Nội san

Vai trò của Hát ru trong việc phát triển nhân cách của học sinh trung học cơ sở tỉnh Ninh Bình

17 Tháng Năm 2015

                                                          Đinh Thị Giang

 

Âm nhạc truyền thống Việt Nam phong phú, đa dạng với nhiều thể loại khác nhau, trong đó hát ru là một trong những thể loại âm nhạc dân gian ra đời sớm nhất, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân loại, được truyền từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành di sản văn hóa tinh thần riêng có của người Việt Nam.

Hình ảnh người mẹ trong tiềm thức của trẻ thơ thường gắn liền với lời ru, tiếng hát:

  Ru em, em ngủ cho lâu

                Để mẹ đi cấy đồng sâu chưa về [6, tr.59].

Trong quá trình phát triển văn hóa cộng đồng, hầu như dân tộc nào cũng có hát ru. Mỗi dân tộc có hình thức và trạng thái tình cảm hát ru khác nhau, mang bản sắc văn hóa riêng. Tiếng hát ru không còn là câu hát riêng của mẹ, nó đã trở thành một bộ phận quan trọng của ca dao sinh hoạt trữ tình, góp phần đáng kể trong giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, hình thành và phát triển nhân cách con người.

Theo tác giả Phạm Phúc Minh trong cuốn Tìm hiểu dân ca Việt Nam cho rằng: Hát ru còn gọi là hát ru con hoặc ru em là một lối hát theo tập quán truyền thống và rất phổ biến ở các vùng, các dân tộc ở trên khắp mọi miền đất nước. Tuy mỗi miền, mỗi dân tộc đều có điệu hát ru được gọi bằng các tên gọi khác nhau và âm nhạc cũng mang màu sắc riêng, nhưng có những điểm chung như: giai điệu êm dịu, du dương, trìu mến; tiết tấu đều đặn, nhịp nhàng; lời ca giàu hình tượng, dào dạt tình thương yêu tha thiết đối với em thơ, tất cả những yếu tố đó đã như đôi cánh nhẹ nhàng đưa em bé vào giấc ngủ yên lành”. [4, tr.196].

Nghiên cứu về hát ru cho thấy mối quan hệ giữa văn hóa truyền thống và sự giáo dục tình cảm, đạo đức tốt đẹp có tính chất truyền thống giữa những thành viên trong gia đình và làng xóm, giữa làng xóm và quốc gia. Hát ru luôn hướng cho trẻ vươn tới cái đẹp, những giá trị cao quý trong cuộc đời và tinh thần ngày thêm toàn vẹn, người mẹ mang lại cho con chất thơ và nguồn cảm hứng, sáng tạo. Rõ ràng lời ru của mẹ là nguồn văn hóa nuôi dưỡng và hình thành nên tâm hồn, tình cảm cho trẻ. Qua lời ru của mẹ đã làm nảy sinh trong tâm hồn con trẻ biết bao điều mới lạ. Hát ru không chỉ có ý nghĩa đơn thuần là ru cho trẻ ngủ mà nó còn có giá trị độc đáo trong giáo dục đạo đức, nhân cách con người, đặc biệt hát ru chính là cái nôi tạo nền móng cho sự phát triển ngôn ngữ. Vì vậy, ngay từ những ngày tháng còn nằm trong bụng mẹ trẻ đã có thể nhận ra được giọng nói quen thuộc của mẹ và cảm nhận được tình thương của mẹ.

Mẹ và con là mối quan hệ bản năng và khăng khít nhất không gì có thể chia cắt được, đó là tình máu mủ, tình mẫu tử thiêng liêng nhất mà bất cứ con người nào cũng phải quý trọng. Từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ đến khi lớn lên, trẻ đã được nghe rất nhiều lời ru ngọt ngào êm ái. Người xưa cho rằng “Cha mẹ sinh con trời sinh tính, điều đó chứng tỏ rằng nhân cách của con người đã được hình thành ngay sau khi lọt lòng mẹ. Trên thực tế, trẻ hình thành nhân cách dần dần từ tuổi lên ba đến lên năm, đây là khoảng thời gian tốt nhất tạo nên sự ổn định nhân cách con người.

Đối với trẻ thơ, hát ru là một trong những yếu tố hình thành nên bản sắc văn hoá dân tộc, là nguồn sữa nuôi dưỡng thế giới tinh thần, là nhịp cầu nối tâm thức trẻ với mọi bài học về cuộc sống xã hội bởi vì nó có sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ nhất đối với các em nhằm phát triển tình cảm, đạo đức, tình đoàn kết, mở rộng nhận thức, tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước, qua đó góp phần giáo dục trẻ về truyền thống văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

 

Ảnh: Một tiết mục biểu diễn hát ru ( Nguồn: st)

 

Lời ru của mẹ là nguồn văn hóa nuôi dưỡng và hình thành tâm hồn, tính cách con trẻ, lời ru cứ lặp đi, lặp lại trẻ cảm nhận và thấm dần... Vì vậy, hát ru là cái nôi hình thành nên nhân cách con người. Bằng tiếng hát ru, người mẹ đã dạy dỗ con những điều hay lẽ phải, tình thương yêu, lòng tự trọng, ý chí kiên cường và những kinh nghiệm của cuộc sống với ước vọng con trẻ sẽ lớn khôn thành người, mai sau sẽ là những tài năng cống hiến cho Tổ quốc, để mang lại vẻ vang cho gia đình.

Ngủ đi con, ngủ ngon lành

Lớn lên nối nghiệp cha anh thuở nào

                                           Ngủ đi con, mẹ tự hào

       Có con có cả đồng bào của con  [5, tr.7].

Thông qua hát ru những người ngoài cuộc” cũng có cơ hội để thấu hiểu người thân trong gia đình. Điều đó hẳn có tác dụng không nhỏ, mang tính tự vấn với những mối quan hệ vợ chồng, mẹ chồng nàng dâu, chị dâu em chồng... Những sự bộc bạch tế nhị đó là một nét rất đặc trưng trong môi trường văn hóa ứng xử mang tính gia đình truyền thống Việt Nam.

Ví dụ: Trích [2, tr.44]

 

 

Hát ru châu thổ Bắc Bộ là loại hát ru mang phong cách hát nói, ngâm ngợi, thường phổ nhạc dựa vào những câu thơ lục bát (6/8) hoặc lục bát biến thể. Vì vậy, thể loại âm nhạc hát ru luôn hình thành cho trẻ khả năng thẩm mỹ và nhanh nhậy đối với nền âm nhạc truyền thống, hát ru được coi là trường nghệ thuật đầu tiên của trẻ.

Nhân cách con người là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau, như triết học, xã hội học, kinh tế - chính trị học, luật học, tâm lý học, y học, giáo dục học… Trong đó, quan điểm triết học Mác - Lênin xem nhân cách là: “Những cá nhân con người với tính cách là sản phẩm của sự phát triển xã hội, chủ thể của lao động, của sự giao tiếp, của nhận thức, bị quy định bởi những điều kiện lịch sử - cụ thể của đời sống xã hội” [3, tr.476].

Theo đó, nhân cách là đặc trưng xã hội, là “phẩm chất xã hội” của con người. Khi nghiên cứu về nhân cách, một trong những vấn đề được quan tâm là sự hình thành nhân cách. Giải quyết vấn đề này theo những cách khác nhau sẽ dẫn tới quan niệm khác nhau về bản chất của nhân cách. Do đó, nhân cách được hiểu là tổ hợp các thuộc tính tâm sinh lý của cá nhân thể hiện bản sắc và giá trị xã hội của mỗi người.

Việc hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh trung học cơ sở, thực chất nhằm hình thành và phát triển bền vững một số đặc tính như: Tính thống nhất, tính ổn định, tính tích cực và tính giao tiếp xã hội của học sinh THCS. Trong đó, hát ru được xem như một thành tố cơ sở, tiền đề trong việc hình thành và phát triển nhân cách của học sinh.

Ninh Bình là mảnh đất giàu tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và lịch sử văn hoá. Văn hoá Ninh Bình vừa có nét riêng bản địa, vừa mang sắc thái vùng miền do yếu tố hội tụ, giao thoa của nhiều nền văn minh, văn hoá  tích hợp. Văn hoá dân gian Ninh Bình được hình thành từ rất sớm, đồng hành cùng tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, từ thời đá cũ đến thời kỳ Bắc thuộc cho tới ngày nay “Bao đế vương, công hầu, khanh tướng, danh nhân văn hoá lớn về đây, xếp gương, đề bút, sông núi hoá thành thi ca. Nhân cách bác học và phẩm cách văn hoá lớn của các danh nhân đó đã thấm đẫm vào tầng văn hoá địa phương, được nhân dân tiếp thụ, sáng tạo, làm giàu thêm sắc thái văn hoá Ninh Bình” [7, tr.43]

Có thể nói rằng, Ninh Bình cũng là cái nôi của hát - diễn chèo từ thời vua Đinh. Như vậy, hát ru ở Ninh Bình chủ yếu là hát ru vùng châu thổ Bắc Bộ. Những nét khái quát về không gian văn hóa Ninh Bình có vị trí quan trọng, trực tiếp tác động đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của người dân Ninh Bình nói chung và đặc điểm tâm lý của học sinh Trung học cơ sở tỉnh Ninh Bình nói riêng.

Trong những giai đoạn phát triển của con người, lứa tuổi thiếu niên có một vị trí và ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là thời kỳ phát triển phức tạp nhất và cũng là thời kỳ chuẩn bị quan trọng nhất cho những bước trưởng thành sau này. Bởi vì, trong thời kỳ này những cơ sở, phương hướng chung của sự hình thành quan điểm xã hội và đạo đức của nhân cách được hình thành, phát triển trong tuổi thanh niên. Sự phát triển tự ý thức có ý nghĩa thúc đẩy học sinh bước vào một giai đoạn mới. Từ đây khả năng tự giáo dục được phát triển, các em không chỉ là khách thể của quá trình giáo dục mà còn là chủ thể của quá trình này. Nhiều em, tự giáo dục còn chưa có hệ thống, chưa có kế hoạch và còn nhiều lúng túng trong việc lựa chọn biện pháp tự giáo dục.

Gia đình được xem như là một xã hội thu nhỏ, là tổ chức tế bào của xã hội, là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Xã hội Việt Nam với nền văn minh lúa nước từ lâu đã sống định cư và lấy gia đình làm đơn vị gốc. Trải bao biến thiên của lịch sử cho đến nay, trên con đường đổi mới và tiếp cận với văn hóa Phương Tây, gia đình Việt Nam vẫn gắn chặt với làng, xóm, khu phố, huyện tỉnh và đất nước. Chúng ta đã có một nền văn hóa gia đình ở Việt Nam, văn hóa gia đình người Việt không phải là cái gì trừu tượng, chung chung mà được thể hiện cụ thể, rõ ràng trong nếp sống, trong sinh hoạt, suy nghĩ, tình cảm của mỗi thành viên trong gia đình.

Lời ru của người mẹ là nét truyền thống của mỗi gia đình Việt Nam, những bài hát ru, những câu hát nhẹ nhàng, những bài hát đồng dao gắn liền với trò chơi và các câu hát ru có nội dung giáo dục đạo đức, thẩm mỹ cho trẻ. Những điều đó còn phản ánh tính giáo dục của dân gian được đúc kết từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những bài hát ru có lịch sử từ rất lâu đời, nhưng nhìn chung luôn gần gũi với đời sống gia đình, luôn có xu hướng vượt qua mọi ước định về thời gian, nên hát ru cũng có những bước phát triến từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Đó chính là sự bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc một cách sinh động, bền vững, bởi vì những câu hát ru mang nhiều yếu tố giáo dục. Người xưa thường chăm lo xây dựng những thói quen văn hóa, ý thức gắn kết cộng đồng và rèn luyện tài năng cá nhân để hun đúc thành cái vốn văn hóa chung của cộng đồng dân tộc. Trong sách Tiếng việt lớp 3, tập 1 có bài thơ Chị em của tác giả Trần Đắc Trung:

 

Cái ngủ mày ngủ cho ngoan

   Để chị trải chiếu, buông màn cho em.

Chổi ngoan mau quét sạch thềm,

   Hòn bi thức đợi lim dim chân tường.

Đàn gà ngoan chớ ra vườn,

   Luống rau tay mẹ mới ươm đầu hồi.

Mẹ về, trán ướt mồ hôi,

   Nhìn hai cái ngủ chung lời hát ru [1, tr.27].

Giá trị bền vững của truyền thống văn hóa gia đình mà hát ru mang lại, nhằm góp phần giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam. Vì vậy, nội dung giáo dục của gia đình phải đảm bảo cho các em có hiểu biết đơn giản, cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người, có kỹ năng cơ bản về nghe, đọc, nói, viết và tính toán, có thói quen rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh, có hiểu biết ban đầu về nghệ thuật. Từ đó, phối hợp với nhà trường và các tổ chức đẩy mạnh việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, đặc biệt là phát triển kỹ năng sống cho học sinh THCS hiện nay.

Do vậy, các nhà giáo dục và quản lý giáo dục cần phải phối hợp: thiết lập được mối quan hệ bền vững giữa gia đình - nhà trường - xã hội; tạo một môi trường sống, môi trường giao tiếp và học tập tốt ở gia đình, nhà trường và xã hội; tạo một môi trường xã hội thật sự trong sạch, lành mạnh và phát triển để giáo dục đạo đức học sinh THCS tỉnh Ninh Bình ngày càng tốt đẹp hơn.

Có thể nói, hát ru là một trong những yếu tố góp phần hình thành và phát triển nhân cách, giúp trẻ cảm thụ về giá trị âm nhạc dân gian truyền thống và tác dụng của hát ru đối với đời sống xã hội, bồi đắp ý thức trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị nghệ thuật trong nền văn hóa dân gian của dân tộc. Từ đó, giúp trẻ hiểu biết và phân biệt được rõ hơn những nét đặc trưng của các làn điệu dân ca. Ngoài ra, hát ru còn giáo dục tình đoàn kết yêu thương nhau, kính thầy mến bạn; yêu quý thiên nhiên, yêu chuộng hòa bình và nhất là giáo dục các em tình yêu gia đình, quê hương, đất nước và lòng yêu mến Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại,s giúp các em ngày càng yêu thích và trân trọng những giá trị của các loại hình dân ca độc đáo của dân tộc. 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nguyễn Minh Thuyết (chủ biên) (2006), Tiếng việt lớp 3, tập 1, Nxb Giáo dụcViệt Nam.

2. Xuân Khải (Sưu tầm) (2007), Dân ca Việt nam, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.

3. C.Mác và Ăngghen (1995), Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

4. Phạm Phúc Minh (1994), Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

5. Võ Thành Tân - Lê Văn Tiễn - Bùi Văn Vóc - Lê Thị Nụ - Lê Nam (2010), Lời ru của mẹ, Nxb Lao động, Hà Nội.

6. Nguyễn Hữu Thu (Sưu tầm) (1987), Mẹ hát ru con, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.

7. Trương Đình Tưởng (2004), Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình, Nxb Thế giới, Hà Nội.