Nội san

Hướng đi nào cho di sản hát cửa đình ở Quảng Ninh?

01 Tháng Tư 2012

Dự án “Sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của hát nhà tơ, hát cửa đình ở Đầm Hà, Móng Cái và Vân Đồn” đã đi được nửa chặng đường, thu hút sự quan tâm của một số nhà nghiên cứu văn hoá dân gian có uy tín. Từ đây, hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản này đã có những gợi mở...

“Chúng tôi nghe và thấy đây là phát hiện mới vì là hát nhà tơ, hát cửa đình chứ có phải hát ả đào đâu. Chúng tôi đã phải đấu tranh để hiểu rằng, không phải mọi miền đều hát ca trù như nhau, nhưng không chỉ người hát mà người ở dưới còn gõ phách thì đích thị là hát ca trù rồi. Cảm ơn vì các nghệ nhân Quảng Ninh đã phát triển thêm một phong cách mới cho hát ca trù Việt Nam. Cảm ơn từ giới nghiên cứu văn hoá dân gian đến các đơn vị có liên quan của tỉnh vì đã có một chủ trương kịp thời về sưu tầm, nghiên cứu, bởi nếu để 5-10 năm nữa thì có lẽ không còn...” - Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam, đã tâm sự như thế khi nghe phần trình diễn của các nghệ nhân hát cửa đình Quảng Ninh được sưu tầm đầy đủ, thu âm gửi lên cho ông. Ông đã nói giản dị mà rất thật, bởi lần đầu nghe một vài nghệ nhân của tỉnh hát, ông và các nhà nghiên cứu về văn hoá dân gian khác đã tỏ ý lo ngại liệu đây có phải là hát nhà tơ, hát cửa đình không khi thấy chỗ thì hát chuẩn, chỗ lại bị pha tạp quá nhiều...

Khẳng định của ông Thanh và các cộng sự về việc Quảng Ninh có hát nhà tơ - hát cửa đình nhưng theo một dạng thức khác, có sự sáng tạo riêng đem lại niềm phấn khởi lớn cho những người làm Dự án. Ông Tống Khắc Hài là một trong số ấy. Qua nghiên cứu, ông cho biết thêm: “Gọi là hát cửa đình vì các bà, các chị chỉ đứng ngoài cửa đình mà hát chứ luật tục hồi ấy phụ nữ không được vào đình, họ hát bái vọng thành hoàng, chào mừng các quan viên của làng. Ở Quảng Ninh chưa tiến tới giai đoạn hát ả đào, hát cô đầu mà mới chỉ ở giai đoạn đầu của hát nhà tơ là hát cửa đình. Giờ ở Quảng Ninh, chúng ta mới sưu tầm được hơn hai chục làn điệu trong tổng số hàng trăm làn điệu của hát nhà tơ thôi”.

 

Cụ Đặng Thị Tự (Đầm Hà) là một trong số ít những nghệ nhân của tỉnh còn giữ được nhiều vốn cổ về di sản hát cửa đình ở Quảng Ninh.

Cụ Đặng Thị Tự (Đầm Hà) là một trong số ít những nghệ nhân của tỉnh còn giữ được nhiều vốn cổ về di sản hát cửa đình ở Quảng Ninh.

 

Nên giữ hát như xưa. Tâm lý thường thấy của chúng ta là nâng cao, cải tiến, tức là có sự thay đổi so với trước kia. Nhưng cái giản dị, chân chất của hát nhà tơ là con người bày tỏ tình cảm của mình chứ không phải là hát cùng một dàn nhạc ầm ĩ...

Ông Tống Khắc Hài còn đưa ra một giả thiết là hát cửa đình lan đến Quảng Ninh là từ Thanh Hoá, vào thời Lê khi vua Lê là người gốc Thanh Hoá và quan đầu tỉnh là Lê Niệm cũng vậy. Tuy nhiên, ông Tô Ngọc Thanh lại khẳng định, trong Thanh Hoá hay Đồ Sơn (Hải Phòng) hiện có hát ca trù nhưng hoàn toàn khác Quảng Ninh. Vì vậy, nhận định về sự sáng tạo riêng của nghệ nhân Quảng Ninh trong hát cửa đình là có cơ sở. Bên cạnh đó, lại có cả những nghệ nhân gốc Việt xa xứ ở Trung Quốc nữa hiện cũng đang lưu giữ và bảo tồn khá tốt vốn hát nhà tơ. Nếu có điều kiện, việc tìm hiểu thêm về hát nhà tơ tại các làng người Việt ở nước bạn hẳn cũng sẽ làm phong phú hơn cho vốn di sản này của Quảng Ninh.

Không chỉ khuyến khích các cán bộ Dự án hãy cố gắng “dấn lên”, tiến sĩ Tô Ngọc Thanh cũng lưu ý: “Khi bảo tồn thì hãy làm ơn lưu truyền đến các cháu nhỏ”. Bởi, kinh nghiệm ở nhiều nơi cho thấy, phải có ba thế hệ nghệ nhân là cao tuổi, trung niên (quãng 40-50 tuổi) và một lớp trẻ (quãng 15 đến 20 tuổi) thì mới giữ được di sản. Dù vậy, ông chia sẻ về cách làm là nên vận động lớp trẻ tham gia chứ không ép buộc, bởi lẽ: “Ngày xưa cũng không phải toàn dân hát ca trù mà chỉ một số người thôi. Có suy nghĩ rằng, cần làm sao để toàn dân hát, thực ra không phải thế!” Đây quả là điều rất đáng lưu tâm suy nghĩ vì các nghệ nhân hát cửa đình ở Quảng Ninh hiện nay phần lớn đều ở lớp trung, cao tuổi, việc truyền dạy cho lớp trẻ rất khó khăn. Nghệ nhân Nguyễn Thị Từ, Hoàng Thị Thảo ở Vạn Ninh (Móng Cái) từng than thở: “Tôi đưa sách cho con cháu học nhưng chỉ sợ chúng làm mất. Lớp trẻ chúng không hiểu, không ngấm được hát nhà tơ...”.

Đây cũng là hai nghệ nhân hát nhà tơ đầu tiên của tỉnh vừa được công nhận là Nghệ nhân dân gian Việt Nam. Hai bà không chỉ đi hát mà còn góp phần truyền dạy cho một đội hát tuổi trung niên của thôn. Ngoài ra, quá trình những người tiến hành Dự án đi sưu tầm, nghiên cứu còn phát hiện được cả những nghệ nhân hát nhà tơ dù mấy chục năm rồi không hát vẫn nhớ các làn điệu. Và cũng từ việc đi sưu tầm, nghiên cứu thực tế như vậy đã có câu chuyện cười ra... nước mắt. Đó là có một đội hát nọ được đầu tư khá hoành tráng, chuyên đi biểu diễn hát kiểu truyền thống, nghe tin về Dự án này cũng muốn được công nhận là... hát nhà tơ. Tất nhiên, với con mắt nghề nghiệp thì những thứ na ná hay gần với hát nhà tơ sẽ dễ dàng bị loại bỏ. Nhưng thực tế là, bản thân hát cửa đình của Quảng Ninh cũng có sự pha tạp, nhất là ở khu vực Móng Cái. “Nên giữ hát như xưa. Tâm lý thường thấy của chúng ta là nâng cao, cải tiến, tức là có sự thay đổi so với trước kia. Nhưng cái giản dị, chân chất của hát nhà tơ là con người bày tỏ tình cảm của mình chứ không phải là hát cùng một dàn nhạc ầm ĩ đâu. Hãy cố gắng gìn giữ nó như một thành phần của cuộc sống này” - Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh khẳng định.

 

Hải Ly

Theo baoquangninh.com.vn