Nội san

Vai trò của nhân viên công tác xã hội trước các vấn đề thường gặp ở người cao tuổi

11 Tháng Năm 2023

Mai Xuân Huy, Vũ Văn Tùng, Phạm Công Bình

 Lớp K2 Công tác xã hội

Công tác chăm sóc người cao tuổi là một trong những chủ trương được Đảng quan tâm. Điều này được thể hiện ở nhiều văn kiện khác nhau. Báo cáo chính trị tại Đại hội IX của Đảng đã nêu: “Đối với các lão thành cách mạng, những người có công với nước, các cán bộ nghỉ hưu, những người cao tuổi thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất trong điều kiện mới; đáp ứng nhu cầu thông tin, phát huy khả năng tham gia đời sống chính trị của đất nước và các hoạt động xã hội; nêu gương tốt, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho thanh niên, thiếu niên…”. Tuy nhiên, với những thay đổi trong tâm sinh lý, trong lao động – thu nhập và cả trong những mối quan hệ, người cao tuổi bị hạn chế và mất thăng bằng trong việc thực hiện một số chức năng xã hội của mình. Người cao tuổi trở thành một đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương và cần sự hỗ trợ của công tác xã hội. Với đặc thù là nghề trợ giúp xã hội, công tác xã hội hướng trọng tâm nghề nghiệp đến việc giúp đỡ các cá nhân, nhóm, cộng đồng phục hồi, phát triển các chức năng và đạt được những giá trị phù hợp trong xã hội. Các chức năng của công tác xã hội được thực hiện thông qua việc thực hiện các vai trò của nhân viên công tác xã hội trong tiến trình  làm việc với các thân chủ.

1. Một số vấn đề về sức khỏe sinh lý và tâm lý thường gặp của người cao tuổi 

1.1. Vấn đề về sức khỏe

- Diện mạo thay đổi: Tóc bạc, da mồi, có thêm nhiều nếp nhăn. Da trở nên khô và thô hơn. Trên cơ thể, đầu và mặt xuất hiện mụn cơm nhiều hơn. Ở tuổi già có những nếp nhăn là do lớp mỡ ở dưới lớp da mất đi cũng như do da không còn tính chất đàn hồi.

- Các cơ quan cảm giác: Cảm giác - nghe nhìn, nếm và khứu giác cùng với tuổi tác ngày càng cao thường bắt đầu hoạt động kém hiệu quả.

- Các cơ quan nội tạng: Khả năng dự phòng của tim, phổi và các cơ quan khác cùng với cũng giảm sút. Người già thích nghi với các điều kiện rét chậm hơn. Người già dễ dàng bị cảm lạnh, nhiệt độ có thể hạ thấp sẽ rủi ro nghiêm trọng cho sức khoẻ của họ. Họ cũng phải chịu đựng những khó khăn tương tự khi trong trường hợp cần thiết phải tiếp cận với nhiệt độ cao.

- Khả năng tình dục giảm: Do sự thay đổi của nội tiết tố, ham muốn tình dục ở người cao tuổi cũng giảm rõ rệt. Người già hay bị mệt mỏi, mọi hành vi, cử chỉ yêu đương gặp khó khăn.                    

Ngoài ra người cao tuổi còn hay mắc các bệnh về ung bướu, bệnh thần kinh và các bệnh về sức khỏe tâm thần…

1.2. Vấn đề về tâm lý

- Hướng về quá khứ: Để giải tỏa những ưu phiền thường nhật trong cuộc sống hiện tại, người cao tuổi thường thích hội họp, tìm lại bạn cũ, cảnh xưa, tham gia hội ái hữu, hội cựu chiến binh ... Họ thích ôn lại chuyện cũ, viết hồi ký, tái hiện kinh nghiệm sống cũng như hướng về cội nguồn: Viếng mộ tổ tiên, sưu tầm cổ vật…

- Chuyển từ trạng thái “tích cực” sang trạng thái “tiêu cực”: Khi về già người cao tuổi phải đối mặt với bước ngoặt lớn lao về lao động và nghề nghiệp. Đó là chuyển từ trạng thái lao động (bận rộn với công việc, bạn bè) sang trạng thái nghỉ ngơi, chuyển từ trạng thái tích cực khẩn trương sang trạng thái tiêu cực xả hơi. Do vậy người cao tuổi sẽ phải tìm cách thích nghi với cuộc sống mới. Người ta dễ gặp phải “hội chứng về hưu”.

- Sự cô đơn và mong được quan tâm chăm sóc nhiều hơn: Con cháu thường bận rộn với cuộc sống. Điều này làm cho người cao tuổi cảm thấy mình bị lãng quên, bị bỏ rơi. Họ rất muốn tuổi già của mình vui vẻ bên con cháu, muốn được người khác coi mình không là người vô dụng. Họ rất muốn được nhiều người quan tâm, lo lắng cho mình và ngược lại. Họ sợ sự cô đơn, sợ phải ở nhà một mình.

- Cảm nhận thấy bất lực và tủi thân: Đa số người cao tuổi nếu còn sức khỏe vẫn còn có thể giúp con cháu một vài việc vặt trong nhà, tự đi lại phục vụ mình, hoặc có thể tham gia được các sinh hoạt giải trí, cộng đồng. Nhưng cũng có một số người cao tuổi do tuổi tác đã cao, sức khỏe giảm sút nên sinh hoạt phần lớn phụ thuộc vào con cháu. Do vậy dễ nảy sinh tâm trạng chản nản, buồn phiền, hay tự dằn vặt mình.

- Nói nhiều hoặc trầm cảm: Vì muốn truyền đạt kinh nghiệm sống cho con cháu, muốn con cháu sống theo khuôn phép đạo đức thế hệ mình nên họ hay bắt lỗi, nói nhiều và có khi còn làm cho người khác khó chịu. Với một bộ phận người cao tuổi bảo thủ và khó thích ứng với sự thay đổi, cộng với sự giảm sút của sức khỏe, khả năng thực hiện công việc hạn chế, nếu thời trẻ có những ước mơ không thực hiện được, hoặc không thỏa đáng, không hài lòng... có thể xuất hiện triệu chứng của bệnh trầm cảm.

- Sợ phải đối mặt với cái chết: Sinh – tử là quy luật của tự nhiên, dù vậy người cao tuổi vẫn sợ phải đối mặt với cái chết. Cũng có những trường hợp các cụ bàn việc hậu sự cho mình, viết di chúc cho con cháu... có những cụ không chấp nhận, lảng tránh điều đó và sợ chết.

1.3. Vấn đề kinh tế

            Bước vào giai đoạn cao tuổi đồng nghĩa là con người bước vào giai đoạn nghỉ ngơi. Tuy nhiên chỉ có một số ít người cao tuổi có điều kiện kinh tế khá giả: Cán bộ, viên chức nhà nước nghỉ hưu, sự hỗ trợ của con cháu…Còn lại đa số người tuổi, nhất là những người neo đơn đều gặp phải những khó khăn về kinh tế do sự suy giảm của thu nhập. Nhu cầu của người cao tuổi, nhất là khám chữa bệnh hay chế độ dinh dưỡng đòi hỏi những chi phí nhất định.

            Vấn đề kinh tế cũng ảnh hưởng đến các vấn đề khác trong cuộc sống của người cao tuổi: tâm lý, sức khỏe….

2. Vai trò của nhân viên công tác xã hội trong lĩnh vực trợ giúp người cao tuổi

2.1. Người tạo khả năng

Người cao tuổi có quá trình lao động lâu dài vì thế kinh nghiệm thực tế của họ là rất phong phú và rất có giá trị. Sau khi về hưu, không được tiếp tục cống hiến, họ trở nên chán nản và coi mình là người bỏ đi từ đó gây ra nhiều vấn đề nhất là các vấn đề tâm lý cho bản thân.

Đồng thời, việc không nhận thức và khai thác những kiến thức và kinh nghiệm của người cao tuổi là sự lãng phí rất lớn của xã hội. Do đó, nhân viên xã hội cần giúp người cao tuổi nhận thức được giá trị của mình để họ tiếp tục lao động với cách thức phù hợp. Thông qua lao động, các vấn đề của người cao tuổi: Tâm sinh lý, thu nhập, quan hệ… sẽ được giải quyết. Thêm vào đó, khi huy động được người cao tuổi vào đội ngũ lao động, xã hội sẽ có thêm nguồn kinh nghiệm và trí thức quý giá để phát triển nhanh hơn và bền vững hơn.

2.2. Người điều phối - kết nối dịch vụ

Nhân viên công tác xã hội thông qua đánh giá, chẩn đoán các vấn đề và nguồn lực của người cao tuổi để điều phối, cung cấp các dịch vụ phù hợp. Với những người cao tuổi bị hạn chế khả năng phục vụ bản thân trong sinh hoạt hàng ngày, nhân viên xã hội có thể giới thiệu và cung cấp cho người cao tuổi những dịch vụ hỗ trợ tại nhà như người giúp việc, người chăm sóc y tế.

Với những người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa, nhân viên công tác xã hội có thể giới thiệu, làm thủ tục để người cao tuổi vào sinh sống trong các trung tâm bảo trợ phù hợp. Nhân viên công tác xã hội cần giới thiệu cho người cao tuổi các câu lạc bộ phù hợp để người cao tuổi sinh hoạt. Việc sinh hoạt ở các câu lạc bộ người cao tuổi: Câu lạc bộ văn thơ, cựu chiến binh, dưỡng sinh… sẽ giúp người cao tuổi đáp ứng các nhu cầu về quan hệ xã hội cho người cao tuổi.

2.3. Người giáo dục

Người cao tuổi phải đối mặt với rất nhiều những thay đổi về tâm sinh lý cũng như các chức năng xã hội. Do đó, để thích ứng với cuộc sống, người cao tuổi cần phải có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng về chế độ dinh dưỡng, chăm sóc bản thân, các kỹ năng xã hội… Nhân viên công tác xã hội hỗ trợ người cao tuổi những kiến thức và kỹ năng đó thông qua vai trò là người giáo dục.

Hình thức giáo dục có thể qua việc cung cấp tài liệu, các lớp tập huấn, hoặc được lồng ghép trong tiến trình trợ giúp. Thông qua giáo dục, nhân viên xã hội sẽ giúp người cao tuổi có thêm những kiến thức, kỹ năng để phòng ngừa, chữa trị, phục hồi hay cũng như phát triển các chức năng xã hội phù hợp. Việc cung cấp cho người cao tuổi những kiến thức, kỹ năng chăm sóc bản thân như chế độ dinh dưỡng, các hoạt động thể chất, các cách thức phòng bệnh, chữa bệnh… khoa học và phù hợp sẽ giúp người cao tuổi có cuộc sống mạnh khỏe và an toàn hơn.

2.4. Người biện hộ

Trong xã hội Việt Nam, do đặc thù của văn hóa, nhu cầu tình dục của người cao tuổi chưa được chú ý đúng mức, thậm chí là một hành vi bị lên án. Những người cao tuổi kết hôn luôn chịu sự bàn tán, đánh giá của gia đình, của những người xung quanh. Đây là một nhạy cảm văn hóa mà nhân viên xã hội cần hết sức chú ý. Cần làm cho bản thân người cao tuổi cũng như gia đình và những người xung quanh hiểu và tôn trọng nhu cầu đó của người cao tuổi bởi tình dục cũng như ăn, uống, hít thở… là những nhu cầu cơ bản nhất của con người. Người cao tuổi suy giảm nhu cầu tình dục chứ không phải là hoàn toàn không có nhu cầu đó.

2.5. Người tạo môi trường thuận lợi

 Nhân viên công tác xã hội cần tác động và làm thay đổi các hệ thống đó để tạo ra môi trường thuận lợi nhất phục vụ người cao tuổi giải quyết các vấn đề của bản thân cũng như những hoạt động phù hợp với nhu cầu của bản thân và sự mong đợi của xã hội.

Gia đình là một thiết chế quan trọng đối với mọi cá nhân trong đó có người cao tuổi. Ngày nay, do ảnh hưởng của sự thay đổi điều kiện kinh tế – xã hội, gia đình cũng có sự biến đổi về nhiều mặt như cấu trúc, quy mô, văn hóa… và sự thay đổi đó có ảnh hưởng sâu sắc đến người cao tuổi. Nhịp sống công nghiệp làm cho con người ít quan tâm đến nhau, sự thiếu quan tâm của con cháu, sự mâu thuẫn và xung đột về tư tưởng giữa các thế hệ… làm cho người cao tuổi cảm thấy bị cô lập, cảm giác không được quan tâm. Đó là nguyên nhân nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực ở người cao tuổi.

Chính vì thế, trong tiến trình công tác xã hội với người cao tuổi, nhân viên công tác xã hội cần quan tâm đến việc huy động các nguồn lực hỗ trợ từ gia đình thông qua cải thiện các mối quan hệ, thúc đẩy sự quan tâm của các cá nhân trong gia đình người cao tuổi… để người cao tuổi có thêm các nguồn lực hỗ trợ, có thêm các điều kiện thuận lợi để tự lực vươn lên, giải quyết triệt để các vấn đề của cá nhân và đạt được những giá trị xã hội như mong đợi của họ.

3. Một số kỹ năng can thiệp của nhân viên xã hội khi làm việc với người cao tuổi

3.1. Kỹ năng quan sát

- Dáng vẻ bên ngoài: Nhân viên xã hội cần chú ý đến kiểu quần áo người cao  tuổi mặc, mức độ sạch sẽ, gọn gàng, màu sắc trang phục ... Nó biểu thị cho kinh tế của người cao tuổi, nghề nghiệp của họ hoặc một phần tính cách của người cao tuổi trong đó. Biểu hiện qua nét mặt: Vui, buồn, giận giữ và thù địch... từ đó giúp nhân viên xã hội nhận biết cảm xúc, suy nghĩ của họ có phù hợp với những điều họ nói không. Với người già, nét mặt là một kênh biểu hiện cảm xúc rõ ràng của họ. Nhân viên xã hội cần rất lưu ý quan sát đặc điểm này. Cử chỉ, điệu bộ, tư thế, phản ứng từ đó giúp nhân viên xã hội nắm được các biểu hiện về cảm xúc của người cao tuổi  

- Quan sát môi trường sống của người cao tuổi nhằm hiểu thêm về điều kiện sống cũng như các tương tác xung quanh, đặc biệt trong những buổi vãng gia nhân viên xã hội cần quan sát kỹ để có những thông tin đầy đủ và toàn diện. Ví dụ: Quan sát cách thức người già trong gia đình tương tác với con cháu; phòng ở và các điều kiện sinh hoạt có phù hợp với sức khỏe của người cao tuổi hay không; cách thức người già được chăm sóc…

3.2. Kỹ năng lắng nghe

Người cao tuổi có thể bày tỏ rất nhiều, nhưng không nêu vấn đề nào là quan trọng, nhu cầu nào là cần thiết đối với họ hiện tại. Khi đó nhân viên xã hội biết lắng nghe cần phải biết chú ý đến những gì người cao tuổi truyền tải để có thể tóm lược và diễn giải thông tin cơ bản. Nhân viên xã hội  cũng có thể giúp khách hàng trình bày một cách rõ và tập trung hơn về vấn đề của họ. Cần tránh kiểu nghe không chú ý, giả vờ nghe hoặc nghe không đầy đủ.

Ngôn ngữ cử chỉ mang nhiều thông tin ẩn chứa trong đó. Lắng nghe không có nghĩa chỉ nghe âm thanh, mà nhân viên xã hội cần biết “nghe” cả những biểu hiện không lời của người cao tuổi. Có thể họ muốn diễn đạt một điều gì đó bằng lời nhưng rất khó khăn, do đó cử chỉ, điệu bộ mà họ thể hiện ra sẽ là kênh thông tin hữu ích đối với nhân viên xã hội. Vì thế nhân viên xã hội cần hiểu biết về nền văn hoá của người cao tuổi để giao tiếp cho phù hợp.

3.3. Kỹ năng xử lý sự im lặng

Trong quá trình làm việc với người cao tuổi, có những lúc người cao tuổi im lặng. Thay vì bối rối và chuyển chủ đề, thì nhân viên xã hội cần tìm hiểu sự yên lặng đó của người cao tuổi mang ý nghĩa gì?

Người cao tuổi không có gì để nói, đầu óc họ đang trống rỗng; Người cao tuổi không biết bày tỏ như thế nào, họ cảm thấy khó khăn khi nói về vấn đề đó; Người cao tuổi không muốn nói vì có thể điều đó làm tổn thương họ; hoặc sợ nhân viên xã hội hiểu lầm; cảm giác không an toàn, nghi ngờ người giúp đỡ …

Tính cách của người cao tuổi là người kín đáo, thích nghe hơn là nói, họ chờ nhân viên xã hội nói…

Rất nhiều lý do để người cao tuổi im lặng, và nhiệm vụ của nhân viên xã hội là tìm hiểu sự im lặng.

Cách xử lý im lặng:

Cho phép người cao tuổi im lặng trong một khoảng thời gian nhất định (không quá dài, thường chỉ 30 giây) tùy vào cảm nhận của nhân viên xã hội về sự im lặng đó; Bày tỏ sự cảm thông với sự im lặng đó; Khuyến khích người cao tuổi nói ra vấn đề của họ và cảm xúc hiện tại của họ. Cho người cao tuổi thấy nhân viên xã hội muốn giúp đỡ họ khi nào họ muốn

3.4. Kỹ năng thấu cảm

Thấu cảm là nhân viên xã hội có thể hiểu được một cách chính xác những gì mà người cao tuổi của họ đang trải qua từ chính hệ quy chiếu của người cao tuổi. Hay nói cách khác, nhân viên xã hội có khả năng cảm nhận điều mà người cao tuổi đang cảm nhận, hiểu người cao tuổi bằng tư duy cũng như bằng tình cảm. Người cao tuổi phải cảm thấy rằng họ đang được quan tâm thực sự chứ không phải bị định kiến, phê phán hay chỉ trích để họ có thể cởi mở và chia sẻ hơn với nhân viên xã hội

3.5. Kỹ năng vận động và kết nối nguồn lực

Được coi là kỹ năng cơ bản trong CTXH. Kết nối nguồn lực có thể hiểu ở ba khía cạnh: Kết nối giữa nguồn lực nào đó với người cao tuổi; Kết nối giữa các nguồn lực khác nhau để cùng giải quyết vấn đề và trợ giúp người cao tuổi; Vận động và kết nối ngay chính nguồn lực trong cộng đồng.

Các nguồn lực hỗ trợ chính là các hệ thống xung quanh cá nhân, nhóm và cộng đồng. Bao gồm các hệ thống tự nhiên (gia đình, bạn bè…); hệ thống chính thức (cơ  quan, đoàn thể … ); hệ thống xã hội (tổ chức, ngân hàng, bệnh viện, trường học … ) hỗ trợ người cao tuổi. Tùy vào vấn đề cụ thể của người cao tuổi là gì mà các nguồn lực này phát huy tác dụng hỗ trợ ở khía cạnh nào.

Một khía cạnh khác của kết nối nguồn lực là việc nhân viên xã hội liên kết các nguồn lực khác nhau lại để cùng phát huy sức mạnh giúp cho người cao tuổi. Nhân viên xã hội cần làm việc với các bên quản lý nguồn lực để có được những thỏa thuận hợp tác  rõ ràng, đảm bảo hiệu quả của công việc giúp đỡ.

4. Kết luận

Như vậy, người cao tuổi chính là một trong những đối tượng yếu thế trong xã hội, cần được sự trợ giúp, nhất là của nhân viên công tác xã hội. Đa phần người cao tuổi sẽ gặp phải những vấn đề khó khăn cả về thể chất, sức khỏe và tinh thần. Với những kiến thức vốn có, công với những kỹ năng đặc thù, mỗi nhân viên công tác xã hội sẽ phát huy hết khả năng để góp phần trợ giúp cho người cao tuổi có cuộc sống tốt hơn cả về thể chất cũng như tinh thần.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chu Vĩnh Bình: Cuộc sống người cao tuổi (2006), Nxb Thế giới, Hà Nội.

2. Nguyễn Văn Đồng, Tâm lý học phát triển, giai đoạn thanh niên đến tuổi già (2007), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

3. Nguyễn Thế Huệ (2010), Thực trạng đời sống của người cao tuổi từ 80 trở lên, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

4. Nguyễn Thế Huệ (2013), Cẩm nang chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi ở cơ sở, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

5. Hà Văn Thuật (2013), Chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò của người cao tuổi: Hỏi và đáp, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.