Nội san

Ca khúc về mái trường trong chương trình dạy học hát cho học sinh Trung học cơ sở

18 Tháng Bảy 2015

                                                                            Doãn Trung Điệp

 

 

Ca khúc về mái trường là những bài hát viết cho lứa tuổi học sinh, sinh viên nói chung. Những ca khúc này không chỉ miêu tả hình ảnh ngôi trường với ghế đá, tiếng ve gọi hè, những cành phượng vĩ…, mà sâu xa trong nội dung là những hình ảnh cao quý về tình cảm bạn bè, tình thầy trò thiêng liêng. Những ca khúc về mái trường luôn chứa đựng giá trị nghệ thuật và ý nghĩa giáo dục sâu sắc, hướng học sinh đến những tư tưởng tốt đẹp, cao quý.

             Chương trình dạy hát cho học sinh Trung học cơ sở(THCS) đã có các ca khúc về đề tài nhà trường, thầy cô, tình bạn bè. Tuy nhiên những ca khúc đó chưa thực sự đa dạng và dường như đã quá quen thuộc với học sinh. Chính vì vậy, chúng ta cần bổ sung thêm một lượng ca khúc mới về đề tài mái trường vào chương trình dạy học nhằm tạo sự mới lạ, hiệu quả cho công tác giảng dạy của giáo viên, đồng thời tạo sự hứng thú học tập cho học sinh.

1. Một số vấn đề trong việc lựa chọn ca khúc

Việc lựa chọn các ca khúc phù hợp để đưa vào chương trình giảng dạy rất quan trọng vì những ca khúc đó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình dạy và học của giáo viên và học sinh. Vì vậy, cần phải chú ý tới các tiêu chí sau:

Thứ nhất là cấu trúc và hình thức

Cấu trúc, hình thức âm nhạc là sự hình thành của quá trình xây dựng tác phẩm âm nhạc. Nó được xác định bởi nội dung của từng tác phẩm, hình thức đó được hình thành trong sự thống nhất với nội dung và đặc trưng của nó là mối quan hệ tương hỗ giữa tất cả các thành tố âm thanh riêng biệt được phân bố, lặp lại theo thời gian.

Mỗi tác phẩm âm nhạc luôn có một cấu trúc hình thức riêng và mang tính đặc thù, nhưng các quy luật tạo nên hình thức âm nhạc lại khá hạn chế, vì thế nhiều tác phẩm âm nhạc sẽ có đặc điểm chung về hình thức. Điều này cho phép chúng ta có thể xác định được những dạng hình thức, xây dựng được những sơ đồ cấu trúc chung của các tác phẩm âm nhạc.

 

Ảnh: Một tiết học âm nhạc của học sinh THCS (Nguồn: st)

 

Với ca khúc viết cho lứa tuổi học sinh THCS, cần có cấu trúc và hình thức đơn giản, dễ nhận biết. Các ca khúc nên viết ở hình thức một đoạn hoặc hai đoạn đơn. Với những hình thức đó, học sinh khi làm quen với một ca khúc mới sẽ thấy quen thuộc hơn, dễ dàng nhận biết hơn và giáo viên khi giảng dạy sẽ thuận lợi hơn trong việc truyền tải kiến thức đến học sinh.

    Thứ hai là giai điệu

Trong một ca khúc hay một tác phẩm âm nhạc, giai điệu luôn giữ một vai trò quan trọng. Có rất nhiều định nghĩa và cách hiểu khác nhau về giai điệu. Chúng ta có thể xem xét một số khái niệm về giai điệu đã có trong diễn trình lịch sử âm nhạc thế giới đã được nêu rõ trong giáo trình Phân tích tác phẩm âm nhạc của GS.TSKH. Phạm Lê Hòa:

- Giai điệu là mô hình/âm hình trường độ dài và ngắn của nốt nhạc trong một tác phẩm âm nhạc.

- Giai điệu là sự sắp xếp các nốt nhạc và dấu lặng trong một tác phẩm âm nhạc.

- Giai điệu là tổ chức âm nhạc của các âm thanh theo thời gian.

- Giai điệu là sự sắp xếp/nối tiếp các nốt nhạc một bè của các âm thanh âm nhạc [10, tr. 73].

      Mỗi định nghĩa trên đều phản ánh một cách nhìn nhận khác nhau về giai điệu. Đó là khái niệm về giai điệu của một tác phẩm âm nhạc nói chung. Riêng đối với ca khúc thì giai điệu của nó sẽ được hiểu theo một cách đơn giản hơn. Giai điệu là cách sắp xếp các nốt nhạc tạo nên một bản nhạc. Khi nhìn vào một bản nhạc ta sẽ thấy các nốt của giai điệu, khi nghe một bài hát thì phần giọng hát của ca sĩ sẽ tạo nên giai điệu của bài hát.

      Với ca khúc viết cho lứa tuổi học sinh THCS, phần giai điệu có tác dụng rất to lớn trong việc tạo ấn tượng ban đầu. Các ca khúc cần đảm bảo được sự phù hợp trong cách tiến hành giai điệu, đó chính là sự sắp xếp các nốt nhạc. Giai điệu trong ca khúc dành cho học sinh THCS cần được tiến hành trong quãng phù hợp với tầm cữ giọng, không thấp quá cũng không cao quá, âm vực nên được tiến hành trong phạm vi một quãng tám hoặc vượt qua một quãng tám không nhiều. Bên cạnh đó, nên hạn chế các bước nhảy quãng quá xa khi tiến hành giai điệu, như vậy sẽ gây khó khăn cho học sinh trong việc hát chính xác bài hát.

            Thứ ba là lời ca và mối quan hệ giữa lời ca và giai điệu

Lời ca trong ca khúc là một yếu tố rất quan trọng, nó quyết định rất nhiều đến sự thành công của ca khúc khi giới thiệu đến người nghe. Đối với học sinh THCS, bài hát được yêu thích là những bài có giai điệu trong sáng, có lời ca giản dị, có hình ảnh gần gũi với tình cảm tâm lý học sinh.

Lời ca và giai điệu luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau trong một ca khúc. Có nhiều cách khác nhau để viết một ca khúc. Giai điệu âm nhạc có thể xuất hiện trước sau đó nhạc sĩ mới viết lời, đó là trường hợp đặt lời cho bài nhạc. Có khi một bài thơ mang nhiều vần điệu, tạo được cảm hứng nơi nhạc sĩ để sáng tác nên giai điệu minh họa cho những vần thơ ấy, đó là phổ nhạc cho thơ. Cũng có thể giai điệu âm nhạc và ca từ tuôn trào ra cùng một lúc. Cả ba cách này cũng có khi xảy ra ở những giai đoạn sáng tác khác nhau trong cùng một tác phẩm.

             Thứ tư là giá trị nghệ thuật và ý nghĩa giáo dục

            Đây là hai yếu tố quyết định rất nhiều đến sự tồn tại của một ca khúc. Khi nghe một ca khúc, điều đầu tiên chúng ta cảm nhận được sẽ là những yếu tố như giai điệu, lời ca, nhưng để một ca khúc đọng lại nhiều cảm xúc trong lòng người nghe thì ta phải cần đến giá trị nghệ thuật mà nó mang lại. Giá trị nghệ thuật ở đây chính là cái “hay”, mà cái hay lại tùy thuộc vào cảm nhận của từng người.

            Đối với những ca khúc viết về đề tài nhà trường, giá trị nghệ thuật có ý nghĩa rất to lớn và tác động rất nhiều đến sự cảm nhận của học sinh. Một ca khúc có giá trị nghệ thuật sẽ hội tụ tất cả những yếu tố như giai điệu đẹp, lời ca ý nghĩa, cách phối khí ấn tượng…, khi nghe một ca khúc như vậy học sinh sẽ cảm thấy ấn tượng, thích thú, sẽ đọng lại trong ký ức những ấn tượng đẹp.

            Ý nghĩa giáo dục trong những ca khúc viết về mái trường luôn là yếu tố được chú trọng. Bất kỳ một bài hát thuộc thể loại nào cũng đều mang ý nghĩa của riêng nó và tùy vào cách cảm nhận của từng người. Với ca khúc viết cho lứa tuổi học sinh THCS, ý nghĩa giáo dục cần phải đạt được đó chính là giáo dục học sinh về nhân cách, con người, cách tư duy. Giáo dục học sinh biết quý trọng cuộc sống, kính trọng thầy cô giáo, yêu quý bạn bè, yêu thương cha mẹ, người thân. Hướng học sinh đến những tư tưởng nhân văn trong sáng.

2. Lựa chọn ca khúc phù hợp với khả năng âm nhạc của học sinh THCS

Một ca khúc khi đến với người nghe được đánh giá là hay hoặc không hay là do cảm nhận của từng người. Người nhạc sĩ sáng tác đã có công rất lớn khi mang tâm huyết và tình cảm của mình gửi gắm vào từng câu nhạc, lời ca. Tuy nhiên, ca khúc có thể hay với người này nhưng không hợp với người khác đó cũng là điều dễ hiểu, vấn đề ở đây chính là cảm nhận, ca khúc đó có hợp tâm trạng và cảm xúc của họ hay không. Với học sinh THCS, để các ca khúc về mái trường để lại ấn tượng sâu sắc, người nhạc sĩ sáng tác cần quan tâm đến một số đặc điểm về lứa tuổi, tâm sinh lý hay khả năng âm nhạc của học sinh.

Một là, khả năng âm nhạc

            Như chúng ta đã biết, lứa tuổi học sinh THCS có sự khác nhau rất nhiều về tâm sinh lý cũng như khả năng âm nhạc trong từng khối lớp. Học sinh ở lứa tuổi này đã có vốn tích lũy âm nhạc nhiều hơn, ngoài việc được trang bị kiến thức âm nhạc từ bậc tiểu học, các em còn được tiếp cận âm nhạc qua các phương tiện truyền thông, nghe nhìn khác nhau. Nhiều học sinh ở lứa tuổi này đã được tham gia các hoạt động âm nhạc phong phú như: học nhạc cụ, học thanh nhạc. Qua đó, khả năng cảm thụ âm nhạc của học sinh lứa tuổi này đã mang màu sắc độc lập, có học sinh rất thích nghe nhạc không lời, nhưng có học sinh lại thích những ca khúc dân gian, ca khúc nước ngoài…

 

Ảnh: Tiết mục biểu diễn văn nghệ của học sinh THCS (Nguồn: st)

 

Có thể nhận thấy học sinh THCS có khả năng nghe rất tốt, nhạy cảm, nhận biết nhanh, dễ dàng nắm bắt được cao độ, âm thanh, âm hình tiết tấu, đường nét giai điệu và đặc biệt rất thích các hoạt động âm nhạc.

Tầm cữ giọng của học sinh THCS phát triển hơn so với học sinh tiểu học, nhưng không quá âm khu chuyển giọng, học sinh có thể hát dễ dàng trong quãng 10 (từ nốt la 1 đến đô 3) trong những năm đầu THCS, âm thanh giọng hát vang và trong trẻo. Cảm thụ âm nhạc ở lứa tuổi này mang màu sắc độc lập, có sự lựa chọn phong phú. Khi bước vào tuổi 15, 16 ở học sinh xuất hiện sự thay đổi bộ giọng cùng với sự phát triển về cơ thể, do đó, âm sắc giọng hát hơi khàn, âm thanh phát ra có lúc nghe thô. Sự thay đổi này diễn ra ở cả học sinh nam và nữ.

Hai là, tâm sinh lý

Như đã nêu trong chương 1, lứa tuổi học sinh THCS có sự thay đổi tâm sinh lý hết sức phức tạp. Chính vì vậy nó cũng tác động rất nhiều đến việc học tập ở các bộ môn nói chung và môn âm nhạc nói riêng. Có thể nhận thấy sự thay đổi đó qua từng cấp học (từ lớp 6 đến lớp 9). Ở độ tuổi này, tâm lý chung của học sinh là luôn muốn tìm kiếm sự mới lạ trong cuộc sống xung quanh, trong âm nhạc cũng vậy, học sinh cần những ca khúc mới phù hợp với lứa tuổi của mình hơn là học những ca khúc đã quá quen thuộc tạo cảm giác nhàm chán.

Trong giai đoạn này, học sinh cần những ca khúc phù hợp với suy nghĩ, tâm tư tình cảm của mình hơn. Chẳng hạn như học sinh lớp 6, khi vừa bước vào năm đầu tiên của cấp học THCS còn nhiều bỡ ngỡ, dụt dè thì cần có những ca khúc mang tính chất khích lệ, động viên sự tự tin, hay học sinh lớp 9 sắp chia tay mái trường thân yêu gắn bó để lên THPT lại cần những ca khúc nói nhiều đến tình cảm bạn bè, tình thầy cô hay những giai điệu của giây phút sắp chia xa. Việc lựa chọn ca khúc phù hợp với tâm lý của học sinh là điều rất phức tạp, nhưng nếu làm được điều đó thì hiệu quả mang lại sẽ rất cao.

Tóm lại, những ca khúc viết về mái trường dành cho lứa tuổi học sinh THCS  tương đối phong phú. Tuy nhiên, ca khúc được lựa chọn phải đảm bảo được những yêu cầu về cấu trúc hình thức đơn giản, dễ nhận biết, giai điệu dễ nghe, lời ca trong sáng, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Bên cạnh đó, các ca khúc phải có giá trị nghệ thuật và ý nghĩa giáo dục cao, hướng các em học sinh đến những tư tưởng tốt đẹp, cao quý. Một ca khúc được đánh giá là hay và phù hợp sẽ tạo được hứng thú cho các em học sinh trong quá trình học, đem lại kết quả học tập tốt.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.       Phan Trần Bảng (2001), Phương pháp dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2.       Bộ Giáo dục và Đào tạo (2004), Tâm lý lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

3.       Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Văn hóa Thế thao và Du lịch - Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Công đoàn Giáo dục Việt Nam - Nxb Giáo dục Việt Nam (2012), Tiếng hát về thầy cô và mái trường, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

4.       Bộ Giáo dục và Đào tạo Trường ĐHSP Nghệ thuật TW - Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội - Hội Âm nhạc Hà Nội (5/2011), Kỷ yếu Hội thảo ca khúc cho nhà trường phổ thông hiện nay, thực trạng và giải pháp, Hà Nội.

5.       Lê Anh Tuấn (2010), Phương pháp dạy học âm nhạc ở Tiểu học và Trung học cơ sở, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.