Tin tức – Sự kiện

Kiến nghị làm rõ hơn khái niệm "lợi nhuận" và "phi lợi nhuận"

27 Tháng Ba 2013

Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục đại học cần làm rõ hơn khái niệm “lợi nhuận” và “phi lợi nhuận” để từ đó có những chính sách khuyến khích tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập phát triển lành mạnh, tiếng phân biệt, đối xử giữa trường ĐH công lập và NCL.

 

TS Nguyễn Văn Vịnh – Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội và phát triển - đưa ra đề xuất này khi trao đổi về các giải pháp “cứu” các trường ĐH NCL.

 

 Ảnh minh họa

Không có “giải pháp tình thế” nào

“Trong điều kiện dạy và học hiện nay, tuyệt đối không thể áp dụng giải pháp hạ điểm sàn hay áp dụng điểm sàn linh hoạt khi xét tuyển ĐH. Làm vậy, có thể cứu các trường NCL trong 4 – 5 năm. Nhưng làm vậy đồng nghĩa với việc giảm chất lượng đào tạo, khi lứa sinh viên này tốt nghiệp ra trường, không đảm bảo chất lượng đào tạo, không được thị trường lao động chấp nhận thì các trường tiếp tục rơi vào vòng khủng hoảng hiện nay. Và Nhà nước phải có thêm phương thuốc nào để giải cứu?” - TS Vịnh phản biện.

Đồng tình, GS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, đào tạo ĐH ở mặt nào đó, có nghĩa là đào tạo một chuyên gia, nhất là trong điều kiện KHCN phát triển mạnh mẽ, và thay đổi theo tháng, theo quý; kỹ thuật ngày một nâng cao. Vì thế, không thể hạ điểm sàn để cứu nguy cho các trường trong ngắn hạn vì hậu quả của nó cho sự phát triển của xã hội là lâu dài nếu các SV cũng mắc bệnh “ngồi nhầm chỗ, nhầm lớp”.

Hệ quả với trường NCL, ngay từ năm 2010, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trong Báo cáo giám sát số 329/BC-UBTVQH12 “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học” ngày 26/5/2010, đã cảnh báo:

Yêu cầu về vốn đầu tư, số lượng giảng viên (GV) cơ hữu có trình độ TS còn thấp, khiến phần lớn các trường ĐH, CĐ mới thành lập đều trong tình trạng đầu tư nhỏ lẻ, đội ngũ cán bộ, GV chưa đáp ứng được yêu cầu và quy mô đào tạo ngày càng tăng.

Ở không ít trường, số GV thỉnh giảng gấp 2 lần số GV cơ hữu; cá biệt có trường như ĐH DL Đông Đô, chỉ có 53 GV cơ hữu, trong khi số GV thỉnh giảng là 375. Kết quả khảo sát cho thấy quy mô và cơ cấu ngành nghề đào tạo của hầu hết các trường ĐH, CĐ mới thành lập đều do các trường tự đề xuất theo nguyện vọng chủ quan của mình, chưa căn cứ vào nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương cũng như năng lực của đội ngũ GV và cơ sở vật chất kỹ thuật của trường.

“Phần lớn các trường NCL chọn các ngành đào tạo ít phải mở phòng thí nghiệm, ít thực tập”, GS Phạm Tất Dong bổ sung.

Trường NCL, trong đó có các trường ĐH phát triển nhanh chóng nhờ chủ trương xã hội hóa giáo dục, giảm bớt gánh nặng ngân sách. Vì vậy, theo TS Vịnh, Nhà nước không thể “buông” hoàn toàn. Giải pháp tình thế, nếu có chăng là việc Nhà nước có thể giảm thuế, giãn thuế… cho các trường. Còn trong trung hạn và dài hạn, chỉ có đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo; dự báo chính xác nhu cầu nhân lực mới giúp cho các trường ĐH NCL tránh được khó khăn.

Cần có thêm nhiều chính sách ưu đãi trường NCL

Không ít ý kiến nói rằng, trường ĐH NCL có phải là đứa con nuôi, sinh mà không dưỡng? Tại sao Nhà nước chỉ chăm chăm đầu tư cho ĐH công vốn đã được hưởng bao nhiêu ưu đãi mà không tạo điều kiện cho trường NCL…? “Đúng là lâu nay Nhà nước quan niệm trường NCL thì phải tự chủ, tự sống. - GS Dong nhìn nhận - Bởi ngoài Luật Giáo dục, trường NCL còn chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp; có HĐQT và được chia lợi nhuận".

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng thẳng thắn đánh giá: Việc tổ chức thực hiện chủ trương xã hội hóa chưa được triển khai quyết liệt, cơ chế, chính sách xã hội hóa GD chưa cụ thể và đổi mới để phát huy tốt mọi nguồn lực xã hội cho GD ĐH.

Chưa có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho GDĐH để đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động và tăng nguồn kinh phí đào tạo. Các chính sách, giải pháp xã hội hóa giáo dục còn thiên về huy động sự đóng góp của xã hội, nhân dân mà chưa quan tâm thỏa đáng đến quyền lợi của người học cũng như của nhà đầu tư.

Cốt lõi của vấn đề, để nhận được sự ưu đãi của Nhà nước như thuế suất thấp hoặc thuế suất 0%; ưu đãi về chính sách đất đai, cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các đề án, dự án nghiên cứu khoa học của Nhà nước, thậm chí là hỗ trợ trực tiếp (một phần) từ ngân sách, TS Nguyễn Văn Vịnh đề nghị, cần làm rõ hơn nữa khái niệm trường “lợi nhuận” và trường “phi lợi nhuận”. Ngay từ năm 2005, Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục đã đề cập đề nhưng chưa làm rõ được cơ chế “phi lợi nhuận”.

Luật Giáo dục 2012 mới quy định: Thực hiện xã hội hóa GDĐH; ưu tiên về đất đai, thuế, tín dụng, đào tạo cán bộ để khuyến khích các cơ sở GDĐH tư thục và GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận; ưu tiên cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học tư thục có vốn đầu tư lớn, bảo đảm các điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật.

Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục đại học cần làm rõ hơn hai khái niệm trên cũng như các điều kiện ràng buộc, giám sát. Bất cứ trường NCL nào đăng ký hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận sẽ được hưởng các ưu đãi trên; được đấu thầu các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học nếu đủ điều kiện đáp ứng; được nhà nước có chính sách hỗ trợ trong xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ đào tạo giảng viên…. Ngược lại, các trường hoạt động theo cơ chế lợi nhuận sẽ chỉ được hưởng những ưu đãi theo Luật Doanh nghiệp và các quy định ưu đãi về thu hút vốn đầu tư. 

Cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục đại học mà phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ.

 

Theo gdtd.vn