Tin tức – Sự kiện

Phải định hướng lại để phát triển đúng quy luật

27 Tháng Ba 2013
Phát triển đúng quy luật Theo GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Giáo dục ĐH ngoài công lập có bước phát triển lệch lạc khi hướng tới đối tượng người học là những thí sinh thi trượt vào công lập. Nếu nghịch lý này chấn chỉnh được thì ĐH ngoài công lập mới phát triển bền vững. 
 
GS Đào Trọng Thi
GS Đào Trọng Thi
GS Đào Trọng Thi nhận xét: Tôi cho rằng đã đến lúc phải định hướng lại sự phát triển của các trường NCL.   
 
Định hướng lại như thế nào, thưa giáo sư?
 
- Để phát triển, các trường NCL cần phải hướng vào phục vụ đối tượng người học có nhu cầu học chương trình chất lượng cao hơn, đồng thời sẵn sàng trả học phí cao hơn. Các trường công được hoạt động dựa vào nguồn kinh phí thu từ tiền thuế của nhân dân nên anh phải phục vụ nhu cầu của đông đảo người dân, với chất lượng đại trà và mức độ tối thiểu. Các nước có nền giáo dục ĐH phát triển đều thế cả. Ở nước ta thì ngược lại, trường công chất lượng cao hơn trường NCL! Đương nhiên phải có những trường công đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân tài của quốc gia nhưng đó chỉ là một nhóm rất nhỏ, còn lại đa số phải phục vụ nhu cầu đại trà. Phải tạo ra được sự phân công như vậy mới đúng quy luật.
 
Có những ý kiến cho rằng Nhà nước cần hỗ trợ để vực dậy hệ thống trường NCL, giáo sư nhận xét thế nào? 
 
- Tôi ủng hộ Nhà nước hỗ trợ các trường NCL nếu họ hoạt động theo tinh thần và nguyên tắc phi lợi nhuận. Nghĩa là người đầu tư không được hưởng lợi nhuận gì từ số tiền anh đã đầu tư cho trường. Những lợi nhuận nếu có thu được thì quay trở lại đầu tư cho trường, cho đội ngũ, cho hoạt động đào tạo. Khi đó có thể xem trường ĐH là tài sản của cộng đồng, của xã hội chứ không phải của nhà đầu tư. Nhưng nếu nhà đầu tư chạy theo lợi nhuận thì làm sao Nhà nước hỗ trợ được? 
 
Nhưng tôi e rằng không có nhà đầu tư nào chấp nhận “phi lợi nhuận” khi mở trường ĐH. Hiện nay, ở nước ta gần như không có trường ĐH NCL nào hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận. Vì vậy đặt vấn đề Nhà nước đối xử công bằng về tài chính giữa trường công và NCL là không hiện thực và không phù hợp với hoàn cảnh chúng ta hiện nay. Để vực dậy giáo dục ĐH khối NCL thì cần phải có sự tự điều chỉnh hướng hoạt động của chính các trường NCL. Vì sự tồn tại của mình họ phải đầu tư để nâng cao chất lượng, hướng tới đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người học có khả năng trả học phí cao để được hưởng thụ chất lượng cao. 
 
Ngoài ra, ngay trong năm tới, Bộ GD&ĐT cần kiểm tra nghiêm túc và xử lý nghiêm minh chuyện vượt chỉ tiêu, đảm bảo số thí sinh trên điểm sàn đủ nguồn cho các trường NCL tuyển sinh.
 
Cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo có yếu tố quyết định đối với sự phát triển của các trường đại học ngoài công lập
Cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo có yếu tố quyết định đối với sự phát triển của các trường đại học ngoài công lập
 
Có nên đặt ra vấn đề Nhà nước tăng cường chính sách ưu đãi với các trường NCL?
 
Điều này đã được quy định trong Luật Giáo dục ĐH, Nhà nước phải có những chính sách để ưu tiên, khuyến khích phát triển trường ĐH NCL. Ưu đãi việc giao đất, ưu đãi tín dụng, ưu đãi trong việc đào tạo – bồi dưỡng giảng viên. Luật Giáo dục ĐH cũng phân làm hai loại trường khi đề cập vấn đề ưu đãi. Có những trường hoạt động vì lợi nhuận của nhà đầu tư nhưng lợi nhuận hợp lý để đảm bảo không thương mại hóa giáo dục, họ phải dành 20% chênh lệch thu được từ thu - chi để đầu tư trở lại cho phát triển cơ sở vật chất. Nếu họ chấp nhận hạn chế lợi nhuận như vậy thì chúng ta có ưu đãi về thuế. Hiện nay các đơn vị đóng thuế như doanh nghiệp thì chúng ta đang đề nghị đưa thuế xuống 10% như đang áp dụng cho đối tượng hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa. 
 
Các hoạt động nghiên cứu khoa học cần được đẩy mạnh hơn trong các trường đại học ngoài công lập
Các hoạt động nghiên cứu khoa học cần được đẩy mạnh hơn trong các trường đại học ngoài công lập
Có những trường hoạt động “không vì lợi nhuận” (gần giống với phi lợi nhuận), nghĩa là cho phép chia lợi nhuận cho những nhà đầu tư nhưng không vượt quá lãi suất của trái phiếu Chính phủ. Tôi ủng hộ nhóm trường này được đối xử ngang bằng các trường công lập. 
 
Còn trường nào vẫn có lợi nhuận thì không thể được hưởng như các trường công lập bởi nếu thế tiền của Nhà nước lại chạy vào túi cá nhân? Tất nhiên, sẽ có ưu đãi nhất định. Luật Giáo dục ĐH thể hiện như vậy rồi nhưng Chính phủ cần phải quy định rõ hơn về chính sách cụ thể.
 
Xin cảm ơn giáo sư!
 
  “Trong giáo dục ĐH, ở nước ta chưa có nhà đầu tư lớn mang tính hiến tận cho xã hội mặc dù các nước đều có. Ngay cả Mỹ cũng thế, các trường ĐH tư thục nổi tiếng đều phi lợi nhuận. Sở dĩ ở nước ta chưa có những nhà đầu tư như thế vì ta vừa mới phát triển kinh tế thị trường vài ba chục năm nay, chưa có người nào đủ tích luỹ để hiến tặng tài sản khổng lồ của mình để làm những việc phục vụ xã hội. Nhưng tôi tin trong tương lai sẽ có, vì dân tộc ta là dân tộc hiếu học, coi trọng việc học. Rồi sẽ xuất hiện những người hảo tâm giàu có hiến tặng tài sản của mình cho xã hội mà tài sản đó có đủ sức để giúp chúng ta xây dựng, hình thành những trường ĐH tư thục chất lượng, hoạt động phi lợi nhuận” - GS Đào Trọng Thi    
  
Theo gdtd.vn