Tin tức

Khu vực ghi nhận thành tựu giáo dục Việt Nam

05 Tháng Mười 2021

 

Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN + 3 lần thứ 5, diễn ra theo hình thức trực tuyến sáng 1/10.Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN + 3 lần thứ 5, diễn ra theo hình thức trực tuyến sáng 1/10.

Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN + 3 lần thứ 5

Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN + 3 lần thứ 5 có chủ đề “Chuyển đổi giáo dục theo hướng ASEAN: kết nối những mối quan hệ đối tác trong thời gian khủng hoảng toàn cầu”, với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Philiipines.

Tham dự Hội nghị có các Bộ trưởng và đại diện phụ trách Giáo dục của Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Nhật Bản, Malaysia, Myanmar, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và Việt Nam; Ban Thư ký ASEAN, Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN) và Ban Thư ký Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO). 

Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN + 3 lần thứ 5, diễn ra theo hình thức trực tuyến sáng 1/10.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Cũng như nhiều nước trong khu vực ASEAN+3, Việt Nam đang trải qua làn sóng Covid-19 thứ 4 với những ảnh hưởng mạnh mẽ đến giáo dục. Các trường học tại nhiều tỉnh, thành phố phải đóng cửa và học sinh học tại nhà.

“Những kinh nghiệm có được từ những lần bùng phát dịch trước đây phần nào giúp chúng tôi chủ động xử lý vấn đề nhanh chóng và linh hoạt hơn. Chúng tôi xác định những năm học tới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, cần thực hiện chuyển đổi giáo dục để có thể thích ứng được với những vấn đề mới có thể ảnh hưởng đến giáo dục trong tương lai”. Nêu thông tin này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam đồng thời cho rằng: Chuyển đổi giáo dục là cần thiết và chắc chắn là một quá trình lâu dài đòi hỏi nhiều nguồn lực.

Chuyển đổi giáo dục bao gồm: tăng cường hiệu suất của hệ thống giáo dục, đổi mới, bao trùm và nguồn lực. Bộ GD&ĐT Việt Nam cùng chia sẻ quan điểm với các chuyên gia giáo dục quốc tế rằng, dù giáo dục có chuyển đổi thế nào thì mục tiêu đầu tiên cần hướng tới đó là sự công bằng và một hệ thống giáo dục dễ dàng tiếp cận đối với mọi đối tượng người học” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Giáo dục các nước ASEAN đã thông qua tuyên bố chung tại Hội nghị.

Năm 2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch kênh giáo dục ASEAN và sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục  Asean+3 lần thứ 6, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục cấp cao ASEAN- Đông Á lần thứ 6 tại Hà Nội.

Học sinh Tiểu học Việt Nam đứng đầu ở 3 năng lực: Toán học, Đọc hiểu, Viết. 

Kết quả vượt trội của học sinh tiểu học Việt Nam

Sáng ngày 1/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị Tổng kết SEA PLM 2019. Hội nghị được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của Sở GD&ĐT các địa phương, chuyên gia, cán bộ quản lý các nhà trường.

Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á (The Southest Asia Primary Learning Metrics) được tổ chức triển khai từ năm 2018 đến năm 2021, khảo sát chính thức vào năm 2019 (gọi tắt là SEA PLM 2019). SEA PLM 2019 nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc giám sát hệ thống kết quả học tập của học sinh. SEA PLM 2019 đánh giá học sinh lướp 5 ở 4 lĩnh vực: Toán, Đọc hiểu, Viết và Giáo dục công dân toàn cầu.

Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) đánh giá học sinh lớp 5 ở các lĩnh vực Toán học, Đọc hiểu, Viết và Giáo dục Công dân toàn cầu.

Theo kết quả SEA PLM năm 2019, Việt Nam đứng đầu ở 3 năng lực Toán học, Đọc hiểu, Viết trong 6 quốc gia tham gia kì khảo sát gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar và Philippines.

Phân tích chi tiết kết quả khảo sát tại Việt Nam cho thấy học sinh vùng sâu, vùng xa còn khoảng cách khá xa so với học sinh các vùng khác về kết quả ở 3 lĩnh vực.

Kết quả học tập trong lĩnh vực Toán học của học sinh nữ tương đương với học sinh nam nhưng ở lĩnh vực Đọc hiểu và Viết, học sinh nữ đạt thành tích cao hơn học sinh nam.

Học sinh ở nhóm gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, trung bình cao có mức điểm trung bình và mức độ thành thạo chênh lệch lớn so với nhóm học sinh gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, trung bình thấp.

Trình độ học vấn của cha mẹ càng cao thì kết quả học tập của con cái càng tốt. Bên cạnh đó, nghề nghiệp của cha mẹ, điều kiện học tập ở gia đình cũng có ảnh hưởng khá lớn đến kết quả học tập của học sinh.

Ảnh minh hoạ/INT.

Kế hoạch tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

Trong tuần qua, Bộ GD&ĐT ban hành công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học là chuẩn bị chu đáo, tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch bệnh; Xây dựng và triển khai phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn từ năm 2022-2025; bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.

Đối với công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT; chuẩn bị điều kiện để thí điểm xây dựng các ngân hàng câu hỏi theo hướng chuẩn hóa phục vụ cho kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ các môn học ở cấp THPT.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các địa phương làm tốt công tác lựa chọn nhân sự cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo để bảo đảm kết nối thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và tổ chức thi.

Cùng đó, chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; xây dựng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn và dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi, nhất là ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 (nếu có).