Tin tức

Dân không cần thì đừng có làm!

15 Tháng Tám 2013

Nhắc lại sự thất bại của “Chứng minh thư ghi tên cha mẹ” mà “không biết để làm gì, tốn kém bao nhiêu tiền”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cảnh báo dự thảo Luật Hộ tịch - được trình Thường vụ Quốc hội (TVQH) chiều qua - 13.8, nếu làm không cẩn thận sẽ chỉ “đẻ” thêm ra các loại giấy tờ. “Dân không cần thì đừng có làm” - Chủ tịch QH nói rõ nguyên tắc.

 

Dân không cần thì đừng có làm!

Cảnh sát khu vực kiểm tra nhân khẩu, hộ khẩu tại phường Cửa Nam, Hà Nội. Ảnh: Kỳ Anh

 

 

Nghe qua đã thấy sợ!

Điểm mới nhất trong dự thảo luật lần này chính là số định danh cá nhân, được Bộ Tư pháp đánh giá có ý nghĩa như một đột phá trong cải cách hành chính (CCHC) về quản lý dân cư và sẽ bỏ được nhiều giấy tờ trùng lặp. 

Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất được đặt ra ngày hôm qua là Luật Hộ tịch sẽ “bỏ được bao nhiêu loại giấy tờ trong dân cư hiện nay?”.

Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai đưa ra con số “khoảng 20 loại giấy tờ” mà mỗi cư dân đang phải “mang vác suốt đời” hiện nay. Trong khi đó, chưa thấy bất cứ điều nào trong dự thảo luật nói số định danh cá nhân thì sẽ giải quyết được vấn đề gì? Sẽ giảm được bao nhiêu? Sẽ đi đến đâu? 

Bà Trương Thị Mai hỏi cụ thể Bộ trưởng Hà Hùng Cường, sau khi có số định danh sẽ còn bao nhiêu loại và kết nối gì với 20 loại giấy hiện nay?

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-NS của QH Phùng Quốc Hiển 2 lần phát biểu xung quanh việc sẽ có 11.000 biên chế tăng thêm để theo luật, mỗi xã có một hộ tịch viên. “Anh nói không ảnh hưởng gì đến ngân sách cả là tôi không tin. Sẽ phải xây dựng hạ tầng thông tin”. 11.000 “ông hộ tịch” mà bộ trưởng nói hiện đã có 5.000 thì “còn 6.000 ông nữa phải tăng thêm”. Ông Phùng Quốc Hiển chất vấn cụ thể Bộ trưởng Hà Hùng Cường “cụ thể là bao nhiêu tiền?”.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng dẫn lời Bác “Cái gì lợi cho dân thì làm” để đặt câu hỏi một người dân có bao nhiêu loại giấy, và sau khi có Luật Hộ tịch thì còn bao nhiêu giấy? Trước phải chạy mấy cửa, sau khi có luật thì phải chạy mấy cửa? Dẫn ra hàng loạt những quy định phức tạp và rối rắm trong luật, Chủ tịch QH nói “là dân nghe cái này tôi đã thấy sợ”.

Và đỉnh điểm của những thắc mắc là phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý: “Bộ nào cũng theo đuổi chương trình, đề án của bộ mình thì không thể làm được”. Người đứng đầu cơ quan thẩm tra dự án cũng thẳng thắn: Hiện nay, chưa thể nói sẽ giảm bao nhiêu loại giấy tờ. 

3.000 tỉ để xây dựng dữ liệu thông tin

Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải trình bắt đầu bằng đề án đơn giản hóa giấy tờ công dân. Theo đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia sẽ bắt đầu từ 1.1.2016, kết thúc vào năm 2020. 

Ông nói, mong muốn Luật Hộ tịch sẽ có hiệu lực từ 1.1.2016 để những người sinh ra sau đó được cấp số định danh. “Số định danh sẽ theo suốt đời mỗi công dân. Và cái còn lại duy nhất là thẻ công dân điện tử, lợi ích của người dân là sẽ không phải xuất trình giấy tờ gì cả, cũng không phải sao chép tốn kém. Cơ quan hành chính căn cứ vào thẻ đó để xem xét mọi thứ”.

Về vấn đề 11.000 hộ tịch viên cũng như tác động về tài chính, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường thì hiện trong số 11.000 xã đã có khoảng 5.000 xã đã có cán bộ hộ tịch. Những nơi khác thì hoặc “có chỉ tiêu nhưng chưa bố trí được”, hoặc “theo tổng biên chế thì có 3-4 người ăn lương của hộ tịch, tư pháp nhưng lại làm cán bộ quân sự xã... Ông cam kết: Tổng biên chế sẽ không tăng khi “chỉ xác định rõ lại chức danh”. 

Về đầu tư hạ tầng thông tin, theo bộ trưởng, Chính phủ đã có đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với dự toán khoảng 3.000 tỉ đồng. Hiện Hungary tài trợ 10 triệu euro cho giai đoạn thí điểm ở Hải Phòng. Nếu thành công, sẽ cho thêm đến 120 triệu euro.

Phát biểu vào cuối phiên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói thẳng về tình trạng “đang có quá nhiều giấy (tờ)” trong khi “lý lịch tư pháp chưa biết thế nào, căn cước chưa rõ ra sao”. “Đã xảy ra câu chuyện cái gì cũng đè vào hộ tịch và CMTND” - Chủ tịch QH nói - từ làm sổ đỏ, hộ khẩu, cho đi học... đủ mọi thứ. Chưa kể các quy định phải bắt người dân phải trình giấy đó ra. Tại sao đi học thì lại phải trình hộ khẩu? Tại sao lại có nhiều loại giấy ăn theo để buộc người dân phải thế này thế khác. 

Chủ tịch QH dứt khoát yêu cầu Bộ Tư pháp phải phối hợp với các bộ, ngành “rà lại hiện trạng giấy tờ đối với một người dân”. Ông cảnh báo, nếu Luật Hộ tịch làm không cẩn thận thì sẽ tạo thêm nhiều thứ giấy nữa. 

Nhắc lại sự thất bại trong việc ghi tên bố mẹ vào giấy CMTND, “không biết để làm gì, tốn kém bao nhiêu tiền”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo “cố gắng hình dung người dân cần có gì”. Nhắc lại lời Bác “Cái gì lợi cho dân thì nhỏ mấy ta cũng làm”, ông khẳng định bằng nguyên tắc “Dân không cần thì đừng có làm”.
Theo laodong.com.vn