Nội san

Vài nét về nghệ thuật chèo trên đất Nam Định

06 Tháng Giêng 2015

                                                                                      Nguyễn Thị Thúy Hoa

 

Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian Việt Nam. Chèo mang tính quần chúng và được coi là một loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với lối nói ví von, giàu tính tự sự, trữ tình. Qua nhiều thời kỳ lịch sử, Chèo đã có một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Sân khấu Chèo được sáng tạo ra từ tâm hồn trí tuệ người dân lao động, là nơi gắn kết tình cảm cộng đồng, làng xã.

Từ lâu, các nhà nghiên cứu nghệ thuật đã khẳng định: Nam Định là một trong những vùng mà nghệ thuật Chèo xuất hiện sớm và tồn tại lâu dài của vùng châu thổ sông Hồng. Lễ hội truyền thống là nơi lưu giữ, truyền tải các giá trị văn hóa dân tộc.

Trong hội làng ở Nam Định không thể thiếu vắng chiếu Chèo sân đình. Ngày xưa, vào những ngày xuân hay nông nhàn, những phường Chèo (gồm từ 10 đến 15 người) như những khách chơi xuân gánh hòm đồ trên vai đi xin đám ở các làng. Nơi diễn là một tấm chiếu hoa trải ở sân đình, một tấm màn nhỏ ngăn nơi diễn với hậu trường. Trang trí khu vực diễn là khung cảnh ngày hội: cây nêu, những lá cờ ngũ sắc, những bức cửa vòm sơn son thiếp vàng… Mở đầu buổi diễn bao giờ cũng là “thi nhịp” - một hình thức đồng tấu của các loại nhạc cụ gõ từ trống cái, trống đế, trống cơm, trống bộc, sanh tiền, mõ, thanh la… Nghe những âm thanh rộn rã, sôi động ấy, nghệ sĩ cất bài ca “vỡ nước”, nội dung chúc dân làng một năm làm ăn thịnh vượng, đồng thời cũng là hình thức khai giọng của diễn viên trước khi vào trò. Dân làng thi nhau xúm quanh ba mặt chiếu Chèo, lúc này một chú hề ra múa “dẹp đám” để đám đông khỏi lấn vào nơi diễn, hoặc một lớp “giáo đầu” giới thiệu nội dung trò diễn và sân khấu dần thu hút sự chú ý của khán giả.

Nam Định là tỉnh ven biển có nền văn hóa phong phú và đa dạng: Ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, các trò chơi dân gian, diễn xướng, âm nhạc, sân khấu, rối nước, rối cạn…, đặc biệt là những phường Chèo, gánh Chèo nổi tiếng xứ Nam. Qua nhiều thời kỳ lịch sử, Chèo đã giao thoa với các loại hình khác như hát Văn, hát Xẩm…, tiếp nhận hơi thở của từng thời đại, không ngừng được bổ sung, hoàn thiện nhưng vẫn giữ được chất cổ. Trong Chèo luôn sử dụng vốn dân ca, tục ngữ, ca dao phong phú của một vùng quê nơi cuộc sống dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, tuy mang âm hưởng chung của cư dân đồng bằng Bắc Bộ nhưng vẫn có nội dung sâu lắng riêng của Nam Định:

Hỡi cô thắt dải lưng xanh

Có về Nam Định với anh thì về

Nam Định có bến Đò Chè

Có nghề dệt vải có nghề ươm tơ

Những sự tích, truyền thuyết dân gian đã được truyền tải qua lời ca, những tích trò trên sân khấu Chèo. Có thể nói, nghệ thuật Chèo mà ông cha ta để lại là loại hình nghệ thuật lâu đời nhất của dân tộc. Từ những câu chuyện dân gian, ca dao, đồng dao, dân ca đến những ứng xử trong lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày, từng bước được sân khấu hóa, cha ông ta đã soạn thành những tích, câu chuyện có bắt đầu và có kết thúc, rồi từ các tích dựng thành các trò diễn. Số phận các nhân vật được thể hiện qua các lớp trò bằng nói, hát, múa và tích được kể lại theo trình tự thời gian. Nghệ thuật Chèo được hình thành trên nền văn nghệ dân gian, như một loại hình sân khấu mang tính kể chuyện của dân tộc.

Chèo là sự kết tinh và thể hiện sự sinh động trong văn hóa Việt, trong đó tính cộng đồng được xem như một đặc điểm quan trọng. Chèo Nam Định xuất hiện và phát triển trên nền tảng của văn hóa Nam Định mang tính cộng đồng cao trong truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm cũng như trong sinh hoạt đời thường “tình làng nghĩa xóm”… Từ nền văn hóa truyền thống có một bề dày lịch sử từ dân ca, dân vũ, trò chơi, lễ hội hay những phong tục về tâm linh của người dân Nam Định, sân khấu Chèo đã hình thành và phát triển. Cùng với thời gian, Chèo đã trở thành bộ môn nghệ thuật chuyên nghiệp có một vị trí vững chắc ở Nam Định.

                                   

Một giờ học Chèo - Lớp Chèo K6 khóa học 2006 - 2009

(Ảnh tư liệu phòng Truyền thống trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Nam Định)

 

Trong Chèo cổ, từ xa xưa, chất liệu dân ca các miền đã được Chèo hóa làm phong phú thêm chất liệu và truyền tải những cung bậc tình cảm khác nhau và qua đó cũng làm nên những đặc trưng Chèo vùng miền. Ví dụ như làn điệu “Hề mồi đồn rằng” có gốc cùng với Trống cơm; “Ru kệ”, “Vãn ba than” bắt nguồn từ âm nhạc nhà chùa; “Bình điếu ngự” mang tính chất Ả đào rất rõ; làn điệu  “Hát hầu Bà chúa con cua” được chuyển hóa từ điệu Chầu dọc trong hát Chầu văn. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức Hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần - một tín ngưỡng dân gian phổ biến ở Nam Định. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh. Hát Văn có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ mà Nam Định được coi là cái nôi sinh ra và nuôi dưỡng, phát triển loại hình nghệ thuật này. Và ngược lại, có nhiều làn điệu xưa và nay cả trong Chèo cổ lẫn trong Hát Văn đều sử dụng như: nói Sử, nói Thơ… Do đó, nhận định sự giao thoa của nghệ thuật Chèo và Chầu văn ở Nam Định là có cơ sở.

Các điệu Dọc: Âm nhạc khúc triết, kết cấu rõ ràng, tính chất khỏe khoắn thường được dùng ở các giá Quan lớn, giá Ông Hoàng, giá các Cô (đồng bằng. Sau khúc nhạc dạo là vào câu chính. Giữa hai trổ hát là đoạn nhạc chen:

 Hai câu lục bát là một trổ hát. Câu 6 được hát trước bằng 4 chữ cuối rồi đến 2 chữ đầu thành 1 câu, sau đó hát tiếp 4 chữ :

Hát văn Quan lớn Đệ Nhất:

Đệ Nhất tôn ông thỉnh mời, Đệ Nhất tôn ông

Lai lâm chứng giám đền chung uy hùng.

Lục chí thần thông anh linh, lục chí thần thông

Quyền thu tam giới uy phong pháp màu…

Trong bài Bà Chúa con cua thì hai câu lục bát là một trổ hát. Giữa các trổ hát là lưu không 6.

Câu 6 được hát trước bằng 4 chữ cuối rồi đến 2 chữ đầu trong đó có thêm một vài từ đệm láy lại

Làn điệu Bà chúa con cua:

Bà chúa con cua con tấu lạy bà (nưng nứng hự, nưng nứng hự), bà rằng bà chúa con là con cua

Tám chân kìa hai con mắt, kìa là một mai i ì i i hai cái còng (LK6).

Bà ở ngoài đồng kìa bà vốn khi xưa (nưng nứng hự, nưng nứng hự), khi xưa bà ở ngoài đồng i ì

Phải kia cơn là cơn mưa gió, bà lọt vào vòng đám cỏ may…

Các từ đệm trong bài: Nưng nứng hự (không mượt mà như các từ ngân đuôi khác i, a...) nghe có cảm giác như đôi chân của thầy phù thủy khi lên đồng, làm phép. Chưa kể với tiết tấu trúc trắc, tạo không khí vui, khỏe cùng với tiếng đệm và nhân vật phù thủy (mồm bôi nhọ thể hiện sự tham ăn, ăn mặc lòe loẹt) thể hiện sự đồng bóng… Làn điệu Bà chúa con cua được sử dụng cho vai phù thủy lên đồng cúng cho Xúy Vân khỏi điên tình, kêu cầu Bà Chúa giúp người. Tuy nhiên trong Chầu văn không ca ngợi công đức của Bà chúa con cua mà là các vị Thánh, Thần có công giúp dân, giúp nước.

Từ so sánh trên có thể thấy, Bà Chúa con cua được cải biến từ điệu Dọc trong Chầu văn, không giống hệt mà nó đã thay đổi phong phú hơn về qui tắc hát láy từ, thêm từ, các ngân đuôi phong phú hơn, đưa lên cao hơn hay xuống thấp hơn so với cách ngân đuôi của điệu Dọc. Do đó, ý nghĩa hát cũng thay đổi: Trong điệu Dọc là sự nghiêm chỉnh, ca tụng công đức của các vị Thánh nhưng khi chuyển sang Bà chúa con cua sự trang nghiêm ấy với cách thêm từ, tiếng đệm đã trở thành sự tự giễu mình, giễu những sự thanh tao giả tạo.

Có thể nói, Chầu văn đã giao thoa với Chèo một cách tinh tế và hợp lý, đây là nét riêng của nghệ thuật Chèo Nam Định. Diễn xướng Chầu văn là một hiện tượng văn hóa độc đáo nhưng bản chất của nó là hiện tượng văn hóa tâm linh, chỉ sử dụng trong các dịp lễ hội ở các đền, phủ và luôn luôn song hành các yếu tố: hát, nhạc, múa. Sân khấu Chèo chuyên nghiệp Nam Định đã biết chắt lọc các yếu tố trong các làn điệu Chầu văn để sử dụng trong các tình huống, tâm trạng nhân vật thêm phong phú, tạo nên phong cách riêng. Nhiều nghệ nhân, nghệ sỹ ngoài thời gian luyện tập, biểu diễn nghệ thuật Chèo thường kết hợp hoạt động Chầu văn tại các phủ, đền, đình… tại địa phương hoặc các tỉnh ngoài. Chính vì thế, nghệ thuật Chèo và Chầu văn có sự giao thoa ngay trong mỗi nghệ sĩ là điều tất yếu, không thể cùng một lúc phân biệt rạch ròi hai phong cách mà không ảnh hưởng lẫn nhau.

Đầu thế kỷ XX, ở Nam Định đã hình thành rất nhiều gánh hát Chèo của nhiều làng như: Làng Chèo An Lại Hạ - Ý Yên, Hào Kiệt - Vụ Bản, Hoành Nhị - Giao Thủy, Ngọc Tiên - Xuân Trường, Phú Vân Nam - Hải Hậu… Riêng huyện Mỹ Lộc có ba làng Chèo nổi tiếng là làng Đặng, làng Quang Sán, làng Nhân Nhuế; trong đó, hội Chèo làng Đặng được nhắc đến nhiều trong thơ ca, âm nhạc:

“… Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

Hội Chèo làng Đặng đi ngang ngõ

Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay

Lúc đầu, gánh Chèo chỉ là những gánh hát nhỏ, vào những năm 20, 30 của thế kỷ XX, gánh Chèo đã phát triển thành những phường, hội, đứng đầu là các cụ Trùm. Sân đình luôn là nơi lý tưởng nhất để dân làng hội tụ xem Chèo; có làng còn dựng rạp dưới ao, trước cửa sân đình làm sân khấu biểu diễn, mặt sân khấu hướng vào cửa đình. Chúng tôi muốn giới thiệu một dạng sân khấu Chèo cổ xuất phát từ việc thờ tướng quân Trần Khánh Dư, một trong những vị tướng đánh thủy tài ba của quân dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông tại Đình làng An Lại (xã Yên Nhân huyện Ý Yên). Vì thế mà làng không diễn Chèo ở sân đình mà làm rạp dưới ao, diễn Chèo suốt ba đêm hội làng. Sân khấu trên mặt nước phía ngoài ao, đóng cọc gỗ, lát ván lên trên bề mặt sau đó trải chiếu với chiều dài khoảng 6m, rộng khoảng 4m có cầu thang nối từ mặt đất sang sân khấu dành cho diễn viên đi lại. Hai bên sân khấu treo những tấm rèm theo chiều dọc để che phần chuẩn bị (cánh gà). Nhạc công ngồi dọc hai bên mép cánh gà phía ngoài sân khấu, diễn viên biểu diễn ở phần giữa. Cho đến nay, hoạt động về nghệ thuật Chèo của làng không còn được truyền thống như thời trước do các nghệ nhân cao tuổi đã mất. Các vở diễn đã vắng bóng họ mà chỉ còn lớp con cháu vào các buổi hội làng (rút từ 3 đêm còn 1 buổi ban đêm và 1 buổi ban ngày làm lễ rước) tham gia hát một số làn điệu như: Luyện năm cung, Chức cẩm hồi văn, Đào liễu, Đường trường phải chiều… Tuy nhiên, truyền thống bắc sân khấu dưới ao (nét văn hóa riêng) trong dịp Hội làng vẫn được duy trì (theo lời kể của bà Đỗ Thị Bích, người làng Yên Nhân, đã từng tham gia đội Chèo của làng cách đây 20 năm về trước )

Tuy nhiên, hiện tại, các nghệ nhân cao tuổi đã mất và truyền thống trong sinh hoạt nghệ thuật Chèo tại làng xã đã không còn được giữ gìn như khoảng 20 năm trở về trước. Đâu đó là chỉ là tiết mục trong các hội làng như hát một vài làn điệu cổ hoặc mới; sân đình đã vắng bóng các vở diễn dài bởi không còn các cụ Trùm dẫn dắt, các đào kép hậu bối đều không còn tha thiết với việc tập, diễn các vở Chèo hoặc giả vẫn có diễn các trích đoạn như Súy Vân giả dại, Xã trưởng Mẹ Đốp, Việc làng, Thị Màu lên chùa… Hầu hết đều thuê các đoàn chuyên nghiệp ở Trung ương hay địa phương cho “rôm rả” (thường là các ông chức sắc trong làng đứng lên thuê và đoàn diễn chất lượng hay thời lượng đều phụ thuộc vào phần kinh phí tài trợ của ai đó trong làng).

Chỉ trong khoảng nửa thế kỷ mà Chèo trong dân gian tại Nam Định đã mai một rất nhiều. Trong cuộc sống của những người dân bây giờ, phần nhiều là những giá trị nghệ thuật của ca khúc mới. Những bài hát ru con, những làn điệu dân ca Nam Định nói riêng, dân ca Việt Nam nói chung rất ít được vang lên. Một thực trạng mà ai cũng nhận thấy về giá trị văn hóa truyền thống đang đòi hỏi cần được bảo tồn, gìn giữ và phát triển. Từ thực tế cho  thấy: nếu như không được thấm nhuần những làn điệu dân ca quê hương mình từ thời thơ ấu, khi trưởng thành tiếp xúc với những nhịp điệu hối hả của âm nhạc hiện đại như vậy, mấy ai có trong tâm thức của mình những làn điệu dân ca truyền thống, những sự ngọt ngào của những giai điệu nơi làng quê thôn dã… Vấn đề bảo tồn ở đâu? Giữ gìn bằng cách nào? Vấn đề này đòi hỏi những tổ chức làm công tác quản lý, giáo dục về nghệ thuật cổ truyền cần phải có những phương pháp, những hành động kịp thời mang tính lâu dài. Trong rất nhiều phương án khả thi nhằm tuyên truyền những vốn dân ca truyền thống của quê hương, đó là dạy các làn điệu cho các thế hệ học sinh ngay khi còn nhỏ. Điều này đòi hỏi đội ngũ các thầy cô dạy âm nhạc phải thông thạo, nhuần nhuyễn những vốn kiến thức về dân ca. Như vậy, ngay khi còn là sinh viên sư phạm âm nhạc, các bạn đã phải trau dồi, tự nghiên cứu làm giàu sự hiểu biết về dân ca truyền thống của Việt Nam nói chung, của quê hương Nam Định nói riêng.                     

             

Một tiết mục biểu diễn Chèo – Lớp Chèo K5 khóa 2005 - 2008

(Ảnh tư liệu phòng Truyền thống trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Nam Định)

 

Gìn giữ và phát huy những giá trị của nghệ thuật Chèo Nam Định nói riêng, Chèo các vùng miền nói chung là sự nghiệp không của riêng những người làm Chèo chuyên nghiệp, trường đào tạo nghệ thuật Chèo mà còn là sự chung sức của tất cả những người làm Văn hóa, Sư phạm liên quan tới Nghệ thuật truyền thống. Chúng ta không chỉ chú trọng đào tạo nghệ thuật Chèo chuyên nghiệp mà bên cạnh đó còn nên mở rộng phạm vi đào tạo làn điệu Chèo nói riêng, nghệ thuật Chèo nói chung cho những chuyên ngành gần như: Sư phạm, Văn hóa, Nhạc công... bổ sung cho thế hệ trẻ những kiến thức về âm nhạc cổ truyền Việt Nam, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa và nghệ thuật dân tộc./

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Hà Văn Cầu (2011), Lịch sử Nghệ thuật Chèo, Nxb Thanh niên.

2. Đỗ Thị Thúy Hiền (2010), Chèo chuyên nghiệp trong đời sống văn hóa của nhân dân Nam Định hiện nay, luận văn thạc sỹ Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

3. Hà Thị Hoa (2008), Nsghệ thuật Chèo trong đời sống văn hóa của cư dân ở Thái Bình, Luận án tiến sỹ Văn hóa học, Viện Văn Hóa Nghệ thuật Việt Nam .

4. Hoàng Kiều - Hà Hoa (2007), Những làn điệu Chèo cổ chọn lọc, Nxb Văn hóa thông tin.

5. Trần Hải Minh (2009), Diễn xướng Chầu văn trong đời sống văn hóa của nhân dân Nam Định, Luận văn thạc sỹ Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

6 Trần Đình Ngôn (2005), Những nguyên tắc cơ bản trong nghệ thuật Chèo, Nxb Sân khấu, Hà Nội.

7. Trần Việt Ngữ (1996), Về Chèo, Viện Âm nhạc , Hà Nội.

8. Nguyễn Phương Thái (2012), "Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Nam Định 45 năm xây dựng và trưởng thành", Tạp chí Văn hoá Thể thao và Du lịch Nam Định, số 4.