Bộ Nội vụ kiểm tra lại việc đánh giá cán bộ... 

- Thưa Thứ trưởng, ông có ý kiến gì về dư luận cho rằng có 30% số cán bộ, công chức không làm việc và con số 1% số cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ mà Bộ Nội vụ vừa đưa ra?

 - Một nguyên tắc rất quan trọng trong công tác tổ chức cán bộ nói chung và đánh giá cán bộ nói riêng, đó là phải khách quan, công bằng và vô tư, không thiên vị. Thực tế thì mỗi cơ quan, tổ chức, dù ở khu vực công hay khu vực tư, cũng luôn có những người làm việc tốt và người làm việc chưa tốt. 

Mức độ bao nhiêu thì ở các cơ quan khác nhau là khác nhau. Con số 30% số cán bộ, công chức không làm việc, thì cũng chỉ là con số võ đoán, chứ chưa có thống kê chính thức nào. Rồi cứ thế con số được nói đi nói lại. Chúng tôi không phủ nhận thực tế ở các cơ quan, từ trung ương đến địa phương vẫn có một bộ phận công chức, viên chức năng lực yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, còn có biểu hiện vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, chây lười, thiếu trách nhiệm, quan cách, cửa quyền, thiếu tinh thần phục vụ nhân dân. 

Tuy nhiên, ngay từ báo chí cũng có thể thấy, có rất nhiều cán bộ, công chức đang làm việc hết sức tận tụy, trách nhiệm góp phần không nhỏ vào sự phát triển của đất nước.

Với trách nhiệm quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, khi có dư luận về 30% như vậy, Bộ Nội vụ đã có văn bản số 1938/BNV - CCVC, ngày 6.6.2013, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức năm 2012. Tỉ lệ 1% số cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ mới chỉ là số liệu ban đầu theo báo cáo của một số bộ, ngành, địa phương. Hiện Bộ Nội vụ vẫn đang tiếp tục tổng hợp. 

Tuy nhiên, với tỉ lệ phần trăm đánh giá, phân loại cán bộ, công chức được báo cáo và tỉ lệ phần trăm mà dư luận cho rằng có sự chênh lệch như vậy, đã đặt ra cho Bộ Nội vụ trách nhiệm phải nghiên cứu, kiểm tra lại việc thực hiện cơ chế và thực hiện trách nhiệm đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức. 

Bỏ kiểu đánh giá cán bộ bằng “phiếu kín”

- Dư luận cho rằng việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức hiện nay chưa được thực hiện nghiêm và còn thiếu trách nhiệm của người đứng đầu. Thứ trưởng cho ý kiến về nhận xét này? 

- Trước đây, việc đánh giá từng cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước được tiến hành theo phương thức bỏ phiếu của tập thể cơ quan, đơn vị. Vì thế, người nào làm việc bình thường, ít va chạm, được lòng mọi người trong cơ quan có khi lại là người được nhiều phiếu đánh giá tốt. Những người làm việc tốt, trách nhiệm nhưng gai góc, có chính kiến, hay va chạm, không “dĩ hòa vi quý” thì thường lại không được nhiều phiếu đánh giá tốt. Việc bỏ phiếu đánh giá tưởng là khách quan, công bằng nhưng thực ra lại rất chủ quan, không gắn với trách nhiệm. 

Hoạt động công vụ là hoạt động tuân thủ theo pháp luật, có thứ bậc trên dưới chặt chẽ. Trong hoạt động công vụ, thì cấp trên - chứ không phải tập thể - là người phân công, kiểm tra, đánh giá và biết rõ nhất việc thực hiện nhiệm vụ của từng người dưới quyền, nhưng trước đây cấp trên chưa được giao thẩm quyền hoàn toàn trong quyết định đánh giá cấp dưới; việc bình xét đánh giá cán bộ còn phụ thuộc nhiều vào ý kiến tập thể. Trách nhiệm của cấp trên cũng không rõ ràng.

Vì vậy, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ đã quy định rất rõ, cụ thể căn cứ, nội dung và trách nhiệm đánh giá cán bộ, công chức. Trong đó, thẩm quyền đánh giá thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Nghĩa là việc đánh giá thực hiện theo nguyên tắc: Cấp trên đánh giá cấp dưới; ai giao việc, thì người đó có thẩm quyền và trách nhiệm đánh giá...

Tuy nhiên, chuyển từ thói quen và cách làm trước đây sang thực hiện theo các quy định hiện hành cũng còn nhiều hạn chế và chưa đúng với pháp luật. Trong nhiều cơ quan, đơn vị, hiện nay việc đánh giá vẫn thực hiện bỏ phiếu và người đứng đầu các phòng, ban, vụ, sở... vẫn rất ngại đưa ra chính kiến nhận xét, đánh giá của mình đối với cấp dưới.

Đây đó vẫn còn tâm lý cấp trên ngại, nể nang, sợ va chạm với cấp dưới. Thẩm quyền được giao cho người đứng đầu nhưng vẫn có tình trạng e ngại, nể nang, thiếu bản lĩnh, thiếu trách nhiệm hoặc thiếu khách quan, công tâm khi thực hiện việc đánh giá, phân loại. Nhiều người vẫn thích lấy phiếu đánh giá trong tập thể cho “an lành”, đẩy trách nhiệm đó cho tập thể. 

Thậm chí, có người còn muốn chạy theo thành tích, muốn đơn vị mình không có người nào hạn chế về năng lực hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Từ đó, kết quả đánh giá, phân loại cuối năm, tỉ lệ cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ tốt, hoặc chưa hoàn thành nhiệm vụ chưa phản ánh đúng với chất lượng công tác. 

2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ, cho thôi việc!

- Để tránh tình trạng đánh giá cán bộ một cách hình thức, chạy theo thành tích của các cơ quan đơn vị, Bộ Nội vụ đã và sẽ có những biện pháp gì?

- Để khắc phục tình trạng đánh giá mang tính hình thức, chạy theo thành tích, vừa qua, Bộ Nội vụ đã có văn bản ngày 2.12.2013 gửi các bộ, ngành, địa phương để khắc phục những bất cập, hạn chế và hướng dẫn thêm trong thực hiện công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức năm 2013.

Theo đó, việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện theo đúng căn cứ, nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn. 

Đặc biệt, không thực hiện việc lấy phiếu của tập thể công chức, viên chức trong đơn vị khi đánh giá hằng năm như trước đây. Đồng thời, yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện đúng thẩm quyền được pháp luật giao và chịu trách nhiệm về quyết định đánh giá công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình. 

Thực hiện đúng các quy định mang tính cải cách này sẽ xác định rõ những ai hoàn thành tốt nhiệm vụ, ai không đáp ứng yêu cầu công việc. Đánh giá đúng và khách quan, công bằng sẽ chống được bệnh thành tích, tính hình thức trong đánh giá; làm cơ sở cho việc biểu dương, khen thưởng; thực hiện tinh giản biên chế; giải quyết cho thôi việc những người có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ... Từ đó, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. 

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Theo laodong.com.vn