Nội san

Kỹ thuật in trong dòng chảy văn minh nhân loại

19 Tháng Mười 2015

ThS. Nguyễn Doãn Sơn

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

 

Từ thời nguyên thủy cách đây 50000 năm, loài người đã cho thấy dấu hiệu vượt lên các loài động vật hoang dã khác bởi trí tuệ vượt trội của mình. Con người có hệ thống ngôn ngữ phong phú hơn loài vật. Con người có khả năng miêu tả lại các sự kiện trong quá khứ không chỉ bằng ngôn ngữ mà bằng cả hình vẽ. Ngày nay, chúng ta vẫn nhận được những thông điệp của người cổ xưa để lại qua các hình vẽ trên hang động như ở Altamira - Tây Ban Nha, hay ở hang Lascaux và Chauvet nước Pháp cách đây khoảng 12000 đến 15000 năm. Cùng với khả năng diễn tả phong phú là khả năng chế tạo công cụ, kiến tạo môi trường, tổ chức cuộc sống, tổ chức xã hội của con người ngày càng khoa học, gắn kết phát huy sức mạnh tập thể hơn các loài khác trong thiên nhiên. Ngôn ngữ của con người trở nên hữu dụng với những từ ngữ miêu tả số, đếm số, số đo với các giá trị hữu hình đến siêu hình: số lượng, thể tích, chiều dài không gian, thể tích không gian, thời gian năm, mùa, ngày, giờ, phút, giây. Con người sáng tạo các hình vẽ tối giản nhằm mục đích tín hiệu hóa những phạm trù phong phú mà ngôn ngữ diễn đạt được.

Đi cùng với sự phát triển của các nền văn minh lớn là sự phát triển của các bộ chữ viết. Nhà nước Ai Cập cổ đại ra đời vào khoảng 4000 năm TCN với các bích họa kèm chữ tượng hình (Pictograph). Chữ viết xuất hiện rất sớm ở vùng đồng bằng sông Hoàng Hà, Trung Hoa với các chữ viết trên mai rùa khoảng 1.500 năm TCN vào thời nhà Thương. Chữ viết cũng xuất hiện vào khoảng thời gian tương tự ở nền văn minh sông Hằng, Ấn Độ và nền văn minh Lưỡng Hà nhưng ở mỗi nơi lại có những đặc thù riêng biệt. Cho đến ngày hôm nay, các bộ chữ này gần như không còn được sử dụng. Bộ chữ tượng hình của Trung Hoa vẫn được sử dụng nhưng nó được tiêu chuẩn hóa từ thời kỳ nhà Tần (221 TCN - 206 TCN), khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất lại bộ chữ và tiêu huỷ các hệ thống chữ viết khác.

Đến khoảng năm 900 TCN, người Phê-ni-xi đã cải tiến các ký hiệu tượng hình, phân tách các âm thành các ký tự, khi ghép lại thành âm của một từ. Cách thức này làm cho bộ chữ diễn tả ngôn ngữ trở nên gọn nhẹ hơn bộ chữ tượng hình rất nhiều. Với không quá 36 chữ cái và một số biểu tượng, bộ chữ có thể diễn tả hầu như tất cả các hiện tượng, các câu chuyện mà con người ghi nhận thấy. Vào khoảng năm 400 TCN, người Hy Lạp chính thức công nhận hệ thống ký hiệu phiên âm của người Phê-ni-xi, đưa thêm nguyên âm và đổi tên các chữ cái để hình thành bảng chữ cái Alphabet. Khoảng 100 năm sau đó, bảng chữ cái Hy Lạp được điều chỉnh, thêm vần F, Q thành 23 chữ cái Latin và trở thành bản mẫu chữ cho tất cả các bảng chữ cái Âu Mỹ hiện nay. Ngoài bộ chữ Latin, trên thế giới còn tồn tại nhiều hệ chữ khác như hệ chữ Ấn Độ, hệ chữ Ả Rập, hệ chữ Hy Lạp, Armenia... Các bộ chữ này có hình thức và số ký tự mẫu khác với chữ Latin nhưng nguyên lý sử dụng thì gần tương tự.

Hoàn thiện bộ chữ viết đánh dấu bước tiến lớn của văn minh nhân loại, chữ viết sản sinh ra một giai cấp mới trong xã hội: giai cấp tăng lữ, quý tộc, trí thức là những con người đọc nhiều sách, văn tự, có kiến thức rộng và sâu. Với trí tuệ vượt bậc, nhóm người trí thức trở thành nhóm người dẫn dắt xã hội phát triển. Sách do đó trở thành báu vật của giới quý tộc. Không chỉ bởi nó ghi chép nhận thức mà còn bởi nó rất hiếm. Những ấn phẩm đầu tiên của con người còn đến nay là hình chữ in lên đất sét của người Lưỡng Hà. Người Ai Cập dùng cây sậy trên sông Nil chế thành giấy Papirut để ghi chép. Người Trung Hoa viết chữ lên mai rùa, lên thẻ tre, lên da, lên lụa... Nhưng dù bằng vật liệu gì, con người vẫn phải viết bằng tay từng chữ một. Làm ra một văn thư không những phải biết, thuộc chữ mà còn tốn công, tốn kém.

Vào những năm 170 sau CN, người Trung Hoa đã có những bước tiến đột phá về công nghệ làm thay đổi dòng chảy văn minh nhân loại. Để in kinh Phật và các văn tự quý, họ nghĩ ra cách chà xát giấy than vào bản khắc chữ gỗ tạo nên âm bản chữ trắng trên nền giấy đen.Từ bản âm đó, bản chữ âm được đục ra trên gỗ. Sau đó họ quết mực lên bản ghỗ, in ra được bản dương. Đó là kỹ thuật in đầu tiên của thế giới vẫn được biết là nguyên lý in nổi.

Trong quá trình nhuộm vải lụa, người Trung Hoa đã nghĩ ra cách đục một hình hoa văn trên miếng gỗ phẳng. Khi bôi màu nhuộm lên con in, họ in được các hình giống hệt nhau lên tấm vải lụa. Đến khoảng năm 700, cách in này được áp dụng trở lại trong kỹ thuật in giấy. Vào thời Tống (cách đây khoảng 900 năm) tại Hồ Bắc phát minh gia Tất Thăng (một người bình dân sống và làm việc tại một xưởng điêu bản) thông qua nhiều lần thực tiễn đã phát minh ra loại kỹ thuật ấn loát hoạt tự, ông dùng chữ khắc lên bùn (loại bùn dùng để đóng gạch), mỗi chữ một miếng, đem nung cho khô. Sau đó chuẩn bị một khay sắt, trên khay sắt đó có rắc hương tùng, sáp nến, tro giấy..., bốn cạnh của khay sắt được nẹp bởi một khung sắt, trong khay sắt đó xếp cho kín chữ đã được khắc, đem nung trên lửa, dùng một tấm kim loại bằng phẳng để nèn các chữ trong khay xuống. Để nâng cao năng suất thường chuẩn bị hai khay sắt, để các khay này in nối tiếp nhau. Không chỉ vậy mỗi chữ đều được chuẩn bị mấy hoạt tự, những chữ hay dùng sẽ khắc nhiều hoạt tự hơn. Sau khi in xong đem gỡ các hoạt tự ra để lần sau dùng. Loại ấn loát hoạt tự này đã khắc phục được những điểm yếu của ấn loát Điêu bản, vừa thuận tiện, vừa kinh tế lại tiết kiệm được thời gian. Đó là hình thức đầu tiên của kỹ thuật in mà nay ta vẫn gọi là Typography. Khoảng năm 1230, người Triều Tiên đã sáng chế ra một công nghệ in bằng kim loại. Công nghệ này được cho là có sự liên quan đến công nghệ đúc tiền. Các con chữ được đục bằng gỗ sẽ được in lên đất sét. Khuôn chữ này được nung và đổ khuôn lại bằng đồng và trở thành các con chữ âm bản nổi. Các con chữ được sắp thành văn bản trên khay để in. Sự tiến bộ của công nghệ giúp cho công sức làm ra một văn thư trở nên tiết kiệm hơn rất nhiều so với thời kỳ Trung cổ.

Xuất hiện muộn hơn một chút so với kỹ thuật in nổi, những người thợ làm lụa Trung Hoa đã khai sinh ra một hình thức in bằng vải lụa căng lên khung gỗ. Tấm vải ấy được vẽ hình hoặc chữ muốn in bằng sáp ong. Phần hở không có nội dung được phủ bằng keo. Tấm lụa được rửa trôi sáp ong bằng nước nóng lộ ra những lỗ vải. Họ áp tấm lụa này lên bề mặt cần in và cán mực. Mực thấm qua lỗ vải ghi lại hình vẽ sáp ong ban đầu. Đây là nguyên lý in phẳng đầu tiên trên thế giới và còn được gọi là in lụa (Silkprinting).

Từ thế kỷ I đến thế kỷ XII, trong lúc nền văn minh Trung Hoa đang có những bước tiến vượt bậc về kỹ thuật thì châu Âu chìm trong lạc hậu của thời Trung cổ. Chính trong những đợt xâm lăng của đế quốc Mông Cổ, châu Âu thức tỉnh và trỗi dậy với công cuộc Phục Hưng các giá trị tri thức từ thời Hy Lạp, La Mã cổ đại. Các công nghệ in ấn học được của văn minh Trung Hoa đã thúc đẩy việc in sách, truyền bá tri thức. Phương thức in nổi thực sự phát huy được sức mạnh bởi bộ chữ Latin chỉ có 36 ký tự chính. Năm 1448, Johann Gutenberg trở thành người đầu tiên áp dụng phương pháp này. Gutenberg chọn những chất liệu kim loại để tạo ra những chữ cái, con số, hay những ký tự rời rạc, sau đó nhập chúng vào khuôn và sắp xếp để tạo ra một thông điệp trước khi nó được in ra hàng loạt. Gutenberg thay đổi thành phần hợp kim đúc chữ: bỏ đồng (Cu) thay bằng Angtimoan (Sb). Gutenberg gọi nó là “type” và ngày nay người ta gọi ngành in là Typographie. Với vật liệu hợp kim, công nghệ in của Gutenberg trở nên vượt trội so với những gì mà người Trung Quốc đã nghĩ ra: những bản in trở nên tinh xảo hơn, sắc nét hơn, đồng thời dễ bảo quản hơn. Chiếc máy in được làm bằng gỗ theo nguyên tắc mặt phẳng ép mặt phẳng, có công suất in lên tới 100 tờ/giờ. Ông cũng là người đầu tiên sử dụng loại mực in bằng dầu gai và muội gỗ thông vào công nghệ in và với cải tiến này, bản in trở nên đậm nét hơn, bền hơn nhiều lần so với những bản in sử dụng loại mực nước trước đây.

Sự bùng nổ của tri thức không những được hỗ trợ bởi công nghệ in ấn mà còn là sự hoàn thiện của công nghệ sản xuất giấy. Giấy là sản phẩm được phát minh ở Trung Quốc. Nhưng được phát triển tốt nhất ở châu Âu, Friedrich Gottlob Keller (1816 - 1895) là người phát minh ra loại giấy làm từ bột gỗ. Vào năm 1850, máy mài gỗ ra bột được phát minh nhằm mục đích cung cấp sản lượng bột gỗ cho ngành sản xuất giấy. Nếu lúc này những tờ xuyến chỉ ở Trung Hoa hay những tờ giấy bản ở Việt Nam vẫn là hàng cao cấp thì ở châu Âu, loại giấy công nghiệp được sản xuất hàng loạt với giá thành rẻ. Năm 1879, ở Đức có đến 340 xưởng mài gỗ bằng máy để làm giấy. Giấy được sản xuất ra nhiều bởi ứng dụng đa dạng của nó: làm bao bì bọc sản phẩm, làm bìa sách, làm giấy dán tường, vật liệu... nhưng quan trọng nhất là dùng trong công nghiệp in ấn. Giấy có tính ổn định, là vật liệu tốt nhất để in, vận chuyển và để tuyên truyền. Các ấn phẩm mang các giá trị tư tưởng, tri thức có giá thành rẻ thúc đẩy giáo dục phát triển. Cùng với các cuộc cách mạng tư sản, cách mạng cơ khí, nền khoa học của châu Âu đã có những phát triển vượt bậc.

Nhưng đáng chú ý nhất là sự ra đời của nguyên lý in lõm. Người ta khắc những hình vẽ, chữ (phần tử in) lên một bản đồng, sau đó tấm đồng được mài phẳng, cho ăn mòn. Thành phẩm của bản in là mực được lấy ra từ phần chìm của bản in. Người thợ kim hoàn người Thụy Sỹ tên là Urs Graf (1485 - 1528) đã cho ra đời các bản khắc ăn mòn bằng axit đầu tiên. Kỹ thuật in kim loại ngày càng được hoàn thiện. Bản in kim loại có chất lượng tốt hơn, dễ gia công hơn in khắc gỗ. Trong hành trình thám hiểm và khám phá thế giới, các nhà khoa học châu Âu đã sử dụng công nghệ in kim loại để minh họa các dữ liệu hình ảnh tìm được. Họa sĩ Francisco Goya (1746 - 1828) đã có hàng trăm tác phẩm tranh in khắc axit, đặc biệt trong đó có 47 bản tranh in khắc mô tả mặt trái cuộc chiến tranh Pháp với dân Tây Ban Nha.

Thế kỷ XVIII xã hội có nhiều biến đổi to lớn, báo chí ra đời đòi hỏi ngành in có nhiều cải tiến sao cho có năng suất cao hơn. Công nghệ đúc bản in bằng cách vỗ phông và đổ hợp kim chì để có nhiều khuôn in giống nhau ra đời cho phép in nhiều bản in giống nhau trên nhiều máy khác nhau cùng lúc. Đây là bước tiến quan trong về công nghệ nhưng hiện tại công nghệ này đã bị xóa bỏ vì quá độc hại.

Bắt đầu từ đầu thế kỷ XIX, ngành in chuyển sang thời kỳ công nghiệp hóa mạnh mẽ. Năm 1811, F.Koenig đã được cấp bằng sáng chế máy in có ống ép thay cho bàn ép, đưa công suất in lên 800 tờ/ giờ, khổ in lớn hơn loại máy trước. Năm 1831 xuất hiện máy in hai ống (in cuộn) do Alexanđrop chế tạo.

Vào những năm cuối thế kỷ XIX, người ta đã tìm ra nguyên tắc tự động hóa khâu sắp chữ bằng việc mã hóa các ký hiệu cần sắp ở dạng những lỗ có tọa độ khác nhau trên băng giấy và đưa vào máy đúc ra chữ theo lệnh đã ghi trên giấy.

Năm 1796, một họa sĩ người Tiệp Khắc tên là Aloys SeneFeldderr tình cờ phát minh ra kỹ thuật in lito (in phẳng) khi ông vẽ tranh lên tấm đá mài mịn và lợi dụng nguyên tắc đẩy nhau giữa nước và dầu nhờn. Phương pháp in Lito đã mở màn cho nghiên cứu ra phương pháp in mới là in offset (1798). Năm 1860, bản cao su bổ sung vào và phương pháp in offset chính thức ra đời.

Máy in đầu tiên chạy bằng hơi nước được thiết kế vào năm 1811 bởi kiến trúc sư người Đức Friedrich Koenig, với khả năng in ra khoảng 1100 trang/giờ. Máy in này sau đó đã được bán cho tạp chí Times và ở đây nó đã được cải tiến để có thể in lên cả hai mặt của tờ giấy.

Cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, hàng loạt các phát minh đã thay đổi mạnh mẽ ngành in: khám phá ra muối Cromat để tạo ra phương pháp hóa ảnh cho chế tạo khuôn in, tìm ra cách dùng hạt Trame để phục chế ảnh tầng thứ, tìm ra phương pháp phục chế mẫu màu bảng phương pháp ba màu cơ bản là Vàng, Đỏ, Sen (Yellow, Cygan, Magenta)... Những phát minh này đã làm thay đổi bộ mặt báo chí và ấn phẩm, thông tin được cập nhật liên tục hơn về hoạt động kinh doanh, văn hóa, chính trị mà còn có giá trị giải trí. Và chính phủ Anh đã từng ra điều luật đánh thuế báo chí rất cao (theo từng tờ báo) và nhận được sự phản đối gay gắt từ các phe phái chính trị khác.

Không nổi trội như công nghệ in offset, công nghệ in lưới được châu Âu biết đến ở khoảng cuối thế kỷ XIX. Năm 1907, Samuel Simon đã hoàn chỉnh công nghệ in lưới để đưa vào vận hành theo lối công nghiệp. Năm 1914, John Pisworth đã cải tiến đề in lưới có thể in chồng lớp nhiều màu, công nghệ này được áp dụng nhiều trong in vải.Ngoài các phương pháp in Typo, Offset, Ống đồng còn nhiều phương pháp in khác được nghiên cứu đưa vào ứng dụng như in Tĩnh điện, in Flexo, in Tampon, in Roneo.

Năm 1949, tập đoàn Haloid tại New York đã đồng ý chi tiền để biến ý tưởng của Chester Carlson - Người phát minh ra máy in khô - thành sự thực. Họ gọi công nghệ này là "Xerography" (tiếng Hy Lạp nghĩa là in khô), và sau đó tập đoàn này đã đổi tên thành Xerox - Tập đoàn in ấn lớn nhất thế giới hiện nay.

Cơ chế hoạt động của máy in này có thể được tóm gọn như sau: trục in sẽ được sạc tĩnh điện để tạo ra một điện thế có thể lên đến hàng vạn vôn, sau đó một luồng ánh sáng được quét qua bản gốc, gửi những hình ảnh từ bản gốc đến trục in, tạo ra sự khác biệt về phân bố điện tích trên trục in. Một loại mực bột đặc biệt sẽ được phun lên mặt trục in và dính vào trục in theo sự phân bố điện tích này. Cuối cùng, trang giấy được áp lên mặt trục in và sao lại hình ảnh.

Về cơ bản, một máy photocopy sẽ có ba trục: trục in để in lại những hình ảnh cần photo lên giấy, trục ép để ép chặt những hạt mực vào giấy và trục lau để lau sạch trục in, chuẩn bị cho một lần photo mới.

Không dừng lại ở đó, máy in Laser ra đời và được phát triển bởi Gary Starkweather, một nhà nghiên cứu thuộc tập đoàn Xerox vào năm 1969. Về cơ bản, những chiếc máy in laser cũng có cơ chế hoạt động tương tự như những máy photocopy, nhưng điểm cải tiến ở đây là chính là việc nâng cao tốc độ in. Với những văn bản đen trắng, máy in laser có thể cho ra 200 bản trong vòng chưa đầy một phút, và in màu là 100 bản/ phút - vẫn là một tốc độ cực kỳ lý tưởng.

Những chiếc máy in laser đầu tiên được bán với giá 8500 bảng Anh, con số nằm ngoài khả năng của nhiều người lúc đó. Trong khi hiện nay bạn có thể mua được một chiếc máy in laser tầm trung chỉ với giá khoảng 100 bảng và với 150 bảng, bạn đã có thể sở hữu những chiếc máy in tương đương với những chiếc có giá 3500 bảng vào năm 1985. Ví dụ trên cho thấy những tiến bộ vượt bậc của công nghệ in ấn trong việc đưa sản phẩm này đến gần hơn với thị trường tiêu thụ.

Chỉ một vài năm sau khi công nghệ in laser ra đời, năm 1970, tập đoàn công nghệ điện tử Maynard, Massachusett đã cho ra mắt một sản phẩm mới: máy in ma trận điểm. Máy in này hoạt động có phần giống với một chiếc máy đánh chữ: nó bao gồm đầu in có thể di chuyển được, những đầu in này sẽ chấm qua một băng mực và làm hiện mực lên trang giấy cần in. Với việc những ký tự được tạo ra bằng những điểm, số lượng phông chữ trở nên rất đa dạng.

Ngay khi vừa ra đời, máy in ma trận điểm đã trở thành món hàng được ưa chuộng trên thị trường bởi sự linh hoạt, đa dạng mẫu mã, đồng thời giá thành lại rất phù hợp với túi tiền của người sử dụng. Tuy nhiên, những chiếc máy in này đã nhanh chóng trở nên lạc hậu do tồn tại quá nhiều nhược điểm: in chậm, độ phân giải của bản in rất thấp, lại không có khả năng in được hình ảnh và quá ồn ào khi làm việc. Ngày nay, những chiếc máy in này chỉ còn được sử dụng vào việc in các hóa đơn tại các cửa hàng, siêu thị.

Công nghệ in phun ra đời nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu chuyển những hình ảnh sống động trên máy tính thành những hình ảnh trên giấy. Đúng với tên gọi của mình, công nghệ này hoạt động bằng cách "bắn" những bụi mực lên giấy nền để tạo ra những hình ảnh mong muốn. Mực in sẽ được phun qua các lỗ nhỏ theo từng giọt với một tốc độ rất lớn (khoảng 5000 lần/ giây). Do kích thước rất nhỏ của mỗi giọt mực (chỉ với kích thước của một...sợi tóc), bản in được tạo ra sẽ trở nên cực kỳ sắc nét. Với mật độ lỗ kim rất dày, độ phân giải gốc của máy in có thể lên tới hàng nghìn dpi (nghĩa là máy in có thể phun hàng nghìn giọt mực trên 1inch giấy in, bằng khoảng 2,5cm). Đồng thời, khả năng pha trộn màu sắc rất đa dạng từ các màu cơ bản, công nghệ này có thể tạo ra những màu sắc rực rỡ nhất mà bạn muốn có trên bản in.

Những năm 1960 có máy Monophoto filmsetter 600 và hệ thống sắp chữ điện tử chụp bằng tia âm cực hay tia laser. Ở khâu trước in đáng chú ý có ứng dụng kỹ thuật điện tử vào trong ngành chụp quang cơ và trong công đoạn bình bản. Ra đời các thế hệ tách màu điện tử (Chromaghraph), máy khắc màu điện tử (Helio Klischograph). Ở khâu in có các loại máy in một màu, hai màu, ba màu, bốn màu... in thẳng hoặc in đảo trang với công suất 15000 tờ/ giờ để in tờ rời và các máy in giấy cuộn để in các ấn phẩm 4/1, 4/2, 4/4 từ 1 đến 2 băng giấy. Máy in offset tờ rời và giấy cuộn hoạt động theo chế độ tự động, có thể điều khiển từ xa, tốc độ in lên đến 100.000 tờ/ giờ. Máy có thể lồng, tách đảo trang ấn phẩm.

Sự tiến bộ của ngành in ấn đưa các ngành nghề trong xã hội vào những thách trức mới. Tranh in có độ nổi bề mặt như tranh gốc, giá thành rẻ được xã hội tiêu thụ. Các dạng công nghệ in có thể in theo dạng đơn chiếc hoặc số lượng lớn. Dù ở dạng nào cũng có chất lượng cao và giá thành hạ so với các sản phẩm thủ công. Nếu như ở những năm 1995, các pa nô, áp phích chỉ có thể vẽ bằng tay, nếu áp phích lớn sẽ là một công trình mất nhiều công sức, chi phí, nhưng sẽ ghi dấu ấn cho đông đảo công chúng thì nay chỉ cần một lệnh in trong vòng vài tiếng, máy móc có thể làm được với diện tích rất lớn.

Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ in, ngành đồ họa thương mại cũng trở thành ngành thu hút được nhân lực. Nhưng các ngành mỹ thuật còn lại gặp phải rất nhiều thách thức: trên các bức tường trong gia đình, những bức ảnh, tranh in chiếm mất chỗ những bức vẽ nghệ thuật. Một tác phẩm tranh hoành tráng dễ dàng bị một bức pa nô che khuất. Những hình ảnh mới nhất, gây sốc nhất sẽ đến ngay với mọi người với chi phí gần như miễn phí. Xã hội loài người đang dấn thân vào một cơn bão hình ảnh, tin tức do ngành in nói riêng cũng như công nghệ thông tin gây ra. Đây là những thách thức mới nảy sinh mà con người sẽ phải đối mặt để tìm cách thích ứng, tìm ra lối thoát cho mỗi ngành nghề, cũng như thúc đẩy hướng đi cho nền văn minh nhân loại.

Những bước tiến vượt bậc trong công nghệ thiết lập những hình ảnh 3 chiều đã làm cho công nghệ in 3D không còn là chuyện viễn tưởng. Bạn có thể chuyển bất cứ hình ảnh nào thành những vật thể 3D: đèn pin, đồng hồ, iPod, và thậm chí là cả đồ ăn! Mặc dù mới ra đời và được nghiên cứu chỉ khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nhưng công nghệ này hiện nay đã xuất hiện trên thị trường, tất nhiên, với giá trên trời: từ 2500 đến 25000 bảng Anh cho một chiếc, và còn hơn thế nữa với những loại cao cấp.

Vậy, công nghệ này hoạt động ra sao? Trước tiên, bạn cần tạo ra một vật thể mẫu đã được số hóa trên máy tính để có thể chuyển nó thành một bản in ba chiều. Những thông số từ vật thể mẫu sẽ được gửi đến thiết bị in, thiết bị in sau đó sẽ tạo ra những lát cắt từ những chất liệu lỏng, sau đó "chồng" những lát cắt đó lên nhau để tạo ra một vật thể 3D thực sự từ một bản mẫu trên máy tính. Quy trình in tiêu tốn rất nhiều thời gian, vì nhiều khi bạn cần đến hàng nghìn, thậm chí hàng vạn lớp cắt để hoàn thành một bản in. Một mẫu thiết kế thu nhỏ của một tòa nhà chỉ với chiều cao khoảng 25cm có thể mất hàng ngày trời mới có thể hoàn thiện xong.

Tương lai của công nghệ in 3D là rất hứa hẹn, mặc dù nó mới chỉ ra đời trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Những nhà khoa học hi vọng rằng, trong một vài năm tới, một chiếc máy in 3D với khả năng tạo dựng nên những thiết bị điện tử phức tạp sẽ ra đời. Và ý tưởng này cũng đồng thời mở ra một tương lai nơi mà những nhà thiết kế có thể tạo ra ý tưởng của mình trên máy tính, "in" chúng ra thông qua những máy in 3D và thương mại hoá các sản phảm đó. Đó thực sự là một bước tiến, chứng minh khả năng sáng tạo của con người là vô hạn.

 

Tài liệu tham khảo

1. Huỳnh Trà Ngộ (2008), Đại cương về kỹ thuật in, Nxb Văn hóa Sài Gòn

2. Kiều Tố Uyên (2009), Phát minh kỹ thuật ấn loát ở Trung Quốc, http:// dotchuoinon.com

3. Lịch sử ngành in/ In ấn - Marketing, http://Box.vn