Nghiên cứu lý luận

Hát múa với sinh viên trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội

06 Tháng Chín 2016

Lê Duy Linh [*]

 

 

Nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật, các tiết mục hát múa trong đời sống xã hội và trong các trường đại học - cao đẳng nói chung và sinh viên trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội nói riêng là rất lớn và cần thiết, không chỉ đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần mà còn tạo dựng môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, ý nghĩa giáo dục cao.Trong bài viết này chúng tôi đề cập đến vấn đề dàn dựng hát múa cho sinh viên trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, nơi đào tạo những thầy cô giáo giáo dục thể chất trong tương lai.

Các chương trình văn nghệ, các ngày lễ, ngày hội là dịp để sinh viên được thể hiện bản thân, được hết mình với niềm đam mê, hứng thú nghệ thuật. Các chương trình đó không chỉ đơn giản là đem lại cho sinh viên những niềm vui mà nó còn gợi lên trong họ những xúc cảm, tình cảm với quê hương, đất nước, với con người và cuộc sống, góp phần mở rộng sự hiểu biết về xã hội, thiên nhiên và đất nước, làm cho đời sống tinh thần của sinh viên thêm tươi trẻ, trong sáng.

Tham gia vào các tiết mục trong chương trình văn nghệ còn giúp sinh viên phát triển thể chất. Ngoài ra múa, hát múa còn đòi hỏi sinh viên phải đồng thời hoạt động các quá trình tâm lý: Tri giác, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng và sáng tạo, từ đó góp phần phát triển trí tuệ cho sinh viên. Bên cạnh đó, thông qua nội dung của cả chương trình hay của từng tiết mục sẽ dần hình thành cho sinh viên các chuẩn mực đạo đức: Yêu nghề, yêu quê hương, Tổ quốc,  rèn luyện sự mạnh dạn và tự tin, hòa mình với tập thể với cộng đồng.

Về mặt điều kiện thực hiện dàn dựng tiết mục hát múa cho sinh viên trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, chúng tôi nhận thấy ngoài các yếu tố thuận lợi về sự ủng hộ phong trào văn hóa, văn nghệ của nhà trường, sự tham gia nhiệt tình của các sinh viên, điều kiện tập luyện âm thanh, ánh sáng, phòng tập khá đầy đủ thì những tố chất về kỹ năng động tác chuyên ngành giáo dục thể chất của sinh viên đang tồn tại cùng lúc 2 mặt: sinh viên chuyên ngành giáo dục thể chất có tố chất thể lực và khả năng tiếp thụ động tác múa khá nhanh, khả năng vận dụng các động tác thể dục, võ thuật khá phong phú và dễ gây ấn tượng độc đáo, nét riêng đối với người thưởng thức. Song, sự nhanh, mạnh của thể dục thể thao đôi khi lại là những hạn chế, ảnh hưởng tới sự duyên dáng, tinh tế theo tính chất, yêu cầu của một số tiết mục. Bên cạnh đó, yếu tố về hình thể cũng là một vấn đề cần quan tâm khi dàn dựng hát múa: sinh viên chuyên ngành giáo dục có đầu vào về hình thể khá cao, phần lớn sinh viên có chiều cao và cân nặng khá tốt, vì vậy, đôi khi chọn được đội hình đồng đều lại chủ yếu là các sinh viên có chiều cao trên 1m70, 65kg đối với nam và trên 1m60, 50 kg đối với nữ. Với chiều cao và cân nặng như vậy, đôi khi việc thể hiện sắc thái, xử lý động tác khá khó khăn (bế, kiệu, nhào lộn,...), ảnh hưởng tới yêu cầu về sắc thái tinh tế đối với tác phẩm.

Thể lực tốt, thuận lợi cho việc đảm bảo sức khỏe luyện tập, phần lớn sinh viên của nhóm hát có giọng hát khỏe, song tiết tấu, nhịp, cữ âm lại không ổn định vì vậy, thường xảy ra hiện tượng chênh, phô, thiếu tinh tế trong xử lý tác phẩm hát. Vì vậy, yêu cầu đối với đạo diễn khi dàn dựng các tiết mục hát múa, ngoài sự trau chuốt rèn luyện về giọng hát, cách hát cho các diễn viên, còn đòi hỏi thêm việc rèn luyện, uốn nắn về động tác để đảm bảo những yêu cầu về múa cho tác phẩm dàn dựng.

 

Màn biểu diễn Aerobic của sinh viên K 44, Trường ĐHSP Thể dục Thể thao Hà Nội (Nguồn: st)

 

Những năm qua, phong trào văn hoá văn nghệ ở trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội đã có những bước phát triển đáng phấn khởi. Tuy vậy, kết quả đạt được còn chưa phản ánh hết tiềm năng của phong trào, nhất là về mặt phương pháp biên tập, xây dựng và dàn dựng các tiết mục hát múa. Hạn chế này một phần do lực lượng dàn dựng phong trào phần lớn và chủ yếu vẫn xuất phát từ lòng nhiệt tình, tình yêu nghề hoặc tinh thần trách nhiệm khi được phân công, kết quả đạt được chủ yếu do tìm tòi, tự học trên kinh nghiệm là chính.

Vì vậy, theo chúng tôi, muốn tổ chức dàn dựng hát múa cho sinh viên trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, phù hợp với các điều kiện, cơ sở vật chất của nhà trường, năng lực của sinh viên, đáp ứng được mục tiêu của chương trình đào tạo phải dựa trên một số tiêu chí và các giải pháp cụ thể:

1. Các tiêu chí lựa chọn

Tiêu chí về hát

Khi tổ chức những hoạt động ca hát, người làm chuyên môn phải xác định những tiêu chí của đối tượng về khả năng thẩm âm, nhạc cảm, kỹ thuật, chất giọng, hát chính xác về cao độ, trường độ, sắc thái của ca khúc. Bên cạnh đó, điều quan trọng hơn là phải biểu cảm trên cơ sở đã thẩm thấu tác phẩm (ca khúc) để có thể trình diễn mang những xúc cảm, tâm hồn mới đến người nghe. Tuy nhiên để làm được điều đó, chắc chắn phải có điều kiện trong một thời gian dài để khổ luyện, kết hợp sự đào tạo bài bản với khả năng thiên phú một cách thường xuyên, có định hướng. Đặc biệt, hát đang được phân loại thành nhiều phong cách khác nhau thì định hướng đào tạo để phát huy năng lực sở trường ấy cũng khác nhau. Do đó những tiêu chí để đánh giá một ca khúc được biểu diễn bởi một người có tính chất nghiệp dư, thông thường chỉ cần dựa vào những yếu tố: Yếu tố về nội dung, tư tưởng chủ đề của tác phẩm, yếu tố hiệu quả về nghệ thuật, sự độc đáo và sức biểu cảm, nhờ vào việc kết hợp với các yếu tố phụ trợ như âm nhạc, ánh sáng, âm thanh, sân khấu và không khí của không gian biểu diễn.

Tiêu chí về múa

Múa là một loại hình nghệ thuật có ngôn ngữ biểu cảm chủ yếu là ngôn ngữ hình thể, phối hợp với thái độ được dẫn dắt bởi âm nhạc. Do đó, múa cũng được thể hiện những đặc thù đặc trưng nhất để biểu cảm về mặt tạo hình.

Để đánh giá cũng như yêu cầu những tiêu chí của múa dù là chuyên nghiệp hay không chuyên đều dựa theo những yếu tố sau:

- Múa phải được khai thác từ những chất liệu phù hợp mang đặc trưng tính cách mỗi vùng miền, phục vụ cho chủ đề - tư tưởng của một tác phẩm cụ thể.

- Múa thể hiện phong cách đa chiều trong một khuôn thức thống nhất, làm nổi bật hai đặc trưng cơ bản của múa là tính ước lệ và tính cách điệu trong một không gian tương quan.

- Kỹ thuật múa phải đảm bảo về luật vận động, các tư thế, các cách khai thác, phối hợp từ đầu, thân, chân, tay và mặt phải thể hiện được một điều gì đó có ý nghĩa. Bởi nghệ thuật múa chính là nghệ thuật tạo hình. Điều này đòi hỏi phải chuẩn xác trong suốt quá trình vận động và tiết chế, khống chế sự vận động của cả nhịp thở, cơ, thần kinh.

Nghệ thuật múa xét đến cùng là đem đến những thông điệp chứa đựng về thẩm mỹ thông qua hình tượng được biểu đạt một cách độc đáo, hợp lý và đủ liều lượng. Mặt khác, khi đánh giá tiêu chí về nghệ thuật của múa cũng là đánh giá sự tổng hợp của tất cả các yếu tố: âm nhạc, ánh sáng, tư thế, hình khối, đường nét và màu sắc cũng như những hiệu ứng tinh thần và hiệu ứng vật chất mà hình tượng ấy đã biểu cảm.

Tóm lại, để đặt ra những tiêu chí cơ bản cho hát, múa hay các loại hình nghệ thuật biểu diễn đều có một xuất phát điểm làm căn cứ, đó là nhu cầu thẩm mỹ, nhu cầu tinh thần, nhu cầu thưởng thức của đối tượng trong một không gian, một môi trường nhất định. Do đó hát hay múa định hướng tới một đối tượng cụ thể, trong một môi trường và trình độ nhất định. Khi thỏa mãn tất cả các yếu tố này thì cái “đẹp” trong hát, múa mới được đánh giá một cách đúng mức.

2. Phương pháp dàn dựng tiết mục hát múa

Quy trình để xây dựng một tiết mục hát múa bao gồm các bước : Định hướng nội dung , chọn loại hình nghệ thuật tham gia để làm nổi bật nội dung tiết mục, sắp xếp bố cục tiết mục, viết kịch bản - lên ý tưởng dàn dựng tiết mục,  chạy chương trình và biểu diễn.

Thông qua nghiên cứu và phân tích các nội dung và thể thức trong quá trình tổ chức ở một số chương trình biểu diễn nghệ thuật, chúng tôi nhận thấy, để xây dựng một chương trình hay một tiết mục biểu diễn nghệ thuật đạt chất lượng như dự kiến sẽ là khó khăn vì lực lượng làm công tác này rất mỏng, thiếu tính chuyên nghiệp, Trong khi đó, nhu cầu xã hội thì đòi hỏi ngày một nhiều hơn về số lượng và cao hơn về chất lượng (các hoạt động này đã được tổ chức rất nhiều ở các trường học chuyên nghiệp và phổ thông). Như vậy, vấn đề xây dựng quy trình tổ chức chiếm một vị trí quan trọng, thiết yếu bởi thông qua một quy trình có thể dựa vào đó vận dụng và tổ chức được các chương trình đáp ứng phần nào cho những đòi hỏi của xã hội.

Dù ở dạng chương trình, tiết mục biểu diễn nghệ thuật  nào thì yêu cầu bắt buộc của quy trình thường gồm ba nội dung trọng tâm: Thiết kế tiết mục,  Công tác chuẩn bị, tổ chức thực hiện.

Trong các chương trình, tiết mục biểu diễn nghệ thuật, nếu không có hoặc không tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của quy trình tổ chức thì chắc chắn chúng ta đã bỏ qua một cẩm nang quý giá có tính chất nền tảng. Ở đây, chúng ta đang xây dựng tiết mục hát múa mà đối tượng của chúng ta là sinh viên đại học (cả diễn viên lẫn khán giả đều là sinh viên). Vậy, chúng ta cần xác định rõ đối tượng của một tiết mục để tiến hành các bước dàn dựng cho phù hợp.

Qua khảo sát, tìm hiểu tình hình thực tế của việc dàn dựng tiết mục hát múa tại cơ sở, có thể thấy được rằng với năng lực và tố chất cơ bản của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, việc dàn dựng tiết mục hát múa cho các em cần bám sát vào những điều kiện, năng lực, đặc thù là sinh viên chuyên ngành giáo dục thể chất, yêu tố sức khỏe, giọng hát đầy và khả năng tiếp thu động tác thị phạm nhanh là một lợi thế cần được khai thá, phát huy. Bên cạnh đó, việc lợi dụng các động tác chuyên môn trong luyện tập các nội dung thể dục thể thao (thể dục đồng diễn, aerobic, dancesport, võ thuật, nhào lộn,..), với các vận dụng và xử lý khéo léo của đạo diễn sẽ tạo ra những độc đáo và ấn tượng riêng mà chỉ sinh viên chuyên ngành Giáo dục Thể chất mới thực hiện được.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Dương Viết Á (2012), Tư duy đơn âm, đa âm và bản chất ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam đương đại, Tài liệu chuyên luận, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

2. Dương Viết Á, Đức Thịnh (2000), Tổ chức và dàn dựng chương trình biểu diễn ở cơ sở, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3. Bộ văn hoá - thông tin (1992), Mấy vấn đề văn hoá và phát triển ở Việt Nam hiện nay, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.

4. Minh Cầm - Đỗ Mạnh Thường (1982), Hướng dẫn hát tập thể, Nxb Kim Đồng.

5. Lê Ngọc Canh (2009), Phương pháp đạo diễn chương trình nghệ thuật tổng hợp, Nxb Văn hóa thông tin, Tp. Hồ Chí Minh.

6. Lê Ngọc Canh (2001), 100 điệu múa truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin – TT Nghệ thuật múa UNESCO Hà Nội.

7. Lương Kim Chung (1987), Thể dục chống mệt mỏi, Nxb Thể dục thể  thao, Hà Nội.

8. Huy Du, Trần Hoàng Trung (sưu tầm), (2003), 150 ca khúc dùng trong Sinh hoạt tậpthể, Nxb Lao động, Hà Nội.

9. Đào Ngọc Dung (1997), Những bài hát tập thể đồng ca, hợp xướng I-II-III, Trường CĐSP Nhạc họa TW, Hà Nội.

10. Đào Ngọc Dung (2003), Phân tích tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

11. Lê Thế Hào, Nguyễn Thiết (1985), Chỉ huy và dàn dựng các tác phẩm âmnhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

12. Lê Văn Hồng, Ngọc Lan, Nguyễn Văn Thông (1998), Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.

13. Trần Đình Hượu (1993), Đến hiện đại từ truyền thống, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.

14. Phạm Khuê (1989), Sân khấu hoá- một thể loại diễn xướng, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.

15. Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp Sư phạm Thanh nhạc, Viện Âm nhạc, Hà Nội.

16. Nguyễn Trung Kiên (1982), Phương pháp học hát, Nxb Văn Hóa, Hà Nội

17. Hồ Mộ La (2008), Phương pháp giảng dạy Thanh nhạc, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

18. Vũ Tự Lân - Lê Thế Hào (2000), Chỉ huy và dàn dựng các tác phẩm âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa