Nghiên cứu lý luận

Một số biện pháp giải quyết âm khu cao trong dạy học thanh nhạc cho sinh viên hệ ĐHSP âm nhạc, trường ĐHSP Nghệ thuật TW

05 Tháng Chín 2016

Vũ Thị Tươi [*]

 

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW là một trong những cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật, trong đó có giáo viên âm nhạc. Hiện nhà trường có 14 khoa, tại khoa Sư phạm Âm nhạc, sinh viên đến từ nhiều vùng miền khác nhau, độ tuổi từ 18 đến 25. Đa số các em là những người có năng khiếu ca hát, một số có năng khiếu hát bẩm sinh. Một số ít đã tốt nghiệp từ các trường trung cấp âm nhạc, phần đông sinh viên khi vào trường chưa qua đào tạo Âm nhạc. Do vậy, năng khiếu âm nhạc nói chung và năng khiếu ca hát nói riêng là chưa đồng đều.

 Trong những sinh viên nữ, phần đông sinh viên có giọng nữ cao gặp khó khăn khi hát ở âm khu cao. Qua điều tra quan sát cho thấy, họ hát ở âm khu cao rất yếu, mờ nhạt và không rõ lời. Việc thể hiện bài hát của những sinh viên có giọng nữ cao còn nhiều lúng túng và chưa hiệu quả. Nếu tìm hiểu biện pháp phù hợp giúp các sinh viên nữ ứng dụng kỹ thuật thanh nhạc để giải phóng được âm khu cao thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các em thể hiện tốt những ca khúc dành cho giọng nữ cao quy định trong chương trình. Góp phần nâng cao chất lượng ca hát cho sinh viên nói riêng và việc đào tạo thanh nhạc nói chung. 

 Giọng nữ cao

 “Giọng nữ cao (Soprano) là giọng hát cao nhất trong các loại giọng” [10; tr 70]. Giọng nữ cao có thể hát tốt những âm khu cao, với đặc trưng là âm thanh sáng, vang. Là giọng hát thực hiện được nhiều kỹ thuật hát như: Kỹ thuật hát liền tiếng, hát ngắt tiếng, hát nảy tiếng, hát lướt nhanh,…đồng thời có thể thể hiện được những tác phẩm đòi hỏi sử dụng nhiều kỹ thuật thanh nhạc của Việt Nam và trên thế giới.

Bàn về giọng nữ cao, nhà sư phạm thanh nhạc Panofka (1807 - 1887) xác định âm vực giọng nữ cao [17; tr.186]:

 Phân loại giọng nữ cao

Theo các nhà nghiên cứu về thanh nhạc như Mai Khanh, Hồ Mộ La, Trung Kiên, giọng nữ cao được phân chia thành ba loại giọng khác nhau:

Giọng nữ cao trữ tình (soprano - lyrico): là giọng hát có âm sắc mềm mại, tha thiết, uyển chuyển, khỏe khoắn thể hiện tốt những tác phẩm mang tính trữ tình.

Giọng nữ cao kịch tính (soprano - dramatico): là giọng hát khỏe, vang  trên toàn bộ âm vực, khi hát những nốt thấp hơi giống giọng nữ trung, phù hợp với các tác phẩm mang tính bi kịch.

Giọng nữ cao màu sắc (soprano - coloratura): là giọng hát âm sắc trong sáng, nhẹ nhàng, thanh thoát, có khả năng hát tốt những âm nảy (staccato) ở âm khu cao thể hiện niềm phấn khởi, vui sướng.

Từ những đặc trưng trên của giọng nữ cao, có thể thấy thuận lợi của giọng nữ cao là thực hiện tốt kỹ thuật thanh nhạc, phù hợp với những ca khúc đòi hỏi vận dụng thành thạo các kỹ thuật để thể hiện các nốt ở âm khu cao một cách hiệu quả nhất.

Một số kỹ thuật hát âm khu cao cho giọng nữ cao

Kỹ thuật hát liền tiếng

            Hát liền tiếng còn được gọi là kỹ thuật hát Legato. Là kiểu hát cơ bản nhất trong kỹ thuật thanh nhạc để thể hiện những ca khúc có giai điệu uyển chuyển, mềm mại, êm ái và duyên dáng. Muốn thực hiện tốt kỹ thuật hát liền tiếng, cần luyện tập những phương pháp hát như sau:

            Tư thế đứng thẳng, hít hơi nhẹ nhàng, dồn hơi thở xuống sâu rồi đẩy ra phía sau sao cho 2 bên xương sườn nâng lên. Nín hơi (giữ hơi) trong vài giây rồi đẩy âm thanh ra đều đặn và liên tục. Âm thanh khi đưa ra cần điều tiết cho tròn, vang và sáng.; Những chỗ có nốt luyến từ hai âm trở lên thì nên hát bằng các nguyên âm.

            Đối với giọng nữ cao, khi hát các âm khu cao thường dùng nhiều hơi thở hơn những âm khu trầm và âm khu trung, do vậy, trong quá trình hát, hơi thở trong bụng phải được điều tiết đều đặn, khống chế không đưa hơi ra hết một lúc, không để bụng xẹp đột ngột. Khi kết thúc mỗi câu hát, đòi hỏi hơi thở vẫn phải được khống chế cho đến khi lấy tiếp một hơi thở mới. Lúc bắt đầu tập, nên tập những bài tập có quãng hẹp, đơn giản. Dần dần mới tập những bài tập với mức độ khó tăng dần.

Ví dụ:

Kỹ thuật hát ngắt tiếng

            Hát ngắt âm còn gọi là hát Non legato là một trong những kỹ thuật hát cơ bản. Trong cách hát Non legato các âm thanh diễn ra không liền mạch mà từng tiếng rời nhau. Cách hát này rất có lợi cho việc luyện tập bật âm thanh ở những giai đoạn đầu mới học thanh nhạc.

            Phương pháp hát:  Trước mỗi câu hát phải lấy hơi đầy đủ, các âm phát ra phải giữ đều âm lượng, vị trí vang tốt; Khống chế và điều tiết hơi thở phù hợp với từng câu hát;  Khẩu hình mềm mại, gương mặt tươi, sáng, tự nhiên. Khi hát âm cao, cần chú ý nhấc hàm ếch mềm, kết hợp với nén hơi để âm thanh vang, sáng. Muốn đạt được kỹ thuật hát ngắt tiếng phải biết kết hợp âm thanh ổn định, hơi thở sâu và kỹ thuật nhấn trong từng nốt nhạc.

Kỹ thuật hát nảy tiếng

            Hát âm nảy hay còn gọi là hát staccato. Đây là một yêu cầu kỹ thuật của các giọng, nhất là giọng nữ cao. Âm thanh của âm nảy được phát ra linh hoạt, vang, nhẹ nhàng, trong sáng nghe như tiếng cười, tiếng chim hót và tiếng sáo. Hát âm nảy có nhiều tác dụng tốt cho việc phát triển giọng. Âm nảy làm cho thanh đới và bộ phận truyền âm dần dần hoạt động được linh hoạt. Cách hát bật âm thanh trong kỹ thuật hát nảy tạo thói quen tốt khi hát liền tiếng. Ngoài ra, tập âm nảy tạo điều kiện tốt cho việc phát triển âm khu và giúp khắc phục những tật hát sâu, gằn cổ, giọng mũi và giọng cổ.

            Trong các tác phẩm thanh nhạc, hát âm nảy thường được sử dụng để diễn tả tình cảm vui tươi, rộn ràng hoặc tiếng cười, tiếng chim hót…

            Để mang lại hiệu quả khi thực hiện kỹ thuật hát nảy tiếng, cần thực hiện theo phương pháp như:

            Khi hát âm nảy, cần chú ý buông lỏng hàm dưới, không chúm môi lại, môi trên hơi nhếch lên để hở hàm răng trên như khi cười, càng lên cao miệng càng mở rộng. Vị trí âm thanh phải nông như phát ra từ âm thanh hàm trên.  Hơi thở hít vào một cách tự nhiên, nén liên tục và đẩy nhẹ nhàng, không nên bật hơi ra theo từng nốt nhạc, mà mỗi nốt nhạc được cất lên cùng với sự điều tiết cơ bụng mà, cố gắng giữ cho bụng ổn định và mềm mại. Khi hát đẩu có thể hơi nghiêng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hát các âm nảy. Đảm bảo khi hát âm nảy, âm thanh cần gọn gàng, sắc và rõ ràng từng âm một.

Hát lướt nhanh (Passage)

Hát lướt nhanh là cách hát những giai điệu một cách linh hoạt, rõ ràng, gọn gàng, tốc độ nhanh. Đó là một yêu cầu quan trọng trong nghệ thuật ca hát. Giọng hát nào cũng có thể hát lướt nhanh và cần luyện tập phát triển kỹ thuật hát lướt nhanh. Tuy nhiên, có những giọng thuận lợi, có những giọng khó khăn. Những giọng cao, nhẹ nhàng, sẵn có điều kiện tự nhiên, thuận lợi cho việc tập hát lướt nhanh hơn là những giọng trầm. Kỹ thuật lướt nhanh đặc biệt thuận lợi cho giọng nữ cao màu sắc (soprano - colorature), để biểu hiện những yêu cầu kỹ thuật linh hoạt, trong sáng, tươi vui của những bài hát thích hợp với giọng hát này. Tuy nhiên, hát lướt nhanh này chỉ áp dụng với những sinh viên có giọng hát thuận lợi và có kỹ thuật thanh nhạc cơ bản.

Để phát triển kỹ thuật hát lướt nhanh, chủ yếu là tập những bài tập mẫu âm theo mức độ từ dễ tới khó, từ ít nốt tới nhiều nốt theo tốc độ tăng dần. Khi tập hát lướt nhanh cần chú ý hít hơi thở sâu và nhanh, khi đẩy hơi phải nhẹ nhàng, liên tục, âm lượng không quá to, không nên đưa hơi ra đột ngột. Âm thanh bật ra phải nhẹ nhàng, dứt khoát. Luôn luôn chú ý tới sự chuẩn xác cao độ, hàm dưới buông lỏng, hàm cứng sẽ ảnh hưởng không tốt tới âm thanh và cao độ. Khi hát phải luôn rõ ràng, nét tiếng, chính xác từng nốt một dù hát ở tốc độ nhanh.

Ví dụ 2:

Vận dụng các kỹ thuật thanh nhạc vào giải quyết âm khu cao trong ca khúc “Khúc hát ru của người mẹ trẻ”.

Toàn bộ đoạn a, giai điệu được tiến hành ở âm khu trầm, các quãng chủ yếu là những quãng bình ổn, âm hình tiết tấu là những nốt có trường độ cơ bản (đen, đơn, móc kép), co và dãn đều nhịp nhàng như nhịp võng đưa đã vẽ lên hình ảnh ngây thơ mà hết sức đáng yêu của trẻ thơ “đôi làn môi”, cùng “bầu sữa” của mẹ.

Sang tới đoạn b, ngay câu đầu tiên với bước nhảy quãng 8 (d1 - d2 ) rồi đẩy lên nốt e2, đưa giai điệu bay lên âm khu cao (âm khu cao được tiến hành theo kiểu nhảy quãng xa) rồi đi xuống theo kiểu bậc thang. Câu 2 bắt đầu với các nốt được tiến hành ở bè trầm như báo hiệu có sự thay đổi về mặt giai điệu, các nốt được đẩy dần lên cao với sự xuất hiện của dấu hóa bất thường ở bậc VI sau đó phát triển hẳn lên cao trào chính của tác phẩm. Cao trào gồm 1 loạt các nốt được tiến hành ở âm khu cao như: c2 - d2 - e2 - fis2 như muốn nói lên nỗi lòng của người mẹ mong con khôn lớn, trưởng thành với tâm hồn trong sáng, tuyệt đẹp.

Có thể thấy với giai điệu mềm mại, ca từ ý nghĩa bài hát Khúc hát ru của người mẹ trẻ đã thật sự đi vào long người nghe, nhất là những người đã và đang chuẩn bị là mẹ.

Bài hát có tầm cữ rộng quãng 13:

Âm vực của bài hát thuận lợi cho giọng nữ cao trữ tình.

            Như đã phân tích ở trên, âm khu cao của bài chủ yếu tập trung ở đoạn b. Do vậy, cần tiết chế hơi thở để đưa âm thanh lên khoảng vang ở đầu, đặc biệt là các nốt ở âm khu cao. Nếu ở đoạn a hát nhẹ nhàng, bay bổng thì sang đoạn b cần hát mạnh mẽ hơn.

Ô nhịp 39, cao trào nhỏ chuẩn bị cho sự phát triển để hình thành cao trào chính ở ô nhịp 40 bằng loạt các nốt đi lên liền bậc.

Khi hát câu hát trên, nhất là ở nốt Fis2 cần nén chặt hơi, âm thanh đưa ra vang, sáng, tha thiết, nguyên âm “i” khẩu hình mở ngang, hát như khi cười. Ánh mắt nhìn xa và nụ cười có hồn, kết hợp với động tác của tay. Thể hiện sâu sắc tình cảm thương yêu trìu mến mẹ dành cho con.       

Trên đây là một số biện pháp giải quyết âm khu cao trong dạy học thanh nhạc. Các bước giải quyết âm khu cao tiến hành từ cách tiếp cận văn bản, phân tích nội dung, cấu trúc, tìm ra đặc điểm âm khu cao của bài hát từ đó chọn phương pháp giải quyết phù hợp nhất giúp sinh viên thể hiện bài hát một cách hiệu quả và nâng vao năng lực học tập thanh nhạc

 

                                                   

                                                Tài liệu tham khảo

1. Phạm Lê Hòa (2013), Giáo trình phân tích tác phẩm Âm nhạc, Nxb Âm nhạc Hà Nội.

2. Nguyễn Thụy Kha tuyển chọn (2001), Bài ca tuổi trẻ, Nxb Thanh niên Hà Nội

3. Mai Khanh (1982), Sách học thanh nhạc, Vụ đào tạo - Bộ văn hóa - Thông tin Hà Nội.

4. Nguyễn Trung Kiên (1982), Phương pháp học hát, Nxb Văn hóa - Hà Nội.

5. Nguyễn Trung Kiên, (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, NxbVăn hóa Dân tộc Hà Nội.

6. Nguyễn Trung Kiên (2014), Những vấn đề sư phạm Thanh nhạc, Nxb Âm nhạc Hà Nội.

7. Hồ Mộ La (2005), Lịch sử nghệ thuật Thanh nhạc phương Tây, Nxb Từ điển bách khoa Hà Nội.

8. Trần Ngọc Lan (2011), Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát, Nxb Giáo dục Việt Nam.

9. Hoàng Long - Hoàng Lân (2005), Phương pháp dạy học Âm nhạc, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

10. Ngô Thị Nam (1994), Âm nhạc và phương pháp giáo dục Âm nhạc, tập I  Nxb Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc