Nghiên cứu lý luận

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TẠI TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO HUYỆN THANH MIỆN, TỈNH HẢI DƯƠNG

30 Tháng Tám 2021

                                         Nguyễn Văn Chính K7

Học viên K7 - Quản lý văn hóa

Nhằm triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, công tác quản lý nhà nước về văn hóa cần được quan tâm, coi trọng cả về lý luận và thực tiễn. Trong giai đoạn hiện nay công tác quản lý nhà nước về văn hóa được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng, nhất là khi quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của đảng đã chỉ rõ “Xây dựng môi trường văn hóa một cách toàn diện ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp để văn hóa thực sự là động lực , đột phá phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế”. Với sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các địa phương vấn đề đặt ra cho những người đang làm công tác văn hóa, công tác quản lí về văn hóa tại các cơ quan, đơn vị, các địa phương như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất đáp ứng được sự mong đợi của mỗi người dân và cộng đồng.

1. Thực trạng quản lý hoạt động văn hóa tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Thanh Miện

 Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Thanh Miện là đơn vị sự nghiệp có chức năng hướng dẫn và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức và cung ứng các dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT nâng cao dân trí, nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn huyện. Hoạt động tại Trung tâm hiện nay đã phần nào đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân trên địa bàn huyện tạo sự phát triển hài hòa giữa đời sống văn hóa tinh thần với sự phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý hoạt động tại Trung tâm còn bộc lộ một số tồn tại và hạn chế.

 

Hệ thống thiết chế văn hóa cấp huyện cơ bản hoàn chỉnh với một Nhà văn hóa trung tâm, 1 thư viện và một sân vận động, tuy nhiên ở cấp xã thị trấn, thôn- KDC phần lớn các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân được đầu tư xây dựng cách đây 10-20 năm nên quy mô còn nhỏ, chưa được bổ sung mua sắm trang thiết bị thường xuyên, chưa đảm bảo điều kiện hoạt động. Nhiều nơi cơ sở vật chất bên trong nhà văn hóa chưa đồng bộ, nghèo nàn, chưa được đầu tư nhiều, dụng cụ thể thao hầu hết còn thiếu. Trong khi một số ít địa phương chưa quy hoạch được quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, thì 1 số địa bàn sau sáp nhập việc sử dụng thiết chế văn hóa thể thao cũng chưa hiệu quả (thừa Nhà văn hóa nhưng lại thiếu cơ sở vật chất: bàn, ghế, loa đài, dụng cụ thể thao). Nhiều nơi chưa có các công trình văn hóa, thể thao và khu vui chơi giải trí phù hợp với mức sống của nhân dân. Điều kiện cơ sơ vật chất đã vậy, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa cơ sở cũng còn nhiều bất cập. Tại địa bàn huyện Thanh Miện, đội ngũ cán bộ làm công tác Văn hóa - Thể thao còn thiếu và yếu cả về năng lực lẫn chuyên môn, nghiệp vụ. Còn tình trạng sử dụng cán bộ trái ngành, trái nghề; cán bộ chưa sâu sát với phong trào, thiếu sự nhiệt tình. Do đó hàng năm Trung tâm văn hóa thể thao huyện phải hợp đồng, thuê, mượn thêm huấn luyện viên, hướng dẫn viên giỏi, có kinh nghiệm về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đối với cấp xã cũng thường xuyên di biến động về con người; chưa kể cán bộ văn hóa còn kiêm nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ còn yếu, không được bồi dưỡng kiến thức nâng cao kỹ năng quản lý và tổ chức hoạt động thường xuyên. Bởi vậy việc xây dựng nội dung và tổ chức các hoạt động văn hóa ở cơ sở chưa thực sự hiệu quả, mới chỉ dừng lại ơ việc phục vụ các hội họp, các sự kiện tại địa phương, thậm chí hoạt động mang tính thời vụ, phong trào, không tổ chức được các hoạt động mang tính định kỳ hàng tuần, hàng tháng, hàng quý nhằm tạo thói quen sinh hoạt văn hóa - thể thao của nhân dân tại địa phương. Việc kết nối, phối hợp giữa cán bộ Trung tâm VHTT huyện với các cơ sở chưa được chặt chẽ, chưa có sự hướng dẫn kịp thời. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước dành cho các hoạt động văn hóa, thể thao còn hạn hẹp, việc thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng thiết chế, cơ sơ vật chất văn hóa thể thao cũng gặp nhiều khó khăn do địa phương là huyện thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Cơ chế hỗ trợ của UBND các cấp quá thấp so với nhu cầu thực tế nên cơ sở vật chất trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác Văn hóa - Thể thao còn thiếu và không đủ tiêu chuẩn theo quy định. Đối với Trung tâm Văn hóa thể thao, kinh phí hoạt động bao gồm hai nguồn: Một là từ ngân sách Nhà nước cấp, hai là các nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp và các nguồn thu hợp pháp khác nhưng hiệu quả chưa cao. Ngoài tiền lương, cán bộ, viên chức tại Trung tâm không được hưởng bất kỳ khoản phụ cấp nào, dẫn đến đời sống cán bộ gặp nhiều khó khăn, chưa thực sự yên tâm công tác, chưa thực sự gắn bó, tâm huyết với nghề. Chế độ đối với người tham gia cống hiến cho các phong trào, hoạt động thể thao tại trung tâm còn thấp. … Tất cả những bất cập này đã gây không ít khó khăn cho việc tổ chức, các hoạt động văn hóa, thể thao.

2. Giải pháp quản lý hoạt động tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Thanh Miện

Trước những vấn đề nêu trên, để nâng cao chất lượng công tác quản lý hoạt động tại Trung tâm nhằm thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, thể thao cũng như mang lại cơ hội, điều kiện tốt nhất cho người dân trong sáng tạo, hưởng thụ và thực hành văn hóa, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số giải pháp cơ bản như:

Một là:

Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò của hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật văn hóa, thể thao nhằm giúp mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ứng xử và thực hành văn hóa theo những chuẩn mực, quy tắc, điều lệ nhất định, tạo nếp sống văn minh, khoa học, tiến bộ. Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với Huyện ủy- UBND huyện quan tâm hơn nữa về đầu tư kinh phí cho các hoạt đông văn hóa thể thao (nhất là tham mưu UBND huyện Thanh Miện cần quy hoạch quỹ đất cho TTVHTT huyện để xây dựng khu Trung tâm liên hoàn, Nhà thi đấu, Nhà văn hóa đủ đáp ứng phục vụ các hoạt động, các khu vui chơi cho Thanh thiếu nhi. Nâng cấp, sửa chữa các thiết chế văn hóa đã xuống cấp tại các xã, thôn khu dân cư. Tiếp tục tham mưu xây dựng mô hình Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã theo quy định của Bộ VHTT&DL. Tăng cường đầu tư kinh phí cho các hoạt động Văn hóa - Thể thao phù hợp với việc đổi mới hình thức hoạt động trong tình hình mới, khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của tỉnh cấp cho chương trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các hoạt động, thiết chế văn hóa, thể thao cho các xã, thôn khu dân cư còn thiếu và đã xuống cấp). Có chính sách đãi ngộ đặc thù dành cho các vận động viên thể thao đạt thành tích đặc biệt xuất sắc, tiền thưởng cho vận động viên thành tích cao; Quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác xã hội hóa xây dựng các thiết chế thể thao tại các địa phương. Đối với Trung tâm, cần làm tốt việc cung ứng dịch vụ văn hóa công ích có hiệu quả cao cho các sự kiện chính trị, các phong trào văn hóa xã hội, nâng cao thu nhập hàng tháng cho cán bộ, viên chức. Khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội tham gia sáng tạo, sản xuất, và kinh doanh trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Làm tốt công tác phối hợp với các ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn huyện Thanh Miện xây dựng nội dung, tổ chức các chương trình, hoạt động văn hóa, thể thao, ra mắt và duy trì các mô hình Câu lạc bộ.... phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và tình hình thực tế của địa phương.

Hai là, xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn lực

Yếu tố con người luôn đóng vai trò trung tâm của mọi quá trình phát triển. Do đó, cần quan tâm xây dựng chế độ, chính sách đãi ngộ để kích thích sự sáng tạo, động viên người có năng lực công tác tốt làm việc, tạo ra một môi trường làm việc có trách nhiệm, quyền lợi, quyền hạn rõ ràng và công khai. Đề xuất tăng cường thêm đội ngũ cán bộ, bởi quân số hiện nay còn thiếu gắn với không ngừng nâng cao trình độ, chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện hướng dẫn cấp xã- thị trấn xây dựng kế hoạch hoạt động hàng tháng, hàng quý, hàng năm phù hợp với điều kiện và kinh phí hoạt động của địa phương; theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc của địa phương nhằm tổ chức một cách tốt nhất các hoạt động văn hóa thể thao. Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ đối với cấp xã, cụ thể là thường xuyên tổ chức luân phiên các cuộc hội thi, hội diễn, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại các xã trên địa bàn nhằm khơi dậy phong trào tại địa phương.

 Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động.

Xã hội hóa các hoạt động văn hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm huy động tối đa tiềm năng, trí tuệ, sự sáng tạo, công sức của nhân dân và các lực lượng xã hội cùng Nhà nước nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, đồng thời từng bước đổi mới cơ chế quản lý, mở rộng quyền, trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia hoạt động và quản lý lĩnh vực văn hóa. Để thực hiện tốt phương thức xã hội hoá các hoạt động văn hoá, Trung tâm VHTT huyện cần thực hiện một số việc cụ thể như sau: Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND huyện ra quyết định về cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa các hoạt động của TTVHTT huyện Thanh Miện từ nay đến năm 2030.Thu hút tạo điều kiện, ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện, tỉnh tham gia vào hoạt động xã hội hóa văn hóa nói chung và hoạt động TTVH nói riêng. Tìm kiếm các nhà đầu tư, tài trợ đầu tư vào xây dựng và các hoạt động tại Trung tâm. Việc gây quỹ và tìm tài trợ là hướng đi mới mẻ cho TTVHTT huyện Thanh Miện. Việc làm này sẽ góp phần rất lớn cho sự tồn tại cũng như là phát triển của tổ chức. Để hoạt động gây quỹ đạt hiệu quả cao nhất, đòi hỏi hoạt động Marketing của Trung tâm phải có sự đổi mới, đột phá, không đi theo lề thói cũ. Khi nguồn tài chính có thì đồng nghĩa chất lượng các hoạt động sẽ được nâng cao, chương trình văn nghệ được đầu tư hơn về biên đạo, âm thanh, ánh sáng. Các giải đấu thể thao có cơ chế khen thưởng cao hơn, chắc chắn Trung tâm sẽ nhận được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân hơn. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức trong cộng đồng về chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa quần chúng. Đảng và Nhà nước ta luôn có những chủ trương, chính sách đúng đắn thúc đẩy sự phát triển của đất nước, nhưng trên thực tế ở cấp cơ sở việc triển khai thực hiện chưa thực sự đồng bộ và bài bản, mỗi địa phương thực hiện theo điều kiện khách quan của đơn vị mình, dẫn tới hiệu quả của các chính sách chưa thật sự đến với người dân, đặc biệt ở lĩnh vực văn hóa cơ sở.

Bốn là, không ngừng đổi mới nâng cao hiệu quả các hoạt động.

 Xây dựng kế hoạch chuyển sang phương thức hoạt động cung ứng dịch vụ công nhằm đáp ứng tối đa, công bằng, lành mạnh nhu cầu đời sống văn hóa ngày càng cao của người dân. Trong quá trình quản lý sẽ phát huy sức mạnh tự chủ, tự quản, tự sáng tạo đổi mới , không thụ động ỷ lại, dựa dẫm vào chế độ bao cấp về tư duy, cũng như phương pháp và tài chính. Đối với công tác công tác tuyên truyền, công tác văn nghệ, công tác TDTT, công tác thư viện, hoạt động dịch vụ, trên cơ sở thực tiễn sẽ thường xuyên, liên tục đổi mới theo hướng đa dạng, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao của các tầng lớp nhân dân.

Năm là, Phối hợp với các cơ quan chức năng, tăng cường tổ chức các đợt kiểm tra thường xuyên, đột xuất nhằm chấn chỉnh kịp thời những sai phạm, xử lý nghiêm những vi phạm nghiên trọng, đảm bảo theo đúng quy chế hoạt động của cơ quan và quy định của pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên ngành trong công tác quản lý các hoạt động văn hóa nghệ thuật trên địa bàn huyện. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra đánh giá chất lượng giáo viên, huấn luyện viên giảng dạy, hướng dẫn các bộ môn năng khiếu tại Trung tâm, có biện pháp thay thế, bổ sung đối với giáo viên, huấn luyện viên không đạt yêu cầu. Song song với đó, quan tâm đến công tác thi đua khen thưởng để làm đòn bẩy, kích thích cá nhân, tập thể hăng say làm việc, phát huy hết khả năng của mình trong công tác. Cụ thể: hàng năm xây dựng tiêu chí cụ thể cho từng danh hiệu thi đua. Khen thưởng kịp thời cho các cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ được giao bằng hình thức hợp lý. Có chế độ khen thưởng đột xuất cho cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong các hoạt động; Nhân rộng, khuyến khích những cách làm hay, đổi mới sáng tạo, hiệu quả, cụ thể và thiết thực. Lấy kết quả thi đua khen thưởng là một trong những tiêu chí để động viên cán bộ xét bổ nhiệm, cử đi đào tạo nâng cao...

Việc nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Thanh Miện là một đòi hỏi tất yếu, khách quan nhưng cần bám sát những quan điểm của chỉ đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa và quản lý văn hóa.

 

                                             TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng NXB: Chính trị quốc gia sự thật năm 2021;
  2. Báo cáo đánh giá kết quả hoạt động Văn hoá – Thể thao huyện Thanh Miện, tỉnh Haie Dương từ năm 2015 đến nay;
  3. Báo cáo chuyên đề của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ
  4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2010), Thông tư số 01/2010/ TTBVHTTDL ngày 26/02/2010 về ban hành Quy chế tổ chức các hoạt động văn hóa của tổ hoạt động văn hóa sự nghiệp hoạt động văn hóa trong lĩnh vực VHTT&DL quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.