Nội san

NHỮNG GIÁ TRỊ TIÊU BIỂU CỦA NHÀ KÈN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

07 Tháng Sáu 2023

Nguyễn Hồng Hạnh

Học viên chuyên ngành Quản lý văn hóa K11,

 Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương

Tóm tắt: Nằm trên địa phận quận Hồng Bàng - một quận trung tâm của thành phố Hải Phòng, nơi trung tâm kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, nơi tập trung, hội tụ nhiều công trình văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo chứa đựng các giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc lớn - Nhà Kèn thành phố Hải Phòng là không gian văn hoá công cộng có vai trò như các thiết chế văn hoá cơ sở và hệ thống thiết chế công đoàn khác về chức năng, mục tiêu, được tập hợp bởi các yếu tố như: nhân lực, tài chính, vật chất cần thiết để thực hiện các chức năng được giao. Bằng phương pháp quan sát, nghiên cứu tư liệu, tác giả đã đưa ra ba giá trị cơ bản của không gian văn hoá công cộng này. Đó là giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc nghệ thuật và giá trị văn hoá. Việc nghiên cứu và xác định rõ những giá trị trên sẽ giúp cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của không gian văn hoá đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó cũng hỗ trợ các nhà quản lý văn hóa có những giải pháp thiết thực hơn trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý các hoạt động văn hoá tại Nhà Kèn trong thời gian tới.

1. Giá trị lịch sử

Nhà Kèn thành phố Hải Phòng được người Pháp xây dựng từ năm 1928, tại khu vực bên phải trước cửa Nhà hát thành phố, mục đích là để làm nơi diễn tập kèn đồng của quân đội Pháp. Nhà Kèn được xây dựng theo kiểu kiến trúc lục giác, các trụ bằng sắt, mái lợp tôn, lan can bằng gang. Năm 1960, sau khi thành phố có quyết định mở rộng quảng trường Nhà hát thành phố, cải tạo không gian đô thị, Nhà Kèn được phá bỏ và được xây dựng lại với quy mô lớn hơn tại vườn hoa Nguyễn Du nằm trên Dải trung tâm thành phố, mặc dù được xây dựng lại nhưng đến nay Nhà Kèn cơ bản vẫn giữ được thiết kế như ban đầu.

          Các thế hệ người Hải Phòng biết đến Nhà Kèn không chỉ bởi kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng; là minh chứng cho biết bao sự đổi thay, những thăng trầm lịch sử của thành phố suốt nhiều thập kỷ qua; mà nó còn đóng góp vào nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân ngay sau ngày nó được hoàn thành. Cho đến ngày nay, nơi đây không chỉ là điểm đến tham quan của du khách mỗi khi có dịp đến Hải Phòng mà còn là địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho nhân dân và du khách.

          2. Giá trị kiến trúc nghệ thuật

Nhà Kèn được xây dựng trên nền móng hình tròn đường kính dài 11m, cao 0,8m, diện tích 90m2, xung quanh là lối đi hình vành khuyên, bề rộng 8m, diện tích 550m2. Nhà Kèn có kết cấu bằng 8 cột hình tròn đường kính 0,8 m, cao 6m. Trên 8 cột này là mái nhà hình chóp nhọn 2 tầng lợp ngói đỏ, mỗi tầng chia làm 8 phần bằng nhau. Dọc theo viền mái được lắp đặt đèn chiếu sáng trang trí màu vàng. Chiều cao tổng thể của Nhà Kèn khoảng 15m.

Nhà Kèn hiện là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu, độc đáo còn nguyên vẹn được hình thành trong giai đoạn lịch sử đấu tranh, giải phóng dân tộc; minh chứng cho sự kết hợp, đan xen hài hòa giữa hai nền văn hóa Á - Âu, Việt - Pháp, sự pha trộn này đã góp phần tạo cho thành phố một nét đẹp đô thị riêng biệt. Ngay từ khi hoàn thành, Nhà Kèn của Hải Phòng đã nổi tiếng, được coi là công trình kiến trúc đặc sắc, ấn tượng, đồng thời được xếp hạng là một trong mười kiến trúc “bát giác” nổi danh nhất đất Việt, cùng với Lầu Bát Giác trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Láng, Bảo tàng Quân sự Việt Nam (Hà Nội), chùa Thiên Mụ (Huế), Tháp nước (Phan Thiết)... Kiến trúc Pháp trong giai đoạn kết hợp đã trở thành kiến trúc Đông Dương. Do vậy, dù là công trình mang kiến trúc phương Tây nhưng Nhà Kèn lại được thiết kế với nhiều đường nét kiến trúc giống với đình làng Việt.

3. Giá trị văn hoá

Các hoạt động văn hóa tại Nhà Kèn được tổ chức ngay sau khi Nhà Kèn được khánh thành tại vị trí vườn hoa Nguyễn Du (giai đoạn những năm 1960). Ra đời với sứ mệnh là phục vụ, đáp ứng đời sống văn hoá tinh thần, nhu cầu vui chơi, giải trí của con người, là nòng cốt trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương; là công cụ trực tiếp và đắc lực của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị; Phản ánh diện mạo văn hóa của cộng đồng, quốc gia, chất lượng cuộc sống, nhu cầu hưởng thụ các giá trị vật chất và tinh thần của nhân dân. Nhà Kèn thành phố Hải Phòng không chỉ mang giá trị lịch sử - kiến trúc nghệ thuật gắn liền với sự hình thành, phát triển và những thăng trầm của thành phố Hải Phòng, mà còn được khẳng định là hệ thống những giá trị sự kiện, lịch sử, kiến trúc, văn hoá ngoài trời chứa đựng những giá trị nhân văn mang bản sắc địa phương, phản ánh tinh thần yêu nước của nhân dân.

Nhà Kèn thành phố Hải Phòng đã và đang được chính quyền, nhân dân thành phố Hải Phòng phát huy tối đa các giá trị và công năng vốn có trong việc tạo không gian sáng tạo, trình diễn, sinh hoạt văn hoá, hưởng thụ các giá trị văn hóa; trao truyền, quảng bá, lan tỏa những sản phẩm văn hóa tới cộng đồng.

Thông qua các hoạt động văn hóa, chức năng của Nhà Kèn - công trình kiến trúc nghệ thuật đã được thể hiện một cách rõ nét: đó chính là không gian công cộng, là địa điểm sinh hoạt văn hóa công cộng mang dấu ấn lịch sử đã được thành phố và nhân dân phát huy một cách hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân và du khách, đóng góp vào việc xây dựng không gian đô thị của thành phố. Trong quá trình khai thác và sử dụng, không gian văn hóa Nhà Kèn được đánh giá là một giải pháp hữu hiệu hướng đến phát triển toàn diện, hiệu quả, xứng tầm với vị thế hiện có và sự phát triển trong tương lai của thành phố Hải Phòng. Có thể nói, giữ gìn và phát triển thiết chế, không gian công cộng Nhà Kèn là một vấn đề quan trọng vì nó liên quan trực tiếp tới chất lượng cuộc sống và tinh thần của người dân. Không gian công cộng còn là yếu tố tạo nên nét độc đáo và bản sắc của một thành phố, là yếu tố kết nối cộng đồng, góp phần tạo không gian sinh sống cho cư dân đô thị ngày một tốt, văn minh và sáng tạo hơn, làm phong phú, nổi bật thêm bản sắc văn hóa địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển nhiều mặt của đời sống xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Như Hoa (2002), Văn hóa vì sự phát triển xã hội, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Trần Phương (2006), Du lịch văn hóa Hải Phòng, Nxb Hải Phòng, Hải Phòng.

3. Trần Chiến Thắng (2009), Hoạt động văn hóa và sản phẩm văn hóa trong cơ chế   thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay vào năm 2009, đề tài khoa học cấp nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hà Nội.

4. Thủ tướng chính phủ (2009), Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng (Ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ – CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ).

5. Trần Thị Ngọc Nhờ (2020), Từ vai trò không gian công cộng trong xây dựng tiểu      văn hóa hướng đến một thành phố sống tốt, Luận văn thạc sĩ  Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội.

6. Nguyễn Xuân Kính (2013), Con người, môi trường và văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

7. Bùi Văn Tuấn (2021), “Xây dựng văn hóa đô thị và văn hóa quản lý ở các đô thị nước ta hiện nay”, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQG Hà Nội

8. Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng (2017), Đề án khôi phục tổ chức hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật tại Nhà Kèn trong vườn hoa Nguyễn Du.