Nội san

Đổi mới phương pháp dạy - học và phương pháp đánh giá trong công tác đào tạo sinh viên nghệ thuật

19 Tháng Mười 2015

                                                                      TS. Đào Đăng Phượng

 

            Toàn cầu hóa như một tất yếu khách quan trong thời đại ngày nay. Không chỉ Việt Nam mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chịu sự tác động của toàn cầu hóa. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế trong tiến trình toàn cầu hoá, nền giáo dục nói chung và giáo dục nghệ thuật nói riêng cũng không tách khỏi xu hướng chung của thời đại, với mục đích đào tạo những con người mới năng động hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

        Bên cạnh những thuận lợi của tiến trình toàn cầu hóa mang lại, chúng ta sẽ phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức nhất là trong lĩnh vực giáo dục nghệ thuật. Để đương đầu vượt qua những khó khăn và thách thức này, chúng ta không thể thụ động mà cần phải có sự năng động và sáng tạo. Đó chính là khả năng khám phá, phát hiện những điều mới. Chúng ta phải hiểu rõ những vấn đề đó, nó đã tồn tại và phát sinh ra sao để từ đó tìm ra những giải pháp hữu hiệu tạo nên sự phát triển toàn diện.

          Mỗi con người khi sinh ra đều cũng mang trong mình những bản năng, hay những năng khiếu nhất định, nhưng những năng khiếu đó được phát huy và phát triển như thế nào còn phụ thuộc vào môi trường rèn luyện, học tập như Hồ Chủ tịch đã từng nói: "Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Hay nói cách khác, con người chịu sự ảnh hưởng, tác động của nhiều mối quan hệ xã hội khác nhau bởi vì: “Trong tính thực tiễn của nó, con người là sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội” (Các Mác). Chính vì vậy, ngoài sự ảnh hưởng của gia đình và xã hội thì nhà trường cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển năng khiếu, sự hiểu biết, tính năng động, sáng tạo của con người. Điều đó làm cho mỗi nhà quản lý giáo dục, mỗi giảng viên giảng dạy nghệ thuật (như chúng ta) hiện nay phải quan tâm và tìm ra những phương pháp tốt nhất để giúp sinh viên tiếp nhận tri thức, phát triển năng khiếu, biết áp dụng những tri thức đó một cách sáng tạo vào trong thực tiễn nghệ thuật và phát huy, phát triển nó trong một thế giới mới. Nói cách khác, chúng ta cần phải thay đổi phương pháp học của sinh viên, vì thay đổi phương pháp học sẽ dẫn đến sự thay đổi nhận thức, kỹ năng, thái độ và hành vi nhằm giúp họ trở nên năng động, sáng tạo. Tuy nhiên, để thay đổi phương pháp học tập của sinh viên thì mỗi chúng ta - các nhà quản lý giáo dục, các giảng viên cũng cần phải thay đổi phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá kết quả học tập để xác định chính xác kỹ năng, kiến thức, sự hiểu biết, sự tiến bộ của sinh viên, kích thích hành vi học tập, dự đoán thành công trong tương lai, từ đó điều chỉnh phương pháp dạy và học.

        

             1. Đổi mới phương pháp học

            Quá trình dạy - học lấy sinh viên làm hoạt động trung tâm thì trước tiên chúng ta phải cần thay đổi phương pháp học tập của sinh viên. Khả năng sáng tạo nghệ thuật của sinh viên sẽ không phát huy được nếu chỉ học theo lối ghi nhớ thông tin máy móc, sự truyền đạt một chiều. Vì, việc học tập nghệ thuật không thể tiếp nhận tri thức đơn thuần một chiều mà còn phải biết áp dụng, vận dụng tri thức đó vào trong thực tiễn cụ thể. Chúng ta không phủ nhận một số lợi ích của cách học ghi nhớ thông thường, nhưng chỉ ghi nhớ thì chưa đủ mà ghi nhớ phải gắn liền với hiểu biết những kiến thức, những vấn đề đã tiếp nhận được vận dụng vào trong thực hành đánh đàn hoặc vẽ một bức tranh... Trong bất kỳ hoạt động học tập nào “Ghi nhớ, hiểu biết, phản ánh, nêu vấn đề” cũng đều giúp sinh viên phát triển khả năng tưởng tượng, sự suy nghĩ, phán xét, bình phẩm và khả năng sáng tạo. Kỹ năng này rất cần thiết đối với sinh viên nghệ thuật. Do vậy, ghi nhớ được xem như là thành tố có ý nghĩa của việc học, nhưng nếu ghi nhớ mà không hiểu sẽ dẫn đến thái độ thụ động. Nhớ mà không hiểu sẽ ngăn cản sự phản ánh, sự khám phá, sự sáng tạo của sinh viên trong quá trình học.

Mặt khác việc học tập của sinh viên, nhất là sinh viên nghệ thuật không chỉ diễn ra trong nhà trường mà nó còn diễn ra ở ngoài nhà trường, ở mọi nơi, mọi lúc với hình thức khác nhau nhất là trong điều kiện công nghệ thông tin đang phát triển từng giờ như hiện nay, sinh viên lại có nhiều cơ hội học tập hơn. Vì vậy, việc sinh viên có thể học, tiếp thu kiến thức ở nhiều nơi và sẵn sàng bày tỏ quan điểm của mình qua việc tranh luận với giảng viên những kiến thức liên quan đến môn học đó là điều rất tốt, nó sẽ giúp sinh viên hiểu sâu sắc hơn vấn đề.

Phương pháp tự học của sinh viên trước kia ở trên lớp nghe giảng và ghi chép lại để về nhà học thuộc, thy dạy trên lớp thế nào thì về học như thế, chủ yếu là tự học một mình, kiểu học nhóm ít khi xảy ra. Vì vậy, sinh viên sẽ thiếu đi nhiều cơ hội để bàn bạc, tranh luận và khám phá kiến thức cùng với bạn bè. Muốn cho sinh viên bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình và nhớ lâu được các kiến thức thì chúng ta phải thiết kế mô hình học tập thảo luận theo nhóm, cách làm này sẽ giúp sinh viên phát huy khả năng làm việc theo nhóm, khả năng độc lập, năng động và sáng tạo hơn trong việc tiếp thu kiến thức và giải quyết các vấn đề.

2. Đổi mới phương pháp dạy

Để thay đổi phương pháp học tập của sinh viên nhằm thúc đẩy và phát triển năng khiếu, khả năng sáng tạo và tính năng động thì trước hết giảng viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy. Phương pháp học tập của sinh viên chỉ có thể thay đổi khi chúng ta điều chỉnh, thay đổi phương pháp giảng dạy. Muốn trở thành người giảng viên giỏi, trước hết chúng ta phải có phương pháp dạy học sáng tạo. Đó là công cụ tốt nhất cho sự biến đổi, sự kích thích trí tuệ, sáng tạo và phát triển năng khiếu, năng lực của sinh viên. Dạy học sáng tạo có thể biến đổi toàn bộ hoạt động của người học, tạo cho người học cơ hội tiếp cận nguồn thông tin mới, tiếp thu được những kỹ năng, kỹ xảo, giúp các em biết lựa chọn, biết ước mơ, khát vọng và biết cách biến những ước mơ, khát vọng đó trở thành hiện thực. Ngược lại, phương pháp dạy học thiếu sáng tạo sẽ ngăn cản sự phát triển của sinh viên, dập tắt sự sáng tạo và thiêu huỷ tính tích cực của các em.

Người giảng viên bình thường là người mang kiến thức đến cho sinh viên, còn người giảng viên giỏi là người dẫn dắt sinh viên đi tìm kiến thức. Chính vì vậy, để trở thành người giảng viên giỏi, người hướng dẫn xuất sắc, chúng ta không chỉ chuyển tải kiến thức một cách hiệu quả cho sinh viên mà còn phải biết khám phá kiến thức, cung cấp, giúp đỡ, lôi cuốn sinh viên vào tiến trình học tập. Tuy nhiên, để giúp sinh viên thay đổi cách học thì bên cạnh những kiến thức, chúng ta phải có những chiến lược dạy học hiệu quả. Điều này buộc chúng ta xem xét lại vai trò và phương pháp dạy học của mình. Chúng ta cần đặt vai trò của mình như vai trò của người học được giảng dạy bằng nhiều phương pháp dạy học khác nhau, khi đó chắc chắn chúng ta sẽ thấy rõ chúng ta đóng vai trò gì và phương pháp dạy học của chúng sẽ phát huy ra sao trong lớp học. Nếu chúng ta đặt vai trò của mình vào vai trò của người học thì vai trò của người sở hữu kiến thức trong cách dạy học truyền thống - truyền đạt một chiều sẽ được thay thế bằng vai trò của người thúc đẩy người học khám phá trí thức trong cách dạy học sáng tạo. Với vai trò là những người thúc đẩy, chúng ta sẽ kích thích khả năng học tập của sinh viên trong việc phản ứng lại, trực diện với những vấn đề môn học hơn là dạy sinh viên lý thuyết thuần túy.

Bất kỳ phương pháp dạy học nào cũng có những ưu điểm và nhược điểm của nó nhưng phải biết vận dụng chúng vào những thời điểm nào, hoàn cảnh nào, điều đó mới quan trọng và có tính quyết định. Muốn trở thành giảng viên giỏi chúng ta phải biết sử dụng phương pháp sáng tạo, phải biết kết nối, vận dụng nhiều phương pháp giảng dạy trong những tình huống cụ thể, trong từng bài giảng cụ thể và từng đối tượng sinh viên cụ thể. Chúng ta không nên dạy học bằng phương pháp dạy học một chiều và càng không nên là người sở hữu kiến thức để phân phát cho sinh viên. Người thầy phải là những người thúc đẩy để kích thích sự học tập của sinh viên, từ đó quan sát, xem xét điều chỉnh phương pháp dạy cho phù hợp, đáp ứng và thoả mãn một cách đầy đủ nhu cầu của sinh viên.

Tuy nhiên, để thúc đẩy phương pháp dạy học sáng tạo, vai trò quan trọng của chúng ta là phải xây dựng cho được một mối quan hệ hợp tác giữa giảng viên với sinh viên, giữa sinh viên với sinh viên. Bên cạnh đó môi trường học tập bình đẳng, dân chủ cũng đóng một vai trò quan trọng, vì mối quan hệ hợp tác bình đẳng, dân chủ là trung tâm của quá trình dạy và học - một trong những mục đích quan trọng của nền giáo dục toàn cầu. Sự tiếp nhận tri thức của sinh viên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường học tập, do đó giảng viên cần thiết lập một môi trường dân chủ, an toàn, một bầu không khí tôn trọng và thông cảm lẫn nhau. Trong đó cả giảng viên và sinh viên cùng nhau chia sẻ ý kiến, quan điểm, suy nghĩ trong quá trình thảo luận, cùng nhau khám phá tri thức và phản ánh khách quan các vấn đề học tập trong tiến trình dạy và học. Sự biến đổi và sự sáng tạo sẽ không xảy ra trong một môi trường lớp học mang màu sắc của quyền lực và sự đe doạ. Nói cách khác, dưới tình trạng đe dọa, sinh viên không có cơ hội bày tỏ, đóng góp những ý kiến cũng như sự sáng tạo của các em. Do vậy, một môi trường học tập dân chủ nhất thiết cần được xác lập. Chúng ta phải thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh thay đổi thái độ và hành động của mình để tạo ra những phẩm chất quí báu nhất của người giảng viên chuyên nghiệp, trí tuệ, chân thành, tôn trọng, khoan dung, lưu tâm, trợ giúp và chu đáo để sinh viên học tốt. Khi những phẩm chất quí báu của giảng viên được sinh viên thừa nhận thì bầu không khí nhiệt huyết đối với sự dạy và học không ngừng được vun đắp.

3. Đổi mới phương pháp đánh giá

Để thay đổi phương pháp học tập và phương pháp giảng dạy nhằm phát triển năng khiếu, thúc đẩy khả năng sáng tạo của sinh viên, ngoài việc thay đổi phương pháp học, phương pháp dạy chúng ta cần phải điều chỉnh và thay đổi phương thức kiểm tra, đánh giá sao cho phù hợp với phương pháp dạy tích cực và học sáng tạo.

Nếu chỉ thay đổi phương pháp dạy và học mà không thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá thì chúng ta mới chỉ làm được 2/3 công việc đổi mới phương pháp dạy và học. Nếu thay đổi phương pháp giảng dạy mà phương pháp kiểm tra, đánh giá vẫn y nguyên, như cũ thì tất yếu phương pháp giảng dạy tích cực sẽ quay trở lại lối dạy học truyền thống. Ngược lại khi thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá thì tất yếu sẽ thay đổi phương pháp dạy và học.

Khi thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá, giáo viên - sinh viên chắc chắn sẽ thay đổi phương pháp dạy - học sao cho phù hợp với các tiêu chí của loại hình đánh giá mới. Ngoài sự ảnh hưởng trực tiếp của phương pháp này đến phương pháp dạy và học, nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự tiến bộ học tập và toàn bộ hoạt động học của sinh viên. Một hình thức đánh giá không phù hợp, sai lệch sẽ ảnh hưởng xấu đến niềm tin của sinh viên về giảng viên và nhà trường. Nếu chọn phương pháp đánh giá không phù hợp là chúng ta đương nhiên thừa nhận sự tồn tại của hoạt động dạy và học truyền thống và cũng đồng thời phủ nhận hoạt động nghiên cứu khoa học của phần đông sinh viên.

Như chúng ta đã biết, mỗi sinh viên đều có cơ hội tiếp cận lý thuyết và nghiên cứu khoa học trong nhà trường, nhưng không phải sinh viên nào cũng có thể vận dụng lý thuyết để nghiên cứu một vấn đề khoa học cụ thể, chuyên sâu. Chính vì vậy, với những học phầm mang tính lý luận chúng ta cần tăng cường việc kiểm tra thi hết học phần bằng hình thức viết báo cáo thu hoạch hoặc viết tiểu luận. Những học phần mang tính thực hành chúng ta cần tăng cường việc kiểm tra trực tiếp (biểu diễn hoặc trình bày tác phẩm trước giảng viên và sinh viên trong lớp hay nhóm sinh viên cụ thể). Có như vậy sinh viên mới có điều kiện phát huy tính năng động chủ động tìm tòi kiến thức, mới có cơ hội trình bày những quan điểm, thể hiện khả năng, năng khiếu của mình và từng bước phát triển tư duy và năng khiếu. Chúng ta không phủ nhận vai trò của hình thức kiểm tra miệng, kiểm tra viết thông thường nhưng nếu như thường xuyên lặp đi lặp lại một cách đều đặn thì rất có thể sẽ biến sinh viên thành cái máy sao chép, học vẹt. Vì vậy, chúng ta cũng cần phải kết hợp việc kiểm tra đó bằng việc kiểm tra kiến thức của sinh viên qua trình bày các nội dung, kiến thức, quan điểm trong thảo luận nhóm.

 Hình thức đánh giá không phải là một vấn đề khó, quá nan giải mà hiện nay chúng ta không làm được. Bất kỳ một loại hình đánh giá nào cũng đều có cả ưu và nhược điểm, điều quan trọng là chúng ta biết cách xâu chuỗi, kết hợp nhiều loại hình đánh giá khác nhau để hoàn thiện một hệ thống, một hình thức đánh giá hợp lý, có khả năng ước lượng được chính xác khối lượng kiến thức mà sinh viên tiếp nhận trong suốt tiến trình học tập. Đánh giá đúng sẽ tạo ra nên công bằng trong học tập cho tất cả sinh viên, làm tăng thêm niềm tin của sinh viên đối với giảng viên và nhà trường.

 Phương pháp dạy, phương pháp học, phương pháp đánh giá có mối quan hệ (liên quan) mật thiết với nhau trong việc phát triển năng khiếu, khả năng sáng tạo, tính năng động của sinh viên, giúp họ trở thành những nghệ sĩ, những giảng viên, những người lao động nghệ thuật trong cộng đồng. Chúng ta không chỉ đổi mới một trong những phương pháp trên mà phải đổi mới đồng thời cả ba phương pháp. Nếu chỉ cải tiến phương pháp dạy và học mà không cải tiến phương pháp đánh giá thì kết quả của sự cải tiến sẽ không cao, vì tiến trình day - học và đánh giá có quan hệ hữu cơ với nhau. Cải tiến phương pháp đánh giá học tập sinh viên sẽ mang lại một sự thay đổi to lớn không chỉ trong của người học mà còn cả trong giảng viên. Làm được điều này có nghĩa là chúng ta đã tạo nên một sự thay đổi lớn trong mối quan hệ, niềm tin về vai trò tích cực của sinh viên, vị trí cao quí của giảng viên cũng như uy tín của các nhà giáo.