Nội san

Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa để xây dựng đời sống văn hóa tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng

23 Tháng Năm 2023

Lê Đoàn Bảo Nguyên

                                                                                Học viên K11 Quản lý văn hóa

 

Hòa Sơn là một xã trung tâm giao lưu của 4 xã cánh bắc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố khoảng 15km giao thông đi lại thuận lợi. Địa hình xã đan xen giữa đồi núi và đồng bằng; có khoảng 40% diện tích đồi núi, còn lại và vùng đồng bằng. Vùng đồi núi có các mỏ đá với trữ lượng lớn, phục vụ cho việc sản xuất đá chẻ, giải quyết được việc làm cho nhiều người lao động tại địa phương. Bên cạnh đó đất đồi được khai thác để làm vật liệu sang lấp mặt bằng các khu tái định cư. Bên cạnh các đặc điểm đời sống kinh tế, thì những năm qua xã Hòa Sơn cũng đã tập trung, chú trọng triển khai các nội dung xây dựng đời sống văn hóa, đặc biệt đến các thiết chế văn hóa xã và khu dân cư để góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Để làm được điều đó là sự nổ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phường và nhân dân xã. Nhiều chương trình xây dựng nhằm đáp ứng được nhu cầu của người dân, mang lại hiệu quả cho xã, đồng thời với các chính sách kịp thời, nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân, tạo được sự ủng hộ, đoàn kết trong toàn xã. Trong những năm qua, xã Hòa Sơn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực để phục vụ và phát triển tại địa phương. Bài viết tập trung đến các giá trị và nguồn lực văn hóa để xây dựng phong trào phát triển về văn hóa tại địa phương đạt hiệu quả tốt hơn.

Trong quá trình xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới, văn hóa chính là nền tảng, là động lực để đẩy mạnh và thúc đẩy cho sự phát triển nền kinh tế và ổn định xã hội. Xây dựng đời sống văn hóa cở sở là làm cho cơ sở phát triển, cuộc sống, kinh tế vật chất đầy đủ, phong phú, có đời sống văn hóa lành mạnh, văn minh. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ra đời trong bối cảnh Đảng ta chủ động đổi mới tư duy, lãnh đạo toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có văn hóa. Nghị quyết đưa ra các quan điểm chỉ đạo cơ bản có sự đổi mới, có giá trị về cả lý luận và thực tiễn, gồm:

- Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

- Nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

- Nền văn hoá Việt Nam là nên văn hoá thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

- Xây dựng và phát triển văn hoá là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

- Văn hoá là một mặt trận; xây dựng, phát triển văn hoá là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng

Ngoài ra, việc xây dựng đời sống văn hóa còn phát động phong trào cụ thể như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” là cuộc vận động lớn mang tính toàn dân, toàn diện, với mục đích nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong quan hệ với gia đình và cộng đồng, môi trường tự nhiên và xã hội; Phong trào “Người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến”; Phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”; Phong trào “Xây dựng làng văn hóa, khu phố văn hóa”; Phong trào “Xây dựng công sở, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang có nếp sống văn hóa”; Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Phong trào “Đẩy mạnh phong trào học tập, lao động sáng tạo”.

Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở là một quá trình phát triển và nâng cao đời sống văn hóa của cộng đồng cơ sở, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của cộng đồng và con người. Đảng, Nhà nước tập trung quyền làm chủ của nhân dân thông qua các hoạt động kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội được triển khai sâu rộng, dưới sự chỉ đạo của cấp chính quyền đại diện cho Đảng, Nhà nước, đồng thời, hưởng thụ các giá trị văn hóa do mình sáng tạo ra. Đặc điểm cơ bản của đời sống văn hóa cơ sở là gắn liền văn hóa với sinh hoạt vật chất, tinh thần hằng ngày của cá nhân và cộng đồng đó, trong các mối liên kết thường xuyên và trực tiếp với không gian địa lý nhất định cùng với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và các thiết chế văn hóa nhất định. Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là xây dựng văn hóa từ ngay trong gia đình và trong cộng đồng dân cư, cộng đồng nghề nghiệp của quần chúng nhân dân.

Như vậy, có thể hiểu xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở là một quá trình đòi hỏi sự đồng tâm, đoàn kết và nỗ lực của toàn bộ cộng đồng, từ đó giúp tạo ra một môi trường sống văn minh, thân thiện và phát triển.

Đối với xã Hòa Sơn, nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được quan tâm, chú trọng, từng bước phát triển và có nhiều chuyển biến tích cực. Để thực hiện hiệu quả, xã Hòa Sơn đã xây dựng Ban chỉ đạo phong trào có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, phối hợp; trong đó vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội thường xuyên tuyên truyền các Nghị quyết của Đảng ủy các cấp, chính quyền địa phương và các chương trình công tác hằng năm của từng đơn vị; nâng cao hiệu quả việc thực hiện các cuộc vận động, hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tập trung xây dựng nội dung đổi mới phương thức thực hiện, cách thức hoạt động cuộc vận động gắn với Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Hòa Sơn với tổng số nhân khẩu trên 17.014 người, phần lớn là người Kinh, trình độ người dân phần lớn có tri thức đủ để đáp ứng được yêu cầu xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương. Có thể thấy, nhân lực (con người) có yếu tố quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa; đó là nhân lực cán bộ trong hệ thống chính trị và cộng đồng người dân. Cùng với đó, xã Hòa Sơn tiếp tục phát huy nguồn lực cơ sở vật chất phục vụ xây dựng đời sống văn hóa gồm có cơ sở vật chất của hệ thống chính trị (Trụ sở UBND xã, hội trường, …) và cơ sở vật chất ngành văn hóa, thiết chế văn hóa truyền thống (Đền, miếu…); cơ sở thiết chế văn hóa đương đại (Nhà văn hóa, khu thể thao…). Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước để hỗ trợ và vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp xây dựng hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn mới trên địa bàn.

Qua quá trình thực hiện thực tế, các nguồn lực đóng góp để xây dựng đời sống văn hóa có thể nhận thấy những ưu điểm rõ nét như sau:

- Người dân là chủ thể trọng tâm thực hiện đời sống văn hóa, nguồn nhân lực luôn dồi dào, đoàn kết thống nhất các chủ trương vận động của Đảng, Nhà nước cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa ngày càng ổn định và phát triển.

- Cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách trong hệ thống chính trị của địa phương được bố trí đảm bảo và đầy đủ để thực hiện công việc.

- Cơ sở vật chất, thiết chế sử dụng cho văn hóa được rải đều trên địa bàn xã, đáp ứng được nhu cầu của người dân.

- Nguồn lực tài chính luôn được địa phương quan tâm, huy động chủ yếu nguồn vốn Nhà nước.

Để phát huy các giá trị và nguồn lực trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở xã Hòa Sơn, tác giả mong muốn người dân và các ban ngành, đoàn thể có liên quan cần tập trung các nội dung cụ thể:

Thứ nhất là Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân tham gia tích cực vào phong trào thi đua yêu nước và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Nâng cao chất lượng công tác dân vận của Đảng, vai trò tham mưu của cán bộ làm công tác dân vận, trong việc thực hiện vận động nhân dân theo hướng sâu sát thiết thực, hiệu quả. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Tập trung đổi mới phương pháp vận động, tập hợp nhân dân, phát triển hội viên, đoàn viên, xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, công tác nhân đạo từ thiện.

Thứ hai là Để nâng cao được hiệu quả hoạt động văn hóa ở cơ sở thì đầu tư cho cơ sở vật chất là việc cần làm để đảm bảo nhu cầu vui chơi giải trí, hưởng thụ các giá trị văn hóa cho người dân tại các điểm như: cơ quan xã, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế,... Cần tập trung hơn trong công tác tuyên truyền và các hoạt động văn hóa, thể thao, đề xuất công tác thi đua khen thưởng với người tham gia, hỗ trợ đối với cán bộ làm văn hóa sau mỗi chương trình, hoạt động lớn, cần có nguồn kinh phí phân bổ hợp lý để tổ chức các hoạt động phù hợp. Để thực hiện tốt chức năng các thiết chế do Nhà nước trực tiếp quản lý cần phải được tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước và chế độ tự chủ tài chính. Còn từ nguồn đóng góp của nhân dân thì chủ yếu là các thiết chế văn hóa tự làm. Từ đó đẩy mạnh được ý thức người dân trong việc giữ gìn, bảo quản và phát huy cơ sở vật chất của các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa thôn, sân thể thao, trung tâm văn hóa....

Thứ ba là Phát huy sức mạnh cộng đồng dân cư để xây dựng văn hoá, văn minh khu dân cư. Để phát huy vai trò của cộng đồng trong việc xây đựng đời sống văn hóa ở xã Hòa Sơn cần có sự kết hợp giữa quản lý chính quyền với cộng đồng ở khu dân cư, thực hiện dân chủ hóa trong hoạt động văn hóa cơ sở. Dựa trên nguyên tắc đồng thuận, nhân dân làm chủ và tự nguyện thực hiện. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nhất là các văn bản pháp luật liên quan đến phòng, chống tội phạm; quản lý đất đai; hôn nhân gia đình; chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em... có liên quan thiết thực đến đời sống của nhân dân.

Thứ tư là tận dụng tối đa các nguồn vốn Nhà nước đầu tư sử dụng cho xây dựng đời sống văn hóa. Bên cạnh đó, cần có sự phân bổ kinh phí phù hợp trong công tác tổ chức hoạt động, thi đua khen thưởng…… Ngoài ra, chính quyền địa phương nên tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn cùng tham gia ủng hộ, đóng góp kinh phí xây dựng các phong trào. Đồng thời tranh thủ sự đóng góp sẻ chia của những người con xa quê đang học tập và công tác ngoài địa phương thông qua các kênh Hội đồng hương. Khuyến khích các nhân dân địa phương tham gia vào xây dựng các thiết chế văn hóa với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để tạo được sự đồng thuận, chung sức từ nhân dân để phát triển văn hóa địa phương.

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở bằng việc xây dựng và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người dân, từ đó hình thành nên môi trường sống lành mạng, mang lại sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Trong nghiên cứu luận văn và bài viết này, tác giả đã nêu ra những lý luận liên quan đến đời sống văn hóa và cần duy trì, phát huy các giá trị, nguồn lực hiện nay tại xã Hòa Sơn. Có thể khẳng định đời sống văn hóa có vai trò thiết thực liên quan trực tiếp đến tinh thần của người dân. Đời sống văn hóa xã Hòa Sơn trong thời gian qua đã có những kết quả nhất định, chú trọng các giải pháp nâng cao nhận thức và nguồn lực để xây dựng. Các giải pháp đều tập trung, vận động được nhân dân tham gia trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện, vừa làm vừa thụ hưởng, tạo nên sự đoàn kết chặt chẽ trong cộng đồng. Tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội cho người dân địa phương. Xã Hòa Sơn đã và đang phát triển thay đổi diện mạo, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, vẫn đáp ứng giữa nguyên thuận lợi tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, cùng với đó sức mạnh tập thể của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hòa Sơn trong phát triển kinh tế, xã hội, góp phần vào việc xây dựng thành phố Đà Nẵng là thành phố đô thị văn minh năng động ở miền Trung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII), về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

3. Phan Ngọc (2007), Cụm công trình văn hóa Việt Nam

4. Lê Thanh Hải (2023) đề tài Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tại phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, Luận văn thạc sĩ Quản lý văn hóa, trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương.

5. Từ điển Tiếng Việt (2010), Nxb Từ điển Bách Khoa, Hà Nội.

6. Các báo cáo liên quan của xã Hòa Sơn, tài liệu trên mạng Internet.