Nội san

ĐÀO TẠO ÂM NHẠC: THỪA VÀ THIẾU

01 Tháng Tư 2012

Nguyễn Thị Minh Châu

Trường Âm nhạc Việt Nam từng là nhà tôi theo nghĩa đen: là nơi tôi sống và đăng kí hộ khẩu thường trú suốt mười mấy năm trời. Về tuổi đời, tôi chỉ kém Trường một tuổi. Có thể nói lứa chúng tôi đã gắn cả tuổi thơ với Trường Nhạc, đã lớn lên từ cái nôi đầy ắp âm thanh này, đã có bao buồn vui trên mảnh đất mà giờ đây là cả một cơ ngơi hoành tráng mang tên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

hocvienANQGVN55 năm từ một tên gọi tắt giản dị Trường Nhạc cho đến Nhạc viện, rồi trở thành Học viện là quãng đường chạy tiếp sức của mấy thế hệ thầy trò nhạc sĩ, nghệ sĩ, giảng viên. Không ít danh tài đã gửi lại nơi đây một quãng đời. Không ít người suốt cả đời đã làm việc tại đây. Lẽ đương nhiên thành tựu rất nhiều và cũng được nói đến nhiều, nhất là trong những dịp kỉ niệm lễ lạt hoành tráng như thế này.

Trong không khí tràn ngập tự hào với những gì đã có, bỗng nhiên càng mong mỏi hơn những gì lẽ ra phải có, để niềm tự hào được đầy đủ trọn vẹn hơn nữa.

Quả thực không dễ mà có được sự trọn vẹn hoàn toàn trong một bối cảnh chung không nói ra ai cũng biết. Đó là sự lệch pha đáng lo ngại giữa giáo dục đào tạo và yêu cầu xã hội. Đó là cuộc chạy đua thành tích lan khắp các cấp kể từ mẫu giáo tới trên đại học, từ giáo dục phổ thông tới đào tạo chuyên ngành, từ các lĩnh vực khoa học kĩ thuật đến văn hóa nghệ thuật. Đó là chương trình quá tải bất hợp lí, là lối học vẹt thụ động chứ không khơi gợi và nuôi dưỡng sự sáng tạo cá nhân.

Có thể tự an ủi rằng nỗi lo này không của riêng ai, không của riêng trường nào, ngành nào, khoa nào. Hơn nữa với tiêu chí hướng tới văn hóa đỉnh cao, Học viện có quyền một lòng đeo đuổi chương trình đào tạo mang tính hàn lâm, mà đã gọi là hàn lâm bác học thì hẳn phải cách biệt với văn hóa đại chúng rồi. Dù số đông công chúng chưa cảm thụ được mấy, nhưng đẳng cấp vẫn được khẳng định và một trong những thành tích dễ thấy dễ thuyết phục cộng đồng nhất là tiêu chí đưa học sinh tham dự concours khu vực và quốc tế.

Song, hình như vẫn có gì đó chưa ổn lắm. Hình như phía sau thành tích dễ thấy vẫn có đây đó những góc khuất đôi khi ta dễ bỏ qua hoặc làm như không thấy.

Giả sử ta thử làm một cuộc “tự vấn” như thế này:

Bên cạnh chiến lược ưu tiên nuôi dưỡng “gà nòi” cho các sân đấu, có lãng phí không nếu duy trì nếp đào tạo sinh viên ngành biểu diễn học bài nào chỉ biết bài đó và chủ yếu rèn giũa kĩ năng độc tấu? Vì vị thế nghệ sĩ độc tấu cao hơn nghệ sĩ hòa tấu thính phòng và nhạc công dàn nhạc giao hưởng, nên được tiếng “lò” đào tạo người độc tấu vẫn đẳng cấp hơn chăng?

Kĩ năng hòa tấu liệu đã được đánh giá đúng mức chưa và có đủ trang bị cho thành viên dàn nhạc giao hưởng và thính phòng tương lai là đối tượng mà xã hội cần nhiều hơn? Nếu rồi, tại sao sinh viên gửi ra nước ngoài bấy lâu nay vẫn không dễ dàng vượt qua định kiến chung “người Việt không biết làm việc theo nhóm”?

Các tay đàn (nhất là piano) chỉ biết trung thành tuyệt đối với bản nhạc, rời sách vở ra là lúng ta lúng túng, nếu phải đệm ứng tác thì “mất điện” luôn và còn tự bào chữa đó là việc của dân không chuyên nghiệp. Muốn biết ứng tấu ngay tại trận ư? Cái ngón “nghiệp dư” đó không có trong nhạc viện, ai cần thì ra trường đời mà“tự tu”.

Kể cả biểu diễn nhạc cụ dân tộc, ngẫu hứng không phải là yếu tố đặc trưng như đã từng có trong nhạc cổ, cứ như thể tài đối đáp và khả năng biết nghe nhau trong hòa ca hòa tấu vốn có của tổ tiên đã thực sự thất truyền?

Để tạo được thói quen “học đi đôi với hành” một cách tự nhiên nhất, trước hết cần có thường xuyên các chương trình biểu diễn hoặc sản phẩm xuất bản đĩa - sách - báo của thầy để khích lệ trò noi theo tinh thần thực hành của chính thầy mình; tiếp đến là môi trường tập sự cho trò, chẳng hạn các cây bút lí luận cần được luyện tay nghề càng sớm càng đều càng tốt. Thực tế trò có luôn được hưởng đủ hai điều kiện tối thiểu này không?

Tôi rất mừng khi đưa được đôi ba bài “tập viết” của sinh viên lên website Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Tôi cũng cố “ấn” vào các tạp chí của Hội và Viện Âm nhạc vài bài “tính điểm” giúp các thạc sĩ tiến sĩ tương lai. Thú thực, với số lượng thưa thớt và chất lượng gượng ép đối phó, lắm khi thấy rất nản trước khoảng cách ngày càng xa giữa học và hành, giữa cung và cầu.

Lại nói thêm về lí luận là ngành được đào tạo không ít về số lượng nhưng số người hành nghề vẫn quá thiếu.

Dù nhồi nhét kiến thức đến bội thực cho trò thì cái sự học đó vẫn chẳng thấm vào đâu so với kho tàng kiến thức vô tận của nhân loại. Thật ra, các công dân @ có thể tự tra cứu trong nháy mắt những thông tin cần biết. Vì vậy nhồi kiến thức không thiết thực bằng hướng dẫn phương pháp xử lí kiến thức. Thiếu hụt cái nhìn chuyên ngành dân tộc nhạc học cần thiết trong sưu tầm nghiên cứu, mù mờ những kĩ năng báo chí cần có trong phê bình âm nhạc, ai dám chắc các nhà lí luận trẻ đủ tự tin để biết cần làm gì, viết gì, viết như thế nào?

Không công bằng chút nào nếu chỉ chê trách các sinh viên lí luận lơ ngơ, thiếu độc lập, quen copy chắp vá tài liệu của người khác, nhưng lại rất lơ là nguyên tắc tối thiểu về chú thích trích dẫn. Chắc gì họ đã vậy nếu được đề cao hết mức sức sáng tạo cá nhân để phát triển cái tôi một cách đầy đủ?

Sơ sơ vài điều ta tự vấn ta một cách thực lòng để có cái nhìn tỉnh táo hơn vào thực trạng. Tôi chỉ dám chọn phần dễ là nêu câu hỏi chứ không đưa giải pháp, bởi câu trả lời thấu đáo luôn chứa đựng giải pháp, mà không ai làm điều này tốt hơn, hợp lí hơn các bậc thầy đang trực tiếp gánh trách nhiệm trồng người, trồng nhân tài cho nền âm nhạc nước nhà.

Thật may nếu như những ý kiến phản biện trên được các thầy các cô bác lại rằng: tôi thiếu “cập nhật” nên không biết điều này đã được giải quyết lâu rồi, còn điều nọ đang và sẽ được khắc phục. Và thật không may nếu như 5-10 năm sau vẫn phải nhắc lại những gì đã nói hôm nay.

Quả thật chỉ còn biết trông cậy vào các thầy cô và học sinh sinh viên, sao cho tới lễ kỉ niệm 60 năm, các thành viên cũ và mới của Học viện không còn phải “lăn tăn” với hiện trạng thừa số lượng - thiếu chất lượng, thừa người có bằng cấp - thiếu người làm thực việc…

Vì lẽ đó, xin được cảm ơn các thầy cô, những người trực tiếp biến những thừa - thiếu kém vui trở thành bài học quá khứ.

 

Theo http://vnmusic.com.vn