, khuynh hướng, tác giả, tác phẩm, ngôn ngữ sử dụng cũng như sự phân loại và những đặc điểm của những thể loại trong phê bình âm nhạc được coi là phần thực hành (La pratique).

Công tác lý luận và phê bình âm nhạc là một chiến lược lâu dài nằm trong định hướng mang tầm vĩ mô của Đảng và Nhà nước với phương châm phát triển nền văn hoá nghệ thuật Việt nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Để thực hiện có hiệu quả chiến lược lâu dài này, nhà nước cần có sự đầu tư trong công tác đào tạo lý luận phê bình nói chung và lý luận phê bình âm nhạc nói riêng.

Nếu được như vậy, chúng ta mới có thể đào tạo lý luận phê bình âm nhạc tại các học viện, các nhạc viện và các trường đại học văn hoá nghệ thuật đạt được hiệu quả cao cả về số lượng và chất lượng.

Hội thảo “ Lý luận phê bình âm nhạc “ của trường Đại học sư phạm nghệ thuật trung ương được coi là tiếng nói đầu tiên giúp cho các nhà lý luận phê bình âm nhạc nhích lại gần nhau hơn.

Qua hội thảo này, chúng ta sẽ có cách nhìn về lý luận phê bình âm nhạc trên một bình diện rộng hơn từ nhiều góc độ, nhiều liên ngành.

Đặc biệt là công tác đào tạo ngành lý luận phê bình âm nhạc sẽ giúp cho chúng ta có được một đội ngũ những nhà lý luận âm nhạc trẻ vừa có trình độ chuyên môn cao lại vừa có đạo đức và nhân cách cũng như tư chất nghề nghiệp để phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp văn hoá nghệ thuật của đất nước trong xu thế hội nhập và phát triển ./.