Nội san

ỨNG DỤNG NGHỆ THUẬT HỘI HOẠ CỦA HOẠ SĨ TRƯỜNG CHĂM VÀO DẠY HỌC MĨ THUẬT Ở TRƯỜNG TIỂU HỌC

06 Tháng Sáu 2023

Nguyễn Văn Ngươn

Học viên K10- LL&PP dạy học bộ môn Mĩ thuật

Mĩ thuật là một môn học cần thiết và bổ ích cho việc phát triển tư duy toàn diện của các em học sinh. Tuy nhiên, thực tiễn dạy học Mĩ Thuật ở các trường tiểu học hiện nay nhất là các trường công lập cho thấy: nhiều giáo viên Mĩ thuật chưa chú đến việc sử dụng các biện pháp để phát huy tính sáng tạo của học sinh, chưa sát sao bồi dưỡng phát triển năng lực cảm thụ thẩm mĩ, năng lực tư duy, phát triển trí tưởng tượng sáng tạo cho học sinh…  Bài viết đề cập vấn đề ứng dụng nghệ thuật hội họa của hoạ sĩ Trường Chăm vào dạy học Mĩ thuật tại Trường Tiểu học, giúp học sinh hiểu thêm về phong cách nghệ thuật trong các tác phẩm, hiểu thêm về người hoạ sĩ cách mạng có tấm lòng yêu quê hương, đất nước. Qua đó, các em học sinh có cái nhìn mới hơn về nghệ thuật tạo hình để từ đó có niềm say mê, thích thú với môn học nhiều hơn, phát huy hết khả năng tư duy, sáng tạo, đồng thời biết trân trọng những giá trị nghệ thuật quý báu của thế hệ ông cha.

1. Tạo hình trong tác phẩm của họa sĩ Trường Chăm

Họa sĩ Trường Chăm sinh ra và lớn lên ở Bến Tre, vùng đất màu mỡ được phù sa bồi đắp, cây trái xanh tốt quanh năm, chính vì điều này mà màu xanh của lá cây như linh hồn trong tranh mỗi khi ông cầm cọ, màu xanh lá trở thành màu sắc quen thuộc như âm hưởng khúc ca vọng cổ của người Miền Tây, điểm chút màu vàng của nắng len lỏi qua khe lá dừa của quê hương…tạo nên một hòa sắc xanh tươi mát, nhẹ nhàng của bức tranh “vườn dừa Châu Thành”. Dưới con mắt của trẻ thơ, lứa tuổi tiểu học lá cây trong tranh luôn có màu xanh lục, bầu trời, mặt nước thì màu xanh lam, Trường Chăm hơn ai hết ông hiểu được cái nghĩ của trẻ từ nội dung, bố cục đến màu sắc. Từ màu xanh của trời, nước trong tranh “Sông nước Miền Tây” của họa sĩ Trường Chăm có sự chuyển hóa nhẹ nhàng, hình ảnh cây dừa, cô lái đò ẩn hiện, đẹp, nên thơ như một bức tranh thủy mạc. Với hai màu xanh ấy cũng đủ làm nên bức tranh “Lẻ loi” với hình ảnh chú vịt ngủ ngon dưới ụ dừa nước. Theo năm tháng màu xanh chín dần, đậm đà tạo nên nhiều tác phẩm độc đáo làm nên tên tuổi hoạ sĩ Trường Chăm của tỉnh Bến Tre hôm nay.

            Cái độc đáo trong sử dụng màu của họa sĩ Trường Chăm là kết hợp màu đen và nét của bút sắc với màu nước. Những mảng đậm, nhạt đan xen tạo những mảng màu trong trẻo, nhìn vào tranh của ông người xem có thể cảm nhận được màu da từ những bức chân dung, những nếp nhăn trên khuông mặt của “má Hai Thế” hay bầu má căng tròn của “chị Phin nữ diễn viên dân công giải phóng Bến Tre”. Họa sĩ Trường Chăm có cách sử dụng màu đơn giản gần gũi, nhìn vào bức tranh “Dòng sông quê hương” với gam màu nóng, dòng sông hiện lên trong trẻo, hiền hòa như một bức tranh lụa; nhưng cũng có lúc mạnh mẽ dâng trào với sắc vàng trên nền xanh đậm của bức tranh “đôi gánh quê hương”. Hay cái đậm đà của màu sắc trong bức tranh khắc gỗ “chất quê”, đạt giải “tặng thưởng” trong triển lãm khu vực III, đó là những mảng màu nóng đan xen với nét, người xem cảm nhận được công phu của họa sĩ đối với tác phẩm của mình như thế nào. Tất cả tạo nên một màu riêng biệt của một Trường Chăm, họa sĩ, người thầy trong hội họa tỉnh Bến Tre hôm nay.

Hình, nét cô đọng, biểu cảm mạnh mẽ, tranh của ông đường nét mềm mại uyển chuyển như điệu cười duyên của ông, nhưng cũng có lúc cứng cỏi chắc chắn vững chãi như khí chất của người lính thời chiến, người lãnh đạo trong những năm đầu của đất nước đổi mới. Tranh ông cũng có lúc kết hợp nhiều nét ngắn, đứt quãng, hụt hẫng, mạnh mẽ như trong cuộc chiến đầy đau thương mất mát, nhưng đầy anh dũng ác liệt tạo ra sự phấn khởi cho các em khi. Ký họa của Trường Chăm là sự hòa quyện của sông và xuồng, ghe, là hình ảnh cô lái đò ẩn hiện sau hàng dừa nước, là những bãi phù sa trãi dài bồi đấp, là cánh đồng lúa, vườn cây trĩu quả, là căn nhà được “lợp” bằng lá dừa nước cập mé sông, là những cồn cát. Tất cả cái đẹp nhất, tinh túy nhất của tỉnh Bến Tre nói riêng, vùng đồng bằng Nam Bộ được hoạ sĩ quan sát, chắt lọc đưa vào trong tranh một cách cẩn thận, mang tâm tình của người họa sĩ gửi cái đẹp của quê hương vào hội họa. Hình ảnh trong tranh của ông rất gần gũi và thân thuộc đối với các em học sinh.

2. Ứng dụng nghệ thuật hội hoạ của hoạ sĩ Trường Chăm vào giảng dạy theo sách Chân trời sáng tạo, bản 1 lớp 3

Để ứng dụng nghệ thuật hội hoạ của hoạ sĩ Trường Chăm vào dạy học Mĩ thuật Tiểu học một cách hiệu quả, ở phần này, tác giả sẽ ứng dụng cụ thể vào bài học khối lớp 3 với chủ đề: “mái ấm gia đình” bài “người em yêu quý”. Đây là một đề tài rất gần gũi và thú vị đối với các em học sinh lớp 3 cũng như việc ứng dụng hội hoạ trong tranh của hoạ sĩ Trường Chăm vào bài dạy. Việc thực hiện giảng dạy đối với học sinh lớp 3 trường Tiểu học Tân Trung với mong muốn các em cảm nhận được sự gần gũi, thân quen trong mỗi tác phẩm của hoạ sĩ từ đó liên hệ đến những người thân quanh mình, đưa ra được một số hình thức mĩ thuật theo chủ đề người em yêu quí, thể hiện được các sản phẩm mĩ thuật theo phong cách của hoạ sĩ Trường Chăm, đồng thời, cảm nhận được sự hài hoà của hình nét, mảng màu trong sản phẩm mĩ thuật. nhận ra vẻ đẹp thân thương của những người thân yêu quanh mình. Chủ đề: “mái ấm gia đình” bài “người em yêu quý” được thực hiện qua 2 tiết học. Tiết 1 giáo viên đi sâu giới thiệu, phân tích đặc điểm tranh chân dung và phong cách nghệ thuật trong tranh chân dung của hoạ sĩ Trường Chăm. Để tạo không khí cho tiết học, giáo viên cho học sinh hát bài hát “cả nhà thương nhau”. Giáo viên treo tranh họa sĩ Trường Chăm (tranh bà cháu) để khơi gợi cho học sinh về chủ đề bài học. Giáo viên giới thiệu chủ đề: Mái ấm gia đình - Bài: Người em yêu quý. Giúp học sinh đi vào hoạt động khám phá, giáo viên trình chiếu powerpoint tranh vẽ đề tài chân dung của họa sĩ Trường Chăm cho học sinh xem để học sinh hình dung ra người định vẽ và vẽ như thế nào? Giáo viên nêu một số câu hỏi thảo luận để học sinh cảm nhận được vẻ đẹp của ngững người thân yêu xung quanh mình. Giáo viên yêu cầu học sinh quan sát hình ảnh các bước vẽ tranh chân dung trong SGK lớp 3 trang 31 và thảo luận tìm ra các bước vẽ tranh chân dung chính diện. Giúp học sinh nắm rõ hơn cách vẽ tranh chân dung, giáo viên thị phạm để các em quan sát và ghi nhớ trước khi chuyển sang phần luyện tập sáng tạo, đồng thời giáo viên đưa ra một số câu hỏi dẫn dắt, định hướng các em làm bài tốt hơn:  Em thích vẽ chân dung tới ngang vai hay nửa người? Em vẽ ai trong gia đình mình? Người em định vẽ tóc dài hay ngắn? Đôi mắt to hay nhỏ? Gương mặt có đặt điểm gì nổi bật? Đang vui hay buồn? Trang phục như thế nào? Cần vẽ thêm gì để bài vẽ sinh động hơn?... Sau đó giáo viên trình chiếu powerpoint các bài vẽ chân dung của học sinh (bài vẽ nét) và tiến hành cho học sinh vẽ chân dung về người mà em yêu quý. Trong quá trình học sinh làm bài, giáo viên bao quát lớp, là người luôn đồng hành, giúp đỡ hỗ trợ những học sinh còn khi còn lúng túng để các em hoàn thành sản phẩm một cách hiệu quả nhất, hướng dẫn các em quan sát điều chỉnh màu cho phù hợp. Khi kết thúc thời gian thực hành, học sinh hoàn thiện bài vẽ, giáo viên tổ chức cho học sinh trưng bày tranh để các em cùng nhau nhận xét, đánh giá bài của mình và của bạn. Giáo viên khuyến khích học sinh trưng bày bài vẽ theo nhóm như: nhóm vẽ ông bà; nhóm vẽ cha, mẹ; nhóm vẽ anh, chị em. Giáo viên nêu một số câu hỏi gợi mở để học sinh thảo luận, chia sẻ về sản phẩm để từ đó học sinh tự rút ra kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Giáo viên lưu ý để học sinh ghi nhớ việc vẽ tranh chân dung là một cách thể hiện tình cảm của người vẽ với người mình yêu mến. Thông qua quá trình thực nghiệm dạy trên lớp, tác giả cũng thu được kết quả khả quan.

3. Các vấn đề rút ra từ việc ứng dụng nghệ thuật hội hoạ vào các bài giảng Mĩ thuật ở trường Tiểu học

         Việc ứng dụng nghệ thuật hội hoạ của hoạ sĩ Trường Chăm vào dạy học Mĩ thuật tiểu học là cần thiết. Thông qua những hình ảnh thân thuộc trong tranh của hoạ sĩ Trường Chăm sẽ giúp các em học sinh cảm thụ tốt hơn về đường nét và nội dung trong từng bức tranh. Điều đó càng tạo được sự hứng thú, say xưa trong tiết học. Các em học sinh thêm tự hào và trân trọng những giá trị văn hoá nghệ thuật trong tác phẩm của hoạ sĩ tại quê hương mình đang sinh sống.

          Đánh giá thực nghiệm sư phạm tại trường tiểu học Tân Trung, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre cho thấy sự hứng thú, say mê của học sinh đối với việc tìm hiểu cái đẹp, cái mộc mạc, dễ hiểu trong ngôn ngữ tạo hình trong mỗi tác phẩm của hoạ sĩ Trường Chăm. Đối với giáo viên cho thấy việc áp dụng tranh Trường Chăm vào bài học Mĩ thuật khối 3 là rất phù hợp, tạo hứng thú cho giáo viên sáng tạo thiết kế bài mới một cách tích cực hơn.

 

 

 

 

 

Các tác phẩm hội họa của hoạ sĩ Trường Chăm

Tranh chân dung của hoạ sĩ Trường Chăm)

Nguồn: [2]

Một số bài vẽ ứng dụng nghệ thuật hội họa của hoạ sĩ Trường Chăm vào bài thực hành của học sinh.

 

H1. Bài của HS Nguyễn Thanh Nhàn, lớp 3C, trường Tiểu học Tân Trung.

Nguồn: Nguyễn Văn Ngươn (2022)

H2. Bài của HS Nguyễn Phi Long,

lớp 3C, trường Tiểu học Tân Trung.

Nguồn: Nguyễn Văn Ngươn (2022)

 

 

 

       

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1.   Ngô Trần Ái (2005), Bồi dưỡng thường xuyên cho GV tiểu học – tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.  Nguyễn Lăng Bình, Phạm Thị Chỉnh (2000), Mĩ thuật và phương pháp dạy - Tập III Tài liệu đào tạo GV, Nxb giáo dục Hà Nội.
  2. Trường Chăm (2002), Những tác phẩm hội họa, Nxb Đại học Tp Hồ Chí Minh.
  3.    Trường Chăm (2002), Tranh kí hoạ, Nxb Đại học Tp Hồ Chí Minh.
  4. Lê Dân, Những tác phẩm hội họa của họa sĩ; Nxb Tp Hồ Chí Minh.
  5. Nguyễn Văn Huệ, Phạm Thị Hạnh Mai, Nguyễn Văn Thức, Tâm lý HS tiểu học.
  6. Nguyễn Thị Nụ, Hướng dẫn giảng dạy theo phương pháp dạy học tích cực môn Mĩ Thuật.
  7. Nguyễn Quân (2006), Ngôn ngữ của hình và màu sắc, Nxb văn hóa thông tin.
  8. Nguyễn Thu Tuấn (2012), Giáo trình phương pháp dạy học Mĩ thuật – Tập 1, Nxb Đại học sư phạm Hà Nội.