Tin tức – Sự kiện

Tuyển sinh ĐH FPT: Đề thi luận về trinh tiết

16 Tháng Tư 2012

Thí sinh làm bài thi vào trường ĐH FPT sáng 8-4.  
 
NDĐT - Gần 7.500 thí sinh đã tham gia kỳ thi sơ tuyển vào Trường Đại học FPT tại tám điểm thi ở ba thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh toàn quốc ngày 8-4. Một điều gây “sốc” với khá nhiều người đó là, trường đã đưa chủ đề quan niệm về trinh tiết vào đề thi luận năm nay.

 

Dịp để giới trẻ bàn luận về quan điểm trinh tiết

Các thí sinh đều phải thực hiện đề thi với hai phần Trắc nghiệm (120 phút) và Tự luận (60 phút). Đề thi dành cho thí sinh khối ngành CNTT – Điện tử viễn thông gồm 90 câu trắc nghiệm Toán - Tư duy logic và Viết luận. Đề thi dành cho thí sinh khối ngành QTKD – Tài chính ứng dụng CNTT gồm 100 câu trắc nghiệm đánh giá năng lực tư duy logic, đánh giá tố chất kinh doanh, đánh giá kỹ năng lập luận, phân tích và Viết luận. Phần thi viết luận là phần thi đánh giá khả năng trình bày lập luận, tư duy logic bằng ngôn ngữ, cũng như thể hiện quan điểm cá nhân của thí sinh.

Đánh giá về đề, các thí sinh đều cho biết đề ra không quá khó, nhưng khá dài, nên yêu cầu thí sinh có kỹ năng tổng hợp, tư duy nhanh nhạy và khả năng phân bổ thời gian hợp lý. Đặc biệt, đề thi luận năm nay khiến thí sinh khá bất ngờ và hào hứng.

Đề thi luận của ĐH FPT như một diễn đàn cho người trẻ bày tỏ quan điểm và suy nghĩ của mình về vấn đề từ trước nay vốn được các bạn trẻ đề cập tới một cách dè dặt. Đề thi đã tạo nên hiệu ứng lan truyền tốt trên mạng ngay khi buổi thi kết thúc, đây như một lời khích lệ cho việc mạnh dạn đưa những chủ đề thẳng và hiện thực tới giới trẻ. Trái với lo ngại chủ đề “nhạy cảm” sẽ làm các thí sinh ngại ngùng, nhiều thí sinh sau kỳ thi đã bày tỏ đề thi luận năm nay thực sự tạo hứng thú.

Bạn Trần Công Khiêm (THPT chuyên Hoàng Lê Kha, Tây Ninh) cho biết: “Với đề tự luận này em khá thoải mái, vì đây là câu hỏi dựa trên quan điểm đúng sai của mỗi cá nhân nên em thấy thú vị khi chia sẻ cảm nhận của mình nhiều hơn là đặt nặng vấn đề đúng hay sai”.

“Việc thí sinh lựa chọn quan điểm nào không quyết định tới điểm số, mà quan trọng là thí sinh biết cách phân tích, lập luận đưa ra những ví dụ xác đáng để bảo vệ quan điểm của mình. Điều chúng tôi đánh giá chính là tư duy của thí sinh được thể hiện qua bài viết luận”, ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học FPT nói.

Và sự “vào cuộc” của dư luận

Trường ĐH FPT vốn từ lâu nay vẫn nổi tiếng với sự "quái chiêu". Trong kỳ thi tuyển sinh này, một lần nữa ĐH FPT lại gây chú ý dư luận với một bài luận với chủ đề khá nhạy cảm.

Đánh giá về đề luận này, thầy Nguyễn Văn Hộ, giáo viên luyện thi môn Văn lâu năm cho biết: "Đề thi luận của trường ĐH FPT năm nay về hình thức hơi dài, sẽ khiến không ít thí sinh bối rối. Đề thuộc phần nghị luận xã hội, tương đương với câu 3 điểm trong đề Văn dành cho khối C, D. Để giải quyết đúng trọng tâm của vấn đề, đối với thí sinh, là không đơn giản.

Tuy nhiên, trên quan điểm của người làm nghề lâu năm, tôi đánh giá đây là một đề hay, đi đúng vào sự quan tâm của giới trẻ. Trinh tiết là vấn đề đang được nói đến rất nhiều trong dư luận, trên báo chí, nhưng để nó đi vào trong đề thi Văn như thế này, thì chỉ có FPT mới có thể làm được. Đề Văn này còn thú vị ở chỗ, đề ra trích dẫn tác phẩm Truyện Kiều một cách khéo léo. Trong lịch sử văn học Việt Nam, truyện Kiều của Nguyễn Du có lẽ là tác phẩm đầu tiên đề cập đến vấn đề trinh tiết gắn liền với phẩm giá của người phụ nữ.

Đề văn không những giúp tạo cơ sở để tuyển chọn và đào tạo người tài, chuyên gia cho lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, mà nó còn góp một tiếng nói hữu hiệu và thẳng thắn cùng với dư luận xã hội bàn bạc trao đổi, hướng lớp trẻ tới một cách sống nhân văn vừa truyền thống vừa hiện đại. Có thể nói, đây là một đề văn rất FPT, mà bản thân tôi rất tâm đắc."

Trên Vietnamnet, PGS, TS Hoàng Minh Lường (giảng viên khoa Kiến thức cơ bản, Học viện Báo chí và tuyên truyền) chia sẻ: “Tôi nhận thấy đây là một đề thi tương đối khó. Học sinh không chỉ có kỹ năng biểu đạt mà còn đòi hỏi phải am tường những vấn đề quan hệ xã hội tế vi, nhất là với những vấn đề nhạy cảm như chuyện trinh tiết. Những em ít giao tiếp xã hội, tầm kiến văn hạn hẹp sẽ gặp nhiều khó khăn khi luận giải. Tôi cho rằng, với một đề khó nhưng hay như trên, bài làm tốt phải thuộc về những thí sinh có năng lực thẩm văn tốt, có khả năng am tường ngữ nghĩa Hán Nôm chính xác. Những đề thi loại này có thể góp phần làm giàu cho học sinh về nhiều mặt để sống tự tin và chủ động hơn trong trường đời’.

Bình luận về vấn đề này, một cư dân mạng có nick Kimsansan viết: “Đây chỉ là một đề để thử độ linh hoạt của thí sinh (một kỹ năng khá quan trọng đối với sinh viên FPT). Nó đánh vào tâm lý khá nhiều bạn trẻ, khiến họ shock, thế nên nhiều bạn không biết nên trả lời đúng hay sai, và phải biện luận cho câu trả lời của mình thế nào. Chính trong hoàn cảnh này, chúng ta mới có thể tìm ra người có độ linh hoạt cần thiết. Một đề rất hay và giá như nhiều trường ĐH cũng có thể có đề như FPT...”

Bạn blueboy8x cũng thể hiện sự đồng tình: “Sao mà choáng. Mình thích mấy đề kiểu này. Hôm qua thằng em vừa thi xong, xem xong bàn luận nhiều lắm. Mình thấy đề này hay”.

Mặc dù nhiều người vẫn cho rằng trinh tiết là chủ đề nhạy cảm, nhất là với giới trẻ vừa rời khỏi trường phổ thông, nhưng cũng đồng tình, độ mở của một đề thi đại học là cần thiết, để thí sinh khi làm bài sẽ không cần một đáp án nào, và phần kiến thức duy nhất trong đó chính là tư duy của bạn trẻ. Nó sẽ giúp cho các trường tuyển chọn được những sinh viên có tư duy độc lập, nhiều sáng tạo và không rập khuôn, máy móc.

 

Dự kiến Trường Đại học FPT sẽ công bố kết quả thi vào ngày 26-4 trên website của nhà trường tại địa chỉ www.fpt.edu.vn, đồng thời công bố danh sách những thí sinh đủ tiêu chuẩn tham gia vòng phỏng vấn giành các suất học bổng toàn phần, bán phần, và chương trình hỗ trợ tài chính lên đến 100% học phí cho toàn bộ thời gian theo học tại trường.

 

                                                                                                                               Theo nhandan.org.vn