Nội san

Vai trò và ý nghĩa của việc dạy hát dân ca cho trẻ 5 - 6 tuổi tại trường mầm non thực hành Linh Đàm, quận Hoàng Mai - Hà Nội

08 Tháng Giêng 2015

                                                                                Trần Thị Thùy Dương

 

Trong kho tàng âm nhạc dân gian của nước ta, dân ca được xem là di sản văn hóa của dân tộc. Là quốc gia của một cộng đồng với 54 dân tộc anh em chung sống, mỗi dân tộc đều có đặc điểm địa lý, khí hậu, điều kiện, hoàn cảnh sống khác nhau. Điều đó đã sản sinh ra những bài dân ca mang hương sắc riêng, tô điểm thêm cho kho tàng dân ca Việt Nam. Cái hay, cái đẹp, cái tinh túy của dân ca đã được nhân dân ta chắt lọc, mài dũa, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dân ca đã gắn bó với cuộc sống con người, đi vào đời sống tinh thần, tham gia vào các sinh hoạt văn hóa, lao động hàng ngày của mỗi người dân lao động.

Ngay từ thuở ấu thơ, mỗi trẻ em trong cộng đồng dân tộc Việt đã được tắm mình trong những âm điệu ngọt ngào, thiết tha của những câu hát ru, những làn điệu dân ca tiêu biểu, đặc sắc của vùng miền, xứ sở và đã trở thành suy nghĩ và sự rung động trong mỗi tâm hồn người dân. Cho đến ngày nay, những di sản nghệ thuật quý báu ấy vẫn là những nguồn sữa dinh dưỡng để bồi bổ, nuôi dưỡng tâm hồn cốt cách cho mỗi con người, nhất là trong bối cảnh của thời kì hội nhập và toàn cầu hóa, khi mà sự giao thoa và tiếp biến các giá trị văn hóa nói chung và văn hóa dân gian nói riêng đã tạo nên những trào lưu mới trong xã hội, và cũng tạo nên những ảnh hưởng không ít tới sự hình thành và phát triển những nét tâm lý, tính cách của thế hệ trẻ.

Dân ca có khả năng tác động mạnh mẽ vào tâm tư, tình cảm của con người, giúp chúng ta phát triển khả năng thẩm mĩ, các phẩm chất tư duy, trí tuệ, thể chất, những tình cảm đạo đức tốt đẹp và quan trọng hơn là hình thành nên ý thức dân tộc, tình yêu tha thiết với quê hương đất nước. Khi trẻ được nghe, được học hát các bài dân ca, trẻ sẽ hiểu được cái hay, cái đẹp trong dân ca, từ đó, dần hình thành trong trẻ những tình cảm yêu thích và quý  trọng dân ca. Đó cũng là con đường tự nhiên và ngắn nhất nhằm bồi dưỡng thị hiếu và tình cảm thẩm mĩ đúng đắn cho trẻ.

Chính vì vậy, giáo dục âm nhạc truyền thống, trong đó có dạy hát dân ca cho trẻ mầm non là để hình thành cho các em những tình cảm đúng đắn với âm nhạc nói chung, với âm nhạc truyền thống nói riêng và để hình thành nhân cách của con người Việt Nam chân chính.

Âm nhạc tác động tới con người từ khi mới sinh ra trong tiếng hát ầu ơ của mẹ cho đến khi giã từ cuộc đời. Tuy không trực tiếp nuôi dưỡng con người như cơm ăn, nước uống, khí trời, cũng không làm ra của cải vật chất  nhưng âm nhạc có sức mạnh làm cho con người nhận thức cuộc sống và thêm yêu cuộc sống. Âm nhạc có tác động giáo dục toàn diện nhân cách trẻ mẫu giáo. Nó là một phương tiện giáo dục thẫm mĩ, đạo đức, trí tuệ, thể chất và tinh thần trong trẻ một cách tự nhiên và hữu hiệu nhất.

Do đó, việc cho trẻ được tiếp xúc, nghe và giáo dục âm nhạc từ rất sớm, ngay từ trong bụng mẹ và tiếp tục ở bậc học mầm non nói chung và trẻ mầm non 5 - 6 tuổi nói riêng sẽ có những tác động mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong việc giáo dưỡng, bồi bổ đời sống tâm hồn, đồng thời cũng là tiền đề cho việc hình thành và phát triển toàn diện các mặt nhân cách cho trẻ, tạo nên những nét tính cách, phẩm chất cần thiết để trẻ bước vào cấp Tiểu học.

Vì vậy, để triển khai thực hiện tốt và đáp ứng được những mục tiêu, yêu cầu về sự phát triển chung và nhất là lĩnh vực giáo dục nghệ thuật cho trẻ mầm non 5 - 6 tuổi về hoạt động dạy hát nói chung và dạy hát dân ca nói riêng, rất cần có những công trình nghiên cứu đề xuất các biện pháp khả thi, hữu hiệu thúc đẩy hiệu quả hoạt động dạy hát dân ca cho trẻ mầm non 5 - 6 tuổi nói riêng và mục tiêu và nhiệm vụ của bậc học nói chung.

            Trước hết, nếu nói giáo dục âm nhạc cho trẻ với chủ đích là phát triển toàn diện về nhân cách con người thì dân ca sẽ giúp trẻ lớn lên trên nền tảng cốt cách đạo đức của con người Việt Nam, bởi nó mang nội dung tư tưởng đạo đức giáo dục rất lớn, mang bản chất xã hội, tư tưởng tình cảm, quan điểm lành mạnh, trong sáng của nhân dân.

            Tất cả những điều này sẽ được truyền tải qua các bài hát và làn điệu dân ca thiết tha, ngọt ngào hay vui tươi, rộn ràng. Đặc biệt, việc giáo dục thẩm mỹ thông qua việc lĩnh hội âm nhạc chứa đựng yếu tố truyền thống ngay từ tuổi mầm non sẽ quan trọng nhường nào đối với sự phát triển mai sau của thế hệ trẻ. Để trở thành những con người Việt Nam có tâm hồn đậm bản sắc Việt thì những khúc hát ru, những làn điệu dân ca của vùng miền, xứ sở thẫm đẫm trong huyết quản chính là những “hành trang văn hóa” của mỗi người con đất Việt.

             Bởi vậy, những âm điệu dân ca, những sáng tác chứa đựng yếu tố truyền thống cần được đến sớm với tuổi thơ. Tổ chức hoạt động dạy hát dân ca trong trường mầm non tạo điều kiện phát triển chung cho nhân cách trẻ.

            Ở bậc học mầm non, trong chương trình khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, nội dung giáo dục âm nhạc đã được triển khai ở trong toàn bộ các chủ đề, chủ điểm giáo dục. Ngoài các bài hát phù hợp với độ tuổi và nội dung giáo dục của chủ đề, trong chương trình còn có những bài hát dân ca của các vùng miền nhằm đưa đến cho trẻ những cảm xúc, hiểu biết và rèn luyện khả năng hát một số làn điệu phổ biến,  phù hợp với độ tuổi. Thông qua việc được nghe, được học, được hát, được trình diễn sẽ mang đến cho các em sự yêu thích, gắn bó, say mê, tạo nên nhu cầu tự thân và để rồi khi trưởng thành, không ít các trẻ lại là những người tiếp tục truyền dạy cho các thế hệ tiếp nối cảm nhận và hiểu được cái hay, cái đẹp, cái cao cả trong các làn điệu dân ca của đất nước, quê hương mình. Như vậy, muốn bảo tồn và phát huy di sản âm nhạc dân gian nói chung và dân ca nói riêng thì biện pháp hữu hiệu nhất, bền vững nhất đó là đem dân ca và tình yêu và sự trải nghiệm dân ca đến cho trẻ.

            Về phương diện nghệ thuật, dân ca giúp trẻ hiểu thêm về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và làn điệu, bắt nguồn từ đặc điểm giọng nói, tâm sinh lý, phù hợp với lối sống, phong cách của nhân dân ta. Không chỉ vậy, dân ca còn mở ra cho trẻ một kho tàng văn hóa tiềm ẩn trong đó bởi những nét văn hóa, phong cách, đặc điểm ngôn ngữ, hoàn cảnh sống, lịch sử địa lý, phong tục tập quán của mỗi vùng gắn liền với đạo đức tư tưởng tình cảm với cuộc sống khác nhau của từng địa phương, của từng sắc tộc. Việc giáo dục dân ca cho trẻ mầm non là thực hiện một sứ mệnh to lớn đối với dân tộc Việt Nam, là truyền lại cho thế hệ tương lai giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa, thực hiện nền văn chương truyền khẩu, có tính kế thừa và sáng tạo bởi các đặc tính xã hội, đặc tính dị bản và đặc tính sáng tác tại chỗ của dân ca; kế thừa dân ca có chọn lọc, phát huy và sáng tạo là điều kiện để giữ gìn được bản sắc dân tộc, những tinh hoa của dân tộc, vừa đảm bảo cho tính mới mẻ, phù hợp với cuộc sống hiện thời, vừa tạo điều kiện cho dân ca có sức sống bền vững trong đời sống nhân dân. Giáo dục âm nhạc nói chung và giáo dục dân ca nói riêng là một trong những chủ trương đúng đắn khi Nhà nước đang đặt vấn đề này lên một vị trí quan trọng. Bởi lẽ, Việt Nam đang phấn đấu vì nền giáo dục toàn diện.

 

Ảnh: Cô và trò trường Mầm non Thực Hành Linh Đàm, Q. Hoàng Mai, Hà Nội  tại liên hoan hát dân ca và trò chơi dân gian do nhà trường tổ chức.

 

Trên cơ sở tìm hiểu thực trạng hoạt động dạy hát dân ca tại trường Mầm non Thực hành Linh Đàm, tác giả bài viết đã chỉ ra những vấn đề tồn tại, bất cập về nội dung chương trình, về phương pháp và hình thức tổ chức, về công tác quản lý, về trình độ chuyên môn, nhất là khả năng thực hành âm nhạc của đội ngũ giáo viên mầm non, những điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị... từ đó đề xuất các biện pháp và tiến hành thực nghiệm để kiểm chứng. Qua số liệu kết quả và những so sánh phân tích, bước đầu cho thấy những đề xuất, biện pháp  là phù hợp và có tính khả thi ở đối tượng trẻ mầm non 5 - 6 tuổi ở trường Mầm non Thực hành Linh Đàm, Quận Hoàng Mai, Hà Nội. Hơn nữa, việc thiết kế và tổ chức các hoạt động dạy hát dân ca nhằm mục đích  không chỉ đơn thuần cung cấp các hiểu biết, kiến thức, kĩ năng thực hành âm nhạc mà còn giúp trẻ có được môi trường trải nghiệm mở rộng những hiểu biết, ứng xử văn hóa, tạo tiền đề cho trẻ bước vào bậc học Tiểu học.

  Quá trình tiếp tục nghiên cứu và mở rộng phạm vi ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động giáo dục âm nhạc nói riêng, trong sự tích hợp với các nội dung, lĩnh vực giáo dục ở trường mầm non và đồng thời cũng hài hòa trong hệ thống nội dung chương trình giáo dục trẻ. Đáp ứng những yêu cầu và nhiệm vụ của bậc học nền tảng cơ sở, tạo tiền đề vững chắc cho các bậc học tiếp theo trong nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế./.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Thị Hòa (2005), Giáo dục Âm nhạc tập 2, Nxb. ĐHSP, Hà Nội

2. Nguyễn Thụy Loan (2005), Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, Nxb.

ĐHSP

3. Phạm Phúc Minh (1994), Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb. Âm nhạc

4. Nguyễn Ánh Tuyết (1999), Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.