Nghiên cứu lý luận

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW: Nửa thế kỷ giáo dục văn hóa nghệ thuật “Trách nhiệm, chuyên nghiệp, chất lượng, sáng tạo, nhân văn”

25 Tháng Tám 2021

                                                             Ban Biên tập Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật

           Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương là ngôi trường có bề dày truyền thống trong đào tạo giáo viên nghệ thuật của Việt Nam v lĩnh vực giáo dục nghệ thuật; là cái nôi đào tạo ra nhiều thế hệ cán bộ, nhà giáo cho đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm sự nghiệp đào tạo giáo viên nghệ thuật, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS. Đào Đăng Phượng - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường, Vị thuyền trưởng - người  đồng hành cùng trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương vượt qua những khó khăn, thách thức để khẳng định vị thế một cơ sở đào tạo hàng đầu trong cả nước về lĩnh vực giáo dục nghệ thuật.

PGS.TS.NGƯT. Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng NUAE

PV: Thưa PGS.TS. Đào Đăng Phượng trên cương vị Hiệu trưởng, thầy đánh giá như thế nào về sự phát triển cũng như vị thế của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW trong những năm qua?

Hành trình 50 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành với nhiều lần thay đổi tên gọi nhưng nhiệm vụ của Nhà trường không ngừng phát triển, đó là quá trình phấn đấu bền bỉ, lâu dài vượt mọi khó khăn, thử thách. Với sứ mạng là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trình độ đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục nghệ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế. Với giá trị cốt lõi "Trách nhiệm, chuyên nghiệp, chất lượng, sáng tạo, nhân văn", với tâm huyết và năng lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong nửa thế kỷ qua, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW đã khẳng định được vị thế, uy tín, vai trò tiên phong trong lĩnh vực giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam.

Đến Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương hôm nay, mỗi người đều có thể nhận thấy bước chuyển mình của một ngôi trường, sự thay đổi về cơ sở vật chất, về nhà trường sư phạm và hướng phát triển ngành nghề đào tạo đã làm nên một diện mạo mới mang thương  hiệu NUAE.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường hiện nay, có gần 400 cán bộ - giảng viên  và hàng trăm giảng viên thỉnh giảng, các giảng viên của trường đều là những nhà giáo, nghệ sĩ có uy tín. Nhà trường cũng đã tập hợp được đội ngũ những nhà giáo dục nghệ thuật thực sự có tài năng, uy tín và lòng nhiệt tình cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu như: GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh, GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm, GS.TS. Lê Hồng Lý, GS.TS. Lê Ngọc Canh, GS.TS. Nguyễn Văn Đính, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn… Nhiều cán bộ, giảng viên của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW là thành viên, tham gia Hội đồng chấm các công trình nghiên cứu khoa học cấp cao, Hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Nhà nước, Hội đồng khoa học và Đào tạo của nhiều cơ sở đào tạo Việt Nam.

Cho tới nay, Trường đã có hơn 30 tiến sĩ và nhiều thạc sỹ đang là Nghiên cứu sinh tại các trường đại học, học viện uy tín trong và ngoài nước như: Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương,… 100% giảng viên ở các khoa chuyên môn của trường đều có trình độ sau đại học. Cũng trong năm 2020, Hội đồng chức danh GS, PGS của trường vừa xét công nhận thêm 04 Phó giáo sư, đưa tổng số GS,PGS của Trường lên 15. Đó không chỉ là niềm tự hào của mỗi cá nhân mà còn là niềm vui chung của nhà trường. Chúng tôi luôn đặt niềm tin và trân trọng sự cố gắng của mỗi cá nhân trong việc nâng cao trình độ của bản thân, góp phần vào sự lớn mạnh của đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường.

 Công tác đào tạo được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Nhà trường. Từ chỗ, Trường chỉ có 02 mã ngành (Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc và Cao đẳng Sư phạm Mỹ thuật), đến nay, Nhà trường đang triển khai 20 mã ngành và chuyên ngành đào tạo (với 16 mã ngành trình độ Đại học: Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Âm nhạc Mầm non, Sư phạm Mỹ thuật, Sư phạm Mỹ thuật Mầm non; Quản lý văn hóa, Quản lý văn hóa Nghệ thuật, Quản lý Du lịch, Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ hoạ, Hội hoạ, Thanh nhạc, Piano, Diễn viên kịch - điện ảnh, Công nghệ may, Công tác xã hội, Du lịch; 03 mã ngành đào tạo trình độ cao học: Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc, Quản lý Văn hóa, Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật; 01 mã ngành đào tạo trình độ tiến sĩ là Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc). Hiện nay, Trường đã kết thúc nhiệm vụ đào tạo trình độ Cao đẳng và đang thực hiện sứ mệnh đào tạo các ngành nghệ thuật ở những bậc cao hơn.

Giai đoạn vừa qua, cũng đã ghi những dấu ấn mạnh mẽ trong hoạt động đổi mới giáo dục đào tạo, trong đó có giáo dục nghệ thuật với "Chương trình giáo dục phổ thông mới" được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức thông qua. Một lần nữa, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và cá nhân tôi tiếp tục được lãnh đạo Bộ giao nhiệm vụ tham gia vào việc xây dựng Chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nghệ thuật để đáp những yêu cầu đổi mới này. Đồng thời, với vị thế là trường đại học số một về lĩnh vực giáo dục nghệ thuật, trên cương vị Hiệu trưởng Nhà trường tôi đã được các trường đề xuất và Hiệp Hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam ra Quyết định bổ nhiệm làm Chủ nhiệm "Câu lạc bộ khối đào tạo giáo viên nghệ thuật". Điều đó cũng khẳng định thêm vị thế quan trọng của Nhà trường - là “địa chỉ đỏ” trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghệ thuật đáp ứng theo nội dung Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Song song với hoạt động đào tạo, Hợp tác quốc tế là một công tác quan trọng góp phần triển khai và thúc đẩy sự nghiệp giáo dục đào tạo, trao đổi kinh nghiệm với các trường Đại học, các tổ chức quốc tế, góp phần xây dựng vị thế của Nhà trường trong khu vực và trên thế giới. Trong những năm qua, hoạt động hợp tác quốc tế  của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW được thực hiện với nhiều hình thức: Hợp tác đào tạo trao đổi giảng viên, sinh viên, ngoài việc tiếp nhận sinh viên, học viên các nước tới học tập, nghiên cứu tại trường, Nhà trường cũng đã có nhiều sinh viên được cử đi học tập, trao đổi tại các trường đại học, học viện nghệ thuật uy tín tại các nước: Ý, Nga, Hungari, Pháp… ; Trao đổi văn hóa, biểu diễn nghệ thuật với một số cơ sở đào tạo nghệ thuật danh tiếng của nước ngoài như: Đại học Brigham Young (Mỹ) , Đại học Công nghệ Queensland (Úc), Trường Đại học Messina, Đại học Bologna (Italy), Dự án Voyage - (Dự án Tăng cường cơ hội tiếp cận thị trường lao động cho sinh viên Việt Nam) do tổ chức AlmaLaure, Cộng hòa Italy chủ trì và được tài trợ của Uỷ ban châu Âu.

       Công tác đảm bảo chất lượng giáo dục của Nhà trường được quan tâm và phát triển, từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong. Tháng 3/2018, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã tổ chức đợt khảo sát chính thức phục vụ đánh giá ngoài theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường đại học của Bộ GD&ĐT do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tiến hành. Tháng 7/2018, Trường chính thức đón nhận chứng nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục. Đây là kết quả sau quá trình tự đánh giá của nhà trường, là dấu mốc có ý nghĩa quan trọng trên chặng đường phát triển của Nhà trường; là sự đo lường khách quan, công bằng, ghi nhận sự nỗ lực vượt bậc của mỗi thành viên trong nhà trường trong giai đoạn phát triển đại học cạnh tranh và đầy biến động.

Nói đến thành quả của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW giai đoạn vừa qua, không thể không nhắc tới công tác cơ sở vật chất đã có nhiều sự thay đổi rõ rệt. Khắc phục những khó khăn do điều kiện tài chính còn hạn chế, Nhà trường đã đã đầu tư có trọng điểm, hợp lý đề từng bước có một cơ sở làm việc, học tập khang trang. Những công trình như: Xưởng thực hành may, Phòng truyền thống, Phòng hòa nhạc, Phòng thu âm, Sân vận động, Ký túc xá… được tu sửa, nâng cấp, làm mới cùng với trang thiết bị hiện đại đã và đang từng bước đáp ứng được yêu cầu của một cơ sở giáo dục đại học. Đến trường ĐHSP Nghệ thuật TW hôm nay, chắc hẳn các bạn sẽ thấy được sự đổi thay rõ rệt, đó là màu xanh tươi trẻ, đầy sức sống, không gian thoáng đãng, Sáng - Xanh - Sạch đã làm nên một môi trường chuyên nghiệp, mới mẻ và tạo được nên sự hứng khởi, say mê trong học tập, giảng dạy của cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Có thể sẽ là thiếu khách quan nếu như tự nhận xét về đơn vị của mình. Tuy nhiên, những gì mà Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã làm được trong thời gian qua thể hiện bằng số liệu rõ ràng là minh chứng cho nỗ lực phát triển không ngừng trên nhiều phương diện của tập thể cán bộ, giảng viên và hàng ngàn học viên, sinh viên của Trường.

PV. Trong những thành công đó, theo ông, vai trò của người lãnh đạo là gì?

Tôi cho rằng, có được những thành quả trên là sự nỗ lực, cố gắng, tâm huyết, đồng lòng của biết bao thế hệ cán, bộ giảng viên, các em sinh viên trong hoạt động giáo dục nghệ thuật. Chúng tôi - Đảng ủy và Ban giám hiệu nhận thức được vai trò của mình trong hoạt động chung của Nhà trường.

Để có được như ngày hôm nay, đó là sự kế thừa trên nền tảng truyền thống 50 năm, chúng tôi trân trọng đóng góp của biết bao thế hệ nhà giáo đối với sự phát triển của Nhà trường ngày hôm nay. Chúng tôi sẽ luôn lưu giữ, nâng tầm những giá trị tốt đẹp, chọn lọc và phát huy những kinh nghiệm trong công tác quản lý của các thế hệ lãnh đạo đi trước.

Bên cạnh đó, trong xu thế chung của thời đại hiện nay, nhân tố lãnh đạo đóng vai trò là người ủng hộ và chỉ đạo đối với mọi hoạt động chung của đơn vị. Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường cần tập hợp được tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả một tập thể. Chúng tôi luôn ý thức điều đó trong chỉ đạo mọi hoạt động, tinh thần đoàn kết không phải chỉ trong nội bộ các đơn vị mà còn nằm trong sự phối hợp hài hòa giữa các đơn vị trong trường tạo nên một khối đoàn kết.

Một yếu tố nữa mà người lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo một cơ sở giáo dục nghệ thuật trong thời kỳ hội nhập hiện nay cần tới đó là sự năng động, sáng tạo. Chúng tôi luôn tìm kiếm những cơ hội mới, phù hợp để có thể tiến hành liên kết, hợp tác trao đổi với nhiều đơn vị đối tác. Trường cũng chủ động nắm bắt được xu thế xã hội để mở thêm nhiều ngành nghề đào tạo mới ngoài những ngành truyền thống, thực hiện theo phương châm: đào tạo cái xã hội cần chứ không phải đào tạo cái mình có.

Người lãnh đạo phải có cái tâm sáng, luôn luôn nghĩ và hướng tới những việc làm cụ thể để cho Trường phát triển, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân của mình. Quan tâm và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của mỗi cán bộ giảng viên, sinh viên cũng là một điều cần thiết. Chúng tôi luôn thường trực Hộp thư góp ý kiến để mỗi vấn đề, cán bộ giảng viên và sinh viên có thể trực tiếp và kịp thời chuyển tới cho Đảng úy, Ban giám hiệu. Bên cạnh đó, những hoạt động mang tính dân chủ, công khai được nhà trường tổ chức thường niên nhằm tăng cường tinh thần dân chủ trong cơ quan như: Hội nghị cán bộ viên chức, Hội nghị đối thoại giữa sinh viên với Hiệu trưởng… giúp cho Đảng ủy, Ban giám hiệu có điều kiện lắng nghe những ý kiến, quan điểm, giải đáp những băn khoăn thắc mắc góp phần xây dựng một môi trường làm việc dân chủ, kỷ cương, đoàn kết trong cơ quan.

PV. Từ nền tảng của 50 năm truyền thống, xin thầy chia sẻ về mục tiêu của Nhà trường trong giai đoạn tiếp theo!

Trước mắt, Đảng ủy Ban giám hiệu Nhà trường đang chỉ đạo tập trung vào mở rộng khuôn viên của trường; xây dựng thêm Trường phổ thông Thực nghiệm Sư phạm Nghệ thuật trực thuộc trường. Đồng thời xây dựng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW thành trường trọng điểm đào tạo về lĩnh vực giáo dục nghệ thuật, có các cơ sở đào tạo Bắc - Trung - Nam. Các chương trình đào tạo đều được kiểm định và đánh giá chất lượng.

Với tầm nhìn đến năm 2030, phấn đấu đưa Trường ĐHSP Nghệ thuật TW trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Văn hóa, Giáo dục nghệ thuật có uy tín ở Việt Nam và hội nhập quốc tế. Định hướng của Trường phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực văn hóa - nghệ thuật có chất lượng trong nền kinh tế tri thức vì lợi ích cộng đồng và xã hội. Nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện để cạnh tranh với những cơ sở đào tạo có uy tín cùng lĩnh vực trong nước, từng bước tiếp cận với chất lượng của các trường đại học tiên tiến trong khu vực và thế giới; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; Chủ động mở rộng liên kết với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, các tổ chức trong và ngoài nước theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa các loại hình hợp tác để nâng cao hình ảnh, uy tín của Trường; Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học đạt chuẩn về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu để có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Nhà trường trong thời kì mới.

Sự phát triển của Nhà trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã, đang và sẽ gắn với công cuộc đổi mới của đất nước, với những vận hội và những thách thức lớn phía trước. Với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của ngành Giáo dục và của xã hội; phát huy thế mạnh của 50 năm xây dựng và trưởng thành, chúng tôi tin tưởng rằng với sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị, với trí tuệ, lòng nhiệt huyết và tinh thần đoàn kết của tập thể cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên trong toàn trường trong giai đoạn mới - giai đoạn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học, Nhà trường sẽ có những bước chuyển biến tích cực và phù hợp, tạo tiền đề quan trọng cho định hướng phát triển Trường ĐHSP Nghệ thuật TW trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa.

Xin cảm ơn PGS.TS. Đào Đăng Phượng và chúc cho mục tiêu mà Nhà trường đề ra sớm trở thành hiện thực.