Nội san

Ngôn ngữ âm nhạc trong ca khúc Tiểu học

28 Tháng Năm 2015

                                                                                  Hoàng Thị Mai Lan

 

Ca hát là một hoạt động âm nhạc chủ yếu trong chương trình giáo dục âm nhạc cho học sinh ở trường Tiểu học. Bởi nó chiếm vị trí to lớn trong nhà trường, góp phần giáo dục tình cảm đạo đức, hình thành nhân cách của học sinh. Qua giờ học hát đã mang đến cho các em niềm vui, niềm khoái cảm đích thực, sự hoạt bát, nhanh nhẹn, mạnh dạn và tự tin cũng như ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần tập thể. Đặc biệt thông qua các yếu tố cơ bản của ngôn ngữ âm nhạc (giai điệu, tiết tấu, hòa âm, cường độ, nhịp độ, sắc thái…) các em được bồi dưỡng về khả năng trí tuệ, tính nhạy cảm, trí thông minh sáng tạo, khả năng tư duy trìu tượng, trí nhớ, sự tưởng tượng, tính chính xác khoa học.

Để góp phần trong sự nghiệp giáo dục toàn diện cho học sinh, không ít các nhạc sỹ tên tuổi như Hàn Ngọc Bích, Văn Cao, Hoàng Long, Hoàng Lân... đã viết lên những ca khúc hay, có giá trị về nghệ thuật, giàu hình tượng, mang tính giáo dục và nhân văn, nhằm đem đến cho các em một thế giới nội tâm phong phú, giúp các em hiểu được cái hay, cái đẹp, chân - thiện - mỹ trong cuộc sống.

Có thể nói, nội dung các ca khúc ở Tiểu học rất phong phú và đa dạng, với  nhiều chủ đề khác nhau Thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước. Thầy cô và mái trường, Tình bạn, tình hữu nghị và đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Chủ đề về thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước, qua nghiên cứu và tìm hiểu chúng tôi thấy chủ đề này chiếm 58,18%. Thông qua nội dung chủ đề mang đến cho các em học sinh một thế giới muôn màu, muôn sắc, mở rộng tầm nhìn cũng như sự hiểu biết về cuộc sống xung quanh, từ đó giúp các em phát triển tư duy, trí tưởng tượng, tâm hồn phong phú, nảy sinh tình cảm, tình yêu quê hương đất nước như lời ca trong ca khúc  Em yêu hoà bình của nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn đã viết:

 Em yêu hoà bình yêu đất nước Việt Nam

Yêu từng gốc đa bờ tre đường làng

Em yêu xóm làng nơi mà mà em khôn lớn

Yêu những mái trường rộn rã lời ca… 

             Chủ đề về Thầy cô và mái trường, Tình bạn, tình hữu nghị, đây cũng là một trong những chủ đề được các nhạc sỹ viết tương đối nhiều 38,10%, bởi nó là một thông điệp hữu hiệu đến với các em học sinh bậc Tiểu học, giúp các em hiểu được tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình bạn bè, tình hữu nghị. Từ đó biết yêu thương, kính trọng ông, bà, cha, mẹ, thầy cô và các bạn. Có tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, lao động, để cùng nhau tiến bộ. Ngoài các chủ đề trên, các ca khúc nói về đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng được các nhạc sỹ viết khá phổ biến, song chủ yếu là các bài dân ca nhằm giúp các em hiểu biểt thêm về nét sinh hoạt văn hoá cũng như phong tục tập quán của các vùng miền. Cụ thể, được thể hiện qua các bài Xoè hoa (Dân ca Thái), Ngày mùa vui (Dân ca Thái), Gà gáy (Dân ca Cống), Bắc kim thang (Dân ca Nam Bộ), Cò lả (Dân ca Đồng bằng Bắc Bộ), Bàn tay mẹ (Bùi Đình Thảo), Hát mừng (Dân ca Hrê - Tây Nguyên).

Lời ca trong ca khúc giản dị, mộc mạc, có vần điệu, dễ nhớ, dễ hát và dễ thuộc, giàu hình tượng mang tính giáo dục cao. Chủ yếu các tác giả viết ở các thể thơ 3chữ, 4, 5, 6 và 7 chữ, đôi khi cũng là sự kết hợp của các thể thơ đó lại với nhau.

Ví dụ, Thơ 3 chữ:   Chim chích bông

 Bé tẹo teo

 rất hay chèo…

Thơ 4 chữ:           Em yêu trường em

                                                Với bao bạn thân

                                                Và cô giáo hiền…

Thơ 5 chữ:    Kèn vang đây đoàn quân

                                     Đều chân ta cùng bước

                                     Cờ sao đi đằng trước

            Thơ 6 chữ:   Bàn tay mẹ bế chúng con

                                    Bàn tay mẹ chăm chúng con

            Thơ 7 chữ:  Trông kia đàn gà con lông vàng

                                    Đi theo mẹ tìm ăn trong vườn        

Đặc biệt ở thể thơ 6/8, được phân ngắt thành các cú đoạn 2 từ như :

                                                Con cò / bay lả / bay la

                                    Bay từ / cửa phủ / bay ra / cánh đồng

Lời ca kết hợp với giai điệu âm nhạc sẽ làm nên hình tượng âm nhạc tạo cảm xúc để các em thể hiện tình cảm của mình một cách tự nhiên và chân thực.  Giai điệu trong các ca khúc Tiểu học luôn được tiến hành theo kiểu bước đi liền bậc, cách bậc đôi khi sử dụng các bước trùng. Cũng có khi là sự kết hợp tinh tế, hài hoà giữa các kiểu tiến hành giai điệu với nhau, tạo thành các tác phẩm âm nhạc hoàn mỹ, có giá trị nghệ thuật cao.

Bước đi liền bậc là các âm được sắp xếp liền nhau theo các quãng 2 (đi lên, đi xuống). Hướng đi như vậy sẽ tạo ra các hình làn sóng, hình làn sóng to tạo nét giai điệu trong sáng, trữ tình, làn sóng nhỏ mềm mại, du dương.

Ví dụ 1: (Trích ca khúc Tre ngà bên Lăng Bác - Hàn Ngọc Bích).

 Bước đi cách bậc, là bước đi theo kiểu bước nhảy có thể nhảy gần hay nhảy xa. Dưới đây, là nét giai điệu được tiến hành chủ yếu theo kiểu bước nhảy gần (3T, 4Đ) đan xen với bước đi lên, xuống liền bậc cùng âm nhắc lại.

            Ví dụ 2: (Trích ca khúc Chim chích bông - Văn Dung)

Bước đi theo kiểu điệp âm, là các âm được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần. Điệp âm có thể được kết hợp với các bước lần song cũng có khi được kết hợp với các bước nhảy tạo sự hồn nhiên, vui tươi và  nhí nhảnh.

Ví dụ 3:(Trích ca khúc  Chị ong nâu và em bé -Tân Huyền)

 Nhịp điệu, sắc thái, hầu hết được xây dựng trên các loại nhịp 2/4, đôi khi  ở nhịp 3/4, 3/8 và 4/4 với các âm hình tiết tấu đơn giản như hình nốt đen, nốt đơn và nốt trắng, thỉnh thoảng có sử dụng tiết tấu móc giật, đảo phách cân và nghịch phách. Các loại hình dấu lặng (lặng đen, lặng đơn), dấu chấm dôi, dấu nối và dấu luyến cũng được sử dụng một cách phù hợp với tính chất của từng loại tác phẩm âm nhạc.

Thang âm, điệu thức, thường được các nhạc sỹ viết ở điệu thức 5 âm Việt Nam và 7 âm Phương Tây, thang 4 âm các có viết song ít.

Qua thống kê số liệu chúng tôi thấy, thang 4 âm có 7,27% như Hoa lá mùa xuân của nhạc sỹ Hoàng Hà, Múa vui (Lưu Hữu Phước), Chiến sỹ tý hon (Đinh Nhu), Cò lả (Dân ca đồng bằng Bắc Bộ).

Điệu thức 5 âm có 38,18% Trong đó, các ca khúc được viết ở điệu cung là chủ yếu như Đô cung, F cung và G cung. Điệu chủy có hai ca khúc đó là Đi tới trường nhạc Đức Bằng (Đô chủy)Chim chích bông của Văn Dung viết ở điệu (G chủy). Duy nhất chỉ có một ca khúc được viết ở điệu thương (A thương) đó là Ngày mùa vui dân ca Thái.

Điệu thức 7 âm chiếm tới 54,54%. Điệu thức trưởng với các giọng F dur, Cdur, G dur và D dur. Điệu thức thứ có 3 ca khúc đó là Chúc mừng nhạc Nga, Ước mơ nhạc Trung Quốc viết ở giong dmoll và Tiếng hát bạn bè mình  của Lê Hoàng Minh viết ở giọng hmoll.

Về hình thức cấu trúc, các nhạc sỹ chỉ viết ở hình thức một đoạn, hai đoạn và ba đoạn đơn. Trong đó hình thức một đoạn được viết là chủ yếu  (80%), với các dạng như, một đoạn gồm 2 câu với lối cấu trúc nhắc lại, một đoạn gồm 2 câu với lối cấu trúc không nhắc lại và đoạn nhạc gồm 3 câu.

 

Ảnh: Một tiết mục biểu diễn dân ca ở trường tiểu học ( Nguồn: st)

 

Có thể thấy, Bầu trời xanh của Nguyễn văn Quỳ được viết ở giọng C cung với cấu trúc vuông vắn gồm 2 câu nhạc. Câu 1 có 8 nhịp, câu 2 cũng 8n trong đó, tiết 1 của câu 2 nhắc lại nguyên dạng tiết 1 của câu 1, tiết 2 có thay đổi. Sơ đồ cấu trúc như sau:

Câu nhạc

Câu 1 (8n) x

Câu 2 (8n) x’

Tíêt nhạc

4+4

4+4

Kết

V/C

I/C

Đoạn nhạc với 2 câu không nhắc lại ta có thể gặp trong ca khúc Đàn gà con (Nhạc Phi-lip-pen-cô, lời Việt Anh) với kết cấu:

Câu nhạc

Câu 1 (4n) x

Câu 2 (4n) y

Tíêt nhạc

2+2

2+2

Kết

V/F

I/F

 

Đoạn nhạc gồm 3 câu, với nét giai điệu nhẹ nhàng, thiết tha, đã để lại trong tâm hồn biết bao thế hệ những ấn tượng thanh cao, Tre ngà bên Lăng Bác của nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích, được thể hiện qua sơ đồ cấu trúc sau:

Câu nhạc

Câu (12n) x

Câu 2 (8n) y

Câu3 (10n) z

Tíêt nhạc

4+4+4

4+4

4+3+3

Kết

V/D

II/D

I/D

 

 Hình thức 2 đoạn đơn 18,18% với hai dạng có tái hiện và không có tái hiện. Ở dạng tái hiện chỉ có trong ca khúc ca khúc Ước mơ (nhạc Trung Quốc, lời Việt của An Hòa) với độ dài 16 nhịp được biểu thị qua sơ đồ cấu trúc :

Đoạn nhạc

a (8n)

b (8n)

 Câu nhạc

Câu1(4n)

x

Câu 2 (4n)

Y

Câu1(4n)

z

Câu 2 (4n)

y

 Tiết nhạc

2+2

2+2

2+2

2+2

 Kết câu

V/Dm

I/Dm

V/Dm

I/Dm

 

Dạng không có tái hiện, ca khúc Quốc ca Việt Nam của nhạc sỹ Văn Cao, đây là một bài hát nghi lễ của nhà nước, được hát và cử nhạc khi chào cờ. Giáo dục các em học sinh có ý thức trang nghiêm khi dự lễ chào cờ và hát Quốc ca Việt Nam.           Toàn bài dài 21 ô nhịp với sơ đồ cấu trúc như sau:

Đoạn nhạc

a (8n)

b (13n)

Câu nhạc

Câu1(4n)

x

Câu 2 (4n)

y

Câu1(4n)

Z

Câu 2 (3,5n)

z’

Câu 3(5n)

m

 

Tiết nhạc

2+2

2+2

2+2

2+1,5

2,5+2,5

 

Kết câu

V/G

I/G

I/G

V/G

I/G

 

 

Hình thức ba đoạn đơn, duy nhất chỉ có 1 ca khúc đó là  Dàn đồng ca mùa hạ của nhạc sỹ Lê Minh châu, Sau đây là sơ đồ cấu trúc toàn ca khúc:

Đoạn nhạc

Đoạn a (16n)

Đoạn b (14n)

Đoạn a (16n)

Câu nhạc

Câu 1 (8n) x

Câu 2 (8n) y

Câu 1 (8n) z

Câu 2 (6n) m

Câu 1 (8n) x’

Câu 2 (8n) y’

Tiết nhạc

4+4

4+4

4+4

3+3

4+4

4+4

Kết câu

V/F

III/F

III/F

II/F

I/F

I/Y

 

Thiết nghĩ, đối với người giáo viên giảng dạy bộ môn Âm nhạc nói chung và dạy phân môn hát ở bậc tiểu học nói riêng, việc tìm hiểu và nghiên cứu về ngôn ngữ âm nhạc của các ca khúc trong giảng dạy là rất cần thiết. Bởi, muốn học sinh hát đúng, hát hay và cảm thụ được âm nhạc, người giáo viên không chỉ dạy các em hát thuộc bài hát mà cần phải dạy các em cách hát và cách thể hiện bài hát đó như thể nào?

Muốn vậy, người giáo viên phải có vốn kiến thức vững chắc về âm nhạc, từ đó hiểu sâu sắc các bài hát ở Tiểu học. Có phương pháp giảng dạy phong phú,  đa dạng, linh hoạt và sáng tạo song phải phù hợp. Phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh, đem đến cho các em với một thế giới tâm hồn rộng mở, một tình cảm trân thành, một tấm lòng bao dung, một tình yêu đích thực về quê hương, đất nước, con người Việt Nam.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.         Phạm Lê Hoà (2012), Giáo trình phân tích tác phẩm Âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

2.         Phạm Thị Hoà, Ngô Thị Nam (1999),Giáo dục Âm nhạc, Nxb ĐH Sư phạm I, Hà Nội.

3.         Hoàng Long (chủ biên) - Đặng văn Bông - Trần Dũng - Nguyễn Thị Ngọc Hoa - Bùi Anh Tôn (2007), Âm nhạc và phương pháp dạy học Âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4.         Hoàng Long (chủ biên) - Lê Minh Châu - Hoàng Lân - Nguyễn Hoành Thông, Tập bài hát lớp 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5.         Hoàng Long (chủ biên) - Lê Minh Châu - Hoàng Lân - Nguyễn Hoành Thôn, Tập bài hát lớp 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

6.         Hoàng Long (chủ biên) - Hoàng Lân - Hàn Ngọc Bích - Lê Đức Sang, Tập bài hát lớp 3, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

7.         Hoàng Long (chủ biên) - Lê Minh Châu - Hoàng Lân - Lê Đức Sang - Nguyễn Hoành Thông - Lê Anh Tuấn. Âm nhạc 4, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

8.         Hoàng Long (chủ biên) - Lê Minh Châu - Hoàng Lân - Lê Đức Sang - Lê Anh Tuấn, Âm nhạc 5, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

9.         Ngô Thị Nam (2001), Phương pháp dạy học âm nhạc - tập I, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

10.     Nguyễn Thị Nhung (1996), Hình thức, thể loại Âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

11.     Nguyễn Thị Nhung (2005), Hình thức, thể loại Âm nhạc, Nxb ĐHSP, Hà Nội.