Nội san

Đôi điều về Nghệ thuật dân tộc trong giáo dục âm nhạc ở các trường phổ thông hiện nay

15 Tháng Bảy 2015

ThS. Tạ Thị  Lan Phương

Viện Nghiên cứu sư phạm – Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

Chúng ta đang sống trong một thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thời đại của công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, kinh tế thị trường. Cùng với nhịp độ đó, đất nước cũng ngày một chuyển mình và đang trong thời kì đổi mới. Việc đặt ra những mục tiêu phát triển là không thể thiếu cho tất cả các ngành nghề, các lĩnh vực, trong đó phát triển giáo dục là mục tiêu trọng yếu. Nâng cao chất lượng giáo dục là quốc sách hàng đầu và đào tạo nên những con người có đạo đức tốt, khỏe về thể chất, đẹp về tâm hồn

Song song với sự phát triển không ngừng ấy phải kể đến những đóng góp không nhỏ của nghệ thuật âm nhạc. Nói đến âm nhạc, không thể phủ nhận vai trò của nó trong cuộc sống. Âm nhạc giúp con người giảm bớt những căng thẳng, lo âu sau những giờ làm việc mệt mỏi, giúp con người vui tươi, yêu đời và giúp cho cảm xúc thăng hoa.Trong trường học, việc học âm nhạc sẽ giúp các em học sinh phát triển tư duy, trí óc sáng tạo, khơi gợi cho các em những biểu tượng sâu sắc về cái cao cả, cái vĩ đại tuyệt vời của thế giới xung quanh.

Ngay từ thời Thượng cổ, âm nhạc đã được ra đời cùng với đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất của các cộng đồng người nguyên thuỷ. Kể từ đó, âm nhạc đã không ngừng phát triển và hoàn thiện. Âm nhạc mô tả các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống, thể hiện quan điểm sống, chuyển tải tư tưởng yêu nước đến người nghe, không phân biệt lứa tuổi, giai cấp, màu da... Dù rằng sự cảm thụ âm nhạc ở mỗi người là khác nhau và có thể rất đa dạng, nhưng chúng vẫn nằm trong một ranh giới nhất định và vẫn có điểm chung nhất định, điểm chung ấy dựa vào sức tác động của âm nhạc đối với con người.

Như vậy, âm nhạc có nhiều vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Xác định được tầm quan trọng của âm nhạc, các nhà trường phổ thông đã chú trọng hơn trong việc dạy học âm nhạc. Ngoài dạy hát, dạy tập đọc nhạc, kể chuyện âm nhạc thì hoạt động ngoại khóa âm nhạc thông qua việc dàn dựng các chương trình nghệ thuật là không thể thiếu, bởi đó là phương tiện hữu hiệu trong giáo dục các em. Hiện nay, khối các trường Trung học cơ sở trong toàn thành phố Hà Nội hầu hết đều quan tâm và đầu tư cho môn học và các hoạt động ngoại khóa âm nhạc. Tuy vậy, định hướng của Ban Giám hiệu các trường phổ thông mới chỉ chú trọng đến chất lượng giảng dạy âm nhạc trong giờ chính khóa còn chất lượng các phong trào ngoại khóa chưa cao. Điều này được thể hiện rõ thông qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong năm vào dịp kỷ niệm các ngày lễ và liên hoan văn nghệ ngành. Nhìn chung, các chương trình còn sơ sài, tập hợp rất nhiều thể loại, nhiều hình thức trình diễn. Việc đưa nghệ thuật dân tộc vào các chương trình biểu diễn để giới thiệu và giáo dục các em thêm hiểu biết, thêm yêu những loại hình nghệ thuật dân gian dân tộc cũng chưa được chú trọng.

Nói đến nghệ thuật dân tộc là nói đến những loại hình nghệ thuật mang đậm chất liệu dân gian thuộc các vùng miền trên đất nước ta. Nghệ thuật dân tộc là tinh hoa văn hóa người Việt, là linh hồn quý báu của các thế hệ người Việt.  Thông qua nghệ thuật dân tộc để giáo dục nguồn cội, nhân cách, đạo đức… cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường là việc làm hết làm hết sức cần thiết. Nếu ở con người, nhu cầu về thẩm mỹ là nhu cầu tinh tế và cao quý thì trong nền giáo dục phổ thông hiện đại, giáo dục thẩm mỹ nói chung và giáo dục âm nhạc nói riêng là bộ phận mang tính đặc thù. Ở trường phổ thông, các môn học khác được xây dựng và lấy tác động hình thành nhân cách học sinh theo hướng từ trí tuệ đến tình cảm, còn môn Âm nhạc thì ngược lại. Vì vậy, âm nhạc nói chung và các loại hình nghệ thuật dân tộc nói riêng là rất cần trong giáo dục âm nhạc ở trường phổ thông hiện nay.

     Thật là nghịch lý khi một loại hình sân khấu có hàng trăm năm, đã vượt qua bao thăng trầm của thời gian để tồn tại và được các thế hệ nghệ sĩ nối tiếp nhau gìn giữ và phát triển. Vậy mà ngày nay, chúng ta lại phải giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ hiểu biết về sân khấu truyền thống. Biết là nghịch lý nhưng nó là hiện thực đời sống xã hội. Trong cơ chế thị trường đang vận hành, các loại hình nghệ thuật, các trò vui chơi, giải trí; hình ảnh của cả thế giới đến tận mỗi gia đình; những danh lam thắng cảnh, lễ hội, đền chùa thu hút mọi tầng lớp nhân dân.Trước hiện thực đó, có được khán giả cho sân khấu dân tộc đòi hỏi người nghệ sĩ phải lao động hết mình, gồng mình lên để gánh vác sự nghiệp sân khấu dân tộc; các nhà lãnh đạo cần năng động, sáng tạo hơn, tìm mọi giải pháp để giữ gìn và phát huy những tinh hoa của nghệ thuật sân khấu Việt Nam.

Thực tế cho thấy, nghệ thuật dân tộc đã và đang bị tác động rất lớn bởi cơ chế thị trường. Nhiều loại hình âm nhạc cổ truyền đang mờ dần bản sắc, thưa vắng người nghe, người xem. Một bộ phận lớp trẻ chỉ quan tâm đến nhạc thương mại, nhạc nước ngoài mà thờ ơ, quay lưng với âm nhạc dân tộc, khiến những người tâm huyết với âm nhạc cổ truyền lo ngại, các nghệ sỹ hoạt động trong lĩnh vực này cũng gặp không ít khó khăn. Sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai càng làm cho hồn cốt của văn hóa Việt mờ dần bản sắc. Trong bài báo của GS Hoàng Chương có chia sẻ: “Các loại hình âm nhạc đặc sắc như Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ, Ca trù, hát Xoan đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng hiện vẫn sống lay lắt vì ít người xem, hoặc muốn có người xem thì phải “sân khấu hóa” như quan họ đang làm, tức là hát có micro và có nhạc đệm, thậm chí cả đàn organ hiện đại”[cucbieudien.gov.vn].

Vì vậy, để giáo dục các em học sinh phổ thông về nghệ thuật dân tộc, thì hoạt động thử nghiệm “Sân khấu học đường” đã ra đời và có những bước đi thích hợp, từ tổ chức các nhóm nghệ nhân ở địa phương, tập lại những trích đoạn Tuồng, Chèo truyền thống, đến biểu diễn giới thiệu trong nhà trường, địa phương cho học sinh xem. Sau đó, tuyển chọn các em có năng khiếu, truyền nghề, tổ chức  biểu diễn cho học sinh trong trường cùng nhân dân địa phương thưởng thức - việc làm này bước đầu thực hiện chủ trương xã hội hóa sân khấu. 

Là một nhà nghiên cứu và thực hành về dàn dựng các chương trình nghệ thuật tổng hợp, đặc biệt là nghệ thuật dân tộc, tôi nghĩ rằng, chúng ta không chỉ nói mà cần phải hành động để giữ gìn các loại hình nghệ thuật dân tộc ấy bằng nhiều cách, nhiều hình thức khác nhau. Giáo sư Trần Văn Khê hoàn toàn có lý khi khẳng định: “Phải ngăn chặn sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai bằng cách, đưa âm nhạc dân tộc vào học đường để giáo dục cho các em học sinh ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, giúp các em học sinh hiểu được nghệ thuật dân tộc là gì, có những thể loại nào, từ đó các em mới biết, mới yêu, yêu rồi mới học, học rồi mới hiểu cần phải làm gì để giữ gìn những giá trị tinh túy ấy. Có thể khẳng định rằng, khi nào nghệ thuật dân tộc chưa đến được với các bạn trẻ, thanh thiếu niên coi như thiếu một phần sức sống” [cucbieudien.gov.vn].

  Hiện nay, môn học Âm nhạc và Mỹ thuật ở các trường phổ thông đã góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh, với những nội dung và hình thức tổ chức học tập phù hợp đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh được trang bị những kiến thức hình thành nền tảng về thẩm mỹ - cơ sở để định hình nhân cách, lối sống tư duy phù hợpvới xu thế phát triển của xã hội.Việc triển khai nội dung giảng dạy về di sản văn hóa truyền thống, trong đó có một số loại hình nghệ thuật dân gian, dân tộc trong chương trình giáo dục phổ thông, đã góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, khẳng định tính dân tộc, tính độc lập trong xu thế hội nhập phát triển, đồng thời giáo dục ý thức tự tôn dân tộc, quý trọng những giá trị to lớn mà những thế hệ đi trước đã sáng tạo nên.

            Có thể lựa chọn một số loại hình nghệ thuật dân gian, dân tộc dưới đây để lồng ghép vào chương trình dạy học chính khóa và ngoại khóa, cũng như dàn dựng chương trình nghệ thuật dân tộc của các trường phổ thông:

- Âm nhạc dân gian: Quan họ Bắc Ninh, hát Ca trù, hát Trống quân, hát Đúm Hải Phòng, hát Xoan-Ghẹo Phú Thọ.

- Sân khấu dân gian: Chèo Thái Bình, múa rối nước.

- Mỹ thuật dân gian: Tranh Đông Hồ, nặn Tò he.

- Một số bài Dân ca: Ru em (dân ca Xê đăng), Trống cơm (dân ca Quan họ Bắc Ninh), Ru con (dân ca Nam Bộ), Lý Kéo Chài (dân ca Nam Bộ - đặt lời mới: Hoàng Lân), Đi cấy (dân ca Thanh Hóa), Mưa rơi (dân ca Xá – Tây Bắc),…

- Một số điệu Hò, điệu Lý: Lý Hoài nam, Lý Cái mơn, Lý Ngựa ô, Lý Con sáo Gò Công, Lý Mười thương…

            Bên cạnh những loại hình âm nhạc dân gian, bài hát dân ca và những điệu Hò, điệu Lý sẽ đưa vào giới thiệu và giáo dục các em học sinh, thì một số ca khúc mang âm hưởng dân ca cũng cần được được các em biết đến như:  Em nhớ Tây Nguyên (Sáng tác: Văn Tấn - Trần Quang Huy),  Em đi giữa biển vàng (Sáng tác: Bùi Đình Thảo), Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác (Sáng tác: Hoàng Long - Hoàng Lân), Đưa cơm cho mẹ đi cày (Sáng tác: Hàn Ngọc Bích).

            Để các giá trị văn hoá tinh thần của dân tộc không bị mai một và sống mãi trong đời sống của xã hội Việt Nam, việc giáo dục cho học sinh phổ thông, thế hệ trẻ của Việt Nam biết trân trọng, yêu quý và có ý thức gìn giữ, phát huy những tinh hoa của các loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam là vấn đề cần thiết và đáp ứng mục tiêu giáo dục phổ thông trong giai đoạn hiện nay.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Dương Viết Á, Đức Thịnh (2000), Tổ chức và dàn dựng chương trình biểu diễn ở cơ sở, Nxb giáo dục.

2. Lê Tuấn Anh (2007), Dàn dựng chương trình tng hợp, Nxb giáo dục.

3. Lê Ngọc Canh (2009), Phương pháp chương trình nghệ thuật tổng hợp (nghệ thuật đạo diễn), Nxb Văn hóa thông tin.

4. Thế Cường (201l), Con thuyền giáo dục Việt Nam, Nxb Giáo dục.

5. Huy Du, Trần Hoàng Trung (2003), 150 ca khúc dùng trong sinh hoạt tập thể, Nxb Lao động

6. Đào Ngọc Dung (1997), Những bài hát tập thể đồng ca hợp xướng I - II - III, Trường CĐSP Nhạc họa Trung ương Hà Nội.

7. Đào Ngọc Dung (2003), Tập bài hát thiếu nhi, Nxb Âm nhạc.

8. Lê Thế Hào, Nguyễn Thiết (1985), Chỉ huy dàn dựng các tác phẩm âm nhạc, Nxb Giáo dục.

9. Phạm Lê Hòa (2010), Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên âm nhạc trong các trường THCS ở miền Bắc Việt Nam, (Đề tài NCKH cấp Bộ mã số: B2008 – 36 – 09).

10. Đặng Vũ Hoạt (2004), Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, Nxb Giáo dục.

11. Kỷ yếu khoa học (2009), Bảo tồn và phát huy dân ca trong giáo dục âm nhạc ở trường phổ thông, Nxb Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

12. Tô Ngọc Thanh (1998), Giáo dục âm nhạc dân gian cho thanh niên, Nxb VH.

13. Tô Ngọc Thanh (1969), Những vấn đề âm nhạc và múa, Nxb Vụ Nghệ thuật Âm nhạc.

14. Trần Minh Trí (1998), Múa và phương pháp dạy trẻ vận động theo nhạc, Nxb Giáo dục.